label

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

THƯ MỤC VỤ Đức Giám Mục Giáo Phận Tháng 7 năm 2012

THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 7 năm 2012
 
GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA
VÀ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI THẾ HỆ
KẾ THỪA TRONG TƯƠNG LAI
 
          Anh chị em thân mến,
          Trong bầu khí hiệp thông của gia đình giáo phận, tôi xin gửi lời chào thân ái, cùng lời chúc bình an và nguyện xin phúc lành của Thiên Chúa đến với toàn thể dân Chúa trong giáo phận. Cũng trong bầu khí đồng trách nhiệm của gia đình Thiên Chúa, tôi xin gửi đến anh chị em đôi nét về đường hướng mục vụ và tu đức của tháng 7, rút ra từ thực tế xã hội, và từ sự quan tâm chăm sóc mục vụ của các linh mục đang phụ trách các cộng đoàn, được bày tỏ trong dịp thường huấn vừa qua. Thư mục vụ có chủ đề “Gia đình của Thiên Chúa và trách nhiệm đối với thế hệ kế thừa trong tương lai”.
 
          1. Thách đố và trách nhiệm mục vụ đối với thanh thiếu niên ngày nay
          Trước hết, giáo phận ý thức về những thách đố trong chương trình mục vụ giáo dục thanh thiếu niên với những biểu hiện tích cực lẫn tiêu cực. Thực vậy, giáo phận ghi nhận rằng, vẫn có nhiều con cái của Giáo Hội là giới trẻ có lòng tha thiết gắn bó với Giáo Hội, vẫn còn tin tưởng tìm câu giải đáp cho cuộc đời mình từ sự hướng dẫn của Giáo Hội, vẫn quảng đại góp phần tích cực xây dựng Giáo Hội của Chúa. Tuy nhiên, giáo phận cũng đối diện với thực tế là có môt bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hôm nay biểu lộ thái độ hờ hững, thậm chí chối bỏ những giá trị tinh thần và thiêng liêng. Và vì thế, hậu quả thường xảy ra là thành phần giới trẻ này đang dần xa rời Giáo Hội, quay lưng lại những hướng dẫn của Giáo Hội, và hờ hững với những cử hành phụng tự. Trong bầu khí này, giáo phận, cụ thể là hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh, cần luôn ý thức rằng, thanh thiếu niên không thể là thành phần kém quan trọng trong gia đình giáo phận, vì giới trẻ đang làm nên Hội Thánh, đang góp phần xây dựng Hội Thánh, và là tương lai Hội Thánh. Với ý thức nền tảng này, hai câu hỏi được đặt ra để giáo phận đối diện với những thách đố từ giới trẻ:
          - Một là giáo phận phải làm gì để minh chứng Hội Thánh Chúa Kitô là dành cho giới trẻ và để giới trẻ thực sự thuộc về Hội Thánh?
          - Hai là giáo phận có kỳ vọng gì nơi giới trẻ để qua chăm sóc mục vụ dành cho giới trẻ, giáo phận đang định hình cho tương lai của Giáo Hội?
 
          2. Đường hướng mục vụ cho thanh thiếu niên
          Từ nhận thức về những thách đố và với tinh thần trách nhiệm, giáo phận nhận thấy cần phải đưa ra một chương trình mục vụ dành cho thanh thiếu niên của giáo phận. Nhờ thực hiện chương trình mục vụ này, giáo phận trước hết muốn trở thành hiện thân của Chúa Kitô Đấng yêu mến giới trẻ trong hình ảnh người thanh niên thiện chí khát khao kiếm tìm ý nghĩa cho đời mình (Mc 10, 21), từ đó giáo phận đối thoại với giới trẻ để giới thiệu khuôn mặt nhân lành của Chúa Giêsu cho giới trẻ ngày nay. Ngoài ra, theo ánh sáng của công đồng Vaticanô II với ý thức giới trẻ là tương lai của Hội Thánh(Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo số 2), chương trình mục vụ này phải là cách giáo phận bày tỏ lòng tin tưởng vào giới trẻ để mời gọi giới trẻ tích cực tham gia, hiệp thông, đồng trách nhiệm trong sinh hoạt phúc âm hóa của giáo phận đối với thế giới ngày nay. Nhất là, nhờ việc đón nhận giới trẻ như một phần chi thể trong nhiệm thể của Chúa Kitô, giáo phận soi mình trong cuộc đời và sự dấn thân của giới trẻ để có thể tuyên bố với con người thời đại rằng Hội Thánh thực sự là tuổi trẻ của thế giới, vì đang phản chiếu khuôn mặt tươi trẻ của Đức Kitô (Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân số 46).
 
          3. Giáo Phận là Mẹ và là Thầy của thanh thiếu niên.
          Với thái độ yêu quí, tin tưởng và hy vọng vào giới trẻ ngày nay, giáo phận đề ra chương trình mục vụ nhằm huấn luyện giới trẻ theo mô hình trưởng thành của Đức Kitô “Chúa Giêsu càng lớn lên về vóc dáng, càng khôn ngoan hơn, và càng nhân đức hơn trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2, 52). Nghĩa là, giáo phận hướng về một nền giáo dục toàn diện, với 3 lãnh vực, đức dục, trí dục, và thể dục, trong bầu khí thiêng liêng và hiệp thông của gia đình Thiên Chúa. Trong tiến trình giáo dục này, Giáo Hội đóng vai trò là Mẹ và là Thầy Mater et Magistra. Thực vậy, là Mẹ với tình mẫu tử và là Thầy với khôn ngoan và kinh nghiệm, giáo phận có trách nhiệm làm cho giới trẻ trưởng thành qua việc giáo dục bằng thái độ tình yêu có sức hoán cải. Giáo phận cũng muốn giới thiệu cho giới trẻ khuôn mặt hấp dẫn của Chúa Kitô trong Lời Chúa, Thánh Thể và Bác Ái. Như vậy, khuôn mặt Chúa Kitô mà Giáo Hội muốn giới thiệu với thanh thiếu niên ngày nay phải là khuôn mặt dễ mến toát lên sự hiền lành nhưng can đảm, khiêm nhường nhưng thẳng thắn, cảm thông với những yếu đuối nhưng không thỏa hiệp với những tiêu cực. Thực hiện được như vậy, giáo phận giới thiệu Chúa Kitô là một Adam Mới cho giới trẻ để họ cũng là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa giữa lòng đời (LG số 22), là hiện thân của Chúa Kitô Ngôi Lời Nhập Thể xây dựng tình liên đới nhân loại (số 32), và là hiện thân của Chúa Kitô là Alpha và Omega, để họ luôn hướng cuộc đời và sự nghiệp của họ về Trời Mới Đất Mới (Số 45).
 
          4. Chăm sóc mục vụ dành cho Thanh Thiếu Niên.
          Để thực hiện một cách cụ thể hơn, sự chăm sóc mục vụ dành cho thanh thiếu niên, giáo phận cần tập trung vào các nhóm nhỏ thanh thiếu niên. Các nhóm nhỏ này là rất đa dạng, có thể hình thành từ các hội đoàn của các cộng đoàn, có thể từ các môi trường sống, học tập hay hoạt động của thanh thiếu niên, có thể từ cùng một sở thích, cùng một hoài bão, cùng một lý tưởng của cuộc đời… Thật là cần thiết nếu có sự liên kết giữa những người có trách nhiệm trong gia đình, trong giáo xứ, giáo họ, trong trường học, mà chúng ta gọi chung là bậc phụ huynh, để tháp tùng các nhóm nhỏ này. Khởi điểm để chăm sóc mục vụ cho các nhỏm nhỏ này phải được thanh thiếu niên chấp nhận cho hiện diện với các nhóm của chúng để chúng ta là hiện thân của Đấng là Emmanuel - Thiên Chúa hiện diện trong cộng đoàn này. Là hiện thân của Chúa Kitô giữa các nhóm nhỏ, chúng ta cộng tác với Chúa Thánh Thần, để trong từng trường hợp cụ thể, với từng cá nhân độc đáo, chúng ta làm chứng cho những giá trị đích thực của phẩm giá con người là trở nên con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Thái độ cuối cùng mà thanh thiếu niên kỳ vọng nơi chúng ta là thái độ của Mẹ Maria và Thánh Giuse, đó là biết lắng nghe và tôn trọng chương trình của Thiên Chúa nơi thế hệ con em mình: “Cha mẹ không biết rằng con phải làm việc cho Cha con sao?”. Từ ý thức này, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho giới trẻ cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện định mệnh đời của chúng theo Thánh Ý của Thiên Chúa.
 
          Các thanh thiếu niên yêu quí của cha
          Với tình yêu và trách nhiệm cha dành cho thanh thiếu niên chúng con, cha ý thức rằng Hội Thánh Chúa Kitô có nhiều điều để nói với giới trẻ chúng con, và cha cũng cảm nhận được rằng, tuổi trẻ ngày nay cũng có nhiều điều muốn tỏ bày với Giáo Hội. Ý thức này sẽ dẫn đưa giáo phận vào cuộc đối thoại với giới trẻ chúng con, một cuộc đối thoại phải là thân tình, trong sáng, can đảm, không những làm phát triển sự trưởng thành của giới trẻ chúng con, vừa làm phát sinh sự canh tân và tươi trẻ cho Hội Thánh và cho xã hội. Quả thật, bằng cuộc đối thoại này, Giáo Hội được lời của Chúa Kitô nhắc nhở : “Nếu anh em không hoán cải nên giống như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Lc 9, 48). Theo ý nghĩa này, thanh thiếu niên chúng con trở thành niềm tự hào và niềm hy vọng của cha và của giáo phận. Xin cám ơn chúng con, và xin phúc lành của Chúa xuống trên tuổi thanh xuân của chúng con, để chúng con mãi mãi là dấu chỉ cho mùa xuân đầy sức sống của Hội Thánh.
           
          + GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
          GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét