label

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Lời cầu nguyện đem ánh sáng vào trong thế giới tối tăm

Lời cầu nguyện là kiểu làm quen ở với Thiên Chúa sinh ra các người nam nữ, được linh hoạt không phải bởi sự ích kỷ, ước muốn chiếm hữu, khát khao quyền bính, nhưng bởi sự nhưng không, bởi ước muốn yêu thương, khát khao phục vụ, nghĩa là được linh hoạt bởi Thiên Chúa. Và chỉ như thế mới có thể đem ánh sáng vào trong cái tối tăm của thế giới này.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên trong buổi tiếp kiến 8.000 tín hữu và du khách hành hương trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 20-6-2012.

Các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu; từ Á châu như Indonesia, Nhật Bản, Pakistan và Philippines; từ Úc châu như Australia; và từ châu Mỹ Latinh như Honduras, Colombia, Argentina, Chile và Mehicô và Brasil.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục các bài giáo lý về lời cầu nguyện trong thư của Thánh Phaolô. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến, lời cầu nguyện của chúng ta thường là lời xin trợ giúp trong các nhu cầu cần thiết. Nó cũng thường tình đối với con người, bởi vì chúng ta cần trợ giúp, cần người khác, cần Thiên Chúa. Vì thế xin Thiên Chúa điều gì đó, tìm sự trợ giúp từ Thiên Chúa thật là bình thường. Và chúng ta phải chú ý rằng Kinh Lậy Cha, lời cầu Chúa dậy chúng ta, là một lời cầu xin, qua đó Chúa dậy chúng ta biết các ưu tiên của lời cầu nguyện. Nó rửa sạch, nó thanh tẩy các ước mong của chúng ta, và như thế nó rửa sạch và thanh tẩy con tim chúng ta. Vì thế nên nếu trong lời cầu nguyện chúng ta xin điều gì đó là chuyện bình thường, thì lời cầu nguyện không được duy nhất như thế, mà cũng phải là lời tạ ơn nữa. Nếu chú ý một chút, chúng ta thấy rằng chúng ta đã nhận đưởc biết bao nhiêu điều tốt lành từ Thiên Chúa. Người tốt lành với chúng ta tới độ cần phải cảm ơn Người. Lời cầu nguyện cũng còn phải là lời chúc tụng nữa. Nếu con tim chúng ta rộng mở, thì mặc dù có tất cả mọi vấn đề chúng ta cũng thấy cả vẻ đẹp của thụ tạo và sự tốt lành trong đó nữa. Vì vậy chúng ta không được xin mà thôi, mà cũng phải chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa nữa. Chỉ như thế lời cầu nguyện của chúng ta mới đầy đủ. Trong các thư của thánh Phaolô có các lời cầu xin, nhưng cũng có các lời nguyện chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa vì những gì Người đã làm và thực hiện trong lịch sử nhân loại nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích lời cầu chúc tụng mở đầu chương 1 thư gửi tín hữu Êphêxô. Nó là một bài thánh thi chúc tụng, diễn tả lời cảm ơn và niềm vui. Thánh Phaolô chúc tụng Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, vì nơi Người Ngài đã làm cho chúng ta được ”biết mầu nhiệm ý muốn của Ngài” (Ep 1,9). Mầu nhiệm ”mysterion” là từ hay gặp trong Thánh Kinh và Phụng vụ. Đối với các tín hữu ”mầu nhiệm” không phải là cái không biết, cho bằng ý muốn xỏt thương của Thiên Chúa, chương trình tình yêu được biểu lộ nơi Chúa Giêsu Kitô, và cống hiến cho chúng ta khả năng hiểu biết cùng tất cả các thánh đâu là kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình yêu của Chúa Kitô” (Ep 3,18-10). Mầu nhiệm không được biết của Thiên Chúa đã được vén mở lên: đó là Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay từ đầu, từ đời đời.

Ở đây thánh Phaolô dùng từ ”euloghein” thường dịch từ do thái ”barak” tức là chúc tụng, vinh danh cảm tạ Thiên Chúa Cha như suối nguồn các ơn ích cứu độ, như là Đấng ”đã chúc phúc cho chúng ta với mọi phúc lành tinh thần trên trời nơi Chúa Kitô”. Và thánh Phaolô kể ra các lý do thúc đẩy thánh nhân chúc tụng Thiên Chúa. Trước hết là vì ”Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (c. 4), rồi kêu gọi chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện. Từ đời đời chúng ta đã ở trong chương trình, trong tư tưởng của Người. Với ngôn sứ Giêrêmia chúng ta cũng có thể khẳng định rằng Chúa đã biết chúng ta trước khi tạo thành chúng ta trong dạ mẹ (Gr 1,5), và Người đã yêu thương chúng ta. Ơn gọi nên thánh, nghĩa là bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, thuộc chương trình đời đời của Chúa, một chương trình trải dài trong lịch sử và bao gồm mọi người nam nữ trên thế giới này, vì nó là một ơn gọi đại đồng. Thiên Chúa không loại trừ ai hết, chương trình của Người chỉ là tình yêu. Thánh Gioan Kim Khẩu khẳng định rằng: ”Chính Thiên Chúa đã khiến cho chúng ta nên thánh, nhưng chúng ta được mời gọi sống thánh thiện. Người thánh là người sống trong đức tin” (Omelie sulla Lettera agi Efesini, 1,1,4).

Một lý do khác nữa của lời chúc tụng đó là ”Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử của Người nhờ Đức Giêsu Kitô” (c.5). Thánh Phaolô nhấn mạnh sự nhưng không của chương trình tuyệt diệu Thiên Chúa có đối với nhận loại. Thiên Chúa là sự tốt lành, và Người muốn trải đài, thông truyền sự tốt lành ấy cho chúng ta để làm cho chúng ta trở nên tốt lành và thánh thiện.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Trung tâm lời cầu chúc tụng minh giải phương thế Thiên Chúa Cha thực hiện chương trình cứu độ nơi Đức Kitô Con yêu dấu của Người. Thánh Phaolô viết: ”Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (c. 7). Hiến tế thập giá của Chúa Kitô là biến cố duy nhất không thể lập lại được, qua đó Thiên Chúa Cha đã cho thấy tình yêu của Người đối với chúng ta một cách sáng ngời, không phải chỉ trong lời nói mà một cách cụ thể. Thiên Chúa cụ thể và tình yêu của Người được cụ thể hóa tới độ bước vào trong lịch sử, làm người để cảm được nó là gì, sống trong thế giới thụ tạo này ra sao, và chấp nhận con đường khổ đau của cuộc khổ nạn bằng cách chịu chết. Tình yêu của Thiên Chúa cụ thể đến độ Người không chỉ chia sẻ kiếp người, mà chia sẻ cả khổ đau và cái chết của chúng ta nữa.

Hiến tế thập giá khiến cho chúng ta trở thành sở hữu của Thiên Chúa, bởi vì máu Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, rửa sạch chúng ta khỏi sự dữ, giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và cái chết. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta duyệt xét sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa đã biến đổi thánh nhân từ một người bách hại các kitô hữu trở thành Tông Đồ không mệt mỏi của Tin Mừng. Và không gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu ấy (Rm 8,31-32-38-39).

Sau cùng lời cầu chúc tụng kết thúc với việc nêu bật vai trò của Chúa Thánh Thần, đã được đổ tràn đầy trong tim chúng ta. Người là dấu ấn ”là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (c. 14). Kitô hữu vẫn còn đang bước đi trên con đường hướng tới ơn cứu độ vĩnh viễn, hướng tới sự giải thoát tràn đầy của các con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ thành toàn chương trình cứu độ của Người, khi Người sẽ ”quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền thủ lãnh là Đức Kitô” (c. 10).

Đức Thánh Cha tón tắt sứ điệp thần học của bài thánh thi như sau:
Viễn tượng mà thánh Phaolô trình bầy với chúng ta trong lời cầu chúc tụng vĩ đại này đã dẫn chúng ta chiêm ngưỡng hành động của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh: Chúa Cha đã chọn chúng ta, trước khi tạo thành vũ trụ Người đã nghĩ tới và yêu thương chúng ta; Chúa Con đã cứu chuộc chúng ta qua máu của Người, và Chúa Thánh Thần là bảo chứng ơn cứu độ của chúng ta và của vinh quang tương lai. Trong lời cầu nguyện chúng ta rộng mở cho sự chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại là chương trình tình yêu của Thiên Chúa trong lịch sử loài người, trong lịch sử cá nhân của chúng ta. Trong lời cầu nguyện liên lỉ, trong tương quan hàng ngày của chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta cũng học biết như thánh Phaolô, nhận ra ngày càng rõ ràng hơn các dấu chỉ của chương trình và hoạt động ấy, trong vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa nổi bật lên từ các thụ tạo của Người...

Trong lời cầu nguyện chúng ta học biết trông thấy các dấu chỉ của chương trình thương xót ấy trên con đường của Giáo Hội, và như thế chúng ta lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa và rộng mở cho Thiên Chúa Ba Ngôi...

Đừc Thánh Cha đã kết thúc bài huấn du như sau:

Lời cầu nguyện như kiểu làm quen ở với Thiên Chúa sinh ra các người nam nữ, được linh hoạt không phải bởi sự ích kỷ, ước muốn chiếm hữu, khát khao quyền bính, nhưng bởi sự nhưng không, bởi ước muốn yêu thương, khát khao phục vụ, nghĩa là được linh hoạt bởi Thiên Chúa. Và chỉ như thế mới có thể đem ánh sáng vào trong cái tối tăm của thế giới này.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Đồ Đào Nha, Ba Lan, Croat, Tchèques, Slovac và Hungari. Trong tiếng Ý ngài chào tín hữu giáo phận Saluzzo do Đức Cha Giuseppe Guerrini hướng dẫn về Roma hành hương nhân dịp mừng kỷ niện 500 thành lập giáo phận; các trẻ em mới rước lễ lần đầu của giáo phận Castellaneta; các thành viên gia đình đại kết Taddeide và cám ơn họ đã tặng ngài một qủa chuông.

Ngỏ lời với giới trẻ các người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc cho mọi nhớ tháng sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài khuyến khích các bạn trẻ hãy tập yêu mến theo trường học của Thánh Tâm Chúa. Ngài xin các anh chị em đau yếu kết hiệp khổ đau của họ với khổ đau của Con Thiên Chúa, và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới kín múc nơi suối nguồn tình yêu trong khi bắt đầu xây dựng cuộc sống chung của họ.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.


Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét