Tòa Thánh Vatican và Vatileaks
WHĐ (01.06.2012) – Ngày 30-05-2012, vào cuối buổi triều yết chung,
Đức Bênêđictô XVI nói với đông đảo các tín hữu hành hương: “Những sự kiện xảy
ra trong những ngày gần đây liên quan đến giáo triều và các cộng sự viên của
tôi khiến tôi đau lòng. Thế nhưng dù có sự yếu đuối về mặt con người, dù có những
khó khăn và thử thách, chúng ta vững tin rằng Giáo Hội được Chúa Thánh Thần hướng
dẫn. Niềm tin ấy không bao giờ suy suyển và Chúa không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội
trong hành trình của mình”. Rồi ngài nói thêm: “Tuy nhiên có những dư luận hoàn
toàn vô căn cứ, được các phương tiện truyền thông phóng đại. Những dư luận ấy đã
vượt quá sự kiện, cung cấp một bức tranh không đúng với thực tế về Tòa Thánh.
Vì thế tôi muốn khẳng định lại sự tin tưởng và khích lệ của tôi đối với các
nhân viên Tòa Thánh và tất cả những ai, ngày qua ngày, đang trung thành, tận tụy
và thầm lặng giúp đỡ tôi thi hành sứ vụ”.
Đây là lần đầu
tiên Đức Thánh Cha phát biểu sau khi xảy ra vụ việc rò rỉ thông tin mật của Tòa
Thánh, quen được gọi là Vatileaks.
Khuôn mặt được nhắc đến nhiều nhất là ông Paolo Gabriele, một giáo dân và là người
hầu cận của Đức Bênêđictô XVI – người được mô tả là Đức giáo hoàng thấy ông đầu
tiên khi thức dậy, và cũng thấy ông sau cùng trước khi lên giường nghỉ – đã bị
bắt vì tội ăn cắp những tài liệu mật của Tòa Thánh và chuyển đến cho giới báo
chí. Ngày 23 tháng Năm, người ta đã tiến hành lục soát nhà riêng của Gabriele
và tìm được hằng chục tài liệu mật của Tòa Thánh.
Trước vụ việc
này, người ta đã xôn xao khi Gianluigi Nuzzi, phóng viên tờ Libero, cho
xuất bản cuốn sách mang tựa đề Sua Santità (Đức Thánh Cha), trong đó ông
công bố nhiều thư từ và các bản tường trình lấy được từ bàn làm việc của Đức
Thánh Cha. Trước đó, báo chí Ý cũng đã từng công bố những lá thư của Đức Tổng
giám mục Carlo Maria Vagino – lúc đó còn là Tổng thư ký Văn Phòng Quốc Vụ
Khanh, nay là Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ. Trong những thư này, Đức TGM Vagino
trình bày với Đức Thánh Cha về tình trạng tham nhũng và thiếu minh bạch về tài
chính của cơ quan Tòa Thánh.
Những sự việc
trên gây ảnh hưởng trầm trọng cho uy tín của Tòa Thánh. Cha Lombardi, phát ngôn
viên của Tòa Thánh, khẳng định những hành động này “rõ ràng mang tính chất của
tội phạm hình sự”, và cho biết Tòa Thánh chính thức nhờ luật pháp can thiệp.
Không giấu giếm,
Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng những sự kiện trên đã khiến ngài phải đau lòng.
Tuy nhiên vấn đề không chỉ là những sự kiện mà còn là cách thông tin và giải
thích sự kiện. Đức Thánh Cha nói đến “những dư luận hoàn toàn vô căn cứ, được
các phương tiện truyền thông phóng đại”. Thật vậy, trong những ngày qua, đã có
những bài viết về cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Tòa Thánh, kể cả âm mưu
sắp xếp ngôi vị giáo hoàng, thậm chí có phóng viên còn mô tả Tòa Thánh là “ổ rắn
độc”!
Đức hồng y
Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa, nhận định: “Dứt
khoát là có những vấn đề. Tôi không phủ nhận. Trong lịch sử, đôi khi chúng ta
phải bước đi trong vũng bùn, ở mức độ nào đó, đây là điều không tránh khỏi. Hơn
thế nữa, trong kinh nghiệm của Chúa Giêsu, sự phản bội lại đến từ người gần gũi
Ngài. Ở đây chúng ta còn nói đến những gì nghiêm trọng hơn những sự việc vừa
qua, tức là đã và vẫn luôn luôn có sự nhấn mạnh quá đáng đến mức cung cấp một
hình ảnh không đúng với thực tế về Tòa Thánh”. Rồi ngài nói thêm: “Đáng tiếc là
phương pháp quen thuộc của truyền thông ngày nay là tập trung vào những chuyện
quá khích, các sự kiện được vận dụng để xây dựng những huyền thoại. Có dịp đi
nhiều nơi trên thế giới và trò chuyện với rất nhiều người trẻ, kể cả những người
không tin, tôi thấy rõ là có một “huyền thoại” về Giáo Hội và nó không phản ánh
đúng thực tại của Hội Thánh”.
Cũng có người
biện minh cho việc xuất bản các tài liệu mật này là để thanh tẩy và cải tổ Giáo
Hội. Đức Tổng giám mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho rằng
những lập luận trên chỉ là ngụy biện: “Cha mẹ tôi không những dạy tôi đừng trộm
cắp, mà còn dạy tôi đừng bao giờ nhận những thứ mà người khác ăn cắp. Có những
nguyên tắc đơn giản, có lẽ quá đơn giản đối với một số người, nhưng chắc chắn
là khi một người không quan tâm đến những nguyên tắc ấy, thì họ dễ bị lầm lạc
và đưa người khác đến sự hư hỏng. Không thể có sự canh tân nếu không tôn trọng
luật luân lý. Có lẽ những người đó chủ trương mục đích biện minh cho phương tiện,
thế nhưng đây là thứ nguyên tắc không hợp với tinh thần Kitô giáo”.
Được hỏi về phản
ứng của Đức Thánh Cha, Đức hồng y Ravasi cho biết: “Phải nói là tôi rất ấn tượng
về thái độ của ngài. Tôi mới gặp ngài đây. Ngài có vẻ bình an, điềm tĩnh, như
trước nay vẫn thế, khác hẳn những gì mà một vài cơ quan truyền thông mô tả. Nhưng
tôi không loại trừ ý nghĩ rằng trong tâm hồn ngài cũng có cảm giác của Chúa
Giêsu, cảm giác đau buồn vì bị phản bội. Không phải là nổi nóng hay giận dữ. Đó
là cách hiểu của tôi, còn Đức giáo hoàng không bao giờ tỏ ra điều đó. Mọi người
đều thấy ngài thanh thản. Đó không phải là sự thanh thản của người không biết
gì đến sự có mặt của cái ác, chắc chắn ngài biết những gì đang xảy ra và ngài
có cảm nhận luân lý mạnh về vấn đề này”.
Điều quan trọng
đối với Đức giáo hoàng là củng cố niềm tin của các tín hữu vào sự hiện diện và
hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong đời sống Hội Thánh, đồng thời củng cố sự hiệp
thông trong gia đình Giáo Hội. Vì thế ngài khẳng định “sự tin tưởng và khích lệ
đối với các nhân viên Tòa Thánh cũng như tất cả những ai đang trung thành, tận
tụy và âm thầm giúp đỡ tôi thi hành sứ vụ”.
Thiên Triệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét