label

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ VÀ BAN TRỊ SỰ CÁC KHU MỪNG KÍNH HAI THÁNH BỔN MẠNG


HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ VÀ BAN TRỊ SỰ CÁC KHU
MỪNG KÍNH HAI THÁNH BỔN MẠNG

Để chuẩn bị mừng kính bổn mạng của HĐMV và Ban Trị Sự các khu là hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emanuel Lê Văn Phụng. Ngay từ tối ngày 30-07-2011 cha sở đã tổ chức tĩnh tâm và chầu thánh thể, chia sẻ lời Chúa, xét mình, xưng tội. Có các cha nhà hưu dưỡng ra giải tội và huấn đức thật sốt sáng. Số người tham dự rất đông gồm Hội đồng mục vụ, Ban trị sự các khu, Ban trị sự các hội đoàn trừ Hội Thiếu Nhi Thánh Thể. Trong bài suy niệm cha sở đề cập đến sự cộng tác có tránh nhiệm với công việc được giao. Khi hướng dẫn xét mình cha sở cũng liên tưởng về bổn phận của từng người, từng công việc khi được Chúa giao mình có làm tròn không? Khi khu xóm mình bê bối mình có quan tâm không? Trong bài huấn đức cha cố Triết cũng nhắc nhở mỗi người phải làm gương cho con cái, gia đình và khu xóm, giáo xứ, Đồng thời phải là đầu tầu quảng bá Chúa cho mọi người. Kết thúc giờ tĩnh tâm ai nấy rất hồ hởi và tràn đầy hồng ân của Chúa.
            Cũng để chuẩn bị cho việc ra mắt của HĐMV, đồng thời làm tăng thêm uy tín của HĐMV, năm thành viên trong HĐMV ở lại tập nghi thức cho thánh lễ sáng chủ nhật.
            Thật cảm động, trong thánh lễ sáng nay trong phần dẫn lễ cha sở nói về tiểu sử hai thánh mà HĐMV đã chọ làm bổn mạng rất chi tiết. Sau đó là phần giới thiệu về quá trình hình thành Hội đồng mục vụ. Cha sở xướng tên từng vị và từng vị tiến ra cung thánh, kèm theo những tràng pháo tay của giáo dân vang lên. Khi năm vị đã ra đủ, cha sở đại diện Giám Mục trao vi bằng bổ nhiệm được lộng kính trang trọng. Sau phần trao vi bằng các vi quay xuống giáo dân, từng tràng pháo tay vang lên rất to và rất dài, đồng thời các em thiếu nhi đại diện giáo dân đã lên tặng lẵng hoa chúc mừng. Rất cám ơn cha sở và mọi người, chúng tôi sẽ cố gắng đem hết khả năng của mình để phục vụ mọi người và giáo xứ.
            Sau đây là bài dẫn lễ của cha sở Mai Đức Vượng:

DẪN LỄ  KÍNH THÁNH QUÝ – PHỤNG
            Anh chị em thân mến,
Hôm nay Chúa nhật 18 Thường niên, Đức GM Giáo Phận cho phép mừng lễ kính hai Th. Pr. QUÝ và Em. PHỤNG là hai thánh Tử Đạo của Giáo phận LX.
Thánh Pr. Đòan Công Quý sinh năm 1826 tại Họ Búng, Bình Dương. Chịu chức LM năm 1858. Là Cha sở Họ Cù lao Gieng ( lúc đó gọi là Họ Đầu Nước). Nhận nhiệm sở được 10 ngày, Cha bị bắt cùng với ông Câu Emmanuel Lê văn Phụng và 32 giáo dân khác vào ngày 7/01/1859. Các Ngài bị áp giải lên Châu Đốc. Đến Châu Đốc, Cha được dẫn đến Quan tổng đốc. Quan khuyên Cha tuyên bố bỏ đạo sẽ tha cho Cha. Nhưng Cha Quý vẫn một mực nhận mình là linh mục, không bao giờ bỏ đạo. Tròn bảy tháng trong lao tù, cuối cùng ngày 30/07/1859, án tử hình Cha được gởi từ kinh đô về tới Châu Đốc, cùng với bản án của ông Câu Phụng. Án tử hình được thi hành ngay sáng hôm sau, ngày 31/07/1859. Cha Quý từ giã cõi đời ở tuổi 33 sau 1 năm làm linh mục. Thi hài của Cha được đưa về an táng tại nền nhà thờ Năng Gù. 100 năm sau đó, được cải táng về chủng viện Cù lao Gieng.
Thánh Emmanuel Lê văn Phụng sinh năm 1796 tại Cù lao Gieng, là một giáo dân gương mẫu, là cha một gia đình có 9 người con ruột và 2 người con nuôi. Tất cả đều đạo đức tốt lành. Với tinh thần tông đồ cao độ, ông hăng say phụng sự Chúa và phục vụ bà con giáo dân trong họ với trách nhiệm là một ông Câu. Ông dâng của cải đất đai để cất nhà thờ, chủng viện và nhà cho các nữ tu. Nhà ông là nơi che dấu các linh mục trong thời kỳ cấm đạo gay gắt. Ông Câu Phụng có tài ngọai giao mềm mỏng dễ mến, nên có quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương, đặc biệt là quan Huyện, nhờ đó mà Họ đạo Cù lao Gieng được an bình trong suốt thời gian cấm đạo. Nhưng vì có người tố cáo ông chứa linh mục trong nhà, nên đã bị bắt cùng với Cha Quý. Suốt 7 tháng trong lao tù, quan tổng đốc ra sức dụ dỗ Cha Quý và Ông Câu Phụng bỏ đạo để được thăng quan tiến chức nhưng các ngài vẫn một lòng trung thành với Chúa và Giáo hội. Thấy không thể thuyết phục được, quan Tổng trấn gởi sớ về triều đình xin án lệnh. Vua Tự Đức châu phê tử hình và gởi về Châu Đốc. Ngay ngày hôm sau 31 / 07 / 1859 tại Bến Chà Và, Cha Pr. Quý và Ông Câu Em. Phụng đã hiên ngang hiến dâng mạng sống cho Chúa để làm chứng cho Đức Kitô.
Đức Piô X đã tôn phong hai đấng lên bậc Chân Phước ngày 02/05/1909 và 79 năm sau, ngày 19/06/1988 Đức GH Gioan Phaolô II đã suy tôn hai đấng lên bậc hiển thánh.
Hai Đấng là những anh hùng, đã đổ máu mình để tưới cho hạt giống tin mừng phát triển trên Quê Hương An Giang . Giáo phận chọn các ngài là Bổn mạng cho Các Ban Hành Giáo của Giáo phận.

Ngày thứ Bảy, hôm qua, các Ban Hành Giáo trong Giáo phận, tổng cộng gần 1000 vị, trong đó có Ban HG của Giáo xứ Cần Xây, đã tham dự Thánh Lễ Tuyên hứa và nhận Vi Bằng Bổ Nhiệm rất long trọng tại nhà thờ Chánh Tòa vào lúc 9g30 .
Xin cho phép tôi nói đôi điều về Ban Thường Vụ của HĐMV giáo xứ Cần Xây. Ban TV/HĐMV Gx Cần Xây, được anh em đề nghị và cha sở cũ là Cha Pr. Khoa tín nhiệm ít lâu trước ngày Ngài nhận xứ khác và đã làm việc được vài năm. Năm nay Giáo Phận chọn là năm bắt đầu họat động chính thức, đồng lọat BHG của tất cả các GX trong Giáo phận với nhiệm kỳ 4 năm: 2011 đến 2015. Nơi nào chưa có BHG thì bầu mới, nơi nào BHG đang làm việc có thể bầu lại hoặc lưu nhiệm.
Tôi thấy BHG GX.CX một phần cũng mới làm việc chưa được bao lâu, đồng thời cũng còn nhiều công trình còn dở dang, tôi muốn các vị hy sinh thêm một khóa nữa. Tất cả 5 vị đều xin nhường chỗ cho người khác phục vụ. Sau một thời gian lấy ý kiến của anh chị em qua thùng thư để cuối nhà thờ. Tôi thấy ý kiến đa số anh chị em muốn các vị cố gắng tiếp tục hy sinh vì Giáo xứ. Dựa trên ý kiến của anh chị em, tôi đã động viên, cổ vũ. 4 trong 5 vị đồng ý . Trừ Anh Dũng, xin nghỉ. Chúng tôi đã cân nhắc và mời 1 vị khác thay thế. Tôi đã trình lên Đức Cha và Đức Cha đã phê chuẩn danh sách.
Xin long trọng giới thiệu với anh em, 5 vị trong BTV. HĐMV của Gx. Cần Xây gồm các vị: (từng vị một bước ra trước cung thánh quay xuống)
1.      Ông Phaolô Trần văn Bính với chức danh Chủ tịch HĐMV.
2.        Ông Phêrô Trần văn Tuấn với chức danh P. CT nội vụ.
3.      Thầy Phêrô Nguyễn Thiên Sinh với chức danh P.CT ngọai vụ.
4.      Anh Phaolô Nguyễn văn Sang với chức danh Thủ Quỹ kiêm Phụng Vụ.
5.      Thầy GK. Nguyễn văn Định với chức danh Thư Ký.
Xin anh chị em tràng pháo tay chúc mừng BTV mới của Giáo xứ.
Các vị sẽ phụ trách nhiệm kỳ mới 4 năm kể từ hôm nay đến lễ bổn mạng 31/07/2015.
            Xin Các vị nhận lẵng hoa của lòng tin yêu Bà con giáo dân kính tặng.
Hôm nay cũng là Lễ Bổn Mạng của Ban Hành Giáonhững người phục vụ Giáo xứ trong mọi đòan thể, mọi tổ chức của Giáo xứ.
Chúng ta cầu xin hai thánh Bổn Mạng Pr. Quý và Em. Phụng ban nhiều ơn cho Ban Thường Vụ và Tất cả những ai đang phục vụ giáo xứ trong mọi công tác, để họ luôn trung thành với Giáo Hội, vâng phục Bề trên của mình, biết hy sinh thời giờ, sức khỏe, vượt qua mọi trở ngại, hết lòng vì phần rỗi của chúng ta và sự phát triển của Giáo xứ.
Xin cảm ơn Các vị.
Bây giờ chúng ta xin Chúa nhờ nước mà chúng ta nhận trên mình, thanh tẩy chúng ta bớt bất xứng để cử hành thánh lễ.
Tiếp sau đây là một số hình ảnh giờ tĩnh tâm và thánh lễ trao vi bằng và chúc mừng.








 Thien sinh

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ NHÂN NGÀY LỄ BỔ NHIỆM HỘI ĐỒNG MỤC VỤ CÁC GIÁO XỨ


ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ NHÂN NGÀY LỄ BỔ NHIỆM HỘI ĐỒNG MỤC VỤ CÁC GIÁO XỨ TẠI NHÀ THỜ CHÁNH TÒA LONG XUYÊN NIÊN KHÓA 2011-2015

Sáng nay khi tham dự thánh lễ trao vi bằng và bổ nhiệm Hội Đồng Mục Vụ các giáo xứ lần đầu tiên tại Giáo phận Long Xuyên do Đức Giám  Mục giáo phận Giuse Trần Xuân Tiếu chủ trì, có sự hiện diện của Đức Cha cố Gioan Baotixita Bùi Tuần, cha tổng thư ký hội đồng mục vụ về giáo dân, báo Công giáo Dân Tộc, đặc biệt là nhà báo Pietro Roncari đến từ Itali, rất nhiều giáo dân và trên 700 quí vị Hội Đồng mục vụ đến từ các giáo xứ thuộc Giáo Phận Long Xuyên. Thánh lễ diễn tiến rất long trọng và cảm động, với những nghi thức trao vi bằng, bổ nhiệm. Đặc biệt là những lời huấn từ cũng như bài giảng của Đức Cha nêu bật lên vai trò của giáo dân, Hội Đồng Mục vụ là cộng tác có trách nhiệm, hoạt động tông đồ, tôn trọng lẫn nhau, liên đới huynh đệ với hàng giáo sĩ. Điều này cũng được Công Đồng Vatican II trong Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân nói đến:” Giáo dân góp phần tích cực vào đời sống và hoạt động của Giáo Hội, nhờ được tham dự vào chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, ngôn sứ và là vua. Trong những cộng đoàn của Giáo Hội, hoạt động của họ cần thiết đến nỗi nếu không có hoạt động đó, chính hoạt động tông đồ của các vị chủ chăn thường không thể đạt được đầy đủ kết quả. Cũng như giáo dân nam nữ đã giúp Thánh Phaolô trong việc rao giảng Phúc Âm (x. CvTđ 18,18-26; Rm 16,3), những người giáo dân có tinh thần tông đồ đích thực cũng đang trợ giúp những anh em thiếu thốn và nâng đỡ tinh thần các vị chủ chăn và các tín hữu khác (x. 1Cor 16,17-18). Vì được nuôi dưỡng nhờ tham dự cách tích cực vào đời sống phụng vụ của cộng đoàn, chính họ nhiệt thành góp phần vào những công cuộc tông đồ của chính cộng đoàn đó: họ đem những người có lẽ đang xa lạc trở về với Giáo Hội. Họ cộng tác đắc lực vào việc rao truyền lời Chúa nhất là bằng việc dạy giáo lý. Họ đem khả năng của mình làm cho việc coi sóc các linh hồn và cả việc quản trị tài sản của Giáo Hội sinh hiệu quả hơn.
Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình để hoạt động trong giáo xứ.  Họ cũng nên có thói quen trình bày với cộng đoàn Giáo Hội những vấn đề riêng của mình hay của cả thế giới hoặc những vấn đề liên quan tới phần rỗi mọi người để cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy sức mà cố gắng đóng góp vào mọi công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương.”
Các Giám Mục, các cha sở, các linh mục dòng triều phải nhớ rằng quyền và bổn phận làm tông đồ là chung cho tất cả mọi tín hữu không phân biệt giáo sĩ hay giáo dân, và trong việc xây dựng Giáo Hội, giáo dân cũng có phần riêng của họ. Vì thế các ngài phải cùng với giáo dân làm việc trong Giáo Hội và cho Giáo Hội với tình huynh đệ, cũng như phải đặc biệt để tâm lo cho giáo dân trong khi họ làm việc tông đồ”.
Hơn những người giáo dân, Hội đồng mục vụ còn phải là những người có đức tin vững vàng, khôn ngoan, đạo đức( không bao giờ có yếu tố tiền bạc). Giáo luật điều 512 đã xác định
Ðiều 512: (1) Hội Ðồng Mục Vụ gồm các tín hữu đang thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, hoặc là giáo sĩ hoặc là các phần tử các Dòng Tu và nhất là giáo dân; tất cả đều được chỉ định theo cách thức do Giám Mục giáo phận ấn định.
(2) Các tín hữu được cử vào Hội Ðồng Mục Vụ cần được lựa chọn cách nào để có thể phản ảnh được phần dân Chúa cấu tạo thành giáo phận, dựa vào các khu vực khác nhau của giáo phận, các điều kiện xã hội và nghề nghiệp, và cả tới phần vụ mà các tín hữu đóng góp trong hoạt động tông đồ hoặc với tư cách cá nhân hoặc liên hiệp với những người khác.
(3) Chỉ nên cử vào Hội Ðồng Mục Vụ những tín hữu trổi về Ðức Tin vững vàng, hạnh kiểm tốt và khôn ngoan.
Vì vậy Hội đồng mục vụ phải luôn là đầu tầu gương mẫu, phục vụ quên mình, đừng vì mình, đừng nghĩ rằng đang hưởng một chức tước để rồi đòi thế này, thế nọ. Có chăng người Đứng vào hội Đồng Mục Vụ là để được phục vụ nhiều hơn, như con ong thợ làm việc chuyên cần có trách nhiệm và tư duy để vì mục đích mở mang nước Chúa, quản trị, bảo vệ tài sản của giáo xứ tiếp với Cha sở. Cha sở luôn là người chịu trách nhiệm chính. Giáo luật củng đã xác định:
Ðiều 536: (1) Nếu Giám Mục giáo phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội Ðồng Linh Mục, thì trong mỗi giáo xứ nên thành lập Hội Ðồng Mục Vụ, do Cha Sở chủ tọa, và trong đó các tín hữu cùng với những người chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong giáo xứ cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ võ sinh hoạt mục vụ.
(2) Hội Ðồng Mục Vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do Giám Mục giáo phận đã ấn định.
Ðiều 537: Mỗi giáo xứ phải có Hội Ðồng Kinh Tế được điều hành bởi luật phổ quát và bởi các quy tắc do Giám Mục giáo phận ban hành; trong Hội Ðồng ấy, các tín hữu được tuyển chọn theo các quy tắc vừa nói, giúp Cha Sở trong việc quản lý mọi tài sản của giáo xứ, tuy vẫn tôn trọng quy định của điều 532.
Ðiều 532: Trong tất cả mọi hành vi pháp lý, Cha Sở là người đại diện của giáo xứ chiếu theo quy tắc luật định; ngài phải lo để mọi tài sản của giáo xứ được quản lý theo quy tắc của các điều 1281-1288.
Ðiều 1282: Tất cả mọi người, dù là giáo sĩ hay giáo dân, dự phần vào việc quản trị tài sản của Giáo Hội do một danh nghĩa hợp lệ, phải thi hành nhiệm vụ nhân danh Giáo Hội và phù hợp với các quy tắc của pháp luật.
     Qua thánh lễ này tôi thiết tưởng rằng mỗi thành viên trong Hội đồng mục vụ đã hiểu rõ được vai trò của mình là phục vụ, mở mang nước Chúa, đại diện giáo dân để làm cầu nối tốt giữa các gia đình với cha sở và ngược lại. Cũng là tiếng nói đề đạt ý kiến vượt khung của giáo xứ với bề trên trước các kỳ cấm phòng linh mục hàng năm(ý kiến Đức Cha). Kính chúc quí vị luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình vì danh Thiên Chúa.
                                                                                                        Thiên Sinh
Nguồn tài liệu:
1-     Vatican II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, chương III
2-     Vatican II, Hiến chế tín lý số 37, AAS 57(1965), trang 42-43.
3-     Pio X, tông thư creationis duarum novarum praoeciarum, 1-6-1905: AAS 38, trang 65-67.



liên hoan sau thánh lễ
Nhà báo Pietro đến từ Itali

Giáo hội Tây ban nha đề ra những chương trình dẫn đưa người trẻ đến gần giáo hội hơn.

Giáo hội Tây ban nha đề ra
những chương trình dẫn đưa người trẻ
đến gần giáo hội hơn


San Sebastian (ZENIT 25-07-2011) - Ðức Cha José Ignacio Munilla, Giám Mục giáo phận San Sebastian bên Tây Ban Nha, khẳng định rằng truyền giáo cho người trẻ đòi hỏi phải có sự tôn trọng và tình thương mến, nhưng không được thần tượng hóa tuổi trẻ.
Ðức Cha Munilla đã nói như trên trong bài thuyết trình tại khóa học mùa hè về "Người trẻ và Giáo Hội", do đại học quốc vương Juan Carlos tổ chức. Ðức Cha đã gợi lại thực tại văn hóa Tây Ban nha, nơi mà Ngài cho rằng nền giáo dục cấp bách hơn bất cứ nơi nào khác.
Sau khi so sánh khuynh hướng tục hóa hiện nay với một cơn sóng thần bão ập vào xã hội và lay động tận gốc rễ những giá trị đạo đức luân lý truyền thống, Ðức Cha Munilla nhìn nhận rằng Giáo Hội đang gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng cho người trẻ Tây Ban Nha, một quốc gia đã đánh mất linh hồn kitô của mình. Ðức Cha đề ra ba mẫu gương cần phải theo trong nỗ lực đưa người trẻ đến gần Giáo Hội: đó là bước theo kinh nghiệm của Thánh Gioan Bosco, đặt trọng tâm vào thời gian chia sẻ với người trẻ; thứ hai là nêu cao chứng tá và trở thành điểm quy chiếu cho người trẻ, như Ðức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã làm; và thứ ba là giúp người trẻ có một tinh thần phê bình đối với chủ nghĩa tương đối hóa, như Ðức đương kim Giáo Hoàng Biển Ðức 16 đang làm.
Cuối cùng, Ðức Giám Mục San Sebastian đã đề cập đến ngày Giới trẻ quốc tế sắp đến tại Madrid. Ðức Cha nhắc lại lời Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 khẳng định rằng đây là dịp giúp các bạn trẻ gặp gỡ nhau để mở rộng chân trời kiến thức của mình; và nhờ sự trợ giúp của các linh mục đồng hành họ sẽ đào sâu và ý thức rõ ràng hơn về thực tại Giáo Hội vừa là cha vừa là mẹ. (ZENIT 25-07-2011)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Sứ điệp Ðức Thánh Cha gửi các cha dòng Somaschi.

Sứ điệp Ðức Thánh Cha
gửi các cha dòng Somaschi


Castel Gandolfo (SD 29-7-2011) - Ðể lớn lên lành mạnh người trẻ cần tình yêu thương, vì nghèo nàn tình yệu là gốc rễ của mọi vấn đề trong cuộc sống con người.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trong sứ điệp gửi dòng Somaschi nhân Năm Thánh của đòng bắt đầu từ ngày 27 tháng 9 năm 2011. Năm Thánh được công bố nhân kỷ niệm 500 năm thánh Girolamo Emiliani, đấng sáng lập dòng Somaschi, được Ðức Mẹ giải thoát khỏi xích xiềng tù ngục. Cách đây 5 thế kỷ, ngày 27 tháng 9 năm 1511 sau khi khấn hứa thay đổi cuộc đời với Ðức Mẹ Cao Cả Treviso, Girolamo Emiliani người Venezia, được Ðức Mẹ giải thoát khỏi xích xiềng tù ngục.
Trong sứ điệp chúc mừng gửi cha Franco Moscone Bề trên tổng quyền, Ðức Thánh Cha đã Ngài khẳng định rằng các thử thách cá nhân cũng như đoàn thể đều giúp đức tin lớn lên và trưởng thành. Ðối với thánh Girolamo Emiliani cuộc giải thoát khỏi xích xiềng tù ngục cũng đồng thời là cuộc giải thoát khỏi mọi ràng buộc của tính ích kỷ, kiêu căng, kiếm tìm chính mình, chỉ chú ý tới các sự thế trần, để hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, yêu thương và phục vụ Chúa trong giới trẻ mồ côi, đau yếu và bị bỏ rơi. Trong tình hình của Giáo Hội hồi thế kỷ XVI bị chia rẽ vì cuộc ly giáo tin lành và đang tìm một cuộc cải cách nghiêm chỉnh từ bên trong, sự thánh thiện nở hoa là một lời đáp trả cho các ý hướng canh tân ấy.
Ðức Thánh Cha khẳng định rằng đặc sủng của các cha dòng Somaschi chú ý tới việc giáo dục nhân bản và kitô cho giới trẻ, tiếp tục là một dấn thân của Giáo Hội trong mọi thời đại và ở khắp mọi nơi. Giới trẻ cần hiểu biết các ý niệm văn hóa và kỹ thuật nhưng nhất là tình yêu thương, giúp chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, sự ích kỷ và biết lưu tâm tới các anh chị em khác. Gương sống rạng người của thánh Girolamo Emiliani, "vị thánh linh hoạt giáo dân" giúp chúng ta chú ý tới mọi hình thức nghèo nàn của giới trẻ: nghèo nàn luân lý, thể lý, cuộc sống và nhất là nghèo nàn tình yêu, là gốc rễ của mọi vấn đề của con người.
Ðức Thánh Cha xin Mẹ Maria tiếp tục giải thoát con người khỏi các xích xiềng của tội lỗi và tù ngục của một cuộc sống không có tình yêu thương đối với Thiên Chúa và với tha nhân.
Năm Thánh kỷ niệm khai diễn ngày 27 tháng 9 năm 2011 với thánh lễ cử hành tại dền thờ thánh Marco ở Venezia bắc Italia và sẽ kết thúc ngày 30 tháng 9 năm 2012. (SD 29-7-2011)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Các Giám mục Hoa kỳ bày tỏ đau buồn về cái chết của Ðức Sứ Thần Tòa Thánh Pietro Sambi.

Các Giám mục Hoa kỳ bày tỏ đau buồn
về cái chết của
Ðức Sứ Thần Tòa Thánh Pietro Sambi

Washington (SD 28-7-2011) - Trong thông cáo công bố ngày 28 tháng 7 năm 2011 Ðức Cha Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, kiêm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã bầy tỏ sự đau buồn của các Giám Mục và toàn Giáo hội Công giáo tại đây trước cái chết của Ðức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, Sứ Thần Tòa Thánh.
Ðức Tổng Giám Mục Sambi qua đời tại nhà thương John Hopkins ngày 27 tháng 7 năm 2011 thọ 73 tuổi. Ðức Tổng Giám Mục Dolan ca ngợi Ðức Cha Sambi là một người bạn rất được các Giám Mục và tín hữu Hoa Kỳ trân trọng và qúy mến. Người đã có công lớn trong việc tổ chức chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Ðức Thánh Cha hồi năm 2008.

Ðức cố Sứ Thần cũng luôn luôn hiện diện trong các lễ truyền chức cho các Giám Mục, gặp gỡ tín hữu và bầy tỏ lòng ưu ái của Ðức Thánh Cha đối với Giáo Hội Hoa Kỳ. Người cũng rất cởi mở tiếp đón các nhà báo. Các kinh nghiệm ngoại giao lâu năm của Ðức Cố Sứ Thần, đặc biệt tại Thánh Ðịa, khiến cho người có sự nhậy cảm và ý thức mục vụ rất cao. Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ cám ơn Ðức Thánh Cha vì đã gửi cho Hoa Kỳ một người có tình yêu sâu đậm đối với chức linh mục và với Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành.

Toàn Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ xin Chúa đón nhận người tôi trung vào an nghỉ trong Nước Chúa. (SD 28-7-2011)


Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Tin buồn: Cha Giuse Nguyễn Văn Đình Đã từ trần


VỀ NHÀ CHA
 
 
      
Trong niềm xác tín vào Đức Kitô  Phục Sinh, tôi xin báo tin:
Cha GIUSE NGUYỄN VĂN ĐÌNH
đã từ trần lúc 10g10 Thứ Năm, ngày 28/07/2011 tại gx. Thánh Gia, kênh Thày Ký, hưởng thọ 62 tuổi.
 
Cha GIUSE NGUYỄN VĂN ĐÌNH
- sinh năm 1949 tại Gia Cốc, Hưng Yên;
- Thụ phong linh mục ngày 15/06/1975 tại Sài Gòn;
- Cha đã phục vụ:
  1975-1976: Gx. Thánh Tâm B2
  1976-2011: Gx. Thánh Gia, Thày Ký.     
              Thánh Lễ an táng ngài sẽ được cử hành
lúc 14g30 chiều Thứ Bảy ngày 30/07/2011 tại nhà thờ Thánh Gia, Thày Ký.
Xin quí cha dâng 3 thánh lễ
và xin anh chị em giáo dân thêm lời cầu nguyện cho ngài.
                             
Thân ái
Long Xuyên, ngày 28 tháng 07 năm 2011
                                          
                                                            
    

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Bài giảng chúa nhật XVIII thường niên( cha sở Mai Đức Vượng)


HÓA BÁNH RA NHIỀU
PHÉP LẠ CỦA TÌNH LIÊN ĐỚI
            Câu chuyện Tin Mừng : Chúa hóa bánh ra nhiều hôm nay, chắc không ai trong chúng ta là chưa nghe, chưa biết..
            Chuyện Tin Mừng kể rằng : Mỗi khi Chúa đi đến đâu, thì dân chúng kéo đến rất đông để nghe người giảng, cũng có thể vì tò mò, hiếu kỳ muốn được thấy Chúa làm phép lạ chữa người này người họ, hoặc muốn được Chúa trị cho chính họ hay người thân của họ đang mang một tật bệnh nào đó.
            Hôm đó, họ không thất vọng, vì Chúa thấy dân chúng rất đông, nên Ngài đã chạnh lòng thương xót, chữa lành tất cả mọi bệnh nhân. Chiều xuống, mặt trời sắp lặn, chắc thấy Chúa và mọi người mệt mỏi sau một ngày tất bật, các tông đồ đề nghị với Chúa cho giải tán đám đông, để họ vào các làng gần đó kiếm gì ăn và nghỉ ngơi qua đêm. Các ông ngạc nhiên vì Chúa không đồng ý. Ngài ra lệnh : “ Các con phải lo cho họ ăn”. Một cái lệnh thật ngặt nghèo, khó thi hành, vì dân chúng quá đông, lại giữa nơi hoang vắng này, có tiền chăng nữa cũng không biết kiếm đâu ra lương thực ! Không dám trái lệnh, các ông chia nhau len lỏi vào đám đông xem tình hình thực tế, may ra có người mang theo, đề nghị họ chia sẻ… Cuối cùng, làm hết sức mình, các ông cũng chỉ có được 5 cái bánh và hai con cá ! và sau đó là việc của Chúa…
            Truyền cho dân chúng ngồi thành từng nhóm trên những thảm cỏ, Ngài cầm lấy 5 tấm bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời Chúc tụng Chúa Cha, rồi sai các tông đồ đem chia cho mọi người. Lạ thay, cũng từ 5 Cái Bánh và hai Con Cá, các tông đồ chia hòai, chia mãi mà không hết…Thánh Matthêu đếm được năm ngàn người đàn ông, phải hiểu thêm rằng, số đàn bà, trẻ con là những người rảnh rỗi và hiếu kỳ, chắc chắn phải đông hơn nhiều lần…nhưng tất cả đều no nê và còn dư 12 thúng đầy.
            Chuyện Tin Mừng là như thế đó ! Chúng ta nghĩ gì về phép lạ Chúa làm hôm nay ?
            1. Trước hết, một cách đơn giản ai cũng có thể hiểu là Chúa không coi thường thân xác của chúng ta, không quan tâm đến cái đói cái khát của mỗi người chúng ta.
            Thật vậy, chính Ngài đã nói : hai con chim sẻ mới được một đồng, mà Ngài không bỏ quên một con nào phải chết đói. Bông Huệ sớm nở chiều tàn mà Ngài còn tô điểm cho đẹp hơn cẩm bào của vua Salomon..huống chi con người do Chúa tạo dựng nên, nhất là những kẻ hết lòng với Ngài, chẳng lẽ Ngài để họ phải thiếu thốn. Vua Thánh David đã nói : “Cả đời tôi, chưa thấy một ai hết lòng thờ phượng Chúa, mà phải mang thân ăn mày”. Chỉ những ai bất cần Chúa, thì Chúa cũng sẽ bất cần họ. Tóm lại : Cứ hết lòng thờ phượng Chúa, tuân giữ các lề luật của Chúa, Chúa sẽ hết lòng lo lắng cho ta.
            2. Điều thứ hai, chúng ta nên suy nghĩ : Chúa là Đấng quyền năng, Ngài chỉ cần phán một lời thì có cả một núi Bánh dân chúng cứ việc đến lấy mà ăn, sao lại phải bắt các tông đồ phải lo lắng, vất vả đi lùng sục cũng chẳng được bao nhiêu rồi lại bắt các ông tự tay đem đi phân phát cho từng người ? Sở dĩ Chúa làm như thế là Chúa đòi ở mỗi người chúng ta lòng Quảng Đại, sự Quan tâm, đích thân Phục vụ người khác, chúng ta gọi là lòng Bác ái, yêu thương.
   Có thể nói : Phép lạ bắt đầu từ 5 Cái Bánh và hai Con Cá, và phép lạ xảy ra trên tay các tông đồ khi các ông đang chia sẻ, chia mãi mà không hết !
            Chúng ta có biết thế giới hôm nay còn rất nhiều người đói.
            Mỗi ngày có 15.000 người trên hành tinh này chết vì không có gì ăn. Mỗi đêm, có 400 triệu người đi ngủ với cái bao tử trống trơn, cào cấu vì đói. Riêng Châu Phi, 70% dân chúng dưới mức nghèo. Sở dĩ còn có cái thực tế đáng kinh ngạc đó, không hẳn vì trái đất đã cạn kiệt lương thực, nhưng vì những người giàu, những nước giàu ích kỷ, không quan tâm chia sớt. Nói chi xa, ngay ở Hà nội, có những tiệm phở mỗi tô 20 đôla ( tương đương 400.000đồng ) mà vẫn chật ních. Có những gia  đình 2 vợ chồng và hai đứa con, một bữa ăn sáng ở tiệm hết 200đôla, bằng mấy tháng cực khổ của một công nhân.
            Năm Cái Bánh và Hai Con Cá của một em bé, không đáng gì nhưng Chúa vẫn trân trọng. Điều đó nói lên rằng : Chúa vẫn đang chờ mong đón nhận lòng quảng đại của chúng ta cộng tác với Ngài, để cứu giúp anh em bất hạnh chung quanh ta.
            Cứ quảng đại, rộng rãi cho đi, Chúng ta sẽ thấy nhiều phép lạ sẽ xảy ra trên đôi tay Chia sẻ của chúng ta.
            Lạy Chúa, xin ban yêu thương vào trái tim con. Xin đổ đầy lòng thương xót Chúa vào lòng con, để con biết chia sẻ với anh em bất hạnh ngày một nhiều chung quanh con. Amen.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Đón Người vào nhà (29.7.2011 – Thứ sáu, Lễ thánh Mácta)


Đón Người vào nhà
Lời Chúa: Lc 10, 38-42
Trong khi Thầy trò Đức Giêsu đi đường, Ngài vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.  Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Suy nim:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khuôn mặt Maria khá nổi bật.
Chúng ta dễ thấy là Thầy Giêsu nghiêng về cô em hơn.
Mácta đón Thầy vào nhà trong tư cách là chị.
Còn Maria sau đó là người tiếp Đức Giêsu.
Maria thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.
Còn chị Mácta thì ngược lại.
Hẳn là chị phải xuống bếp ngay để lo bữa ăn.
Cuộc viếng thăm của Thầy Giêsu và các môn đệ là khá bất ngờ.
Làm sao để đãi một số vị khách như thế?
Đó là mối lo chính đáng của chị Mácta.
Mácta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn.
Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.
Rõ ràng là Mácta bị cuống lên vì thấy mình có nhiều việc phải làm gấp.
Chị không muốn khách phải chờ đợi lâu,
và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn.
“Xin Thầy bảo em giúp con một tay !”
Đó là ước mơ của Mácta, rất đỗi bình thường.
Tiếc thay, Thầy Giêsu lại đang kể chuyện cho Maria,
và cô này đang lắng nghe một cách thích thú (c. 39).
Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy.
Mácta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có.
Chị quên rằng Thầy Giêsu không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn.
Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.
Thầy Giêsu nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mácta.
và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng.
Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mácta, Mácta.
Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá.
“Chỉ cần một chuyện thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn” (c. 42).
Thầy Giêsu không bảo rằng điều Mácta làm là điều không tốt.
Chắc chắn Thầy và trò đều cần bữa ăn ngon sau những ngày rong ruổi.
Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn.
Vì thế Thầy sẽ không kêu cô em xuống bếp để phụ giúp cô chị.
Điều mà Maria đã chọn, chẳng ai có thể lấy đi.
Chị Mácta là thánh nữ được tôn kính trong Giáo Hội.
Chúng ta phải bắt chước chị qua công việc tận tụy và đầy trách nhiệm.
Nhưng chúng ta phải làm một cách an bình, khiêm tốn, vui tươi,
không coi việc mình làm là quan trọng hơn việc người khác.
Cuộc sống hôm nay dễ làm ta trở nên Mácta, bị đè nặng bởi công việc.
Nhưng phải cố dành giờ để làm Maria mỗi ngày.
Phải thu xếp để khỏi phải ở dưới bếp quá lâu, để có người thay mình.
Đời sống của người Kitô hữu là kết hợp của Mácta và Maria.
Vừa đón, vừa tiếp; vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa;
nhưng dù hoạt động hay cầu nguyện, lúc nào cũng hướng về Chúa.
Cầu nguyn:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

TÒA THÁNH VÀ MALAYSIA THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO

TÒA THÁNH VÀ MALAYSIA THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO

VATICĂNG: Hôm 27-7-2011 Tòa Thánh và Malaysia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau trên cấp bậc Sức Thần và tòa đại sứ. Malaysia trở thành quốc gia thứ 179 có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh.

Malaysia rộng gần 330.000 cây số vuông, có gần 28,5 triệu dân đa chủng tộc và đa văn hóa, trong đó có 60,4% theo Hồi giáo là quốc giáo, 19,2% theo Phật giáo, 9,1% theo Kitô giáo, 6,3% theo Ấn giáo, 2,6% theo các tôn giáo bình dân trung hoa và 2,4% theo đạo thờ vật linh.

Được độc lập năm 1957, Malaysia đã trải qua thời kỳ phát triển nhanh chóng, hiện là một trong các quốc gia sản xuất máy móc điện tử và đứng đầu Đông Nam Á về kỹ nghệ lắp ráp và sản xuất xe hơi. Song song Malaysia ngày càng trở thành một tác nhân quan trọng của cuộc đối thoại liên chủng tộc, liên văn hóa, liên tôn giáo, và có vai trò đáng kể trong khối ASEAN.

Giáo Hội công giáo đã hiện diện tại Malaysia từ năm 1511, khi các thừa sai Bồ Đào Nha đặt chân đến Malacca, nơi thánh Phanxicô Xaviê cũng ghé thăm năm 1545. Hiện nay Giáo Hội gồm 9 giáo đoàn vây quanh các tổng giáo phận Kuala Lumpur, Kuching và Kota Kinabalu. Nhân lực của Giáo Hội bao gồm 11 Giám Mục, 274 Linh Mục triều, 119 linh mục dòng, 123 tu huynh, 759 nữ tu và 270 đại chủng sinh. Số giáo dân công giáo được hơn 850.000 người, tức chiếm khoảng 3% tổng số dân.

Giáo Hội hoạt động rất tích cực trong việc rao truyền Tin Mừng và mục vụ gia đình, và cũng hiện diện trong các lãnh vực giáo dục với rất nhiều trường trung và tiểu học. Riêng trong lãnh vực bác ái xã hội, Giáo Hội đảm trách nhiều cơ cấu trợ giúp người nghèo và người di cư. Giáo dân hăng say tham gia cộng tác trên bình diện giáo xứ cũng như giáo phận. Cũng không thiếu các sáng kiến thăng tiến hòa hợp xã hội và hòa giải.

Năm 1968 Malaysia thuộc Tòa Khâm Sứ Lào Malaysia và Singapore. Năm 1981 còn lại Lào và Malaysia. Năm 1983 thuộc Tòa Khâm Sứ Malaysaia Brunei và Lào và từ năm 1998 Malaysia có Tòa Khâm Sứ riêng cho tới nay.

Ngày 7-6-2002 Thủ tướng Mahathir bin Mohamad được Đức Gioan Phaolô II tiếp kiến, sau đó thủ tướng đã hội kiến với Đức Hồng Y Angelo Sodano Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Jean Louis Tauran. Đây đã là lần đầu tiên thủ tướng Malaysia viếng thăm Tòa Thánh.

Quyết định thiết lập liên lạc ngoại giao giữa Tòa Thánh và Malaysia đã được đưa ra ngày 18 tháng 6 vừa qua, nhân dịp đương kim thủ tướng Najib Bin Abdul Razak viếng thăm Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Castel Gandolfo, và hội kiến với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Dominique Mamberti. Trong cuộc gặp gỡ hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối thoại liên văn hóa và liên tôn
(SD 27-7-2011)

Linh Tiến Khải

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Giêrusalem nhóm họp để thảo luận về thay đổi khí hậu và sự phát triển có thể chịu đựng được.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Giêrusalem
nhóm họp để thảo luận
về thay đổi khí hậu
và sự phát triển có thể chịu đựng được

Giêrusalem (CSD 3666 25.07.2011) - Các nhà lãnh đạo ba tôn giáo độc thần tại Giêrusalem đã than dự một cuộc hội thảo tổ chức hôm 25 tháng 7 năm 2011 về đề tài "Các tôn giáo phải làm thế nào để đáp trả vấn nạn khủng hoảng thời tiết hiện nay?"
Cuộc hội thảo diễn ra tại American Colony Hotel, thành Giêrusalem. Tham dự cuộc hội thảo có Ðức Cha William Shomali, Giám Mục phụ tá Tòa thượng phụ la tinh Giêrusalem, đại diện Ðức Thượng Phụ Fouad Twal, Rabbi Davis Rosen, giám đốc quốc tế văn phòng tôn giáo vụ của Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ kiêm đồng chủ tịch Hội đồng thế giới các tôn giáo bảo vệ hòa bình, và ông Haj Salah Zuheika, thứ trưởng các vấn đề tôn giáo của chính quyền Palestin.
Trong bài phát biểu, Ðức Cha Shomali đã nhấn mạnh đến việc tôn trọng thiên nhiên, nghĩa là tôn trọng Ðấng Tạo Hóa. Ðức Cha đồng ý với nhận định của rabbi Rosen và ông Zuheika cho rằng trái đất không phải của riêng ai. Chúng ta chỉ là những lữ khách qua đường, chúng ta cần phải yêu thương trân quý thụ tạo, là một món quà cần phải nâng niu gìn giữ và trao lại cho các thế hệ tương lai.
Ðức Cha Shomali đã nhắc lại bài ca thụ tạo của Thánh Phanxicô thành Assisi và sứ điệp ngày hòa bình thế giới năm ngoái của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16, và mời gọi mọi người xét lại cung cách hành xử hiện nay trong lãnh vực phát triển, đang đe dọa các tài nguyên thiên nhiên và làm cho môi sinh bị thoái hóa. Ðức Cha cũng đề cập đến thực tại giải đất Gaza hiện nay, không có hệ thống cống rãnh xứng hợp và đe dọa làm ô nhiễm toàn vùng duyên hải tại đây. (CSD 3666 25.07.2011)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Cá tốt cho vào giỏ (28.7.2011 – Thứ năm Tuần 17 Thường niên)



Cá tốt cho vào giỏ
Lời Chúa: Mt 13,47-53
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Ðến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ kho tàng của mình cả mới lẫn cái cũ”.
Suy nim:
Dụ ngôn chiếc lưới được coi là dụ ngôn cuối cùng
trong một chuỗi bảy dụ ngôn của chương 13 theo Tin Mừng Mátthêu.
Dụ ngôn này có nhiều điểm tương đồng với dụ ngôn lúa và cỏ lùng.
Cả hai đều nói đến sự tách biệt kẻ xấu và người tốt vào ngày tận thế,
và kẻ xấu sẽ bị Thiên Chúa luận phạt nghiêm minh (cc. 42. 50).
Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi để nói về Nước Trời.
Có khi là hình ảnh nông nghiệp như dụ ngôn người gieo giống,
dụ ngôn lúa và cỏ lùng, hay dụ ngôn hạt cải.
Có khi là hình ảnh về chăn nuôi như dụ ngôn về người mục tử.
Có khi là hình ảnh về ngư nghiệp như trong dụ ngôn chiếc lưới.
Một số môn đệ của Ngài đã sống bằng nghề chài lưới ở hồ Galilê.
Thời xưa việc đánh cá ở hồ này cũng đơn giản như ở quê ta ngày nay.
Những ngư phủ đi trên những chiếc thuyền nhỏ.
Họ quăng lưới vào những nơi thấy dấu hiệu có cá đang đi.
Lưới với những hòn chì nặng sẽ chụp xuống đàn cá và họ chỉ cần kéo vào bờ.
Một chi tiết đáng chú ý ở đây là họ gom được mọi loại cá, cả tốt lẫn xấu.
Hình ảnh này gợi cho ta về việc mọi người, bất luận tốt xấu,
đều được mời gọi tham dự bàn tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10).
Trong Hội Thánh, cũng có sự pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu,
như được ám chỉ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng.
Ở các tỉnh ven hồ Galilê, ta dễ thấy cảnh tượng các ngư phủ ngồi trên bờ,
gom cá đánh được trong ngày, giữ lại cá tốt, quăng đi cá xấu.
Chỉ khi lưới đầy, họ mới làm công việc lựa cá như vậy (c. 48).
Tương tự như trên, chỉ khi đến ngày tận thế, các thiên thần mới xuất hiện
để tách biệt kẻ xấu ra khỏi người công chính (c. 49).
Như thế tình trạng hiện nay của Hội Thánh vẫn là chưa hoàn hảo.
Không phải mọi Kitô hữu đều đã sống tinh thần Bài Giảng trên núi.
Có những Kitô hữu không sinh trái, vì hạt giống nhận được đã bị thui chột,
bởi thử thách gian nan hay mối lo toan vật chất (Mt 13, 18-22).
Có những Kitô hữu tuy vẫn kêu Đức Giêsu là Lạy Chúa ! (Mt 7, 21-23),
vẫn nhân danh Ngài mà nói tiên tri, trừ quỷ hay làm phép lạ,
nhưng lại không thi hành ý muốn của Cha trên trời và làm điều gian ác.
Có những Kitô hữu dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới (Mt 22, 11-13).
Có những Kitô hữu là muối nhạt, đã trở thành vô dụng (Mt 5, 13).
Như thế gia nhập Hội Thánh không phải là một bảo đảm để được cứu độ.
Còn cần sống hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48).
Thời nay chúng ta không thích nghĩ đến những chuyện bị coi là xa xôi,
như chuyện tận thế, chuyện Thiên Chúa phán xét và luận phạt.
Chúng ta thích sống yên ổn với một Thiên Chúa nhân hậu vô cùng,
đến độ có vẻ như hỏa ngục chỉ là chuyện viển vông để dọa con nít.
Nhưng dù sao cũng không tránh được ngày cỏ lùng bị tách khỏi lúa,
cá xấu bị tách khỏi cá tốt, kẻ bất lương bị tách khỏi người lành.
Cuối cùng Nước Trời sẽ không còn chút bóng dáng của sự dữ,
Thiên Chúa sẽ là mọi sự cho mọi người (1 Cr 15, 28).
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Giáo lý viên Việt Nam mừng lễ chân phước Anrê Phú Yên



Giáo lý viên Việt Nam mừng lễ chân phước Anrê Phú Yên
WHĐ (26.07.2011) – Chân phước Thầy giảng Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam từ lâu đã được các giáo lý viên nhận làm vị bổn mạng.
Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung khi chấp nhận hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Giêsu. Tấm gương sáng của Thầy nhiệt tình và quảng đại không ngại gian nan rao giảng Tin Mừng đã thúc đẩy bao giáo lý viên dấn thân trên con đường xây dựng Hội Thánh.
Ngày lễ mừng kính chân phước Anrê Phú Yên là ngày 26 tháng Bảy. Tại các giáo phận Việt Nam, nhiều sinh hoạt của giáo lý viên đã diễn ra xung quanh ngày lễ này.
WHĐ điểm qua các sinh hoạt tiêu biểu tại một vài giáo phận.

***
Đà Lạt: Khóa Bồi dưỡng giáo lý viên Năm 2011, đợt một
Tại giáo phận Đà Lạt, trong hai ngày 14–15 tháng Bảy 2011, 185 giáo lý viên thuộc giáo hạt Bảo Lộc đã qui tụ về Trung tâm Mục vụ giáo phận để tham dự Khóa bồi dưỡng giáo lý viên đợt một.
Tham dự Khóa bồi dưỡng, các giáo lý viên được học hỏi về Mười Điều Răn của Chúa, vừa để giảng dạy vừa giúp cho mỗi người hiểu rõ và sống tốt hơn tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Các tiết học được phân bổ hợp lý với các giờ lần hạt chung, viếng Thánh Thể; đặc biệt có giờ huấn đức của cha phụ trách vào buổi tối để giúp giáo lý viên nhìn lại đời sống đức tin của mình qua việc tham dự thánh lễ, dâng ngày, dâng đêm, đời sống cầu nguyện và tâm tình yêu mến Đức Mẹ là việc lần hạt Mân Côi… và sau đó là giờ chầu Thánh Thể.
Các giáo lý viên đã có hai ngày sống với nhau, cùng nhau học hỏi, cùng nhau tham dự thánh lễ, cùng ăn, cùng vui chơi … trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương.

Phan Thiết: Họp mặt Trưởng và Phó Ban Giáo lý
Tại giáo phận Phan Thiết, trong hai ngày 22–23 tháng Bảy 2011, Ban Giáo lý giáo phận đã tổ chức chương trình Họp mặt Trưởng và Phó Ban Giáo lý các giáo xứ tại Chủng viện Thánh Nicôla. Khoảng 80 cán sự của các giáo xứ trên khắp giáo phận đã về tham dự. Đây cũng là dịp các giáo lý viên mừng lễ Bổn mạng Anrê Phú Yên.
Nói chuyện với Đại hội, Đức cha Giuse nhấn mạnh: người giáo lý viên có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho công cuộc huấn giáo được triển nở và sự hiệp thông trong Giáo Hội. Ngài bày tỏ sự cảm kích trước những hy sinh, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày của tất cả anh chị em giáo lý viên để cộng tác với cha sở, dấn thân vào công tác giáo dục Đức tin.
Các đề tài được thuyết trình trong Đại hội: “Đường hướng của Giáo hội trong việc đào tạo giáo lý viên”, “Đường hướng và nguyên tắc hướng dẫn việc đào tạo giáo lý viên”, “Phương án giáo phận về Huấn giáo”, “Nhận định về môi trường thiếu nhi hôm nay và việc dạy Giáo lý”.
Sau mỗi đề tài, các tham dự viên chia thành các nhóm thảo luận để tìm hiểu sâu hơn và rút ra những ứng dụng vào thực tế cho chương trình hoạt động của giáo phận và giáo xứ của mình.
Ngày 23-07, Đại hội cử hành trọng thể lễ mừng kính chân phước Anrê Phú Yên bổn mạng. Noi gương vị chân phước bổn mạng, hân hoan đón nhận sự sống đời đời khi nhận biết Thiên Chúa là Cha và Đấng Ngài sai là Đức Giêsu Kitô, can đảm làm chứng cho đức tin, các giáo lý viên hôm nay với tình yêu mến Chúa, hăng say không mệt mỏi trên cánh đồng truyền giáo bằng việc giảng dạy Đức tin và cố gắng vượt qua những thử thách và khó khăn hàng ngày đế tiếp tục đứng lớp. Đây cũng là một cách “chịu tử đạo”.
Đại hội bế mạc với giờ Chầu Thánh Thể và nghi thức sai đi.

Hải Phòng: Mừng kính chân phước Anrê Phú Yên bổn mạng giáo lý viên
Ngày 25 tháng Bảy, tại Tòa Giám mục Hải Phòng, anh chị em giáo lý viên trong toàn giáo phận đã về gặp mặt và hân hoan mừng kính chân phước Anrê Phú Yên.
Hiện diện trong ngày gặp mặt có Đức cha Giuse, quý cha trong Ban Giáo lý và 250 giáo lý viên đến từ các giáo xứ, giáo họ trong giáo phận.
Tại buổi gặp mặt, cha Trưởng ban giáo lý đã trình bày những kinh nghiệm giảng dạy, những thao thức về hướng đào tạo giáo lý viên cho giáo phận. Cha đưa ra 4 mục tiêu quan trọng mà mỗi giáo lý viên cần truyền đạt cho các em: Đức Tin, Cử hành các Bí tích, Đời sống luân lý và Cầu nguyện. Ngài tha thiết mời gọi các giáo lý viên tự đào tạo mình, năng đọc Tin mừng hằng ngày và cầu nguyện xin ơn Chúa.
Buổi chiều, Đức cha đến nói chuyện với anh chị em giáo lý viên. Ngài nhắc lại 4 mục tiêu trên và mong muốn mỗi giáo lý viên phải biết nói chuyện với Chúa và nói về Chúa, phải biết kết hợp giữa kiến thức và sinh hoạt. Ngài đặc biệt nhấn mạnh: dạy giáo lý không phải là một nghề nhưng là một sứ vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta cộng tác, trao phó và sai chúng ta lên đường ra đi rao giảng, làm chứng bằng đời sống hiện tại. Ngài nhắc lại lời của Đức Phaolô VI: “Người ta cần chứng nhân hơn là thầy giảng”.
Sau bài nói chuyện của Đức cha là Thánh lễ mừng kính chân phước Anrê Phú Yên, bổn mạng của giáo lý viên giáo phận.

Tổng giáo phận Tp HCM: Tuần lễ giáo lý
Tại Tổng Giáo phận TP.HCM, Ban Giáo lý đã tổ chức Tuần lễ giáo lý từ ngày 18 đến 24-07-2011, gồm các chương trình: Học hỏi; Hội thảo và Đại hội.
Phần học hỏi với các khóa học song song (workshop) kéo dài trong 5 buổi từ thứ hai đến thứ sáu (ngày 18 đến 22) thu hút gần 1000 giáo lý viên tham dự.
Các khóa học: Tìm hiểu Tông huấn Verbum Domini (Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, chuyên viên Kinh Thánh và Phụng vụ), Giáo lý và Truyền thông (Lm Giuse Vũ Hữu Hiền – Tổng thư ký UB Truyền thông Xã hội / HĐGMVN, Kể chuyện trong giáo lý (Lm Giuse Lê Quang Uy, DCCT), và Kịch bản Kinh Thánh (Lm Vinh Sơn Đinh Trung Nghĩa, Dòng Tên).
Ngày 23-07 diễn ra Hội thảo với chủ đề “Từ Đại hội Dân Chúa 2010 đến Công nghị Giáo phận 2011” nhằm chuẩn bị cho Công nghị giáo phận diễn ra vào tháng Mười Một.
Buổi hội thảo do cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng Ban Mục vụ Giáo lý TGP chủ trì. Tham dự hội thảo có Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, quý linh mục, tu sĩ, đại diện giáo lý viên của các giáo xứ. Tổng số tham dự viên khoảng 250 người.
Sau phần giới thiệu lại tham luận của giáo lý viên tại Đại hội Dân Chúa, các tiểu ban giáo lý (Phổ thông, dự tòng, hôn nhân & gia đình, và hoàn cảnh đặc biệt) đã sinh hoạt riêng để thảo luận và góp ý cho Công nghị Giáo phận, đồng thời cũng để hoàn thiện cơ cấu tổ chức cho mỗi tiểu ban.

Ngày cuối cùng 24-07, Tuần lễ giáo lý kết thúc với Đại hội mang chủ đề “Tôi chọn Giêsu”. Đại hội diễn ra tại khuôn viên Trung tâm Mục vụ, với gần 2000 giáo lý viên.
Sau phần khởi động là các bài hát, múa, tiểu phẩm cùng với các chứng từ.
Thánh lễ đồng tế do Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự. Trong bài giảng, Đức cha giải thích: “Nước Trời giống như một kho tàng chôn giấu trong ruộng sâu người kia tìm được. Nước Trời cũng giống như người lái buôn đi tìm ngọc quý. Tại sao Chúa Giêsu không nói ‘thấy’ được mà lại nói ‘tìm’ được? Cần hiểu rõ sự khác biệt giữa ‘thấy’ và ‘tìm’. Thấy là nhìn khơi khơi, tìm là một hành động có chủ đích đòi hỏi phải tập trung, phải cố gắng”. Và ngài đặt câu hỏi: “Vậy các bạn giáo lý viên có đi tìm Nước Trời, tìm Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Trời không?”
Đức cha kết luận: “Chúng ta đi tìm Chúa là hành trình suốt cả cuộc đời, chứ không phải chỉ là một giây phút nào đó mà thôi. Cho nên giáo lý viên, không phải chỉ tin vào Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu một lúc nào đó, một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, nhưng là theo Ngài suốt cả cuộc đời”.
Sau bài giảng, các giáo lý viên tốt nghiệp cấp I và cấp II đã tuyên hứa và nhận huy hiệu.
Thánh lễ kết thúc cũng là khởi điểm cho một hành trình lên đường, theo dấu chân Người đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Bế mạc Đại hội, hoạt cảnh “Tôn vinh Thánh Anrê Phú Yên” như nhắc nhở mọi người tấm gương sáng chói để giáo lý viên và mọi người noi theo trong hành trình theo Chúa Giêsu.
Ban Mê Thuột: Khóa tĩnh huấn giáo lý viên
Tại giáo phận Ban Mê Thuột, ngày 25-07-2011, tại nhà thờ giáo xứ Long Điền, giáo hạt Phước Long đã khai mạc Khóa tĩnh huấn giáo lý viên diễn ra trong hai ngày 25–26 tháng Bảy 2011, với chủ đề “Gặp gỡ - Đối thoại để làm chứng”.
Khoảng 900 anh chị em giáo lý viên trong giáo phận đã tham dự Khóa tĩnh huấn này.
Ban giảng huấn có cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban chuyên trách giáo lý toàn quốc, chị Maria Mađalêna Phạm Thị Thúy, thư ký thường trực ban giáo lý toàn quốc, cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, Trưởng ban giáo lý giáo phận, và quý cha chuyên trách giáo lý của các giáo hạt.
Trong bài huấn từ, Đức cha Vinh Sơn nhấn mạnh: “Công việc anh em đang làm, đã làm và nên làm vì có biết bao người đang cần đến anh em”.
Khóa tĩnh huấn này là dịp cho các giáo lý viên của giáo phận giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm truyền đạt Lời Chúa và vui chơi sinh hoạt với nhau.

Lạng Sơn: Thi giáo lý
Tại giáo phận Lạng Sơn, từ năm 2000 chương trình Thi Giáo Lý – Kinh Thánh được tổ chức hằng năm vào mỗi dịp hè với tên gọi: Lên Đỉnh Sion. Ngày thi Giáo lý – Kinh Thánh cấp giáo phận đã trở nên ngày hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, học hỏi của các em thiếu nhi nơi giáo phận miền sơn cước này.
Cuộc thi Lên đỉnh Sion lần thứ 12 được tổ chức trong hai ngày 26-27 tháng Bảy 2011 tại Tòa Giám mục Lạng Sơn với sự tham dự của các em thiếu nhi, giới trẻ đến từ 13 giáo xứ, giáo họ trong toàn giáo phận. Dự kiến số thí sinh khoảng 200 em.
Cuộc thi khai mạc vào lúc 9g00 sáng thứ Ba, 26 tháng Bảy. Sau đó, chương trình diễn ra qua các phần: tập họp, giới thiệu các giáo xứ, các đội thi, thi vòng cá nhân, vòng đồng đội, chầu Thánh Thể, giao lưu văn nghệ. Thánh lễ tạ ơn và nghi thức Sai đi sẽ được cử hành vào 10g00 sáng thứ Tư, 27 tháng Bảy do Đức cha Giuse, giám mục giáo phận chủ sự.

 
WHĐ tổng hợp