label

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

VÀI ĐIỀU CẢM NGHĨ NHÂN NGÀY LỄ GIỖ 2 NĂM CỦA BÀ CỐ CHA PHAN CHÍ MINH VÀ CHA PHAN ĐÌNH SƠN

VÀI ĐIỀU CẢM NGHĨ NHÂN NGÀY LỄ GIỖ 2 NĂM CỦA BÀ CỐ
CHA PHAN CHÍ MINH VÀ CHA PHAN ĐÌNH SƠN

Sáng nay dự thánh lễ giỗ 2 năm của bà cố cha Giuse Phan chí Minh và cha Phêrô Phan Đình Sơn. Cha Giuse vừa cất lên:” Mất mẹ là cái tang lớn nhất. Năm nay tôi sáu mươi lăm tuổi, em tôi sáu mươi, mà nhớ đến ngày mẹ chết chúng tôi vẫn thấy bơ vơ, lạc lõng, thiếu người an ủi, bảo ban, trách móc. Bây giờ tôi có thể hiểu hơn, những người không còn cha, không còn mẹ. Với kinh nghiệm đến trong đời mình, tôi có thể nói cho những người còn cha, còn mẹ như một xác tín rằng.” nói tới đây cha đã xúc động và nghẹn lời. Cả thánh đường như ngừng thở và rồi những tiếng sụt sùi trổi dậy. Mình cũng không sao cầm được nước mắt, vì tâm trạng của mình cũng giống như hai cha. Ba năm trước mẹ mình đã ra đi, dù mẹ ra đi vì tuổi già với 109 tuổi, nhưng sao mình luôn cảm thấy trống vắng nhất là những lúc đi làm về không gặp mẹ. Mẹ đã mất rồi, nhưng hình ảnh mẹ không thể mờ phai trong ký ức mình. Mặc dù trí nhớ giảm, nhưng trong lời nói và hành vi của mẹ luôn nhớ về các con. Ôm cái gối đung đưa nâng niu, vỗ về như vỗ về đứa con nhỏ, hỏi ôm ai mẹ trả lời ôm con tôi chứ ôm ai. Trong tâm hồn mẹ nói riêng và những người lớn tuổi nói chung các con đều là bé nhỏ cần phải quan tâm. Bà cố cũng vậy, mình đã gặp bà từ khi các cha còn là thầy, một người phụ nữ đảm đang, can đảm, chấp nhận hy sinh. Ngày ông cố mất các cha còn nhỏ, ông cố chưa kịp nhìn thấy các con đi tới đích. Nhưng có lẽ sự ra đi của ông cố là của lễ hoàn hảo nhất trước mặt Chúa để cầu nguyện cho các cha thành công sau này. Cũng kể từ đây, bà cố đã đóng vai trò cả cha lẫn mẹ để hướng dẫn các cha. Từng lời động viên, dạy dỗ khuyên bảo để các con an tâm theo chúa. Có buồn, có cô đơn vì phải sống một mình, nhưng mỗi lần các cha về bà cố lại rất vui để các cha an tâm. Hỏi sao các cha không nhớ mẹ? vì cả cuộc đời mẹ đã hy sinh cho các cha, sinh ra con, nâng niu con, tảo tần sớm hôm chắt chiu từng đồng để lo cho các con ăn học, con khỏe mẹ vui, con đau mẹ buồn, con đi xa mẹ nhớ. Chắc hẳn rằng khi các con đi tu mẹ đã khóc thật nhiều vì nhớ con, nhưng mẹ đã dằn lòng dâng con cho Chúa. Ôi, một người mẹ tuyệt vời, một người mẹ quảng đại, quyên mình.Thế rồi nhờ công đức của cha mẹ hai cha đã trở thành linh mục, mẹ vui nhưng sự hy sinh của mẹ đã làm mẹ già đi theo năm tháng, bệnh hoạn chồng chất. Lúc chúng con có thể lo cho mẹ được cũng là lúc mẹ chẳng còn ở với chúng con. Vì thế mà trong lời tâm sự cha Giuse đã nói:”các ngài mất đi để đời mình thành kẻ mồ côi. Có khóc đến mờ mắt, các ngài cũng chẳng thể sống lại. Có tiếc đến nghẹn lời các ngài cũng cứ vĩnh viễn rời xa.”
   Với niềm tin, tôi tin chắc rằng bà cố đã về với Chúa rồi. Chỉ nhìn vào đời sống của bà cố cũng đã nói lên điều đó, suốt cuộc đời bà cố trông cậy vào Chúa, phó thác cho Chúa, dâng con cho Chúa, lúc nào cũng cầu nguyện kể cả những năm tháng nằm trên giường bệnh. Xâu chuỗi được ví như chìa khóa nhà kho, tủ tiền vì lúc nào bà cố cũng nắm trong tay, miệng thì lẩm nhẩm đọc kinh, mắt nhìn về thánh giá. Những năm tháng nằm trên giường bệnh cũng là thời gian để bà cố đền hết những thiếu sót của mình. Vậy thì, Chúa đã nói:” ai trông cậy chúa sẽ không bao giờ thất vọng”.
    Bà cố đã về với Chúa nhưng với hai cha đã mất đi một bóng cây che mát cuộc đời, chỉ còn lại sự tiếc thương không gì bù đắp được, thiếu bóng mẹ, thiếu sự vỗ về, thiếu một tình thương linh thiêng mỗi người đều cảm nhận được dù mẹ chẳng nói gì.
    Thật hạnh phúc cho những ai còn cha mẹ, hãy trân trọng vì đó là báu vật trong đời, mất đi rồi không bao giờ tìm lại được. Hãy chăm sóc chu đáo khi các ngài còn sống đừng để hột cơm chan nước mắt. Hãy làm tròn chữ hiếu vì hiếu thảo là nền tảng căn bản để làm người, không có lòng hiếu thảo, thì dù giàu bao nhiêu, tài giỏi bao nhiêu cũng là vô nghĩa chưa thể làm người. Chúng ta cùng nghe Linh mục Phan Chí Minh bàn về chữ hiếu. Nhưng thế nào là hiếu thảo. Tôi chỉ xin phác họa vài nét sơ sài.
1/ Hiếu thảo là cố gắng không gây đau khổ cho cha mẹ.
2/ Luôn cố gắng mỗi ngày, để làm cha mẹ vui.
3/ Phải biết kiên nhẫn, và thực tình yêu thương khi cha mẹ đã về già. Người già thì thấy mình ngày càng đuối sức. Sức đã tàn, làm việc gì cũng khó, và dễ mặc cảm, tủi thân, cho nên người làm con, phải biết kiên nhẫn trong đối xử, kiên nhẫn trong tình thương và kính trọng để ý trong những lời nói và trong những hành động vô tình. Sự lạnh lùng, dễ làm cha mẹ cảm thấy cô đơn.
4/ Hãy hiếu thảo khi cha mẹ đã khuất, là xin lễ, là hy sinh và cầu nguyện lập công, để như một lễ vật dâng lên trước tòa Chúa, xin chúa tha thứ và giúp đền tội thay cho các ngài.
Ngôi nhà mình đang ở là chắt chiu của bao mồ hôi nước mắt của đời mẹ cha. Thân xác mình đang mang với bao tự hào và trí thông minh về vẻ đẹp của mình, là sự kết tinh từ máu, từ thịt của mẹ cha ông bà.
Đời mình có là bông hoa rực rỡ trên cao, được mọi người ca tụng đón chào. Xin hãy đừng quên, hãy nhớ cho rằng đều xuất phát từ gốc cây xù xì nằm sâu trong lòng đất, mà chẳng ai nhìn thấy.
Lời sách Huấn ca (3,3.12-16) đã nhắc nhở mỗi người chúng ta phải biết yêu mến và kính trọng cha mẹ có như vậy mới làm đẹp lòng chúa.
 “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng.
Hỡi kẻ làm con hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi còn sống”. Trí khôn người có suy giảm, con hãy nể vì, đừng nhục mạ người khi con đương sức trai tráng.
Của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng.
Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính.
Vào ngày bĩ cực, công việc con sẽ nhớ đến, như băng giá khi trời tối, tội con sẽ tan đi. Người lộng ngôn, khinh cha, dể mẹ là xúc phạm đến Thượng đế, kẻ tác tạo nên họ.
Lạy Chúa xin cho chúng con luôn biết làm trọn chữ hiếu với cha mẹ chúng con. Cho chúng con biết quảng đại, hy sinh, phó thác và hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào chúa như bà cố Maria.
                                                                                                                                  Thiên Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét