Liên Hội đồng Giám mục Á châu: Các giám mục học hỏi cách sử dụng mạng xã hội
WHĐ (24.11.2011) – Hơn 30 giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân thuộc Ấn Độ, Myanmar, Mông Cổ, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Brunei, Đài Loan, Thái Lan và Philippines đã tham dự một Hội nghị hằng năm do Văn phòng Truyền thông Xã hội của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC-OSC) tổ chức. Đây là Hội nghị lần thứ 16, diễn ra tại Hoa Liên, Đài Loan từ ngày 14 đến 19 tháng Mười Một, nhằm giúp các tham dự viên tiếp xúc và làm quen với các mạng xã hội mới.
Trong khuôn khổ Hội nghị, một khóa đào tạo hai ngày, 15 và 16, giúp các tham dự viên hiểu rõ hơn về Facebook, Twitter, YouTube và các mạng khác qua các bài trình bày đa phương tiện truyền thông, ngoài ra còn có các khóa thực hành do linh mục Stephen Cuyos hướng dẫn.
Các tham dự viên được học về phương pháp kể chuyện trực quan và cách chuyển dịch Kinh Thánh sang ngôn ngữ truyền thông kỹ thuật số. Họ cũng tham gia vào môi trường tương tác ảo và kết nối với các “công dân số” bằng cách sử dụng phần mềm miễn phí có mã nguồn mở (FOSS). Họ cũng được biết một cách trực tiếp rằng các trò chơi trực tuyến có thể được sử dụng để dạy các giá trị nhân bản và Kitô giáo.
Cuyos là một nhà truyền giáo thuộc Dòng Thừa sai Thánh Tâm (MSC), đã hướng các tham dự viên đến với các thực tại mạng xã hội ở châu Á và xa hơn nữa. Cha cũng là một nhà sản xuất và chuyên gia đào tạo của Tổ chức Truyền Thông châu Á (CFA).
Cha Cuyos cho biết những người trẻ hiện nay đang tham gia vào trò chuyện và viết blog, chia sẻ hình ảnh và video, chơi game cũng như chia sẻ phần mềm.
Cha Cuyos nói, cái gọi là “văn hóa trực tuyến” có nhiều hệ quả. Chúng san bằng các tổ chức và hóa giải phẩm trật, bởi vì “tất cả chúng ta, không phân biệt chủng tộc và văn hóa, vị trí, có thể kết bạn với nhau trong các mạng xã hội”.
Sự chuyển đổi từ “kiểm soát” sang “hợp tác” cũng là một thực tế trong lĩnh vực mạng xã hội cùng với tính tức thì của thông tin phản hồi, tốt hay xấu. Ngày nay giới trẻ có khuynh hướng nghĩ rằng “giải trí là vua!” và “cái gì phổ biến, cái đó hẳn là đúng!”
Nỗ lực truyền giáo có thể được bao gồm trong hoạt động mạng xã hội. Nhưng trước hết cần phải “kết bạn” với người khác (đưa người ấy vào danh sách bạn bè của mình). “Kết bạn” là một động từ trong các cuộc trò chuyện của mạng xã hội, thuật ngữ “ưa thích” cũng là một động từ như thế.
Rất cần phải sử dụng các mạng xã hội phổ biến như Facebook và Twitter, và “giải trí” bằng cách sử dụng video và hình ảnh – vốn nói được nhiều điều hơn văn bản. Giáo Hội cũng cần phải đẩy mạnh các nỗ lực truyền giáo mang tính “hợp tác”, qua đó các đối tác có thể chia sẻ những hình thức chuyên môn khác nhau trong hoạt động trực tuyến.
Cuối cùng, cha Cuyos khuyến khích các tham dự viên học hỏi thêm về mạng xã hội. Bất cứ ở nơi nào có thể, Giáo Hội cần mạnh dạn đưa ra nội dung hoặc các ứng dụng của mình để chân thành chia sẻ trong cuộc đối thoại toàn cầu mà các công cụ của mạng xã hội cống hiến cho.
(Anthony Roman, cbcponlineradio.com, 18-11-2011)
Huy Hoàng chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét