label

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Thư Mục Vụ Đức Giám Mục Giáo Phận tháng 08/2012


THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 8 năm 2012
 
TRONG, VỚI VÀ VÌ
GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA
CÁC LINH MỤC TIẾP TỤC
CUỘC HÀNH TRÌNH ĐÀO TẠO
 
***
 
          Anh chị em thân mến,
          Cùng với Đức Cha Cố Gioan Baotixita, tôi xin gửi lời chào thân ái đến cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt là các anh em của chúng tôi trong chức linh mục. Hướng về ngày lễ thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng của các linh mục ngày 4/8, tôi muốn dùng lá thư mục vụ này, để tiếp tục triển khai đường hướng tu đức và mục vụ của giáo phận năm nay là xây dựng Gia Đình Thiên Chúa, nhưng đặc biệt hướng về các linh mục. Vì thế thư mục vụ tháng 8 có chủ đề: Trong, Với và Vì Gia Đình Của Thiên Chúa, các Linh Mục Tiếp Tục Cuộc Hành Trình Đào Tạo”.
 
          1. Đào tạo trường kỳ của các linh mục, tự nó là cần thiết cho sinh hoạt của Giáo Hội, và ngày càng trở nên cấp thiết hơn cho sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới hôm nay (PDV 70). Tài liệu “Đào Tạo Linh Mục – Định Hướng Và Chỉ Dẫn” của HĐGMVN, được Tòa Thánh chuẩn y và phê chuẩn ngày 30/10/2011, và được HĐGMVN ra sắc lệnh ban hành ngày 11/4/2012; tài liệu này đã dành trọn chương VII, từ số 423 đến số 486, đề cập đến giai đoạn đào tạo sau chủng viện.
          Theo tài liệu này, chương trình đào tạo linh mục bắt đầu là giai đoạn đào tạo mở đường dành cho các dự tu để bước vào giai đoạn đào tạo khai tâm trong chủng viện. Và giai đoạn đào tạo khai tâm là để chuẩn bị cho các ứng sinh linh mục bước vào giai đoạn đào tạo trường kỳ kéo dài suốt đời linh mục. Tài liệu “Đào Tạo Linh Mục” của HĐGMVN đề ra chương trình đào tạo trường kỳ với 5 trường hợp được ấn định:
1) Một (01) năm mục vụ sau khi tốt nghiệp chủng viện để chịu chức phó tế và linh mục.
2) Năm (05) năm đầu đời linh mục.
3) Các linh mục trung niên. 
4) Các linh mục về hưu.
5) Các linh mục gặp hoàn cảnh đặc biệt.
          Từ 10 năm nay, giáo phận đã có chương trình của riêng giáo phận thực hiện thường huấn dành cho các linh mục, tập thể cũng như từng nhóm; và giáo phận sẽ bổ túc chương trình thường huấn để áp dụng theo tài liệu trên.
          Tuy nhiên, tài liệu cũng lặp lại số 76 của tông huấn Pastores Dabo Vobis rằng: “Việc đào tạo trường kỳ, chính vì trường kỳ, nên phải luôn luôn không thiếu vắng trong đời sống linh mục, thuộc mọi lứa tuổi, và trong mọi điều kiện sinh sống, bất kể đang lãnh nhận trách nhiệm nào trong Giáo Hội”. Vì thế trong lá thư này, tôi xin gợi ý giúp cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt là các linh mục, suy tư, cầu nguyện và quan tâm đặc biệt đến lời mời gọi tiếp tục để Chúa Thánh Thần và Giáo Hội đào tạo, đồng thời hãy tự đào tạo trường kỳ trong, với và vì cộng đoàn dân Chúa. Lời mời gọi này được coi như đường hướng mục vụ và tu đức của giáo phận trong tháng 8 này.
 
          2. Trước hết, anh em linh mục chúng ta cùng chiêm ngắm cách thế mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã thực hiện cuộc thường huấn đặc biệt dành cho tông đồ Phêrô trên bờ hồ Tiberia (Ga 21,1-19). Ở thời điểm này, tâm hồn ông Phêrô, còn đang bàng hoàng và hối hận vì đã chối Thầy, nhưng cũng đang dạt dào lòng cậy trông vào ơn tha thứ qua cái nhìn của Thầy. Hiện thời, cùng với cộng đoàn các tông đồ, ông Phêrô đang bối rối vì tin đồn Thầy đã Phục Sinh (Ga 20,1-7), và cũng đang tràn trề hy vọng vì sẽ được gặp gỡ Thầy như lời hứa của Thầy (Mt 28,10). Trong bầu khí cộng đoàn này, Thầy hiện ra, và qua tông đồ Gioan, Phêrô nhận ra Thầy và đã đến gặp gỡ Thầy. Cũng cùng với tập thể tông đồ, Phêrô được Thầy yêu thương chăm sóc phục vụ. Trong bầu khí này, Chúa Giêsu đã dẫn đưa Phêrô vào cuộc đối thoại yêu thương và tín nhiệm. “Con có yêu mến thầy hơn những người này không?” – “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” – “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Và cũng trong bầu khí cộng đoàn này, Chúa mạc khải định mệnh của đời Phêrô: “Khi con về già, con sẽ dang tay cho ngươi khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con không muốn”. Như vậy, rõ ràng là trong, với và vì cộng đoàn, các người theo Chúa được Chúa tiếp tục đồng hành và đào tạo, để các môn đệ trung thành với ơn gọi và tiếp tục dấn thân trọn vẹn cho sứ vụ.
 
          3. Trong bầu khí gia đình giáo phận, cụ thể là gia đình cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, vớilinh mục đoàn như gia đình của Thiên Chúa trong giáo phận, thế giới này là gia đình được Thiên Chúa sai đến, linh mục tiếp tục cuộc hành trình đào tạo.
          Quả thực, đây phải là cuộc hành trình được đào tạo và tự đào tạo trong bầu khí gia đình, cùng nhau cử hành phụng vụ (Liturgia) trong sự sống hiệp thông (Koinonia), với tinh thần phục vụ lẫn nhau (Diakonia), để cùng nhau trở thành chứng nhân (Martyria) giữa lòng đời.
          Đây cũng phải là cuộc hành trình đào tạo trong tinh thần huynh đệ, hiệp nhất, và đồng trách nhiệm trong đời sống và tác vụ linh mục với tư cách là một thành viên trong linh mục đoàn được Chúa mời gọi, giáo dục, tuyển chọn, thánh hiến và sai đi để cùng chia sẻ sứ mạng và định mệnh của Chúa Kitô cũng như của Giáo Hội.
          Đây còn là cuộc hành trình đào tạo để sống mầu nhiệm Nhập Thể, Nhập Thế và Vượt Qua của Chúa Kitô và nhờ đó trở thành hiện thân của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã xác tín được ơn gọi của mình từ Chúa Cha, đã dấn thân trọn vẹn cho ơn gọi đó trong Chúa Thánh Thần, đã được vinh thăng và sẽ trở lại trong vinh quang trong Trời Mới Đất Mới.
          Cụ thể hơn, các linh mục, đặc biệt các linh mục triều đang hiện diện giữa cộng đoàn và có trách nhiệm xây dựng và phát triển cộng đoàn của Thiên Chúa, chính đời sống và tác vụ linh mục phải là cuộc hành trình đào tạo trường kỳ. Đặc biệt, cử hành các mầu nhiệm thánh theo niên lịch Phụng Vụ, cùng với Lời Chúa, bí tích Thánh Thể, bí tích Hòa Giải, kinh nguyện, trong bầu khí cộng đoàn, với cộng đoàn và vì cộng đoàn là những phương thế không thể thiếu và là những cơ hội thiết yếu cho cuộc hành trình đào tạo xuyên suốt cuộc đời của linh mục.
 
          4. Cuối cùng, với toàn thể cộng đoàn Dân Chúa, tôi xin trích số 433 của tài liệu đào tạo linh mục về trách nhiệm của giáo dân trong việc đào tạo trường kỳ của các linh mục: “Tiếp theo là trách nhiệm của giáo dân. Bởi vì, các linh mục không phải làm linh mục cho chính mình, nhưng là cho Dân Chúa, nên Dân Chúa có quyền đòi các linh mục phải thường xuyên tự đào tạo mình nhằm phục vụ Dân Chúa ngày một hiệu quả hơn nhờ biết thích nghi, cập nhật thường xuyên. Muốn vậy, giáo dân cũng được mời gọi đóng góp vào việc đào tạo trường kỳ này của linh mục tùy theo chuyên môn của họ. Cả khi thực hành mục vụ đặc biệt về sự thăng tiến con người, và về việc phục vụ trong đức ái, nhờ sự trao đổi hỗ tương, bền bỉ và cởi mở, giáo dân khơi dậy nơi các linh mục ý thức rằng trách nhiệm của các ngài không phải là “cai quản đức tin” nhưng đúng hơn là “góp phần tạo niềm vui” cho tất cả các tín hữu” (x. 2 Cr 1, 24).
          Gia đình giáo phận thiết tha xin Chúa Thánh Thần, qua lời bầu cử của Thánh Gioan Maria Vianney, tiếp tục đào tạo các linh mục của Chúa trong Giáo Hội toàn cầu, đặc biệt trong giáo phận Long Xuyên, và xin cho các linh mục luôn nhiệt tình cộng tác để tự đào tạo chính mình, nhờ đó các ngài trở thành những vị mục tử theo lòng Chúa mong ước, để có thể đáp lại niềm hy vọng của cộng đoàn Dân Chúa.
 
+ GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
 

Tuần tam nhật và Lễ Bổn mạng HĐMVGX GP Long Xuyên


TUẦN TAM NHẬT và LỄ BỔN MẠNG
 
KÍNH HAI THÁNH
PHÊRÔ ĐOÀN CÔNG QUÍ
EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG
BỔN MẠNG HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN
(31-07)
 31/07/2012
  
TUẦN TAM NHẬT
 
NGÀY THỨ NHẤT
1.         Những Kinh mở đầu
2.         Suy niệm (Trích trong sách kỷ niệm 150 năm hai Thánh)
Thánh Phêrô Đoàn Công Quí: Vị mục tử như lòng Chúa mong ước
Thánh Phêrô Đoàn Công Quí kết thúc cuộc đời và lãnh nhận triều thiên tử đạo ở tuổi 33. Giống như Chúa Giêsu, Ngài là vị mục tử tốt lành như lòng Chúa mong ước, với những đức tính sau đây:
Trước hết là yêu mến và hiểu biết những người mình có trách nhiệm. Thánh nhân đã thể hiện tâm tình này thường xuyên trong cuộc sống. Trong suốt thời gian làm thầy và làm linh mục, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, ngài trao ban cho bổn đạo tất cả thời giờ cần thiết. Ngài biết dừng lại chuyện trò. Ngài lắng nghe họ bày tỏ tâm sự. Ngài hiểu biết tâm tư, những ước muốn, niềm khao khát của các tín hữu trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Niềm vui và nỗi đau của họ, cũng là niềm vui và nỗi đau của ngài. Giữa chủ chăn và con chiên, có một tình yêu vô biên, một sự thân tình sâu sắc, một sự cảm thông trọn vẹn và một sự chia sẻ chân thành. Vì thế mà sự hiện diện của ngài luôn đem lại bình an, niềm vui, sự an ủi tinh thần rất lớn lao cho mọi người. Ngài đã noi gương và thực hiện lời của Chúa Giêsu, Chúa Chiên Lành: “Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta.” (Ga 10,14).
Thứ đến là trao ban sự sống đời đời. “Sự sống đời đời là nhận biết thiên Chúa là Cha và Đức Giê su Ki tô là Đấng mà Chúa Cha sai đến” (Ga 17,3). Xác tín vững vàng vào chân lý đó, ngài ra sức đi đến với mọi người, nỗ lực loan báo Tin Mừng, chia sẻ niềm hạnh phúc được làm con Chúa. Dù gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, khi công khai thi hành chức vụ, lúc ẩn náu qua ngày, ở bất cứ nơi đâu, ngài luôn nhiệt tình săn sóc, giúp đỡ tín hữu, giáo dân. Ngài đã rảo qua các họ đạo để giảng dạy giáo lý, trao ban các bí tích, nâng đỡ những người hấp hối, khuyên nhủ những người khô khan, nguội lạnh, bê trễ, giúp họ trở về nẻo chánh đường ngay. Ngài cũng lợi dụng chính thời gian bị tù đày để thực hiện sứ mạng cao quí này, đối với bạn tù, đối với quân lính và cai tù, lương cũng như giáo. Cùng bị bắt với ngài, có hai người, vì sợ cảnh lưu đày khắc nghiệt, đã nhẹ dạ chối đạo; ngài đã nâng đỡ họ chỗi dậy, ăn năn và trở lại. Ngài đã noi gương thực hiện lời của chúa Giêsu. Chúa Chiên Lành: “Ta cho các chiên Ta được sống đời đời” (Ga 10,27).
Sau cùng là sẵn sàng tự hiến đời mình, hy sinh mạng sống cho những người mình có trách nhiệm. Ngài ý thức trách nhiệm cao quí của chủ chăn. Điều ngài quan tâm hơn hết, hông phải là sự sống và sự an toàn của ngài, mà là sự sống và an toàn những người mình có trách nhiệm. Một lần kia, trong thời gian ngài làm cha phó ở Cái Mơn, quân lính bao vây, truy lùng các giáo sĩ. Không tìm được, họ đã bắt các chức việc trong làng, và các nữ tu để tra tấn, khai thác. Không sợ nguy hiễm đến tính mạng, ngài đã đến giữa quân lính để thuyết phục họ thả những người bị bắt ra. Khi được tin các nữ tu bị hành hạ dã man, ngài càng quyết tâm thực hiện ý định hy sinh tính mạng, thay thế. Chỉ khi nhận được lệnh rõ ràng của bề trên can ngăn, ngài mới dừng lại. Vào ngày 07.01.1859, trong cuộc đại bố ráp của quan quân, để tìm bắt tây dương đạo trưởng, tại Cù Lao Giêng, ngài có đủ thời giờ tránh thoát; nhưng vì không muốn cho chủ nhà là ông câu Phụng, bị phiền toái, ngài đã ở lại để thu xếp đồ đạc. Và cũng muốn cho chủ nhà không bị tra khảo, hành hạ, ngài đã can đảm xuất hiện, tự nhận mình là đạo trưởng. Vì thế, ngài đã bị bắt giữ, và sau đó, được diễm phúc làm chứng nhân của Đức Kitô bằng chính mạng sống của mình. Ngài đã noi gương và thực hiện lời của Chúa Giêsu, Chúa Chiên Lành: Mục tử tốt lành trao hiến mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,11).
Noi gương Chúa Giêsu, sống hết mình vì đàn chiên, và sẵn sàng dâng hiến mạng sống vì đàn chiên, ngài thật là vị mục tử như lòng Chúa mong ước.
Thực ra, chỉ có Đức Kitô là chủ chăn của Giáo Hội. tuy nhiên, cũng có những người đã lãnh nhận từ Đức Ki tô sứ mạng trở thành chủ chăn như ngài, và nhân danh ngài. Với chức vị đặc biệt, Đức Giáo Hoàng, các giám mục, các linh mục là những chủ chăn, mà chính Đức Ki tô đã mời gọi các ngài thực hiệng nhiệm vụ này trong Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài để các ngài luôn xứng đáng là những vị mục tử như lòng Chúa mong ước. Chúng ta cũng hãy nhiệt tình cộng tác và chia sẻ trách nhiệm của các ngài, để chương trình cứu độ của Chúa sớm được hoàn thành. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là, khi đem áp dụng cho những người hiến thân cho Chúa trong đời sống tu trì, thì từ ngữ chủ chăn có một ý nghĩa hẹp. Nó chỉ định một người lãnh nhận trách nhiệm hướng dẫn một cộng đoàn Kitô hữu. Từ ngữ này cũng có thể được dùng trong một ý nghĩa rộng rãi hơn cho tất cả các tín hữu, là những người, bằng cách này hay cách khác, trong một mức độ nào đó, thi hành một công việc “mục vụ” nơi những người cùng sống chung quanh. Một công việc được gọi là mục vụ, khi nó giúp đỡ cho một người nào đó hiểu biết Đức Kitô và Phúc Âm của ngài nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn và mở rộng lòng ra trước kho tàng phong phú đó nhiều hơn.
Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói, cha mẹ là chủ chăn của các con cái. Cha mẹ có trách nhiệm giáo dục con cái theo giáo huấn Đức Kitô. Các thầy cô giáo trong trường học cũng là chủ chăn của các học sinh. Chúng ta thậm chí có thể nói rằng, mỗi người trong chúng ta, bằng một cách nào đó, là chủ chăn của một người khác, bởi vì ở gần chúng ta, luôn luôn có một hay nhiều người khác mà chúng ta có thể loan báo Tin Mừng, có thể hướng dẫn về với Đức Kitô.
Vì thế theo gương của Chúa Giê-su, và nhờ cầu bầu của thánh Phê-rô Đoàn Công Quí, chúng ta hãy cầu xin Chúa biến đổi chúng ta thành những mục tử như lòng Chúa mong ước nơi môi trường sống của chúng ta. Nhờ đó, tất cả đều được hướng dẫn về với Chúa, chung hưởng hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa.
3.         Đọc kinh kính hai Thánh
Kính lạy hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng/ là những chứng nhân anh dũng/ đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Chúa. Các Thánh đã chỉ cho thế gian con đường về Trời / xin hãy tỏ cho chúng con con đường yêu thương và sự sống của Chúa Cha / Xin hãy giúp chúng con nếm cảm hạnh phúc khi nhận biết Đức Giêsu Kitô / khi yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến /  Giống như Các Thánh / chớ gì chúng con khám phá ra niềm vui được sống trong ơn sủng của Chúa Thánh Thần / để bước theo Đức Giêsu Kitô với đức tin son sắt và niềm cậy trông vững bền.
Xin dạy chúng con yêu mến / luôn sống bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể một cách sâu đậm hơn / Chính ở đó / chúng con sẽ gặp gỡ Chúa trong chân lý / hầu được thánh hóa trọn vẹn / chớ gì sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể lôi cuốn chúng con / làm cho chúng con được no thỏa / và là nguồn an ủi cho mỗi người chúng con.
Xin hãy giúp chúng con khám phá ra rằng / Lời Chúa là ánh sáng cho thời đại hôm nay / và là kim chỉ nam / để yêu mến và phục vụ anh em trong niềm vui / cách đặc biệt nơi những anh chị em nghèo khổ và bé mọn chung quanh. Xin hãy dạy cho chúng con biết làm chứng nhân của Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống đời thường / bằng cách yêu thương / chia sẻ / hy sinh và tha thứ / cùng chu toàn mọi bổn phận và trách nhiệm hàng ngày / qua những việc làm cụ thể / thiết thực và hiệu quả / để đem lại sự nâng đỡ / niềm an ủi cho mọi người / Nhờ đó/ chúng con được sống hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa / cùng Các Thánh muôn đời. Amen./-
4.         Thánh lễ 
 
NGÀY THỨ HAI
1.         Những Kinh mở đầu
2.         Suy niệm (Trích trong sách kỷ niệm 150 năm hai Thánh)
Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng: chứng nhân đời thường của Đức Kitô
Lúc sinh thời, thánh Emmanuel Lê Văn Phụng giữ chức Lý trưởng, là chức thứ nhì trong làng. Vì thế, ngài được gọi là ông Lý Phụng. Đồng thời, ngài coi sóc việc đạo cho cả phủ nội tỉnh An Giang (Châu Đốc), gọi là Câu Phủ; cho nên, người đương thời cũng quen gọi ngài là Ông Câu Phụng. Với những chức vụ đạo, đời khá quan trọng như thế, ngài đã làm việc hết mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cuộc đời của thánh nhân có những nét đặc biệt sau đây.
Trước hết, là một tín hữu ngoan đạo, ngài luôn luôn tỏ ra là một gia trưởng gương mẫu. Dù rất bận chuyện làng-xã và họ đạo, thế nhưng, cùng với người vợ rất đảm đang là bà Anna Của, ngài đã nỗ lực sinh dưỡng, dạy dỗ một cách tốt đẹp tất cả 9 người con, năm trai, bốn gái, ngoài ra còn có hai người con nuôi cũng được ngài đùm bọc, cưu mang, giáo dục đầy đủ. Ngài quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo lý, đạo đức, học hành của con cái. Ngài lưu ý chỉ dạy cách ăn nết ở theo luân thường, đạo lý từ ngàn xưa. Thật là gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Điều đó đã được các linh mục lưu trú trong nhà khẳng định và ca ngợi.
Thứ đến, ngài có một tinh thần tông đồ rất nhiệt thành, hăng hái. Với tư cách là người đứng đầu trong họ đạo, ngài luôn luôn sống hết mình với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với bà con bổn đạo, ngài rất hăng say trong việc mở mang Nước Chúa, cho dù phải gặp nhiều khó khăn, gian nan, thử thách.
Trong thời gian cấm đạo gắt gao nhất, ngài vẫn âm thầm dâng hiến đất đai, xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà các nữ tu. Mái ấm của ngài là nơi lưu trú thường xuyên của các linh mục, kể cả các vị thừa sai nước ngoài.. sinh hoạt đạo đức của họ đạo, với các lễ nghi phụng vụ, với các bí tích được trao ban đều đặn, hầu như luôn luôn được diễn biến bình thường, là nhờ ở sự khôn khéo và tài đức của ngài.
Đồng thời, nhờ lòng đạo đức sâu sắc và sự am hiểu giáo lý một cách vững vàng, ngài đã được Bề trên chọn làm giảng viên giáo lý của họ đạo Cù Lao Giêng, và sau đó, của cả tỉnh An Giang. Với vai trò đặc biệt này, ngài ra sức dạy giáo lý cho các thiếu nhi, thanh niên và cả những người lớn tuổi. Ngài thường xuyên thăm hỏi, khuyên nhủ, giải thích và giúp đỡ những người khô khan, nguội lạnh trở về với Chúa. Ngài nhiệt tình lo lắng cho những người hấp hối, nguy tử được lãnh nhận các bí tích sau cùng, chuẩn bị chu đáo trước khi ra trình diện với Chúa.
Ngoài ra, lòng bác ái của ngài cũng là một nhân đức nổi trội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài vẫn tỏ ra tâm hồn nhân ái đặc biệt. Gặp thời dịch bệnh hoành hành, ngài đã sắm ghe, mua thuốc, phân phát, cứu giúp những người bệnh, cách riêng là những người nghèo khổ… trong thời gian tù đày, ngài cũng sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho các bạn tù, cho lính canh và cai tù… Ngay cả với kẻ thù, ngài cũng tỏ ra tấm lòng quảng đại, bao dung. Sở dĩ ngài bị bắt và bị giam giữ, cùng với cha sở Phêrô Quí là do hai tên bất lương tố cáo, hãm hại. thế nhưng, khi hai tên này đến xin bà vợ của ngài giúp đỡ tiền bạc, từ trong tù, ngài đã khuyến khích và yêu cầu bà thực hiện… Nhìn vào cung cách sống đó, tất cả mọi người đều thán phục người tông đồ của Chúa.
Sau cùng, với sự khôn khéo, tế nhị đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao độ của người đứng đầu với những phương tiện vật chất mà Chúa trao ban, ngài đã xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những người chung quanh, kể cả quan quyền lúc bấy giờ. Ngài sẵn sàng hy sinh, dâng hiến những gì mình có để làm sáng danh Chúa, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Nhờ đó, mà ngài đã giúp cho họ đạo được bình yên, ngay cả trong thời buổi khó khăn nhất.
Và như thế, với tình yêu son sắt với Chúa và anh em, với sự trung tín kiên vững của người môn đệ, với niềm xác tín vào ơn cứu độ của thiên chúa, ngài đã hiến dâng mạng sống, để xứng đáng là sứ giả của Chúa Kitô tại quê hương thân yêu của ngài. Ngài đã trở nên một mẫu gương chứng nhân tiêu biểu của Đấng Cứu Thế cho đồng bào của ngài.
Noi gương của Thánh nhân, chúng ta hãy nỗ lực sống tin Mừng mỗi ngày trong cuộc sống đời thường, một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.
Hãy sống trọn vẹn ơn gọi mà Chúa trao ban trong gia đình. Hãy là những người cha có trách nhiệm, người mẹ đảm đang, người con hiếu thảo để tạo bầu khí yêu thương, hạnh phúc trong mái ấm. những lời nói, cử chỉ, việc làm thắm đượm tình bác ái sẽ giúp đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Sự quan tâm, chăm sóc cho nhau sẽ đan dệt nên những tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ, hy sinh và phục vụ…
Nên nhớ rằng, qua bí tích rửa tội, mỗi người đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Ki-tô cho những anh em chung quanh. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng đó bằng đời sống gương mẫu của chúng ta qua nhữn việc làm cụ thể. Chính nhờ đời sống đầy tình yêu thương bác ái của chúng ta mà người ta có thể nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa và đến với Chúa.
Ngoài ra, tinh thần tông đồ cũng mời gọi chúng ta nhiệt tình cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận, với các linh mục phụ trách giáo xứ, với các thành phần dân Chúa, để giúp mọi người thăng tiến về mọi mặt, nhất là trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy dùng tất cả những phương tiện mà Chúa trao ban, hãy biết chia sẻ những gì mình có, như: tài năng, thời giờ, sức khỏe, công ăn việc làm, tiền của vật chất… để làm vơi nhẹ những khổ đau, đem lại niềm an ủi, nâng đỡ tinh thần, tạo nên sự phấn khởi, lạc quan… cho những người đang gặp khó khăn, thử thách. Không ai nghèo túng đến nỗi không có gì để chia sẻ cho người khác. Một nụ cười tươi tắn, một sự đón tiếp niềm nở, một lời nói động viên hay một lời khen ngợi chân thành, một cái bắt tay thân tình, một sự giúp đỡ nho nhỏ… tất cả đều có một giá trị vô cùng lớn lao và cao quí. Tất cả đều là dấu chỉ chắc chắn loan báo hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn của Nước trời. Sống được như thế, chúng ta sẽ là những chứng nhân đời thường của Đức Kitô, theo gương của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc viên mãn với ngài, trong vinh quang Thiên Chúa.
3.         Đọc kinh kính hai Thánh
Kính lạy hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng/ là những chứng nhân anh dũng/ đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng của Chúa. Các Thánh đã chỉ cho thế gian con đường về Trời / xin hãy tỏ cho chúng con con đường yêu thương và sự sống của Chúa Cha / Xin hãy giúp chúng con nếm cảm hạnh phúc khi nhận biết Đức Giêsu Kitô / khi yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến /  Giống như Các Thánh / chớ gì chúng con khám phá ra niềm vui được sống trong ơn sủng của Chúa Thánh Thần / để bước theo Đức Giêsu Kitô với đức tin son sắt và niềm cậy trông vững bền.
Xin dạy chúng con yêu mến / luôn sống bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể một cách sâu đậm hơn / Chính ở đó / chúng con sẽ gặp gỡ Chúa trong chân lý / hầu được thánh hóa trọn vẹn / chớ gì sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể lôi cuốn chúng con / làm cho chúng con được no thỏa / và là nguồn an ủi cho mỗi người chúng con.
Xin hãy giúp chúng con khám phá ra rằng / Lời Chúa là ánh sáng cho thời đại hôm nay / và là kim chỉ nam / để yêu mến và phục vụ anh em trong niềm vui / cách đặc biệt nơi những anh chị em nghèo khổ và bé mọn chung quanh. Xin hãy dạy cho chúng con biết làm chứng nhân của Đức Giêsu Kitô trong cuộc sống đời thường / bằng cách yêu thương / chia sẻ / hy sinh và tha thứ / cùng chu toàn mọi bổn phận và trách nhiệm hàng ngày / qua những việc làm cụ thể / thiết thực và hiệu quả / để đem lại sự nâng đỡ / niềm an ủi cho mọi người / Nhờ đó/ chúng con được sống hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa / cùng Các Thánh muôn đời. Amen./
4.         Thánh lễ 
 
NGÀY THỨ BA
1.         Những Kinh mở đầu
2.         Suy niệm (Trích Bài giảng của Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu trong Thánh lễ hành hương Năm Thánh giáo phận Long Xuyên tại Cù Lao Giêng, 31-07-2010)
Tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mạng của Hội Thánh
Anh chị em thân mến,
Tinh thần đồng trách nhiệm là một đặc tính rất độc đáo của giáo huấn công đồng Vaticanô II. Tại công đồng, tinh thần đồng trách nhiệm được nhấn mạnh trong việc đề cao hiệp đoàn tính của hàng Giám mục. Hoa trái của tinh thần trách nhiệm này là Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo Hội. Tinh thần này được nhân rộng cho các giáo phận trong tổ chức của linh mục đoàn. Tinh thần này còn được mở rộng hơn nữa trong tổ chức của Hội đồng Mục vụ Giáo phận, và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ của các cộng đoàn để cổ vũ cho sự hợp tác của hàng giáo sĩ và giáo dân. Tinh thần đồng trách nhiệm này được diễn tả qua mô hình Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tông huấn Giáo Hội tại Á châu, được Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chuẩn nhận từ những đề nghị của Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu. Và giáo phận Long Xuyên, để chuẩn bị cử hành Năm Thánh giáo phận, đã đưa ra đường hướng xây dựng giáo phận theo mô hình của một Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.
Thật tự hào cho giáo phận, khi mô hình Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm đã được thực hiện trước công đồng Vaticanô II cả trên 100 năm tại họ Đầu Nước, nay là Cù Lao Giêng, một trong những họ đạo cổ kính và điển hình của giáo phận, do cha sở họ đạo là linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, và đại diện giáo dân là ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.
Thật vậy, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm trong sự cộng tác với nhau để điều hành sinh họat của họ Đầu Nước - Cù Lao Giêng. Đặc biệt là ông câu Phụng đã dâng hiến tài sản của gia đình mình cho Giáo Hội, để xây cất cơ sở vật chất như chủng viện, nhà dòng. Hơn nữa, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự đoàn kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, để mỗi người theo sứ mạng của mình, phục vụ nhiệm thể Chúa Kitô. Riêng ông câu Phụng đã biến gia đình mình trở thành một Hội thánh tại gia, nơi mà trong thời bách hại, hàng giáo sĩ thường lui tới để trú ngụ, để ẩn náu và thi hành tác vụ linh mục, cụ thể là cử hành các bí tích cho giáo dân trong vùng. Nhất là cha sở Phêrô cùng với ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong cuộc tử đạo của mình. Máu của hai thánh đã hòa trộn với Máu Thánh của Chúa Kitô, cùng thấm đẫm tại phần đất của vùng Châu Đốc, An Giang. Như vậy, sự cộng tác, sự đoàn kết và hiệp thông là những bài học cho giáo phận Long Xuyên, cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân, về tinh thần đồng trách nhiệm được biểu hiện từ cuộc đời và cuộc khổ nạn của hai thánh Quí - Phụng.
Thực ra, không phải là do hai thánh Quí - Phụng, cũng không phải là do công đồng Vaticanô II đưa ra những bài học về tinh thần đồng trách nhiệm trong cộng đoàn Kitô hữu. Chính Chúa Kitô đã sống và đã dạy bài học này cho những người theo Chúa trong bầu khí của cộng đoàn các Tông đồ. Chúa đã muốn các ông cộng tác với nhau và với mọi người nên sai các ông đi từng hai người một. Chúa muốn các ông đoàn kết với nhau và với mọi người nên đề ra chương trình hành động chung là làm chứng và loan báo Tin mừng bình an. Và Chúa muốn các ông hiệp thông với nhau và với mọi người trong lý tưởng của Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Chúa Kitô đã dạy bài học tinh thần đồng trách nhiệm. Công đồng Vaticanô II và Liên Hội đồng Giám mục Á Châu trở về nguồn với tinh thần tham gia và hiệp thông. Như vậy, giáo phận Long Xuyên không có con đường nào khác ngoài con đường trở về xây dựng giáo phận thành một Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.
Sẽ rất hài lòng cho hai thánh tử đạo nếu giữa anh chị em và cha sở đã có những hợp tác chặt chẽ trong mục vụ, và đã có những nỗ lực giải quyết những chia rẽ, những bất hòa, để tránh tình trạng kình chống nhau trong họ đạo. Và ước mơ rằng họ đạo Cù Lao Giêng sẽ là nơi hành hương cấp giáo phận để tinh thần đồng trách nhiệm của hai đấng Thánh được suy tư, chiêm ngưỡng và được tiếp tục học hỏi như bài học cho các cộng đoàn Kitô hữu trong và ngoài giáo phận.
Xin hai thánh tử đạo là cha sở Phêrô và ông câu Phụng chúc lành cho chúng con, và tiếp tục giúp chúng con biết học bài học xây dựng Nước Thiên Chúa bằng tinh thần đồng trách nhiệm. Amen. 
 
LỄ BỔN MẠNG
1.         Cung nghinh biệt tôn hai Thánh (Rước vào thánh lễ)
-           Trống lệnh
-           Hương
-           Thánh giá nến cao
-           Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ, giáo họ, giáo khu, đại diện các thành phần Dân Chúa.
(Ăn mặc lịch sự, Ban TV đeo phù hiệu)
-           Kiệu hai Thánh
-           Giúp lễ
-           Chủ sự: Trước khi rước kiệu, xông hương hai Thánh.
(Khi đi kiệu, đoàn rước đọc kinh kính hai Thánh, hát bài thích hợp).
       Khi kiệu vào tới cửa thánh đường, đọc tiểu sử hai Thánh (1)
-           Đặt hai Thánh trên cung thánh.
-           Cha Chủ sự xông hương bàn thờ, trở về ghế chủ tọa.
2.         Đại diện Hàng Xứ (Viên chức Cựu) chúc mừng HĐMVGX.
3.         Thánh lễ: Các Thánh Tử Đạo, có lời nguyện giáo dân, thêm lời nguyện cầu cho HĐGX. (2)
4.         Sau lời nguyện hiệp lễ: Đại Diện TV/HĐMVGX cảm tạ Cha xứ và giáo xứ.
5.         Tiệc mừng: Ăn sáng hoặc ăn trưa, do Ban TV/HĐMVGX tổ chức (Tùy hoàn cảnh) 
 
(1) TIỂU SỬ HAI THÁNH
 
Thánh Phêrô Đoàn Công Quí
Ngài là con của ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Trường, sinh năm 1826, tại họ đạo Búng, Thủ Dầu Một ( Bình Dương).
Ngay từ nhỏ, cậu Phêrô đã có lòng ước ao dâng mình cho Chúa. Sau khi đã nhập vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse (Thị Nghè), Thầy Phêrô được gởi đi tu học tại đại chủng viện Thừa Sai Paris ở Pénang (Malaysia), năm 1848; hoàn tất chương trình đào tạo, trở về quê hương vào ngày 11/04/1855. Lúc bấy giờ các vua triều Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, đang cấm đạo rất gắt gao. Vào tháng 9 năm 1858, Thầy được chịu chức một cách âm thầm tại Thủ Dầu Một; sau đó, được cử đi phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, làm Cha Phó họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Long), và là Cha Sở họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng, An Giang), từ ngày 27/12/1858, trú ngụ tại nhà ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.
Cùng với lòng nhiệt thành tông đồ, hăng hái phục vụ bổn đạo, Cha còn có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Nhờ có tài hát xướng, Cha đã sáng tác những bài thánh ca để phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ. Ngoài ra, Cha luôn khao khát tử đạo để làm chứng cho Chúa. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, khi có dịp là cha sẵn sàng dâng hiến mạng sống, để làm chứng cho Chúa. Và Cha đã thực hiện được ý nguyện khi được Bề Trên cử về Cù Lao Giêng làm Cha Sở.
Về nhiệm sở mới được 10 ngày, Cha bị bắt cùng với ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng, và 32 giáo dân khác, vào ngày 07/01/1859 và bị giam giữ tại nhà tù Châu Đốc cho đến ngày 31/07/1859.
 
Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng
Ngài sinh năm 1796, tại họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng), làng Tấn Đức, tổng An Bình, tỉnh An Giang, thuộc Trấn Châu Đốc.
Là một gia đình gương mẫu, cùng với vợ là bà Anna Của, ông đã nuôi dạy 9 người con và 2 người con nuôi nên những người đạo đức, tốt lành. Với lòng bác ái cao quý, ông thường chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, túng thiếu,… nhất là trong thời dịch bệnh và ngay cả khi bị giam tù ở Châu Đốc.
Với tinh thần tông đồ cao, ông hăng say hy sinh, phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Trong thời gian cấm đạo rất gắt gao, ông vẫn âm thầm dâng đất cất nhà thờ, chủng viện và nhà các dì phước. Trong nhà ông, thường xuyên có các linh mục trú ngụ. Có thời gian, có 5 linh mục cùng một lúc; trong đó có các vị thừa sai nước ngoài (Tây dương đạo trưởng).
Ngoài ra, ông còn có tài ngoại giao rất đặc biệt. Ông có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương, cụ thể là Quan Huyện. Nhờ đó, mà giáo dân Cù Lao Giêng vẫn được an bình trong thời điểm cấm đạo rất khó khăn.
 Vì có người tố cáo, ngày 07 tháng 01 năm 1859, Ông bị bắt cùng với cha Phêrô Đoàn Công Quí và 32 giáo dân khác. Các ngài bị điệu về Châu Đốc giam giữ.
 
Gương sáng tử đạo
Trong suốt 7 tháng trời, Tổng Trấn và quan quân triều đình ra sức dụ dỗ Cha Phêrô và ông Emmanuel bỏ đạo, để được thăng quan, tiến chức và tưởng thưởng. Nhưng các ngài vẫn một mực yêu mến Đức Kitô, nhiệt tình với Tin Mừng Phúc âm và trung thành với Giáo Hội.
Không thuyết phục được, Tổng Trấn gởi sớ về triều đình xin án lệnh. Vua Tự Đức châu phê và gởi về Châu Đốc ngày 30/07/1859. Ngày hôm sau, 31/07/1859, tại Bến Chà Và (Bến Cây Mét), các ngài đã hiến dâng mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng Phúc m.
Để tuyên dương công trạng, nhân đức và tinh thần tông đồ đầy nhiệt huyết, vào ngày 02/05/1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong các ngài lên bậc Chân phước (Á thánh).
Sau đó, vào ngày 19/06/1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng các ngài lên bậc Hiển Thánh cùng với 115 vị tử đạo khác tại Việt Nam.
Các ngài đã nêu gương sáng về Đức Tin kiên vững, Đức Mến nồng nàn, Đức Cậy vững vàng, nhất là lòng nhiệt thành loan báo cho mọi người Tin Mừng tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Đây còn là mẫu gương sống động về tinh thần đồng trách nhiệm giữa linh mục và giáo dân, giữa Cha sở và Hội Đồng mục vụ giáo xứ mọi thời và mọi nơi.
Cũng còn đúng với đường hướng xây dựng giáo phận theo mô hình của một Hội Thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.
 
(2) LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
 
Chủ tế: Anh chị em thân mến, hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng là những đấng đã hết lòng tin tưởng và yêu mến Chúa và Giáo Hội, sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận. Với tâm tình cảm phục và mến yêu hai bậc anh hùng tiền bối trong đời sống đức tin, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu nguyện:
1.         Hội Thánh có sứ mệnh làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người / Chúng ta cùng cầu xin Chúa tuôn tràn sức mạnh Thánh Thần trên Hội thánh / để Hội Thánh luôn chu toàn sứ mệnh Chúa giao. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
2.         Đức Thánh Cha thay mặt Chúa lãnh đạo dân Chúa ở trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Đức Thánh Cha và các vị Mục Tử trong Hội Thánh / được tràn đầy ơn khôn ngoan và sức mạnh Chúa Thánh Thần / để các ngài có thể nhiệt tâm chu toàn trách nhiệm Chúa trao. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
3.         Hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng đã can đảm bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá và đã anh dũng hiến dâng mạng sống để nói lên lòng yêu mến Chúa của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu biết luôn cố gắng noi gương các ngài mà bước trọn con đường Chúa đã đi qua / và tích cực giới thiệu Chúa cho chính đồng bào mình. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
4.         Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội đồng mục vụ giáo xứ nhiệm kỳ 2011 – 2015 luôn gắn bó và tin yêu Chúa giữa muôn vàn thử thách của cuộc đời / biết noi gương hai thánh bổn mạng Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng / hầu xây dựng một Hội Thánh tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm. Chúng ta cùng cầu xin Chúa
5.         Trước tiên, anh em hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người / còn mọi thứ khác Người sẽ thêm cho / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những quý chức đã tận tâm phục vụ trong Hội đồng mục vụ giáo xứ qua các nhiệm kỳ / được nhiều sức khỏe và ơn lành / Xin Thiên Chúa thưởng công bội hậu cho quý chức còn sống cũng như đã qua đời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa, thánh Phêrô Đoàn Công Quí và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã không ngần ngại hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin, nói lên lòng mến của các ngài đối với Chúa; xin Chúa thương trợ giúp để chúng con có thể luôn hiên ngang sống đức tin đã lãnh nhận. Nhờ đó, mai sau chúng con cùng được chung hưởng vinh quang với các ngài trên thiên quốc. Chúng con cầu xin…
UBMVGD/Gp/LX
 

Ủy ban Phụng tự - Hội đồng Giám mục Việt Nam: Thư xin góp ý cho bản dịch Sách Lễ Rôma



Ủy ban Phụng tự - Hội đồng Giám mục Việt Nam:
Thư xin góp ý cho bản dịch Sách Lễ Rôma

Kính gởi Quí Cha đặc trách Ban Phụng tự các giáo phận
Quí Đại chủng viện và các thành viên UBPT Toàn Quốc,
và tất cả những ai quan tâm tới các văn bản Phụng vụ tiếng Việt,
Kính thưa quí cha và quí Thành viên, và quí vị,
Trước hết, xin gởi tới quí cha và quí thành viên và quí vị lời chào thân ái.
Ủy Ban Phụng Tự Toàn Quốc xin hân hạnh thông báo đã dịch xong trọn cuốn Sách lễ và phần lớn Sách Bài đọc trong Thánh lễ. Một số phần đã được Rôma phê duyệt cho sử dụng, như Qui chế Sách lễ Rôma, Nghi thức Thánh lễ, các lễ Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh; về Sách Bài đọc trong Thánh lễ thì Tòa Thánh đã phê duyệt các bài đọc Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh. Riêng phần sách Bài đọc Mùa Thường niên I và cuốn Nghi thức An táng, đã gởi về Tòa Thánh 2 năm, nhưng chưa được trả lời. Sách bài đọc mùa Thường niên II, đã gởi đi các nơi, xin ý kiến, nhưng chưa tổng kết. Như vậy về Sách bài đọc chỉ còn phần chung và riêng các Thánh, phần các lễ có nghi thức, các lễ ngoại lịch, và các lễ theo nhu cầu. Tuy nhiên, những phần này hầu hết cũng lấy lại các bài đọc thuộc các Mùa.
Lần này xin gởi tới quí cha và quí vị Sách lễ Rôma Mùa Thường niên và 4 Lễ Trọng thuộc Mùa Thường niên; Phần các lễ chung. Ba tháng sau, sẽ gởi những phần còn lại của Sách lễ Rôma.
Xin quí cha và quí vị tích cực góp ý và đề nghị sửa chữa. Để dễ rà soát, góp ý, lần này có gởi kèm bản văn Latinh được in song song với bản dịch Việt ngữ. Đồng thời sẽ cho đăng trên website của giáo phận Phú Cường. Xin vào địa chỉ: http://www.giaophanphucuong.org/
Những nhận xét của quí vị sẽ được tổng kết lại và đem ra trình bày tại phiên họp toàn thể các Ban Phụng tự thuộc các giáo phận, xem nên nhận hay bỏ qua hoặc sửa đổi như thế nào trước khi đệ trình lên Hội đồng Giám mục để được phê chuẩn. Vì thế sẽ không có trả lời riêng cho từng quí vị. Xin quí vị thông cảm.
Xin thành thực cám ơn qcha và quí vị trước.
Tòa Giám mục Phú Cường, ngày 29. 06. 2012
Phêrô Trần Đình Tứ
Giám mục giáo phận Phú Cường
Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN
(đã ký)
 
Xin vui lòng tải tập tin đính kèm
(Sách Lễ Rôma – Thường Niên & Phần Chung Các Thánh, pdf, 1.260 KB)
 
Ủy ban Phụng tự / HĐGMVN

Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta.

Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều
mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta


Castel Gandolfo (Vat. 29/07/2012) - Qua phép lạ hóa bành ra nhiều Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên với 2,000 tín hữu và du khách hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trong sân nhà nghỉ Castel Gandolfo trưa Chúa Nhật 29 tháng 7 năm 2012.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã suy tư về phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng đi theo nghe Người giảng dậy, như thánh sử Gioan kể trong chương 6 của Phúc Âm. Ngài nói:
Các hành động do Chúa Giêsu làm song song với các hành động trong Bữa Tiệc Ly: "Người cấm lấy bánh, và sau khi dâng lời tạ ơn, Người phân phát cho những người ngồi đó" (Ga 6,11). Việc nhấn mạnh trên đề tài "bánh", được chia sẻ, và việc tạ ơn trong tiếng hy lạp là "eucharistesas" (c. 11), gợi lại bí tích Thánh Thể, Hy tế của Chúa Kitô cho ơn cứu độ của thế giới.
Thánh sử nhận xét rằng lễ Vượt Qua tới gần (c.4). Cái nhìn hướng tới Thập Giá, sự hiến dâng hoàn toàn vì tình yêu và hướng tới Thánh Thể, kéo dài luôn mãi sự hiến dâng: Chúa Kitô trở thành bánh sự sống cho con người. Thánh Agostino chú giải như sau: "Ai là bánh của trời, nếu không phải là Chúa Kitô? Nhưng để con người có thể ăn bánh của các thiên thần, Chúa của các thiên thần đã làm người. Nếu đã không làm như thế, thì chúng ta sẽ không có thân xác Người; mà không có thân xác Người, chúng ta sẽ không được ăn bánh của bàn thờ" (Sermone 130,2). Thánh Thể là cuộc gặp gỡ lớn lao thường xuyên của con người với Thiên Chúa, trong đó Chúa trở thành của ăn cho chúng ta, trao ban chính Người cho chúng ta để biến đổi chúng ta trong Người.
Trong cảnh hóa bánh ra nhiều sự hiện diện của một chú bé được ghi nhận. Trước nỗi khó khăn phải nuôi biết bao nhiêu người, chú bé ấy góp chút lương thực mình có, là năm cái bánh và hai con cá (Ga 6,8). Rồi Ðức Thánh cha giải thích phép lạ như sau:
Phép lạ không xảy ra từ nhưng không, mà từ một sự chia sẻ khiêm tốn đầu tiên của điều mà một chú bé đơn sơ đã có bên mình. Chúa Giêsu không xin chúng ta điều chúng ta không có, nhưng Ngài cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người. Ðám đông bị đánh động bởi phép lạ: họ trông thấy nơi Ðức Giêsu ông Môshê mới, xứng đáng quyền năng, và họ trông thấy trong bánh manna mới tương lai được bảo đảm, nhưng họ chỉ dừng lại nơi yếu tố vật chất, và Chúa "biết rằng họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình" (Ga 6,15). Chúa Giêsu không phải là một vị vua trần gian thực thi sự thống trị, mà là một vì vua phục vụ, cúi xuống trên con người để không chỉ thỏa mãn cái đói vật chất, mà nhất là phục vụ cái đói sâu xa hơn: cái đói Thiên chúa.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Chúa làm cho chúng ta khám phá ra tầm quan trọng nuôi dưỡng chính mình bằng mình Chúa Kitô, bằng cách trung thành tham dự Thánh Thể với ý thức lớn lao, để luôn ngày càng kết hiếp mật thiết hơn với Người. Thât thế "không phải thực phẩm thánh thể biến đổi trong chúng ta, mà chính chúng ta là những người đến với thực phẩm thánh thể được đổi thay một cách nhiệm mầu. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta bằng cách kết hiệp chúng ta với Người; Người lôi kéo chúng ta vào trong Người" (Tông huấn Sacramentum caritatis, 70). Ðồng thời, chúng ta muốn cầu nguyện để đừng có ai thiếu bánh ăn cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng, và để cho các bất bình đẳng được dẹp bỏ không phải bằng vũ khí của bạo lực, nhưng bằng sự chia sẻ và tình yêu.
Chúng ta hãy tín thác nơi Ðức Trinh Nữ Maria, trong khi khẩn nài sự che chở hiền mẫu của Mẹ trên chúng ta và các người thân của chúng ta.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin Ðức thánh Cha Biển Ðức XVI đã tha thiết kêu gọi các phe liên hệ ngưng chiến tại Siria. Ngài xin cộng đồng quốc tế giúp tìm ra giải pháp chính trị và tái lập hòa bình và hòa giải cho quốc gia này. Ðức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, tôi tiếp tục âu lo theo dõi các giai đoạn bạo lực thê thảm gia tăng tại Siria, với hàng loạt người chết và bị thương, cả giữa các thường dân, và một số rất đông người di tản trong nội địa và người di cư sang các nước láng giềng. Tôi xin cho họ được bảo đảm sự trợ giúp nhân đạo và xã hội. Tôi xin canh tân sự gần gũi của tôi đối với dân chúbg khổ đau và nhớ tới họ trong lời cầu nguyện. Tôi xin lập lại lời kêu gọi tha thiết chấm dứt mọi bạo lực và đổ máu. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan đặc biệt cho những người có trọng trách, để đưa ra mọi nỗ lực trong việc tìm kiếm hòa bình, kể cả từ phía cộng đoàn quốc tế, qua sự đối thoại và hòa giải, nhắm tới một giải pháp chính trị thích hợp cho cuộc xung khắc. Tôi cũng nghĩ tới quốc gia Irak thân yêu trong những ngày này đã bị nhiều vụ mưu sát trầm trọng, khiến cho nhiều người chết và bị thương. Ước chi quốc gia lớn lao này tìm lại được con đường ổn định, hòa giải và hòa bình.
Ðức Thánh Cha cũng nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 28 tại Rio de Janeiro bên Brasil vào năm 2013. Ðây là một dịp qúy báu giúp biết bao nhiêu người trẻ sống kinh nghiệm niềm vui và vẻ đẹp thuộc về Giáo Hội và sống đức tin. Ðức Thánh Cha nhìn về biến cố này với niềm hy vọng. Ngài khích lệ và cám ơn ban tổ chức, đặc biết là tổng giáo phận Rio de Janeiro, mau mắn dấn thân chuẩn bị tiếp đón các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự biến cố quan trọng này của Giáo Hội.
Ðức Thánh Cha cũng bầy tỏ sự gần gũi của ngài với các công nhân xưởng chế thép Ilva tại tỉnh Taranto nam Italia và gia đình họ, đang phải sống thời gian khó khăn, vì nguy cơ mất công ăn việc làm. Ngài khích lệ tất cả mọi người có ý thức trách nhiệm, và cỗ võ các cơ cáu quốc gia vá địa phương cố gắng làm mọi sự có thể để đạt tới một giải pháp công bằng, bảo vệ quyền sức khỏe cũng như công ăn việc làm cho công nhân, đặc biệt trong thời gian khủng hoảng kinh tế này. Khi nghe tin xưởng chế thép phải đóng cửa, các công nhân đã kéo nhau xuống đường biểu tình và chiếm tòa thị sảnh thành phố.
Sau cùng Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc mọi người mùa hè vui vẻ khỏe mạnh.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Họp mặt Dự tu học sinh Hè 2012 // Khóa tìm hiểu Ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên


HỌP MẶT DỰ TU HỌC SINH HÈ 2012
TẠI ĐÀI ĐỨC MẸ TÂN HIỆP
 
           “Họp Mặt Dự Tu Học Sinh Hè 2012” được tổ chức với chủ đề “XÂY DỰNG GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA”, nhằm giúp các em: Có được tầm nhìn về ơn gọi tông đồ (ơn gọi là cha mẹ, ơn gọi là linh mục triều, ơn gọi là tu sĩ); ý thức về trách nhiệm trong ơn gọi; khơi động sự nhiệt tâm dấn thân tông đồ trong hoàn cảnh của mình.
          Những ngày họp mặt các em được: Sinh hoạt phượng tự, sinh hoạt học tập: tìm hiểu về ơn gọi, về phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể; sinh hoạt cộng đoàn; sinh hoạt tông đồ; sinh hoạt quản lý. Dưới sự điều hành của cha phụ trách về ơn gọi của Giáo Phận Giuse Trần Văn Toàn, cha Vinh sơn Phạm Thế Hoà (Huấn Luyện Huynh Trưởng), cha Giuse Nguyễn Văn Thắng cha xứ nhà thờ Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, cha Giuse Bùi Thanh Minh, quí cha trong ban mục vụ ơn gọi, quí cha – quí thầy các dòng tu, quí cha trong ban mục vụ Thiếu Nhi Thánh Thể, các huynh trưởng của Liên Đoàn Emmanuel Phụng, các em dự tu nhà Têrêxa.
          Đỉnh điểm của cuộc họp mặt là Thánh Lễ đồng tế lúc 10g30 ngày 26.7.2012 do Đức Cha chủ tế và 19 cha đồng tế. Đức Cha hết lòng cám ơn quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, hội đồng mục vụ, ban phục vụ, anh chị em trong ban ẩm thực đã tận tình giúp đỡ và phục vụ cho cuộc họp mặt. Lời nhắn nhủ của Đức Cha muốn gởi đến các em dự tu trong bài giảng là các em sẽ được huấn luyện trở nên giống Chúa Kitô “đón nhận tất cả để trao tặng tất cả”. Đức Cha cổ võ việc lần chuỗi Mân Côi sống, vì khi suy niệm các mầu nhiệm, chúng ta noi gương Đức Mẹ sống theo Chúa Kitô “đón nhận tất cả và trao tặng tất cả”. Cuộc họp mặt dự tu học sinh lần nay, theo ban tổ chức có  khoảng: 100 em sinh viên cho đợt một từ 23-26, và 156 em học sinh cấp 3 cho đợt hai từ 26-29, cùng với 35 dự tu nhà Têrêxa.
    
      
    
      
    
   

TÌM HIỂU ƠN GỌI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ LONG XUYÊN
          Mỗi năm đến hè, các dự tu Dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên lại được trở về Toà Giám Mục để tìm hiểu về ơn gọi của mình. Cuộc họp mặt năm nay qui tụ khoảng 30 em, dưới sự hướng dẫn của cha Lu-y G. Huỳnh Phước Lâm, sơ Yến và sơ Hương dòng Mến Thánh giá Khiết Tâm, kéo dài từ trưa ngày 26.07.2012 đến trưa ngày 28.07.2012.
    
      
    
    
 

Cựu quản gia của Ðức Thánh cha viết thư riêng cho Ðức Thánh cha

Cựu quản gia của Ðức Thánh cha
viết thư riêng cho Ðức Thánh cha
để bày tỏ lòng hối tiếc và xin ngài tha thứ

Nhật báo "Tin Chiều" (Corriere della Sera) xuất bản tại Italia nói rằng cựu quản gia của Ðức Thánh cha đã viết thư riêng cho Ðức Thánh cha để bày tỏ lòng hối tiếc và xin ngài tha thứ.
Roma (Apic 24/07/2012) - Luật sư Carlo Fusco, một trong hai vị luật sư biện hộ cho ông Paolo Grabriele, quản gia của Ðức Thánh cha Benêđictô XVI, bị nghi ngờ ăn cắp những tài liệu mật của Ðức Thánh cha, đã tiết lộ cho nhật báo "Tin Chiều" biết rằng anh Paolo đã viết thư xin lỗi Ðức Thánh cha và xác định rằng anh đã hành động một mình, không có tòng phạm, nghịch lại với những thông tin mà hai nhật báo, một xuất bản tại Ðức, nhật báo "Thế Giới" (Die Welt), và một xuất bản tại Italia, nhật báo "Cộng Hoà" (La Republica), đã phổ biến trước đây.
Luật sư Carlo Fusco xác nhận đã không đích thân đọc bức thư xin lỗi này, nhưng có biết về nội dung chính của bức thư, mà luật sư nói là đã được chuyển đến cho Ủy Ban gồm ba vị hồng y do chính Ðức Thánh cha bổ nhiệm để điều tra về sự việc này. Ba vị hồng y đó là Ðức hồng y Julian Herranz, đứng đầu Ủy Ban, và hai vị thành viên là Ðức hồng y Josef Tomko và Ðức hồng y Salvatore de Giorgi.
Ðược hãng tin công giáo I-Media tra vấn, Phòng Báo Chí Toà Thánh xác định lập trường không bàn gì về bức thư xin lỗi này, vừa đồng thời nói rằng việc công bố bức thư là thuộc về quyết định của ban biện hộ cho anh Paolo.

R.V.A.
(Ðặng Thế Dũng)

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Sinh hoa kết quả (27.7.2012 – Thứ sáu Tuần 16 Thường niên)


Sinh hoa kết quả 
Lời Chúa: Mt 13, 18-23
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo vào đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
Suy nim:
Dụ ngôn người gieo giống của Đức Giêsu là một dụ ngôn đầy nét hy vọng.
Nếu có một lúc nào đó người môn đệ chán nản
vì thấy có bao hạt giống được gieo vãi mà chẳng thu lại được gì,
bao điều cản trở sự lớn lên của Nước Thiên Chúa,
thì dụ ngôn này nhắc cho họ thấy rằng có những hạt lúa được bội thu.
Kết quả của những hạt lúa bội thu thì gấp nhiều hơn số lúa đã gieo vãi.
Bài Tin Mừng hôm nay là một lời giải thích dụ ngôn trên của Đức Giêsu.
“Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống” (c. 18).
Đức Giêsu mời gọi như thế với các môn đệ của thời Ngài và của mọi thời đại.
Cả bốn hạng môn đệ sắp được Ngài kể ra đều là những người đã nghe Lời.
Lời đây là lời Tin Mừng, lời giảng dạy của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
Lời này được ví như hạt giống mà Đức Giêsu gieo vãi trong tim môn đệ (c. 19).
Trái tim người môn đệ là một thửa đất nhận hạt giống ấy.
Chỉ có một loại hạt giống như nhau, cũng như chỉ có một người gieo.
Kết quả khác nhau là tùy vào chất lượng của đất, chất lượng của trái tim.
Có bốn loại đất, bốn loại môn đệ với tâm hồn khác nhau.
Loại đất vệ đường, đất cứng, khiến hạt giống chỉ nằm ở bên trên.
Lời Chúa chỉ được nghe suông ngoài tai, nhưng không được đón nhận vào tim.
Chính vì thế loại môn đệ này được coi là không hiểu (c. 19).
Không hiểu không phải vì trí khôn kém cỏi hay vì người truyền đạt yếu.
Không hiểu chỉ vì không muốn hiểu, lòng không muốn đón nhận.
Khi lòng không ưng thì quỷ đến và cướp mất hạt giống đã gieo.
Loại đất sỏi đá là loại đất chỉ có một lớp đất mỏng thôi.
Hạt giống được gieo thì mọc lên ngay,
nhưng vì không có rễ sâu nên chỉ sống được một thời gian ngắn (c. 21).
Loại môn đệ thứ hai này chẳng những nghe mà còn vui vẻ đón nhận ngay (c. 20).
Nhưng sự đón nhận vội vã này rất hời hợt, và niềm vui cũng không sâu.
Họ tưởng làm môn đệ chỉ gặp toàn niềm vui và an bình.
Chính vì thế khi phải trả giá để sống Lời Chúa, thì họ vấp ngã ngay và bỏ cuộc.
Loại đất có bụi gai là đất có thể làm hạt giống lớn lên thành cây,
nhưng cây lại bị gai lấn át làm chết ngạt (c. 22).
Bụi gai của loại môn đệ này là nỗi lo lắng chuyện đời và lòng ham mê giàu có.
Bụi gai nằm ngay giữa thửa đất trái tim, lớn mạnh đến nỗi làm cây lúa úa vàng.
Cuối cùng là đất tốt, đất chẳng như vệ đường, chẳng có sỏi đá hay bụi gai.
Hạt giống gặp đất tốt này thì sinh hạt, hạt được một trăm, sáu chục hay ba chục.
Loại môn đệ cuối này khác hẳn với loại thứ nhất vì nghe và hiểu Lời Chúa (c. 23).
Tuy nhiên, kết quả đem lại nhiều hay ít còn tùy mức độ mở ra của từng người.
Lời Chúa hôm nay mời ta nhìn lại thửa đất của trái tim mình.
Những cứng cỏi, những hời hợt thiếu rễ sâu, những chi phối của đam mê vật chất.
Bao hạt giống được gieo mà chưa sinh hoa trái.
Xin Chúa giúp ta dọn dẹp, cải tạo lại thửa đất của tâm hồn
để tim ta có ít chỗ cho thế gian và nhiều chỗ hơn cho Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ