label

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Công bố tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13

Công bố tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13
VATICAN. Sáng 19-6-2012, Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã mở cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh để giới thiệu Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 7 đến 28-10 năm nay về đề tài ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”.

Tài liệu làm việc dài lối 80 trang, được ấn hành bằng các thứ tiếng la tinh, Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Ba Lan. Văn kiện được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại công nghị các GM thế giới.
Hiện diện tại cuộc họp báo cũng có Đức Ông Fortunato Frezza, Phó Tổng thư ký Thượng HĐGM.

Tài liệu Làm việc được soạn thảo dựa trên các bản trả lời từ các nơi trên thế giới gửi về, theo 71 câu hỏi gợi ý trình bày trong Tài liệu Đề cương, (Lineamenta) công bố hồi tháng 2 năm ngoái.

Đức TGM Eterovic người Croát nói: ”Dưới sự hướng dẫn của ĐTC Biển Đức 16 là chủ tịch của Thượng HĐGM, các đại diện hàng GM toàn thế giới, trong một bầu không khí cầu nguyện, đối thoại và hiệp thông huynh đệ, sẽ suy tư về việc thông truyền đức tin Kitô. Đây là một trong những thách đố lớn của Giáo Hội, được đào sâu trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng. Vì thế hai khía cạnh của đề tài Thượng HĐGM có liên hệ mật thiết với nhau và bổ túc cho nhau. Mục đích việc tái truyền giảng Tin Mừng là thông truyền đức tin Kitô. Nghĩa vụ cấp thiết thông truyền cho các thế hệ trẻ Tin Mừng của Chúa Kitô - không làm gián đoạn tiến trình thông truyền đức tin - được diễn ra trong lãnh vực tái truyền giảng Tin Mừng”.

Suy tư của Thượng HĐGM được phong phú hơn nữa nhờ liên hệ với Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11-10 năm nay, trong lúc tiến hành Thượng HĐGM, theo quyết định của ĐTC qua Tông thư Tự Sắc ”Cánh cửa đức tin” (Porte fidei), nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và kỷ niệm 20 năm công bố sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo.
Tài liệu làm việc, là chương trình nghị sự của Thượng HĐGM, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc chuẩn bị công nghị. Đây là kết quả các bản trả lời tài liệu đề cương, một văn kiện suy tư về chủ đề của Thượng HĐGM được công bố ngày 2-2-2011. Tài liệu Đề cương đó đã được gửi tới 13 Công nghị các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tự quản, 114 HĐGM, 26 cơ quan trung ương Tòa Thánh và Hiệp hội các Bề trên tổng quyền dòng nam. Tất cả các cơ quan này đã gửi bản trả lời góp ý về Văn phòng Tổng thư ký Thượng. Văn phòng này cũng nhận được đóng góp của một số tổ chức và cá nhân tín hữu. Với sự trợ giúp của Hội đồng của Thượng HĐGM, Văn phòng Tổng thư ký cùng với một số chuyên gia đã soạn ra Tài liệu làm việc này. Đặc biệt cũng cần phải nói đến sự đóng góp của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Cấu trúc Tài Liệu Làm Việc

Trong Văn kiện này, ngoài lời tựa, nhập đề và kết luận Tài liệu được chia làm 4 chương lần lượt bàn về: Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa cho con người (I), Thời kỳ tái truyền giảng Tin Mừng (II), tiếp đến là ”Thông truyền đức tin” và chương sau cùng là ”Khơi dậy hoạt động mục vụ”.

- Trong phần nhập đ có trình bày về cơ cấu Tài liệu làm việc, giải thích ý nghĩa chủ đề Thượng HĐGM kỳ thứ 13, những điểm tham chiếu và những mong đợi từ phía các Giáo Hội địa phương, theo những bản trả lời được gửi về Roma.
Qua việc ấn định Năm Đức Tin, ĐTC Biển Đức 16 nhấn mạnh tầm quan trọng của Công đồng chung Vatican 2 đối với đời sống của Giáo Hội và công việc của Công nghị GM sắp tới. Vì thế, phần nhập đề cũng nêu bật tầm quan trọng của các Văn kiện Công đồng, được coi là điểm tham chiếu cho các GM Roma trong việc áp dụng các hướng đi và chỉ dẫn trong các thập niên sau đó, và rồi được cô đọng trong Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo.
Tài liệu làm việc thường nhắc đến Tông huấn của Đức Phaolô 6 về việc truyền giảng Tin Mừng (Evangelii nuntiandi), những giáo huấn của Chân phước Gioan Phaolô 2, và đặc biệt là Thông Điệp ”Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris missio) và Tông thư ”Ngàn năm mới đang tới” (Novo millennio inneunte). Văn kiện cũng trích dẫn nhiều tuyên bố của ĐTC Biển Đức 16, nhất là Tông thư ”Cánh cửa đức tin” (Porta fidei) và nhấn mạnh đến sự giải thích việc cải tổ, canh tân trong sự liên tục, khi đọc và đón nhận Công đồng, về Công đồng thực sự trở thành ”Một sức mạnh lớn lao cho sự canh tân luôn luôn cần thiết của Giáo Hội” (N.14).
Qua các câu trả lời của hàng GM, người ta thấy có những mong đợi Thượng HĐGM này mang lại những nghị lực mới cho các cộng đoàn Kitô và cống hiến những câu trả lời cụ thể cho những vấn nạn về việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Người ta cảm thấy cần có những phương thế mới và những kiểu diễn tả mới để làm cho Lời Chúa dễ hiểu trong các môi trường sống của con người ngày nay. Thượng HĐGM phải là cơ hội để đối chiếu và chia sẻ cũng như phân tích và trình bày những mẫu gương hoạt động để giới thiệu cho nhau, với mục đích khích lệ các vị Mục Tử và các Giáo Hội địa phương. Các bản trả lời mong ước rằng công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng giúp tái khám niềm vui đức tin và giúp tìm lại niềm hăng say phấn khỏi trong việc thông truyền đức tin.

- Chương thứ I của Tài liệu làm việc mang tựa đề ”Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa cho con người”.
Đón nhận những đề nghị trong nhiều bản trả lời, Tài liệu làm việc tái khẳng định nòng cốt đức tin Kitô mà nhiều tín hữu không biết tới. Đồng thời Tài liệu trình bày Tin Mừng của Chúa Kitô cũng là Tin mừng cho con người thời nay.
Tài liệu tái khẳng định ơn gọi nền tảng của Giáo Hội là loan báo cho con người Tin Mừng đã nhận lãnh và đang sống. Đức tin Kitô trước tiên là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Giêsu trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, là hoạt động của Chúa Thánh Linh, biến đổi cuộc sống của các tín hữu, làm cho họ được tham gia đời sống thần linh. ”Đối với Chúa Giêsu, việc rao giảng Tin Mừng nhắm mục đích đưa con người vào trong liên hệ mật thiết của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh” (N.22). Việc rao giảng Tin Mừng tự nhiên dẫn con người đến kinh nghiệm hoán cải, là giai đoạn không thể thiếu được trên con đường nên thánh. ”Giáo Hội loan báo và thông truyền đức tin, bắt chước hoạt động của chính Thiên Chúa, Đấng thông ban chính mình cho nhân loại bằng cách trao ban Con của Ngài, đổ tràn Thánh Linh trên con người để tái sinh họ như con cái Thiên Chúa” (N.36)

- Chương thứ hai của Tài Liệu Làm Việc bàn về thời kỳ tái truyền giảng Tin Mừng, cụ thể là những thách đố hiện nay được đề ra cho việc rao giảng Tin Mừng. Chương này cũng mô tả việc tái truyền giảng Tin Mừng.
Việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, vẫn luôn giống nhau, nhưng ngày nay đang phải đương đầu với một số hoàn cảnh xã hội mới mẻ, gọi hỏi Giáo Hội và đòi Giáo Hội những câu trả lời thích hợp để nêu rõ lý do tại sao Giáo Hội hy vọng (Xc 1 Pr 3,15). Đây là những thách đố mới mẻ đối với công cuộc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hiện nay, được mô tả qua những bối cảnh khác nhau.

Giáo Hội được kêu gọi phân định trong những bối cảnh ấy “để biến chúng thành những nơi loan báo Tin Mừng và cảm nghiệm về Giáo Hội” (N.51). Những bối cảnh ấy đã được trình bày trong Tài liệu đề cương, Lineamenta, nhưng câu trả lời của hàng GM đã góp phần làm cho chúng được diễn tả đầy đủ hơn. Đó là những bối cảnh khác nhau về văn hóa bị tục hóa, hiện tượng di dân, kinh tế, chính trị, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Trong đời sống của các Giáo Hội địa phương, người ta cũng nói đến những bối cảnh về truyền thông và tôn giáo. Nhiều bản trả lời nêu bật tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là nền văn hóa truyền thông và kỹ thuật số để phổ biến Tin Mừng. Về bối cảnh tôn giáo, người ta đào sâu cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. Cảm tạ Chúa Quan phòng, vì có nhiều tiến bộ quan trọng trong cuộc đối thoại của Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác, nhưng người ta cũng nói đến những chướng ngại, kể cả trong thời gian gần đây trên con đường do Chúa Giêsu đề ra trong lời nguyện của Ngài ”Ước gì tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21).. Về việc đối thoại liên tôn, Tài liệu nhấn mạnh tính chất thời sự của cuộc đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo lớn khác trên thế giới, nhắc đến những khía cạnh tích cực, nhưng không quên những khó khăn, nhất là tại những nước trong đó các tín hữu Kitô chỉ là thiểu số.

Thông điệp ”Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc”, ở đoạn số 33, đã tìm cách nêu rõ đặc tính của việc tái truyền giảng Tin Mừng. Về vấn đề này, thông điệp phân biệt việc rao giảng Tin Mừng nói chung, như hoạt động trường kỳ của Giáo Hội mà thời nay phải được đổi mới và sinh động hơn; rồi thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc việc giáo cho dân ngoại, nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho những ngừơi chưa nhận biết Ngài, và sau cùng Thông điệp nói về việc tái truyền giảng Tin Mừng cho những người đã được rửa tội, nhưng không được rao giảng Tin Mừng đầy đủ và cho những người xa lìa Giáo Hội, không thực hành đạo nữa. Sự phân biệt như thế được Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM Phi châu Africae munus lấy lại. Việc phân biệt này cũng được nhắc đến trong Văn kiện đạo lý về một số khía cạnh của việc rao giảng Tin Mừng do Bộ giáo lý đức tin công bố ngày 3-12-2007. Cả Tài liệu làm việc này cũng lấy lại quan niệm về 3 lớp trong tiến trình duy nhất của việc truyền giảng Tin Mừng: 3 khía cạch quyện vào nhau và bổ túc cho nhau (Lời tựa NN.85-8).

Trong công trình tái truyền giảng Tin Mừng, người ta mong ước một sự canh tân mục vụ thông thường trong các Giáo Hội địa phương, đồng thời cầu mong có một sự nhạy cảm mới mẻ, đòi hỏi một tinh thần sáng tạo và táo bạo theo tinh thần Tin Mừng, đối với những người đã xa lìa Giáo Hội. Trong tiến trình này, một chỗ đứng đặc biệt được dành cho các giáo xứ, ”được coi là cánh cửa sâu rộng nhất dẫn vào đức tin Kitô và kinh nghiệm về Giáo Hội” (N.81). Giáo xứ phải trở thành trung tâm lan tỏa truyền giáo và chứng tá về kinh nghiệm Kitô, cả khả năng đón nhận những người có những nhu cầu về tinh thần và vật chất. Để thực hiện được điều này, mọi phần tử của Dân Chúa đều có trách nhiệm và nhất là các linh mục. Về vấn đề này, hầu hết các câu trả lời đều nói đến tình trạng thiếu ơn gọi linh mục và đời sống thánh thiên, và yêu cầu một nền mục vụ vững mạnh về ơn gọi.

- Chương thứ ba của Tài liệu làm việc bàn về việc thông truyền đức tin: Mục đích của công trình tái truyền giảng Tin Mừng là thông truyền đức tin. Giáo Hội thông truyền đức tin mà chính mình đang sống. Tất cả các tín hữu Kitô đều được kêu gọi góp phần vào công trình này.

- Chương th mang tựa đề: Khơi dậy hoạt động mục vụ: Việc thông truyền đức tin trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng tái đề nghị những phương thế đã chín mùi trong Truyền thống và đặc biệt là trong việc rao giảng đầu tiên, việc khai tâm Kitô giáo và giáo dục, tìm cách thích ứng chúng với những hoàn cảnh văn hóa và xã hội ngày nay.
- Trong Phần kết luận: Tài liệu làm việc khẳng định rằng việc tái truyền giảng Tin Mừng phải cổ võ một đà tiến tông đồ mới mẻ, thành quả của một Lễ Hiện Xuống mới, làm cho hoạt động truyền giảng Tin Mừng thông thường của Giáo Hội trở nên năng động hơn, có khả năng thu hút cả những người đã xa lìa Giáo Hội và mang lại một động lực mới cho việc truyền giáo cho dân ngoại.

Tài liệu tái đề cao tầm quan trọng của Thánh Linh đối với công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Việc truyền giáo đầu tiên đã khởi sự vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Các Tông đồ đã nhận Thánh Linh trong lúc hội họp cầu nguyện tại Nhà Tiệc Ly với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu Kitô. Từ lúc đó, Mẹ Maria, Đấng đầy ơn phúc (Lc 1,28), hiện diện trên mọi nẻo đường truyền giáo, kể cả thời nay khi Giáo Hội cầu xin một lễ Hiện Xuống mới. Vì thế, Mẹ Thiên Chúa được kêu cầu với danh hiệu ”Ngôi Sao hướng dẫn công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng”.
Tái truyền giảng Tin Mừng không có nghĩa là ”Tin Mừng mới” vì Chúa Giêsu vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (Dt 13,8) (N.164). Theo lời Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, truyền giáo mới hay tái truyền giảng Tin Mừng có nghĩa là ”khơi dậy trong chúng ta đà tiến của thời kỳ đầu, để cho chúng ta được tràn ngập lòng nhiệt thành rao giảng của các tông đồ sau lễ Hiện Xuống” (Ngàn năm mới đang đến 40 in N.165). Tái truyền giảng Tin Mừng có nghĩa là ”nêu lý do tại sao chúng ta tin, thông truyền Lời Hy vọng cho thế giới đang khao khát ơn cứu độ” (N. 167). Trong hành trình ấy cần tái khởi hành từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng mang lại hy vọng và ban an vui cho những người rao giảng Tin Mừng để, với lòng nhiệt thành, được đổi mới và không chút sợ hãi, họ loan báo cho toàn thế giới Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa” để loài người tin” (N. 169)

Một vài ý tưởng nổi bật trong Tài Liệu làm việc:

Văn kiện phác họa một khung cảnh có phần ”đen tối” vì khủng hoảng đức tin tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu, tuy cũng có những dấu hiệu khích lệ cho tương lai.
Trong số các vấn đề được tài liệu nói tới có cả hiện tượng bàn giấy thái quá của Giáo Hội tại một số nơi, hiện tượng tục hóa, cử hành các nghi lễ phụng vụ vì thói quen. Chúng cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Văn kiện chào mừng sự triển nở của các nhóm canh tân trong Thánh Linh, khuyến khích sử dụng các phương tiện truyền thông mới.
- Sự bội giáo âm thầm: nhiều tín hữu Công Giáo không thực hành đạo nữa. Đó thực là một sự ”bội giáo thầm lặng” thực sự (n.69)
- Bệnh bàn giấy: Một sự bàn giấy hóa thái quá trong các cơ cấu của Giáo hội là điều đáng trách, các cơ cấu này bị coi như xa lạ với người thường và các mối quan tâm hiện sinh của họ (69)
- Các giáo lý viên: là những chứng nhân trực tiếp, những người rao giảng Tin Mừng không thể thay thế được, họ là lực lượng căn bản của các cộng đồng Kitô. Thượng HĐGM phải đặt câu hỏi xem có thể biến công việc của giáo lý viên thành một thừa tác vụ bền vững và được thiết lập trong Giáo hội hay không (108).
- Canh tân trong Thánh Linh: trong những thập niên gần đây có sự triển nở các nhóm và phong trào dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng. Đây thực là một hồng ân của Chúa Quan Phòng cho Giáo Hội (115)
- Giáo Hội học: Hơn một Giáo Hội địa phương xin Thượng Hội đồng GM kiểm chứng xem việc truyền giảng Tin Mừng ngày nay và việc huấn giáo không có kết quả, phải chăng trước tiên đó là một vấn đề Giáo hội học và tu đức? Người ta suy tư về khả năng của Giáo Hội thiết lập cơ cấu của mình thành một cộng đồng đích thực, trong tình huynh đệ thực sự, như một thân thể chứ không phải như một xí nghiệp (39)
- Các Giáo Hội bị bách hại: chứng tá đức tin, sự kiên trì, khả năng kháng cự, niềm hy vọng vững chắc, trực giác của họ về một số phương thức mục vụ là một hồng ân cần được chia sẻ với những cộng đoàn Kitô, tuy đã có những quá khứ vinh hiển, nhưng đang sống hiện tại với nhiều khó khăn và bị phân tán (75)
- Phụng vụ: nhiều người lấy làm tiếc vì các buổi cử hành phụng vụ hình thức và những lễ nghi lập đi lập lại hầu như vì thói quen, không có cảm nghiệm tinh thần sâu xa, làm cho người ta xa lìa thay vì thu hút họ (69)
- Gương mù: ngoài sự phản chứng của một số thành phần Giáo Hội (bất trung với ơn gọi, gương xấu, ít nhạy cảm đối với các vấn đề của con người ngày nay và thế giới hiện đại, không nên coi nhẹ mầu nhiệm sự ác (mysterium iniquitatis) (69)
- Những chướng ngại bên trong cản trở việc thông truyền đức tin hầu như giống nhau tại các nơi. Đó là những chướng ngại ở bên trong Giáo Hội, trong đời sống Kitô: một đức tin được sống riêng tư và thụ động; không cảm thấy nhu cầu giáo dục chính đức tin của mình; tách biệt đức tin khỏi cuộc sống (95)
- Những chướng ngại bên ngoài: trào lưu duy tiêu thụ và duy khoái lạc; chủ thuyết hư vô về văn hóa; thái độ khép kín đối với siêu việt làm cho người ta không còn khao khát ơn cứu độ (95)
- Các LM: Văn kiện tố giác tình trạng thiếu linh mục, vì thế số ít linh mục không thể đảm nhận một cách thanh thản và hữu hiệu việc điều hành sự biến đối cách thế hiện hữu của Giáo Hội (84)...
- Giáo Phái: Một số bản trả lời yêu cầu cảnh giác để các cộng đoàn Kitô không bị ảnh hưởng do các hình thức mới về kinh nghiệm tôn giáo, lẫn lộn lối rao giảng của Kitô giáo với cám dỗ bắt chước những nhóm giáo phái chiêu dụ tín đồ một cách gây hấn.
- Tục hóa: trong những năm gần đây, không cón những hình thức công khai của các diễn văn trực tiếp và mạnh mẽ chống lại Thiên Chúa, tôn giáo và Kitô giáo, tuy rằng trong một số trường hợp, những giọng điều bài Kitô, bài tôn giáo và bài giáo sĩ vẫn còn vang vọng gần đây (52)


G. Trần Đức Anh OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét