THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 9 năm 2011
NGƯỜI KITÔ TÍN HỮU CỦA GIÁO ĐOÀN LONG XUYÊN
TRONG TINH THẦN THAM GIA,
HIỆP THÔNG VÀ ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
***
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 9 năm 2011
NGƯỜI KITÔ TÍN HỮU CỦA GIÁO ĐOÀN LONG XUYÊN
TRONG TINH THẦN THAM GIA,
HIỆP THÔNG VÀ ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
***
Anh chị em thân mến,
Trong bầu khí giáo phận Long Xuyên đang vui mừng và hy vọng đón chờ Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện không thường trực của Toà Thánh tại Việt Nam, chính thức đến viếng thăm giáo phận vào đầu tháng 10 sắp tới, tôi xin gửi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa lời chào chúc bình an của Chúa Kitô.
Tiếp tục triển khai đường hướng của giáo phận sau năm hồng phúc kỷ niệm Kim Khánh giáo phận và của Giáo Hội Việt Nam trong thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa tại Việt Nam, tôi xin gửi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận thư mục vụ của tháng 9 với chủ đề “Người Kitô Tín Hữu của Giáo Đoàn Long Xuyên trong Tinh Thần Tham Gia, Hiệp Thông và Đồng Trách Nhiệm”. Như vậy, đối tượng mà thư mục vụ nhắm đến là toàn thể cộng đoàn người Kitô Hữu Giáo Dân, một tập thể chiếm đại đa số trong Hội Thánh.
Anh chị em thân mến,
Trước tiên, giáo phận cần lưu tâm đến những tình trạng làm suy yếu sự tham gia, hiệp thông và đồng trách nhiệm của người Kitô hữu giáo dân.
Tình trạng thứ nhất là người giáo dân trở thành thụ động, thậm chí là người đứng ngoài lề đối với những sinh hoạt của giáo hội.
Tình trạng kế tiếp là sự hiện diện của người Kitô hữu giáo dân bị giới hạn trong khuôn viên nhà thờ, và vai trò của người giáo dân trong các sinh hoạt mục vụ giáo xứ chỉ dành cho một nhóm nhỏ tín hữu thiện chí thường xuyên lui tới nhà xứ.
Tình trạng thứ ba là người Kitô hữu giáo dân trở thành những cá nhân lo phần rỗi linh hồn cho riêng mình theo luật hay theo lương tâm chủ quan của mình. Tình trạng trên là rất xa lạ với căn tính và vai trò của người giáo dân trong giáo hội sơ khai thời các tông đồ (Cv 2, 42-47; 4, 32-35).
Thật ra, giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt công đồng Vaticanô II, tông huấn “Người Kitô Hữu Giáo Dân”, và tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” đã làm nổi bật căn tính và vai trò của giáo dân. Hiệp thông với giáo huấn của giáo hội hoàn vũ, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa tại Việt Nam viết: "Trong đời sống Giáo Hội tại Việt Nam, giáo dân đã và đang góp phần thật phong phú và quảng đại cho đời sống và sứ vụ của giáo hội, như mang Tin Mừng của Chúa đến những vùng xa xôi hẻo lánh, chia sẻ công sức và tiền của, nhất là những lời cầu nguyện và bao hy sinh âm thầm để xây dựng đời sống hưng thịnh và sinh động của cộng đồng Dân Chúa. Thật đáng trân trọng những đóng góp quí giá này. Nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng các tổ chức các khoá huấn luyện về thần học, giáo lý, Kinh Thánh, mục vụ. Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội” (Số 27).
Còn giáo phận Long Xuyên, với đường hướng Tham Gia, Hiệp Thông và Đồng Trách nhiệm, chúng ta ước mong giáo phận được xây dựng thành Hội Thánh theo mô hình của giáo đoàn Philadenphia trong chương 3 của sách Khải Huyền, với những sắc thái đặc biệt sau đây:
1) Một Hội Thánh biết đặt Đức Kitô, với dự phóng qui tụ mọi người từ bắc chí nam, từ đông sang tây vào Nước Thiên Chúa, là lý do và tâm điểm của sự hiện diện của mình trong lịch sử nhân loại.
2) Một Hội Thánh trong đó tác vụ linh mục, thừa tác cũng như phổ quát, hiệp nhất và hỗ tương với nhau để cùng xây dựng một cộng đoàn bác ái, yêu thương, như dấu chỉ cho sự hiện diện của Nước Thiên Chúa.
3) Một Hội thánh trong đó người Kitô hữu giáo dân khám phá ra vẻ đẹp về sứ mạng của họ khi cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ sống giá trị của Tin Mừng được cô đọng trong tinh thần của Tám Mối Phúc Thật.
4) Một Hội Thánh trong đó có nhiều giáo dân sẵn sàng cống hiến các tài năng của mình, để cùng với mọi người thành tâm thiện chí thuộc mọi niềm tin và triết lý sống, trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần, cùng nhau xây dựng một xã hội luôn triển nở về công chính, bình an, và hoan lạc.
Để thực hiện được ước mơ trên, tôi mời mọi người trong cộng đoàn giáo phận, không trừ ai, cùng thực hiện chương trình tu đức và mục vụ dành cho người giáo dân của giáo phận.
* Về đường hướng tu đức, người giáo dân được cổ vũ thực hiện con đường tu đức tập trung vào Đức Kitô, để thực hiện các giáo huấn của Người, để sống theo gương mẫu của Người, và để làm chứng cho sự hiện diện của Người; tất cả được cô đọng trong Tám Mối Phúc Thật. Đặc biệt người giáo dân của giáo phận Long Xuyên được khích lệ ưu tiên chọn lựa sống ba (03) Phúc Thật được coi là phù hợp với nền văn hoá sông nước của miền đồng bằng sông Cửu Long.
Đó là Phúc Thật thứ Hai, sống hiền lành như những dòng sông luôn trao tặng yêu thương và phục vụ trong một thế giới đầy bạo lực; Phúc Thật Thứ Năm, sống thương xót và cảm thông như những túp lều tranh nghèo vật chất nhưng giầu tình người để luôn rộng mở đón nhận người lữ khách trong một thế giới đầy hận thù và ích kỷ; và Phúc Thật Thứ Bảy, sống liên đới và hoà giải trở thành cây cầu nối giữa con người với con người, và giữa con người với Thiên Chúa trong một thế giới nhiều chia rẽ và loại trừ nhau. Sống Tám Mối Phúc Thật, người giáo dân đang thực sự tham gia, hiệp thông và đồng trách nhiệm tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, là ngôn sứ, là tư tế, và là vương đế. Thật vậy, với tính chất trần thế của mình, người Kitô hữu giáo dân thực sự đang biến đời mình trở thành lời rao giảng để thi hành tác vụ ngôn sứ rao giảng, đang hiến dâng đời mình thành của lễ và lời cầu nguyện để thi hành tác vụ tư tế thánh hoá, và đang biến đổi bộ mặt thế giới chuẩn bị cho ngày quang lâm của Đức Kitô để thi hành tác vụ vương đế lãnh đạo. Như vậy, mỗi ngươi Kitô hữu giáo dân trở thành hiện thân của Chúa Kitô sống Mầu Nhiệm Nhập Thể, Nhập Thế, và Vượt Qua trong môi trường sống và làm việc của mình.
* Về chương trình mục vụ, giáo phận tập trung vào 3 lãnh vực để cổ vũ cho sự tham gia, hiệp thông và đồng trách nhiệm của người Kitô hữu giáo dân.
Lãnh vực thứ nhất là gia đình. Ở đây, với ơn của bí tích Thánh Tẩy và Hôn Phối, người giáo dân được mời gọi xây dựng gia đình thành một Hội Thánh Tại Gia, để sống đạo, để truyền thông những giá trị của Tin Mừng qua các thế hệ, và để là chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa và Hội Thánh được nhập thể trong các tương quan nhân loại.
Lãnh vực thứ hai là các đoàn thể của giáo xứ. Nhờ các đoàn thể, người giáo dân được tiếp tục hướng dẫn, để ngày càng trưởng thành hơn trong nhận thức về căn tính và vai trò của mình. Cũng chính nhờ các đoàn thể, người giáo dân có cơ hội thi hành sứ mệnh của mình, và đồng trách nhiệm với mọi thành phần dân Chúa tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô và Hội Thánh.
Cuối cùng là trong lãnh vực giáo dục và đào tạo. Trong khi Giáo Hội bị đặt ngoài lề trong công cuộc giáo dục con người cho tương lai, thì sự hiện diện của người giáo dân là cần thiết cho sứ mạng của Giáo Hội đối với xã hội. Tôi muốn nói tới đội ngũ đông đảo của các giáo viên công giáo đang hiện diện trong hệ thống giáo dục của nhà nước. Tôi cũng muốn nói tới sự hiện diện của người giáo dân trong vai trò là phụ huynh trong các tổ chức và sinh hoạt của phụ huynh học sinh. Tôi cũng muốn nói tới những người giáo dân đang góp phần mình cách quảng đại trong sự nghiệp giáo dục, bằng cách tổ chức các lưu xá cho sinh viên học sinh, lập quĩ học bổng cho các học sinh sinh viên nghèo vượt khó, góp phần tiếp sức mùa thi… Nhờ những sự hiện diện tích cực này, Giáo Hội, trong giới hạn của mình, vẫn là dấu chỉ cho tình yêu của Mẹ và Thầy đối với thế hệ tương lai, là muối ướp mặn cho đời, là ánh sáng giữa đêm tối, là men biến đổi xã hội.
Hiệp thông với ĐC Cố Gioan Baotixita, tôi thân ái gửi phúc lành của Thiên Chúa Ba Ngôi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt đến tập thể giáo dân, cùng với lời mời gọi của Chúa Kitô: “Cả anh chị em nữa, cũng hãy đi làm vườn nho cho tôi” (Mt 20,7).
Thân ái chào anh chị em,
+ GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN