label

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Bài giảng chúa nhật XVI thường niên( cha sở Mai Đức Vượng)


CỎ LÙNG

   Chúa Kitô là Thiên Chúa, sự khôn ngoan của Ngài thật vô cùng, như các thánh thường nói : “ Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì sự khôn ngoan của TC cũng cao hơn sự hiểu biết của con người bấy nhiêu”. Mặc dù vậy, nhưng khi rao giảng tin mừng cứu độ, Ngài lại luôn dùng những hình ảnh thật đơn sơ, những câu chuyện đời thường quen thuộc, mà ai cũng thấy để người nghe có thể hiểu được những mầu nhiệm Nước Trời, hoặc những Chân lý mà Ngài muốn dạy.
Tuần vừa qua, để giải thích cho người Do Thái hiểu tại sao : Cũng nghe Lời Chúa dạy, mà có kẻ nên tốt, còn có người vẫn chứng nào tật nấy. Lời Chúa như vô hiệu đối với cuộc sống của họ…Ngài đã dùng hình ảnh Người Gieo Hạt giống để giúp họ hiểu rằng : Lời Chúa vẫn luôn luôn là những hạt giống tốt, hạt giống tuyển chọn, nhưng khi gieo vào lòng người như Mảnh đất. Hạt giống ấy có mọc lên được hay không, có sinh hoa kết trái nhiều hay ít còn tùy thuộc vào lòng người nghe, có là mảnh đất tốt, hay chỉ là sỏi đá khô khan, cứng cỏi, hay đầy rẫy cỏ dại gai góc um tùm, là những thói hư tật xấu, những đam mê tội lỗi bất chính, khiến Lời Chúa bị bóp nghẹt…
Hôm nay, Chúa cũng lại dùng một Dụ ngôn, một hình ảnh cũng rất quen thuộc với chúng ta. Chúng ta gọi là Dụ ngôn Cỏ Lùng. Cỏ lùng của người Do Thái giống như cây Cỏ Bông ở Việt nam chúng ta. Còn nhỏ chúng giống hệt cây lúa, rất khó phân biệt. Chúng phát triển rất mạnh, đến khi trổ bông cùng thời gian với Lúa, lúc đó người ta mới phân biệt được.
Chúa hướng cái nhìn chúng ta ra một đồng lúa : Lẫn lộn trong đó có Lúa và Cỏ Bông chung sống. Ngài nói :
-  Kẻ thù Ta đã gieo Cỏ vào ruộng Lúa”.. và
- “ Cứ để như thế cho đến ngày thu họach hãy tách cỏ ra”.
Chắc chắn không ai trong chúng ta làm như Chúa, vì :
“ Công cấy là công bỏ, công làm cỏ mới là công ăn”. Nếu cứ để cỏ mọc tự nhiên cho đến ngày thu họach, chắc chắn sẽ thất thu. Tất nhiên Chúa không dạy chúng ta cách làm ruộng. Vậy Chúa dạy gì qua cách nói của Ngài : “Cứ để như thế cho đến ngày thu hoạch

Theo tôi :
* Điều Ngài muốn dạy chúng ta trước hết là : Ngài muốn ám chỉ Thế gian này, nhân lọai này như Đồng lúa mênh mông, lúa thóc sống chung với cỏ dại. Thời nào và ở đâu cũng luôn có người xấu, điều ác lẫn lộn, trà trộn với người tốt, việc tốt.
Và Ngài khẳng định kẻ xấu, điều ác là do ma quỷ gieo rắc vào thế gian.
Và kẻ xấu, điều ác thường luôn mạnh thế hơn người tốt, việc tốt…như cỏ lùng, cỏ bông luôn phát triển mạnh hơn lúa thóc.
Thực tế này chắc ai trong chúng ta cũng nhận thấy !
* Ngài cũng muốn chúng ta nhìn vào Cái thế giới thu nhỏ (cái micro cosmos = cái thế giới vi mô) là tâm hồn mỗi người chúng ta. Nó cũng vậy, cũng có cả cái tốt lẫn cái xấu. Có nhiều lúc chúng ta tốt lắm, dễ thương lắm; nhưng cũng lắm khi chúng ta dễ ghét, thô bỉ lắm.Và những gì xấu xa cũng là do ma quỷ gieo vào lòng ta.
* Thứ hai, khi nói : “ Cứ để vậy cho đến ngày thu họach…” Không vội nhổ cỏ là vì có thể nhổ luôn cả lúa, đồng thời Ngài có ý cho kẻ gian ác có cơ hội mà ăn năn hối cải. Cỏ dại không bao giờ trở thành lúa được, nhưng người tội lỗi nếu khiêm tốn và thành tâm sám hối có thể cải thiện nên người tốt.
Còn đối với Cái thế giới vi mô là bản thân chúng ta, là tâm hồn chúng ta, Chúa đòi chúng ta phải kiên quyết tiêu diệt ngay những mầm mống cỏ dại là những thói hư tật xấu, ngay khi chúng vừa được gieo vào lòng ta, đừng để nó kịp nẩy mầm, bén rễ và phát triển !
Qua dụ ngôn Cỏ Lùng hôm nay, Chúa cũng còn muốn dạy chúng ta hãy Kiên Nhẫn đối với những kẻ xấu đầy rẫy bên cạnh chúng ta. Đừng ngã lòng, tuyệt vọng, vì không có ai hòan tòan xấu, mà cũng chẳng ai tốt hòan tòan, và hãy Cầu nguyện cho họ được ơn biến đổi.
Biết bao nhiêu người tưởng đã hư mất, nhưng với Ơn Chúa và sự khiêm tốn của bản thân, với lòng sám hối chân thành và quyết tâm đổi mới họ đã nên tốt, nên thánh, như Madalêna, như Augustinô, như Th. Phanxicô và biết bao tấm gương khác nữa.
Vì “Không có một vị Thánh nào mà không có quá khứ, và cũng không một tội nhân nào mà không có tương lai” . Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét