label

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Xây trên nền đá (28.6.2012 – Thứ năm Tuần 12 Thường niên)


Xây trên nền đá 
Lời Chúa: Mt 7, 21-29
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’  là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’ Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
Khi Đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.
Suy nim:
Nếu ai trong cộng đoàn các Kitô hữu chúng ta
có khả năng nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là dùng quyền năng của Ngài,
để nói tiên tri, để trừ quỷ hay làm nhiều phép lạ (c. 22),
chắc chúng ta sẽ tin ngay người đó là môn đệ đích thực của Đức Giêsu.
Người đó dĩ nhiên phải là người tốt lành, thánh thiện, đáng tin,
vì chỉ ai là người của Chúa mới làm được những điều lạ lùng đó.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta đừng vội kết luận.
Làm được những điều Chúa đã làm như trừ quỷ hay chữa bệnh
chưa chắc chắn đã là người môn đệ chân chính.
Những kết quả hoành tráng trên vẫn chưa đủ để biết cây (Mt 7, 16).
Cả những ai thưa với Thầy Giêsu: Lạy Chúa! lạy Chúa!
cũng không hẳn sẽ được vào Nước Trời (c. 21).
Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn quan trọng khác để nhận định.
Đó là chính cuộc sống của người môn đệ đó.
“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời…” (c. 21).
Ý muốn ấy được giải thích và diễn tả qua “những lời Thầy nói đây” (c. 24).
Vậy tiêu chuẩn chắc chắn để nhận ra người môn đệ thật
đó là xem người đó có sống đúng tinh thần của Đức Giêsu không,
có làm điều Ngài dạy qua Bài Giảng trên núi không.
“Những kẻ làm điều gian ác” ở đây là những người đã nghe và không làm.
Ngay cả những kẻ ấy cũng có thể làm được những điều kỳ diệu,
khiến chúng ta bị ngây ngất, say mê và ngộ nhận.
Nhưng vào ngày phán xét, mọi sự sẽ bị phanh phui.
Chúa sẽ nói với họ: “Ta không biết các ngươi. Xéo đi khỏi Ta” (c. 23).
Nước Trời không dành cho những ai bất tuân phục Ý Chúa.
Dù Nước Trời là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa Cha,
nhưng người Kitô hữu vẫn phải đưa tay ra cung kính đón nhận
bằng cách sống trọn vẹn Ý Cha như một người con thảo hiền.
Không có thái độ này, thì quà có đó mà vẫn không đến tay.
Chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu quá nhiều, nhưng thực hành lại chưa đủ.
Chính vì thế khi mưa đổ xuống, gió giật, nước dâng,
ngôi nhà đời chúng ta sụp đổ dễ dàng.
Vấn đề không phải do cuồng phong và lũ lụt,
mà do nền móng của ngôi nhà, nền đá hay nền cát.
Sau một cơn bão, có những tòa nhà cổ vẫn đứng vững hiên ngang,
trong khi những ngôi nhà mới xây lại sụp đổ.
Cơn bão nói cho ta về chất lượng thật của ngôi nhà.
Có bao nhiêu cơn bão mà ngôi nhà mỗi người vẫn phải gánh chịu mỗi năm?
Có lẽ ta nên chọn một câu Tin Mừng làm nền đá cho ngôi nhà đời mình.
Và xây cả đời mình trên việc sống câu Tin Mừng ấy.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

THƯ MỤC VỤ Đức Giám Mục Giáo Phận Tháng 7 năm 2012

THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 7 năm 2012
 
GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA
VÀ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI THẾ HỆ
KẾ THỪA TRONG TƯƠNG LAI
 
          Anh chị em thân mến,
          Trong bầu khí hiệp thông của gia đình giáo phận, tôi xin gửi lời chào thân ái, cùng lời chúc bình an và nguyện xin phúc lành của Thiên Chúa đến với toàn thể dân Chúa trong giáo phận. Cũng trong bầu khí đồng trách nhiệm của gia đình Thiên Chúa, tôi xin gửi đến anh chị em đôi nét về đường hướng mục vụ và tu đức của tháng 7, rút ra từ thực tế xã hội, và từ sự quan tâm chăm sóc mục vụ của các linh mục đang phụ trách các cộng đoàn, được bày tỏ trong dịp thường huấn vừa qua. Thư mục vụ có chủ đề “Gia đình của Thiên Chúa và trách nhiệm đối với thế hệ kế thừa trong tương lai”.
 
          1. Thách đố và trách nhiệm mục vụ đối với thanh thiếu niên ngày nay
          Trước hết, giáo phận ý thức về những thách đố trong chương trình mục vụ giáo dục thanh thiếu niên với những biểu hiện tích cực lẫn tiêu cực. Thực vậy, giáo phận ghi nhận rằng, vẫn có nhiều con cái của Giáo Hội là giới trẻ có lòng tha thiết gắn bó với Giáo Hội, vẫn còn tin tưởng tìm câu giải đáp cho cuộc đời mình từ sự hướng dẫn của Giáo Hội, vẫn quảng đại góp phần tích cực xây dựng Giáo Hội của Chúa. Tuy nhiên, giáo phận cũng đối diện với thực tế là có môt bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hôm nay biểu lộ thái độ hờ hững, thậm chí chối bỏ những giá trị tinh thần và thiêng liêng. Và vì thế, hậu quả thường xảy ra là thành phần giới trẻ này đang dần xa rời Giáo Hội, quay lưng lại những hướng dẫn của Giáo Hội, và hờ hững với những cử hành phụng tự. Trong bầu khí này, giáo phận, cụ thể là hàng giáo sĩ, tu sĩ, chủng sinh, cần luôn ý thức rằng, thanh thiếu niên không thể là thành phần kém quan trọng trong gia đình giáo phận, vì giới trẻ đang làm nên Hội Thánh, đang góp phần xây dựng Hội Thánh, và là tương lai Hội Thánh. Với ý thức nền tảng này, hai câu hỏi được đặt ra để giáo phận đối diện với những thách đố từ giới trẻ:
          - Một là giáo phận phải làm gì để minh chứng Hội Thánh Chúa Kitô là dành cho giới trẻ và để giới trẻ thực sự thuộc về Hội Thánh?
          - Hai là giáo phận có kỳ vọng gì nơi giới trẻ để qua chăm sóc mục vụ dành cho giới trẻ, giáo phận đang định hình cho tương lai của Giáo Hội?
 
          2. Đường hướng mục vụ cho thanh thiếu niên
          Từ nhận thức về những thách đố và với tinh thần trách nhiệm, giáo phận nhận thấy cần phải đưa ra một chương trình mục vụ dành cho thanh thiếu niên của giáo phận. Nhờ thực hiện chương trình mục vụ này, giáo phận trước hết muốn trở thành hiện thân của Chúa Kitô Đấng yêu mến giới trẻ trong hình ảnh người thanh niên thiện chí khát khao kiếm tìm ý nghĩa cho đời mình (Mc 10, 21), từ đó giáo phận đối thoại với giới trẻ để giới thiệu khuôn mặt nhân lành của Chúa Giêsu cho giới trẻ ngày nay. Ngoài ra, theo ánh sáng của công đồng Vaticanô II với ý thức giới trẻ là tương lai của Hội Thánh(Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo số 2), chương trình mục vụ này phải là cách giáo phận bày tỏ lòng tin tưởng vào giới trẻ để mời gọi giới trẻ tích cực tham gia, hiệp thông, đồng trách nhiệm trong sinh hoạt phúc âm hóa của giáo phận đối với thế giới ngày nay. Nhất là, nhờ việc đón nhận giới trẻ như một phần chi thể trong nhiệm thể của Chúa Kitô, giáo phận soi mình trong cuộc đời và sự dấn thân của giới trẻ để có thể tuyên bố với con người thời đại rằng Hội Thánh thực sự là tuổi trẻ của thế giới, vì đang phản chiếu khuôn mặt tươi trẻ của Đức Kitô (Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân số 46).
 
          3. Giáo Phận là Mẹ và là Thầy của thanh thiếu niên.
          Với thái độ yêu quí, tin tưởng và hy vọng vào giới trẻ ngày nay, giáo phận đề ra chương trình mục vụ nhằm huấn luyện giới trẻ theo mô hình trưởng thành của Đức Kitô “Chúa Giêsu càng lớn lên về vóc dáng, càng khôn ngoan hơn, và càng nhân đức hơn trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2, 52). Nghĩa là, giáo phận hướng về một nền giáo dục toàn diện, với 3 lãnh vực, đức dục, trí dục, và thể dục, trong bầu khí thiêng liêng và hiệp thông của gia đình Thiên Chúa. Trong tiến trình giáo dục này, Giáo Hội đóng vai trò là Mẹ và là Thầy Mater et Magistra. Thực vậy, là Mẹ với tình mẫu tử và là Thầy với khôn ngoan và kinh nghiệm, giáo phận có trách nhiệm làm cho giới trẻ trưởng thành qua việc giáo dục bằng thái độ tình yêu có sức hoán cải. Giáo phận cũng muốn giới thiệu cho giới trẻ khuôn mặt hấp dẫn của Chúa Kitô trong Lời Chúa, Thánh Thể và Bác Ái. Như vậy, khuôn mặt Chúa Kitô mà Giáo Hội muốn giới thiệu với thanh thiếu niên ngày nay phải là khuôn mặt dễ mến toát lên sự hiền lành nhưng can đảm, khiêm nhường nhưng thẳng thắn, cảm thông với những yếu đuối nhưng không thỏa hiệp với những tiêu cực. Thực hiện được như vậy, giáo phận giới thiệu Chúa Kitô là một Adam Mới cho giới trẻ để họ cũng là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa giữa lòng đời (LG số 22), là hiện thân của Chúa Kitô Ngôi Lời Nhập Thể xây dựng tình liên đới nhân loại (số 32), và là hiện thân của Chúa Kitô là Alpha và Omega, để họ luôn hướng cuộc đời và sự nghiệp của họ về Trời Mới Đất Mới (Số 45).
 
          4. Chăm sóc mục vụ dành cho Thanh Thiếu Niên.
          Để thực hiện một cách cụ thể hơn, sự chăm sóc mục vụ dành cho thanh thiếu niên, giáo phận cần tập trung vào các nhóm nhỏ thanh thiếu niên. Các nhóm nhỏ này là rất đa dạng, có thể hình thành từ các hội đoàn của các cộng đoàn, có thể từ các môi trường sống, học tập hay hoạt động của thanh thiếu niên, có thể từ cùng một sở thích, cùng một hoài bão, cùng một lý tưởng của cuộc đời… Thật là cần thiết nếu có sự liên kết giữa những người có trách nhiệm trong gia đình, trong giáo xứ, giáo họ, trong trường học, mà chúng ta gọi chung là bậc phụ huynh, để tháp tùng các nhóm nhỏ này. Khởi điểm để chăm sóc mục vụ cho các nhỏm nhỏ này phải được thanh thiếu niên chấp nhận cho hiện diện với các nhóm của chúng để chúng ta là hiện thân của Đấng là Emmanuel - Thiên Chúa hiện diện trong cộng đoàn này. Là hiện thân của Chúa Kitô giữa các nhóm nhỏ, chúng ta cộng tác với Chúa Thánh Thần, để trong từng trường hợp cụ thể, với từng cá nhân độc đáo, chúng ta làm chứng cho những giá trị đích thực của phẩm giá con người là trở nên con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Thái độ cuối cùng mà thanh thiếu niên kỳ vọng nơi chúng ta là thái độ của Mẹ Maria và Thánh Giuse, đó là biết lắng nghe và tôn trọng chương trình của Thiên Chúa nơi thế hệ con em mình: “Cha mẹ không biết rằng con phải làm việc cho Cha con sao?”. Từ ý thức này, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho giới trẻ cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện định mệnh đời của chúng theo Thánh Ý của Thiên Chúa.
 
          Các thanh thiếu niên yêu quí của cha
          Với tình yêu và trách nhiệm cha dành cho thanh thiếu niên chúng con, cha ý thức rằng Hội Thánh Chúa Kitô có nhiều điều để nói với giới trẻ chúng con, và cha cũng cảm nhận được rằng, tuổi trẻ ngày nay cũng có nhiều điều muốn tỏ bày với Giáo Hội. Ý thức này sẽ dẫn đưa giáo phận vào cuộc đối thoại với giới trẻ chúng con, một cuộc đối thoại phải là thân tình, trong sáng, can đảm, không những làm phát triển sự trưởng thành của giới trẻ chúng con, vừa làm phát sinh sự canh tân và tươi trẻ cho Hội Thánh và cho xã hội. Quả thật, bằng cuộc đối thoại này, Giáo Hội được lời của Chúa Kitô nhắc nhở : “Nếu anh em không hoán cải nên giống như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Lc 9, 48). Theo ý nghĩa này, thanh thiếu niên chúng con trở thành niềm tự hào và niềm hy vọng của cha và của giáo phận. Xin cám ơn chúng con, và xin phúc lành của Chúa xuống trên tuổi thanh xuân của chúng con, để chúng con mãi mãi là dấu chỉ cho mùa xuân đầy sức sống của Hội Thánh.
           
          + GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
          GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

Đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau



Đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau
WHĐ  (27.06.2012) – Mới đây, Đức hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, đã dành cho nguyệt san 30 Giorni một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài đề cập đến một số vấn đề quan trọng và tế nhị trong đời sống Giáo Hội.
Trong giai đoạn Đặng Tiểu Bình chủ trương chính sách mở cửa cho Trung Quốc, Đức hồng y Filoni là sứ thần Tòa Thánh tại Hồng Kông; vì thế từ lâu ngài đã biết đến tình hình Giáo Hội tại Trung Quốc. Được hỏi về tình trạng chia rẽ của người công giáo tại Trung Hoa lục địa, ngài nói: “Sự chia rẽ không phát xuất từ cách làm việc của Giáo Hội nhưng từ những hoàn cảnh lịch sử và chính trị. Đó là một hoàn cảnh nhiều khó khăn và đau khổ. Cần phải giúp đỡ Giáo Hội tại Trung Quốc, cả Giáo Hội được gọi là hầm trú và Giáo Hội được đặt tên không đúng là Giáo Hội yêu nước. Cả hai cộng đoàn giáo hội này cần hiệp nhất lại trong Chúa Kitô”.
Sau đó, Đức hồng y nói đến vấn đề tế nhị là việc bổ nhiệm giám mục: “Người ta phải từ bỏ cách nhìn giám mục như những quan chức nhà nước. Nếu không vượt lên trên não trạng đó, thì mọi sự đều bị điều kiện hóa do nhãn quan chính trị. Để chọn một người làm đảng viên hay viên chức nhà nước, người ta có một số tiêu chuẩn. Việc chọn giám mục dựa vào những tiêu chuẩn khác. Và sự khác biệt này cần được tôn trọng. Vì thế không chỉ ở Trung Quốc nhưng ở mọi nơi, điều chúng tôi yêu cầu là các giám mục phải là giám mục tốt, xứng đáng với nhiệm vụ được trao phó”. Rồi ngài nói thêm: “Theo lẽ tự nhiên, các giám mục cũng là những công dân trong đất nước của họ và như thế, họ phải trung thành với đất nước, trả cho Cesar cái gì của Cesar. Là những người kế vị các tông đồ, các giám mục được đòi hỏi phải hoàn toàn trung thành với giáo huấn của Giáo Hội. Đây không phải một “mệnh lệnh” từ Đức giáo hoàng. Chính các tín hữu là những người đầu tiên đòi hỏi điều đó. Và vào cuối cuộc đời này, chính các tín hữu sẽ xét xử về sự thích đáng và phẩm chất các giám mục của họ”.
Ngài cũng nhấn mạnh sự hiệp thông trong Giáo Hội: “Giáo Hội là nơi của hiệp thông. Các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân cần giúp đỡ Tòa Thánh trong mối quan hệ với các thực thể dân sự và chính trị, bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn lượng giá. Điều duy nhất không được làm là gây chia rẽ giữa Đấng kế vị thánh Phêrô – cũng như những cộng tác viên của ngài – với các giám mục, cũng như giữa các giám mục với Dân Chúa”.
Đức hồng y Fernando Filoni cũng từng là sứ thần Tòa Thánh tại Iraq thời Saddam Hussein. Người ta còn nhắc lại sự kiện, khi đại sứ các nước, kể cả nhân viên Liên hợp quốc và nhiều phóng viên, đều lên đường rời Iraq vì lý do an ninh, thì Đức hồng y Filoni vẫn ở lại vì ngài nói không thể bỏ rơi cộng đoàn công giáo cũng như nhiều người dân Iraq đang phải chịu đau khổ: “Nếu mục tử bỏ chạy trong lúc khó khăn, thì đoàn chiên tuyệt vọng”.
Khi được hỏi về cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, dù không ủng hộ Saddam Hussein nhưng ngài cho biết: “Đó là cuộc chiến sai lầm. Dân chủ không thể đến từ chiến tranh. Vào lúc đó, đã có những điều kiện thuận lợi cho việc thương thảo. Saddam cũng nói với tôi rằng ông mong muốn điều đó. Thế nhưng đối với những người lãnh đạo, cách riêng trong thế giới Ả Rập, nếu bạn muốn thương thảo với họ thì bạn phải bảo đảm là bạn không nhục mạ họ. Người ta đã không hiểu được điều đó. Các Kitô hữu và những người khác đã phải chịu nhiều bất công dưới chế độ Saddam, nhưng để duy trì hòa bình trong đất nước, ít nhất họ cũng đã bảo vệ quyền tự do thờ phượng của người dân. Cũng không thể biện minh cho cụộc chiến đó từ quan điểm công lý quốc tế và chính trị vì Iraq không can thiệp gì vào vụ việc 11 tháng 9. Còn vấn đề về vũ khí hủy diệt hằng loạt chỉ là lý cớ viện dẫn thôi.”
 
Thiên Triệu

Ðức Thánh Cha viếng thăm các nạn nhân động đất tại bắc Italia.

Ðức Thánh Cha viếng thăm
các nạn nhân động đất tại bắc Italia


Emilia (SD 26-6-2012) - Sáng ngày 26 tháng 6 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã đến viếng thăm các nạn nhân bị động đất tại miền Emilia Romagna, bắc Italia, bày tỏ tình liên đới và kêu gọi gia tăng cứu trợ các nạn nhân.
Hai trận động đất hồi cuối tháng 5 năm 2012 tại miền này, đặc biệt tại giáo phận Carpi phía bắc thành phố Modena, đã làm cho 27 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, 305 thánh đường trong số 45 ngàn nhà bị hư hại ở cấp độ khác nhau, chỉ có 4,700 căn nhà được xác nhận là có thể tiếp tục ở được.
Từ Vatican, Ðức Thánh Cha đã đáp trực thăng bay đến làng San Marino di Carpi, thuộc tỉnh Modena, lúc quá 10 giờ 15. Tại đây ngài được chính quyền địa phương, cùng với Ðức Giám Mục sở tại Francesco Cavina và ông Franco Gabrielli, giám đốc cơ ban bảo vệ dân chúng, cùng với nhiều người dân đón tiếp. Liền đó ngài đến Nhà thờ thánh nữ Caterina Alessandria ở làng Roverteto di Novi, nơi cha sở Ivan Martini đã bị thiệt mạng, vì nhà thờ sụp trong lúc cha tìm cách cứu vãn tượng Ðức Mẹ trong thánh đường. Khi đến trước thánh đường, Ðức Thánh Cha đã cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ. Trên cửa nhà thờ có treo hình cha sở bị tử nạn.
Cuộc gặp gỡ của Ðức Thánh Cha với hàng ngàn nạn nhân, trong đó có Ðức Hồng Y Caffara, Tổng Giám Mục giáo phận Bologna, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục miền Emilia Romagna, cùng với hàng chục Giám Mục khác trong vùng, cũng như chính quyền địa phương, đã diễn ra lúc 11 giờ trước một lễ đài rất đơn sơ, chỉ có mái che nắng.
Lên tiếng sau lời chào mừng của ông chủ tịch miền Emilia Romanga của Ðức Hồng Y Caffara, Ðức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy đặt trọn niềm tín thác nơi Chúa, như lời thánh vịnh 46: "Thiên Chúa là nơi con nương ẩn, là thành lũy bảo vệ, là sự phù trợ chắc chắn trong lo âu. Vì thế chúng ta không sợ khi đất rung chuyển, khi núi đồi lảo đảo nơi đáy biển cả" (Tv 46,2-3)
Ðức Thánh Cha nói: "Những lời này của Thánh Vịnh không những gây ấn tượng mạnh nơi tôi vì hình ảnh động đất được dùng, nhưng nhất là vì điều mà Thánh Vịnh khẳng định về thái độ nội tâm của chúng ta những trước những đảo lộn của thiên nhiên: một thái độ an toàn vững mạnh, dựa trên đá tảng vững bền, không lay chuyển là Thiên Chúa".
Ðức Thánh Cha giải thích rằng sự an toàn mà Thánh Vịnh nói đến chính là an toàn của Ðức tin, qua đó có thể là ta cũng có sợ hãi và lo âu, như Chúa Giêsu cũng đã trải qua, nhưng nhất là chúng ta có niềm xác tín rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, như một trẻ em biết mình luôn luôn có thể cậy trông vào cha mẹ, vì em cảm thấy được mến yêu, dù bất cứ điều gì xảy ra".
Ðức Thánh Cha mời gọi dân chúng hãy tái thiết trên nền tảng hy vọng vững chắc ấy, như Italia đã từng xây dựng lại sau thời hậu chiến trên những đổ vỡ. Ngài nhắc đến tình liên đới của nhân dân Italia đối với các nạn nhân. Sau cùng ngài nói thêm rằng:
"Từ nơi này, tôi muốn mạnh mẽ kêu gọi các tổ chức chính quyền, và mỗi công dân, tuy ở trong tình cảnh khó khăn hiện nay, nhưng như người Samaritano nhân lành trong Phúc Âm, quí vị đừng bước đi lãnh đạm trước người đang túng thiếu và cần được giúp đỡ, trái lại, với tình yêu thương, cúi mình, cứu giúp và ở gần, đảm nhận tận tình những nhu cầu của tha nhân (Lc 10,29-37). Giáo Hội đang và sẽ gần gũi với anh chị em, với kinh nguyện và những giúp đỡ cụ thể qua các tổ chức của Giáo Hội, đặc biệt là Caritas, sẽ dấn thân cả trong việc tái thiết các cơ cấu cộng đoàn của các giáo xứ".
Sau bài diễn văn, Ðức Thánh Cha còn bắt tay chào thăm lối 50 người thuộc các tầng lấp khác nhau trong dân chúng, trước khi đáp trực thăng trở về đến Vatican lúc 13.30 cùng ngày. (SD 26-6-2012)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Một số bố nhiệm tại Tòa Thánh

Một số bố nhiệm tại Tòa Thánh


Vatican (SD 26-6-2012) - Hôm 26 tháng 6 năm 2012, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của Ðức Hồng Y Ennio Antonelli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và bổ nhiệm người kế nhiệm là Ðức Cha Vincenzo Paglia.
Ðức Hồng Y Antonelli người Italia, năm nay 76 tuổi (1936) nguyên là Tổng Giám Mục giáo phận Firenze, trước khi được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình cách đây 4 năm. Ðức Hồng Y đã điều động tốt đẹp việc tổ chức Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới ở Milano hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 năm 2012.
Ðức Cha Vincenzo Paglia, người Italia, năm nay 67 tuổi (1945) nguyên là đồng sáng lập kiêm tuyên úy cộng đồng thánh Egidio ở Roma, và được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Terni hồi năm 2000. Giáo phận này có gần 150 ngàn tín hữu và cách Roma lối 100 cây số. Cùng với việc bổ nhiệm trên đây, Ðức Thánh Cha đã thăng Ðức Cha Paglia lên hàng Tổng Giám Mục.
Cũng ngày 26 tháng 6 năm 2012, Ðức Thánh Cha đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Bruguès O.P, người Pháp, tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo, làm tân Thư viện trưởng của Tòa Thánh, thay thế Ðức Hồng Y Raffaele Farina, dòng Don Bosco, về hưu.
Ðức Tổng Giám Mục Bruguès, 69 tuổi (1943) nguyên làm Giám Mục giáo phận Angers bên Pháp trước khi được thăng Tổng Giám Mục Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo hồi tháng 11 năm 2007.
Ðức Tổng Giám Mục Joseph Augustine Di Noia, dòng Ða Minh người Mỹ, cho đến nay là Tổng thư ký Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích, được Ðức Thánh Cha bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Ủy ban Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, và Ðức Cha Arthur Roche, người Anh, Giám Mục giáo phận Leeds, được thăng Tổng Giám Mục Tổng thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích.
Ðức Thánh Cha cũng bổ nhiệm Ðức Cha Protase Rugambwa, 52 tuổi (1960), Giám Mục giáo phận Kogoma bên Tanzania, làm Tổng Giám Mục Ðồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo, thay thế Ðức Tổng Giám Mục Piergiuseppe Vacchelli, về hưu. Với chức vụ này, Ðức Tổng Giám Mục Rugambwa là Chủ tịch các Hội Giáo Hoàng truyền giáo. (SD 26-6-2012)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Công bố Văn kiện của Bộ Giáo Dục Công Giáo về việc mục vụ ơn gọi linh mục.

Công bố Văn kiện
của Bộ Giáo Dục Công Giáo
về việc mục vụ ơn gọi linh mục


Vatican (Vat. 25/06/2012) - Sáng 25 tháng 6 năm 2012, Bộ giáo dục Công Giáo đã công bố văn kiện mới, tựa đề "Những đường hướng mục vụ ơn gọi linh mục".
Văn kiện dài lối 30 trang, soạn thảo trong vòng 7 năm qua, được Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cho phép công bố ngày 25 tháng 3 năm 2012 và đã được Ðức Hồng Y Tổng trưởng Zenon Grocholewski, Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Bruguès Tổng thư ký và Ðức Ông Phó tổng thư ký Vencenzo Zani, giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.
Ba phần của Văn kiện lần lượt trình bày "Việc mục vụ ơn gọi trong thế giới ngày nay" (I); "Ơn gọi và căn tính của chức linh mục thừa tác" (II) và sau cùng là "Các đề nghị cụ thể cho việc mục vụ ơn gọi LM" (III).
Tài liệu này chủ yếu nói về tình trạng tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu đang bị khan hiếm ơn gọi Linh Mục một cách trầm trọng; trong số những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này, có tình trạng giảm sút dân số và cuộc khủng hoảng gia đình, hiện tượng tục hóa, gương mù lạm dụng tính dục do một số Linh Mục, những ý tưởng sai lầm trong nội bộ Giáo Hội đưa tới sự coi rẻ đoàn sủng và sự chọn lựa độc thân, v.v. Nhiều cha mẹ, với những mong đợi về tương lai của con cái, nên ít quan tâm đến sự kiện con cái có thể được ơn gọi làm linh mục". Cản trở ơn gọi Linh Mục, cũng có thể là chính đời sống Linh Mục bị thu hút vào sự miệt mài làm việc, với hậu quả là bị các hoạt động mục vụ đè bẹp, làm lu mờ và suy yếu kinh nghiệm sáng ngời về linh mục".
Trong số những đề nghị cụ thể, Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo nhấn mạnh đến chứng tá vui tươi và trung thành của linh mục trong sứ vụ, đây có thể là một hình ảnh thu hút mạnh mẽ nơi giới trẻ về chức linh mục; ngoài ra có kinh nghiệm về thiện nguyện; học đường như một môi trường quan tâm đến sự huấn luyện con người toàn diện..
Họp báo
Trong cuộc họp báo, ba vị lãnh đạo của Bộ Công Giáo lần lượt giới thiệu nội dung 3 phần của Văn Kiện:
1. Ðức Hồng Y Zenon Grocholewski
Ðức Hồng Y Zenon Grocholewskingười Ba Lan, đã giới thiệu lai lịch văn kiện và nội dung phần thứ I. Ngài cho biết tiến trình soạn Văn kiện đã diễn ra trong 7 năm, qua các Ðại hội của Bộ giáo dục Công Giáo. Ðại hội năm 2005 với sự tham dự của các Hồng Y và Giám Mục thành viên, đã thảo luận về ơn gọi Linh Mục và yêu cầu đào sâu vấn đề để chuẩn bị một văn kiện về việc cổ võ ơn gọi Linh Mục. Ðại hội cũng đề ra một số tiêu chuẩn hướng dẫn việc soạn văn kiện, ví dụ:
- Mời gọi toàn thể cộng đoàn Giáo Hội tái ý thức về trách nhiệm giáo dục và mục vụ trong việc cổ võ ơn gọi Linh Mục;
- Cống hiến một ý tưởng rõ ràng về hình ảnh chức linh mục thừa tác và sự cần thiết cũng như vai trò của chức Linh Mục trong Giáo Hội.
- Khuyến khích mọi phần tử của Giáo Hội, đặc biệt là các nhóm, hội đoàn và phong trào, nâng đỡ các sáng kiến và tiến trình ơn gọi.
- Cung cấp những chỉ dẫn và gợi ý hành động rất cụ thể và rõ ràng để việc mục vụ được hữu hiệu.
- Soạn thảo một văn kiện ngắn và xúc tích.
Ðường hướng trên đây đã được đào sâu trong Ðại hội năm 2008 của Bộ giáo dục Công Giáo, trong khi đó, một cuộc tham khảo sâu rộng được thực hiện nơi các Hội Ðồng Giám Mục, qua một bản câu hỏi được chuẩn bị kỹ lưỡng, với mục đích thu thập các đề nghị cho việc soạn thảo văn kiện. Các bản trả lời từ các nơi gửi về thật phong phú và dồi dào. Ðại hội kế tiếp của Bộ đã cứu xét và phê chuẩn văn kiện này và ngày 25 tháng 3 năm 2012, nhân kỷ niệm 25 năm Tông huấn "Thầy sẽ ban cho các con những vị mục tử" (Pastores dabo vobis), Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã cho phép công bố Văn kiện này.
Ðức Hồng Y Grocholewski cho biết chìa khóa để đọc Văn kiện "Những đường hướng mục vụ ơn gọi Linh Mục", nhất là phần thứ I là "Sự chăm sóc ơn gọi linh mục là một thách đố trường kỳ đối với Giáo Hội". Ðiều này có nghĩa là Giáo Hội có nghĩa vụ liên lỷ phải đề nghị, phân định, bảo tồn và thăng tiến ơn gọi Linh Mục; tiếp đến việc săn sóc ơn gọi Linh Mục là một thách đố liên lỷ được gửi đến cộng đoàn Giáo Hội. Thực vậy hoa quả phong phú và dồi dào của Thánh Linh trong lãnh vực này là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để nhận ra và đo lường sức sinh động của một giáo phận, chất lượng đức tin và chứng tá Tin Mừng của giáo phận ấy, giá trị và đặc tính sâu xa của giáo phận ấy trong sự gắn bó theo Chúa Kitô.
Theo chiều hướng đó, Văn kiện "Ðường hướng mục vụ ơn gọi" liên hệ đặc biệt tới các Giáo Hội có truyền truyền kỳ cựu, trong đó sự dửng dưng đối với tôn giáo, cùng với sự yếu kém trong việc làm chứng tá Kitô, khiến cho ơn gọi trở nên khan hiếm và khô cằn. Ví dụ trường hợp của Âu Châu từ nhiều năm nay đang chịu đau khổ nhiều nhất vì thiếu ơn gọi linh mục.
Cũng trong phần thứ I, Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo nêu lên 3 lý do chính cản trở việc mục vụ ơn gọi tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu, đó là:
- Sự giảm sút dân số và cuộc khủng hoảng gia đình làm cho con số các trẻ nam và người trẻ giảm bớt và khiến cho đời sống của họ, kể cả về phương diện đức tin, trở nên khó khăn và họ lo sợ trước một hiện tại bị phân tán và đe dọa, và trước một tương lai bấp bênh.
- Tiếp đến là sự lan tràn não trạng tục hóa và hậu quả là nhiều tín hữu từ bỏ đời sống Kitô. Tình trạng này càng làm cho họ khó thực hiện những chọn lựa quyết liệt và lâu dài trong thời gian, vì một bối cảnh văn hóa duy tương đối hơn, ảnh hưởng tiêu cực tới sự đào tạo các ơn gọi vững chắc và ổn định hơn.
- Thứ ba là tình cảnh khó khăn trong cuộc sống và sứ vụ của linh mục, phải chịu những biến đổi sâu đậm trong Giáo Hội và xã hội; hiện tượng đó thường làm cho Linh Mục, một đàng bị gạt ra ngoài lề và không còn quan trọng nữa, và đàng khác người ta có nguy cơ coi sứ vụ Linh Mục chỉ là một trong bao nhiêu nghề khác mà thôi. Những hiện tượng đó, thật rõ ràng tại nhiều nơi trên thế giới, có thể làm cho một số LM nản chí và sa xút về tinh thần.
Ðứng trước tình trạng ấy, Phần thứ I trong Văn kiện mới của Bộ giáo dục Công Giáo liệt kê những điều kiện cần thiết để ơn gọi tìm được một mảnh đất phì nhiêu trong Giáo Hội và sự cởi mở của người trẻ đối với ơn gọi Linh Mục. Chẳng hạn:
- Cần kiến tạo một môi trường phong phú cho đời sống Kitô trong cộng đoàn Giáo Hội;
- Vai trò không thể thiếu được của việc cầu nguyện, xin Chủ mùa gặt sai nhiều trợ đến làm việc trong mùa gặt của Ngài;
- Giá trị của việc mục vụ toàn diện, thực thi một sự phối hợp, đồng qui các chương trình và đề nghị giữa các vị hữu trách khác nhau về giáo dục Công Giáo.
- Cần có một đà tái truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo, khơi lên nơi người trẻ lòng hăng say mạnh mẽ đối với Tin Mừng
- Chức năng chủ yếu và không thể thay thế được của gia đình.
- Chứng tá cuộc sống vui tươi của các Linh Mục, sống phù hợp với niềm tin và ơn gọi của mình.
- Giá trị của trường học và đại học trong đó cần du nhận những cơ hội gặp gỡ và đào sâu ơn gọi Kitô.
2. Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Bruguès, OP
Phần thứ II của Văn kiện đã được vị Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo là Ðức Tổng Giám Mục Jean Louis Bruguès, dòng Ða Minh, trình bày, nói về "ơn gọi và căn tính của chức Linh Mục thừa tác".
Phần này phê bình xu hướng dần dần biến chức linh mục thành một nghề, như thể đời sống trong sứ vụ Linh Mục có thể thu hẹp vào một loạt những điều cần phải làm theo khả năng nghề nghiệp chuyên môn. Thêm vào đó có những nguy hiểm thường gặp thấy trong kinh nghiệm đời sống Linh Mục như thái độ miệt mài làm việc thái quá, xu hướng cá nhân chủ nghĩa ngày càng gia tăng, nhiều khi khép kín linh mục trong sự cô độc tiêu tực và làm cho xuống tinh thần; sự lẫn lộn các vai trò trong Giáo Hội.
Ðứng trước những tình trạng như thế, Phần II Văn kiện Bộ giáo dục Công Giáo đề nghị một số điểm suy tư, chẳng hạn ơn gọi Linh Mục luôn ở trong lãnh vực cuộc đối thoại yêu thương giữa Thiên Chúa và con người (n.5); tiếp đến, đạo lý thần học về ấn tích linh mục (n.6) đề ra một điều mới mẻ trong đời sống, đòi người được gọi phải đặc biệt chăm sóc quan hệ sinh động và liên lỷ với Chúa Kitô, dành trọn thời gian cần thiết cho Chúa và tiếp tục vun trồng, đào sâu quan hệ ấy mỗi ngày, như thể chạy đến cùng Chúa (Pl 3,12-14).
Trong các đoạn số từ 8 đến 10, Văn kiện Bộ giáo dục Công Giáo nhắc đến một loạt những hệ luận về cách thức khơi dậy, phân định và làm tăng trưởng ơn gọi Linh Mục. Ví dụ, để huấn luyện về sứ vụ Linh Mục, cần có một kinh nghiệm sâu xa về đời sống cộng đoàn để tránh những hình thức mới của xu hướng duy giáo sĩ, tập trung mục vụ, những dịch vụ mục vụ bán thời gian hoặc theo nhu cầu cá nhân; Cần có một sự hội nhập và trưởng thành đầy đủ về tình cảm, tránh những đề nghị ơn gọi cho những người có nhân cách mong manh; cần có một sự tham gia rộng rãi và ngoan ngoãn đối với bối cảnh Giáo hội, yêu thương cụ thể đối với giáo phận của mình đồng thời quảng đại cởi mở đối với chiều kích hoàn vũ của sứ vụ.
3. Ðức Ông Vincenzo Zani
Phần thứ III là phần dài nhất của Văn kiện mang tựa đề "Những đề nghị cho việc mục vụ ơn gọi Linh Mục" và do Ðức Ông Vincenzo Zani, Phó tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo trình bày.
Ðức Ông Zani đã cung cấp một vài con số về tình hình ơn gọi Linh Mục trong Giáo Hội: tại Âu Châu trong 10 năm qua, số chủng sinh giảm mất gần 6 ngàn thầy, từ 27 ngàn trong năm 2000 xuống còn 21 ngàn trong năm 2010; tại Bắc Mỹ số chủng sinh hầu như đứng yên với 5,500 thầy; tại Nam Mỹ có phần giảm: từ 22 ngàn trong năm 2006 xuống còn 21 ngàn trong năm 2010; trong khi đó số chủng sinh tại Á và Phi châu tiếp tục gia tăng: từ 20 ngàn trong năm 2000 lên 27 ngàn chủng sinh tại Phi châu; từ 25 ngàn trong năm 2000 lên 33 ngàn trong năm 2010 tại Á châu.
Phần III của Văn kiện chứa đựng một loạt những chỉ dẫn cụ thể do các Hội Ðồng Giám Mục được hỏi ý kiến gửi về. Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng không thể thiếu được của việc cầu nguyện cho ơn gọi, đồng thời nhận xét rằng mặc dù có những cơ quan và tổ chức chuyên về ơn gọi Linh Mục ở cấp hoàn vũ, quốc gia và giáo phận, nhưng các cơ quan này không thể thay thế cho các thành phần khác nhau trong cộng đoàn Kitô: bắt đầu từ gia đình Công Giáo vốn được Công đồng chung Vatican 2 gọi là "chủng viện đầu tiên" (OT 2): gia đình phải có thể cống hiến những điều kiện thuận lợi cho sự nảy sinh ơn gọi. Ðiều này có nghĩa là không bao giờ có thể quan niệm việc mục vụ gia đình và mục vụ ơn gọi, cũng như mục vụ giới trẻ và mục vụ học đường, như thể chúng là những lãnh vực độc lập và xa lạ với nhau.
Văn kiện trình bày một loạt nhận xét về giáo xứ, vai trò của các Linh Mục, tu sĩ, giáo lý viên và những ngừơui linh hoạt mục vụ giáo xứ.
Ðoạn số 15 nhấn mạnh trách nhiệm đặc thù của chủng sinh đối với ơn gọi. Trong thời gian thụ huấn các chủng sinh cũng phải được huấn luyện về khả năng làm chứng tá và đề nghị cho người khác kinh nghiệm của họ trong việc đáp lại ơn gọi.
Văn kiện Tòa Thánh đặc biệt đề cao vai trò của các hội đoàn và phong trào của Giáo Hội trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi Linh Mục. Văn kiện không quên vai trò của các nhóm lễ sinh, tức là những người giúp lễ, trong đề nghị ơn gọi linh mục. Thời gian phục vụ của họ có thể coi như một trường thực hành về sự cầu nguyện và phục vụ Giáo Hội.
Văn kiện của Bộ giáo dục Công Giáo kết luận rằng:
"Môi trường phì nhiêu đối với hạt giống ơn gọi Linh Mục chính là một cộng đoàn Kitô cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện bằng phụng vụ và làm chứng tá bác ái; Bộ giáo dục Công Giáo khuyến khích toàn thể Giáo Hội, với lòng tín thác, hãy tái đảm trách quyết tâm giáo dục của mình để đón nhận tiếng Chúa gọi đi vào sứ vụ Linh Mục; tiếng Chúa gọi ngày nay vẫn dồi dào và thích ứng với nhu cầu của Giáo Hội cũng như nhu cầu rao giảng Tin Mừng trên thế giới.

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Giáo phận Thanh Hóa tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa.

Giáo phận Thanh Hóa
tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa


Thanh Hóa, Việt Nam (GP Thanh Hoá 17/06/2012) - Từ vài năm nay, mỗi năm giáo phận Thanh Hóa luôn dành ra một ngày đặc biệt tôn vinh lòng thương xót Chúa. Và năm 2012 này, Giáo phận Thanh Hoá đã dành ngày 15 tháng 06, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, làm ngày đặc biệt cử hành Lòng Thương Xót Chúa, tại Nhà Thờ Chính Toà Giáo Phận.
Ước tính số người tham dự thánh lễ lên tới gần 5,000 người. Con số đã nói lên sự quan tâm, ủng hộ và cho thấy đó quả là một đại lễ của đại gia đình Công giáo Xứ Thanh. Ban tổ chức có phát sách và ảnh Lòng Thương xót Chúa đến tất cả những ai tham dự. Ðại lễ diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi mà giáo phận Thanh Hóa long trọng mừng Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập.
Trước khi bước vào cuộc rước kiệu và thánh lễ tôn vinh Lòng thương xót Chúa, là một giờ thuyết trình của cha Phêrô Lâm Tấn Phát - tổng linh hướng cộng đoàn Lòng thương xót Chúa giáo phận Mỹ Tho. Từ một nơi xa xôi, cách hàng ngàn cây số, cha đã có mặt để chung vui với giáo phận, để đưa đến cho đoàn chiên xứ Thanh, những cái nhìn rõ ràng và mới mẻ hơn về tình yêu, sự vĩ đại của Chúa Giêsu, của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tất cả là niềm tin, là ánh sáng, là sự soi dẫn của tình yêu mà có được những hồng ân cao cả. Chúa đã hi sinh tất cả chỉ vì mong muốn loài người có được hạnh phúc. Vậy thì chúng ta cũng hãy sống xứng đáng với tình yêu cao cả ấy.
8 giờ 15 sáng ngày 15 tháng 06 năm 2012, mọi sự chuẩn bị cho cuộc rước kiệu đã hoàn tất. Các giáo hạt cũng tụ họp, quây quần bên nhau. Sau những lời khai mạc và giới thiệu của Ðức cha giáo phận Giuse Nguyễn Chí Linh, và sau phần công bố Lời Chúa, giờ rước kiệu bắt đầu. Ðại lễ lần này có sự tham gia của đội trống giáo xứ Ngọc Lẫm và đội kèn giáo xứ Ða Phạn.
Toàn thể cộng đoàn dân Chúa gồm đủ mọi thành phần, giám mục, linh mục, chủng sinh, ứng sinh, nữ tu, người già, con trẻ, nam thanh nữ tú... đều hướng về Ðấng quyền uy tối cao. Trong đoàn rước còn có đại diện của một số giáo phận bạn như giáo phận Mỹ Tho, giáo phận Bùi Chu, tổng giáo phận Sài Gòn...
Do số lượng bà con giáo dân đến tham dự thánh lễ đông hơn dự kiến ban đầu (khoảng 5,000 người), và thời tiết thuận lợi nên Ðức cha Giuse quyết định chuyển địa điểm dâng thánh lễ từ trong nhà thờ ra lễ đài.
Cũng nhân lễ này, Ðức cha đã làm phép ba bức tượng gỗ Lòng thương xót Chúa, được đặt trên xe kiệu, ở lễ đài và ở trong nhà thờ. Ðây là món quà từ Cộng đoàn Lòng thương xót Chúa tổng giáo phận Sài Gòn và Hội Thánh Linh Lancaster. Từ đây mỗi ngày người tín hữu đều có thể đến với lòng Chúa thương xót để cầu xin Người che chở, ban muôn ơn lành cho đời sống đức tin.
Trước khi bước vào thánh lễ, Ðức cha đã cảm ơn và giới thiệu với toàn thể cộng đoàn cha Tổng linh giám Lòng thương xót Chúa giáo phận Thanh Hóa, là cha Giuse Phạm Văn Ðịnh - người có công đầu trong việc tổ chức cho ngày đại lễ này. Ðức cha cũng giới thiệu với cộng đoàn, người con xứ Thanh đang du học tại Mĩ quốc trở về quê hương khi đã mặc lên mình chiếc áo của thầy phó tế - thầy Gioan Phạm Văn Ðỉnh.
Sau bài giảng của Ðức cha là các chứng từ của những người có cảm nghiệm về Lòng thương xót Chúa đến từ tổng giáo phận Sài Gòn. Những câu chuyện thực tế, những con người cụ thể, những ơn lành tưởng chừng như vô cùng nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh vô hình. Ơn Chúa đã tuôn ban trên những ai có lòng tin vào Người.

R.V.A.
(Bản tin điện tử của Giáo phận Thanh Hóa)

Tổng giáo phận Czestochowa, Ba Lan, kỷ niệm 25 năm phong trào chầu Thánh Thể liên lỉ.

Tổng giáo phận Czestochowa, Ba Lan
kỷ niệm 25 năm
phong trào chầu Thánh Thể liên lỉ


Ba Lan (Zenit & Vietcatholic News 15/06/2012) - Kể từ 25 năm nay, mỗi giáo xứ trong tổng giáo phận Czestochowa, tại đất nước Ba Lan, được khuyến khích thói quen gắn bó với việc chầu Thánh Thể xuyên suốt cuộc đời, khởi đi từ một sắc lệnh chầu Thánh Thể mãi mãi của giáo phận.
Trong thực tế, việc đạo đức tốt lành này là kết quả rất có ý nghĩa từ Ðại Hội Toàn Quốc Thánh Thể lần thứ II được tổ chức tại Ba Lan từ ngày 8 đến 14 tháng Sáu năm 1987, với sự hiện diện của cố Ðức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Ðức cha Stanislav Nowak, giám mục giáo phận lúc đó đã chính thức cổ võ phong trào này. Sắc lệnh có đoạn viết: "Ðể đào sâu đức tin trước sự hiện diện mầu nhiệm của Ðức Kitô trong bí tích Thánh Thể, và để kiếm tìm một sự kết hiệp mật thiết với Người, và cũng để tưởng nhớ biến cố Ðại Hội Toàn Quốc Thánh Thể", việc chầu Thánh Thể mãi mãi được thiết lập.
Và như thế, kể từ 25 năm nay, mỗi giáo xứ tổ chức những buổi chầu Thánh Thể trong suốt 24 giờ, và trong mỗi địa hạt của tổng giáo phận, có một nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ngày và đêm.
Ðức cha Stanislav Nowak, nguyên Tổng Giám mục giáo phận Czestochowa, giải thích trong nghi lễ kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của sắc lệnh, rằng: Ðó là nơi "mà mỗi người có thể đến gặp gỡ riêng tư với Chúa Giêsu, tín thác nơi Ngài những khó khăn, ưu tư, nỗi buồn. Chầu Thánh Thể trong thực tế là một cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa như một người yêu quý, và Thánh Thể là trung tâm điểm của các cộng đoàn giáo xứ chúng ta". Ngài nhấn mạnh thêm rằng có nhiều tín hữu "không chỉ cầu nguyện cho công việc của mình, nhưng còn cầu nguyện cho toàn giáo xứ, cho ơn gọi linh mục..."
Một giáo dân tên Zenona đã chia sẻ rằng mỗi lần hiện diện trong nhà nguyện chầu Thánh Thể, bà cầu nguyện cho các linh mục trong cả nước, cho sự thánh thiện của các ngài, bà nói: "Tất cả các ngày, tôi lần chuỗi để cầu nguyện cho con tôi, người được Chúa gọi thi hành tác vụ linh mục, và chính cha ấy cũng xin tôi cầu nguyện".
Một nữ tín hữu khác tên Jowita Kostrzewska de Blachownia thì thổ lộ rằng mỗi khi mình ở trong nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục, chị cảm thấy cần phải ngợi khen Thiên Chúa, không phải chỉ trong chốc lát. Chị nói: "Nếu tôi không làm việc này, cũng giống như có một người ở ngay bên trong nhà mà mình lại không gặp mặt. Chúng ta cần gợi lại rằng Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta, luôn luôn dang cánh tay rộng mở, và chỉ cần đến quỳ gối trước chân Người, thì Người sẽ hành động". Chị Jowita Kostrzewska kết luận: "Chầu Thánh Thể mang lại cho chúng ta bình an trong tâm hồn. Ðiều này đối với tôi có một ý nghĩa rất sâu đậm. Khi đó tôi có thể trực tiếp gặp gỡ Thiên Chúa, cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài. Trong khi chiêm ngắm Bánh Thánh tinh tuyền, tôi có thể nhận được câu trả lời và biết con đường nào cần đi trong cuộc đời mình".

R.V.A.
(Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng)

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Tiếp sức mùa thi Long Xuyên 2012


TIẾP SỨC MÙA THI NĂM 2012
Kính thưa Quý Cha,
Được sự đồng ý của Đức Cha, ban mục vụ Sinh viên giáo phận Long Xuyên sẽ tổ chức chương trình tiếp sức mùa thi năm 2012 cho các em thi vào Đại Học An Giang như sau:
1. Đối tượng
- Sinh viên Công giáo trong ngoài giáo phận sẽ thi Đại Học An Giang
- Không nhận chỗ ăn, ở cho người đi theo thí sinh
2. Địa điểm đón tiếp ăn- ở
- Tòa Giám Mục Long Xuyên
80/1 Bùi Văn Danh, P. Mỹ Xuyên
Tp. Long Xuyên- An Giang
3. Thời gian
- Đợt I (02/07/2012 đến 05/07/2012)
          - Đón tiếp: 7 giờ sáng 02/07/2012
          - Giải tán: sau cơm trưa ngày 05/07/2012
- Đợt II (07/07/2012 đến 10/07/2012)
- Đón tiếp: 7 giờ sáng 07/07/2012
                   - Giải tán: sau cơm trưa ngày 10/07/2012
4. Thủ tục:
- Chứng Minh Nhân Dân
- Giấy Báo Thi
- Giấy giới thiệu của Cha Sở   
5. Lưu ý:
*Đợt I :
-  ngày 02/07/2012 : ăn tự túc
-  ngày 03, 04 và trưa ngày 05/07/2012: Tòa Giám Mục lo ăn uống
*Đợt II:
-  ngày 07/07/2012: ăn tự túc
 -  ngày 08, 09, trưa ngày 10/07/2012: Tòa Giám Mục lo ăn uống 
6. Liên hệ cần thiết
- Lm. Giuse Bùi Thanh Minh
- Điện thoại: 0904060137
 
Ban mục vụ Sinh viên Giáo Phận
                 
Lễ thánh Gioan Baotixita, bổn mạng Đức Cha Bùi Tuần
Lúc 10g sáng thứ bảy, 23-6-2012, tại nhà nguyện Tôma, cha Tổng Đại diện Phêrô Lê Văn Kim chủ sự thánh lễ mừng kính thánh Gioan Baotixita, bổn mạng Đức Cha Bùi Tuần (Đức Cha Giuse bận đi cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Thuận Tiến).
Đúng 10g, thánh lễ bắt đầu, cha Tổng đại diện chúc mừng bổn mạng Đức Cha Gioan, ước mong Đức Cha mãi luôn là tiên tri của Chúa, luôn hiện diện giữa cộng đoàn giáo phận như là chứng nhân của Chúa giữa cuộc đời. Có khoảng hơn 40 cha đồng tế và khoảng 50 giáo dân tham dự thánh lễ hôm nay.

 
 
 

ĐỨC MẸ MARIA PHÁ TAN HOẠT ĐỘNG CỦA MA QUỶ!

ĐỨC MẸ MARIA PHÁ TAN HOẠT ĐỘNG CỦA MA QUỶ!
Cha Francesco Bamonte thuộc dòng Tôi Tớ Khiết Tâm Đức Mẹ MARIA và là Linh Mục trừ quỷ của Giáo Phận Roma.
Cha viết nhiều sách liên quan đến tác động phá hoại của ma quỷ: ”Phải làm gì với các phù thủy?” (2000), ”Tác hại của việc cầu cơ” (2003). Tác phẩm thứ hai được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Ba-Lan và Bồ-Đào-Nha.

Năm 2006 Cha xuất bản cuốn ”Các trường hợp bị Quỷ ám và các vụ Trừ quỷ. Làm thế nào nhận ra tên lừa bịp quỷ quyệt ma quái” (Possessioni diaboliche ed esorcismi. Come riconoscere l'astuto ingannatore). Cuốn sách nhắm mục đích trước tiên gởi đến các nhân viên mục vụ - đặc biệt các Linh Mục - là các mục tử phải thường xuyên đối đầu với các vấn đề có liên quan đến tác hại ngoại thường của ma quỷ. Đôi khi các nhân viên mục vụ không đủ khả năng hoặc không đủ tài liệu cần thiết giúp phán đoán xem đâu là trường hợp bị quỷ ám thực sự và cần đến các Linh Mục trừ quỷ.

Sau đây là chứng từ của Cha Francesco Bamonte trong tư cách Linh Mục trừ quỷ.

Khi nhận ra một trường hợp có sự tác động ngoại thường của ma quỷ, nẩy sinh nơi tôi 3 tâm tình:
- lòng cảm thương sâu xa đối với nạn nhân bị quỷ ám
- lòng hăng say nguyện đem hết nhiệt tâm cứu giúp nạn nhân
- lòng tri ân dâng lên Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Tinh Giải Thoát và đã ủy thác cho Giáo Hội Công Giáo lệnh truyền: ”Nhân danh Thầy các con hãy khử trừ ma quỷ”.

Phúc Âm theo thánh Máccô chương 6 câu 7 và câu 13 viết: ”Đức Chúa GIÊSU gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đu sai đi tng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ .. Các ông đi rao giảng, trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều ngưi đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”.
Chiến thuật đầu tiên nguy hiểm nhất của ma quỷ là làm cho loài người không tin nơi sự hiện hữu của ma quỷ. Chối bỏ sự hiện hữu cùng tác động của ma quỷ tức là góp phần vào việc để cho ma quỷ hoàn toàn tự do hành động. Ma quỷ có 2 loại hành động:
- Hành động thông thường như kiên trì cám dỗ,
- Hành động ngoại thường bằng 4 cách: tàn phá, tổn thương, ám ảnh và chiếm hữu.

Vì thế khi bị Linh Mục trừ quỷ lột mặt nạ và khám phá ra sự hiện diện của ma quỷ trong nạn nhân, ma quỷ vô cùng tức giận. Ma quỷ gào to thét lớn, thóa mạ, đe dọa để tỏ ra mình là kẻ mạnh, kẻ có quyền. Thế nhưng, việc dấn thân của Linh Mục trừ quỷ cùng với lời cầu nguyện của nạn nhân và gia đình nạn nhân cộng thêm lời cầu của Cộng Đoàn tín hữu là những sức mạnh bắt buộc ma quỷ phải đầu hàng thua trận.

Có ít trường hợp là những vụ quỷ ám thật sự. Để dễ dàng thẩm định cho việc cần thiết phải thi hành nghi thức trừ quỷ hay không, chúng tôi có nhóm Linh Mục và tu sĩ làm việc chung. Khi một người muốn xin gặp tôi để được trừ quỷ, tôi khuyên người này đến gặp nhóm Linh Mục và tu sĩ nói trên. Sau đó, nếu quả thật nạn nhân bị quỷ ám thì Các Vị sẽ gởi đến cho tôi và tôi cử hành nghi thức trừ quỷ. Như thế, chúng tôi tránh được danh sách xin trừ quỷ quá nhiều, không thể chu toàn theo ước nguyện của các anh chị em tín hữu cảm thấy mình bị ma quỷ quấy phá.

Nạn nhân của ma quỷ trước tiên là những người có liên hệ trực tiếp với ma quỷ: phù thủy, cầu cơ, đồng bóng, bói toán, bói bài, thờ ma lạy quỷ, vv. Tiếp đến là những người bị ma quỷ ám hại qua trung gian của bùa ngãi.

Với tư cách là Linh Mục trừ quỷ tôi muốn trình bày niềm an ủi vô cùng đối với Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA trong các buổi trừ quỷ.

Mỗi khi vị Linh Mục trừ quỷ khẩn cầu danh thánh Đức Mẹ MARIA, ma quỷ đang có mặt trong nạn nhân phản ứng tức khắc. Ma quỷ bộc lộ ngay nỗi khinh bỉ lớn lao và niềm oán hận vô biên đối với Đức MARIA, Mẹ THIÊN CHÚA.

Ma quỷ không bao giờ dám gọi danh thánh Đức Mẹ MARIA, nhưng chỉ dùng kiểu nói ”Bà Ấy” và kèm theo một tràng than thở bi-ai vì Đức Mẹ phá tan nhiều hoạt động xấu xa của chúng!

Phản ứng của ma quỷ càng dữ dội khủng khiếp hơn khi vị Linh Mục lớn tiếng phó dâng người bị quỷ ám cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ MARIA. Vị Linh Mục trừ quỷ nào càng kết hợp mật thiết với Khiết Tâm Đức Mẹ MARIA, nghĩa là cùng lúc cũng kết hợp mật thiết với Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ, thì phản ứng của ma quỷ càng khủng khiếp hơn nữa.

Biết bao lần các Linh Mục trừ quỷ - hết lòng kính mến Đức Mẹ MARIA - được nghe ma quỷ khẳng định:
- Nếu không có ”Bà Ấy”, hẳn tôi sẽ tàn hại ông biết là chừng nào! ”Bà Ấy” không cho phép tôi đụng đến ông!

Và vị Linh Mục kính mến Đức Mẹ MARIA sung sướng biết bao khi nghe chính ma quỷ tuyên bố:
- ”Bà Ấy” ra lệnh cho tôi nói với ông là ”Bà Ấy” yêu thương ông và chúc lành cho ông!

(”MARIA di Fatima”, Anno 8, n.7/8, Luglio/Agosto 2006, trang 6-8).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyet

Thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng vì là ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế.

Thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng
vì là ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế


Vatican (Vat. 24/06/2012) - Thánh Gioan Tẩy Giả cao trọng vì là ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói như trên với hơn 40,000 tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 24 tháng 6 năm 2012, lễ kính thánh Gioan Tẩy Giả.
Trong các đoàn hành hương có một ban nhạc và một nhóm dân ca vũ Bolivia mặc sắc phục rực rỡ nhiều mầu rất đẹp. Chúa Nhật 24 tháng 6 năm 2012 tại Italia cũng là Ngày Bác ái của Ðức Giáo Hoàng, Ðức Thánh Cha đã cám ơn tín hữu nước này như sau:
Anh chị em thân mến, tại Italia hôm nay là Ngày Bác Aí của Giáo Hoàng. Tôi cám ơn tất cả các cộng đoàn giáo xứ, các gia đình và các tín hữu riệng biệt vì sự yểm trợ liên tục và quảng đại nhằm trợ giúp các anh chị em găp khó khăn. Nhân dịp này tôi cũng nhắc nhớ rằng ngày mốt, nếu đẹp lòng Chúa, tôi sẽ làm một cuộc viếng thăm ngắn trong các vùng bị động đất mới đây tại miền Bắc Italia. Tôi muốn rằng nó là một dấu chỉ tình liên đới của toàn thể Giáo Hội với các anh chị em nạn nhân, vì thế tôi mời gọi tất cả mọi người đồng hành với tôi trong lời cầu nguyện.
Trước đó, trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã nói về lễ kính thánh Gioan Tiền Hô như sau:
Hôm nay 24 tháng 6 chúng ta cử hành lễ trọng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Trừ Ðức Trinh Nữ Maria ra, Gioan Tẩy Giả là vị thánh duy nhất mà phụng vụ mừng ngày sinh và Giáo Hội mừng sinh nhật thánh nhân vì nó gắn liền với mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thật thế, từ trong lòng mẹ Gioan là tiền hô của Ðức Giêsu: việc thụ thai ông cách lạ lùng đã được thiên thần báo cho Ðức Maria biết như dấu chỉ "không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa" (Lc 1,37), sáu tháng trước khi xảy ra biến cố lạ lùng trao ban cho chúng ta sự cứu rỗi, sự kết hiệp của Thiên Chúa với con người bởi công trình của Chúa Thánh Thần. Bốn Phúc Âm nêu bật gương mặt của Gioan Tẩy Giả, là vị ngôn sứ kết thúc thời Cựu Ước và khai mào thời Tân ước, bằng cách cho chỉ cho thấy Ðấng Cứu Thế nơi Ðức Giêsu thành Nagiarét, Ðấng Ðược Thánh Hiến của Chúa. Thật vậy, chính Ðức Giêsu đẽ nói về Gioan như sau: "Chính ông là người Thánh Kinh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông" (Mt 11,10-11).
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: cha của Gioan, ông Dakharia, chồng bà Elidabét, bà con của Ðức Maria, đã là tư tế của phụng tự do thái. Ông đã không tin ngay lập tức vào lời loan báo chức làm cha đã không được chờ đợi nữa, vì thế ông bị câm cho tới ngày con trẻ được cắt bì, mà ông và vợ đặt tên cho như Thiên Chúa đã chỉ định, là Gioan, có nghĩa là "Chúa thương xót". Ðược linh hoạt bởi Chúa Thánh Thần, ông Dakharia đã nói về sứ mệnh của con minh: "Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu của Ðấng Tối Cao; con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết moi tội khiên" (Lc 1,76-77).
Ðức Thánh cha nói thêm trong bài huấn dụ:
Tất cả những điều này được tỏ lộ ba mươi năm sau đó, khi Gioan bắt đầu ban phép rửa trong sông Giọcđan, bằng cách kêu gọi người ta chuẩn bị, với cử chỉ sám hối, cho biến cố đến gần của Ðấng Cứu Thế, mà Thiên Chúa đã mạc khải trong khi ông sống trong sa mạc Giuđêa. Vì thế ông được gọi là "Tẩy Giả", nghĩa là "Người thanh tẩy" (x, Mt 3,1-6). Một ngày kia, khi từ Nagiarét, chính Ðức Giêsu đến để được thanh tẩy; ban đầu Giaon từ chối, nhưng rồi ông đồng ý, và ông trông thấy Thánh Thần đậu xuống trên Ðức Giêsu và nghe tiếng của Thiên Chúa Cha trên trời công bố Người là Con của Ngài (x. Mt 3,13-17). Nhưng sứ mệnh của ông Gioan đã chưa được thành toàn: ít lâu sau đó, ông được yêu cầu đi trước Ðức Giêsu cả trong cái chết bạo lưc nữa; Gioan đã bị chém đầu trong ngục của vua Hếrôđê, và như hế ông đã làm chứng tá tràn đầy cho Chiên Con của Thiên Chúa, mà ông đã là người đầu tiên nhận biết và chỉ cho thấy một cách công khai.
Các bạn thân mếm, Ðức Trinh Nữ Maria đã trợ giúp người bà con Elidabét cao niên kết thúc thời kỳ mang thai Gioan. Xin Mẹ giúp tất cả bước theo Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mà ông Tẩy Giả đã loan báo với lòng khiêm tốn lớn lao và nhiệt huyết ngôn sứ.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Ðức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ý. Trong tiếng Pháp Ðức Thánh Cha nói gương của thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta hoán cải, làm chứng cho Chúa Kitô và loan báo Người trong lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện, là tiếng kêu trong sa mạc giống như thánh nhân cho đến chỗ hiến dâng mạng sống mình.
Chào các tín hữu Ba Lan Ðức Thánh Cha nói ngài hiệp ý với tổng giáo phận Poznan, các cha dòng Oratoriani, và tín hữu hành hương Ðền thánh Mẹ Thiên Chúa Gostyn, nhân dịp mừng kỷ niệm 500 năm thành lẠap đền thánh. Ngài cảm tạ Chúa vì các ơn Chúa đã rộng ban cho các thế hệ nhờ lời bầu cử của Mẹ và ngài xin sự chở che của Mẹ đồng hành với mọi người.
Trong tiếng Ý ngài chào các thành viên của Hiệp hội thiện nguyện Pro Loco Italia, chúc mừng 50 năm thành lập hội và cầu chúc mọi may lành cho công tác của hội phục vụ gia tài văn hóa của Italia.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)