label

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Học biết thinh lặng để lắng nghe Thiên Chúa và tha nhân.

Học biết thinh lặng để lắng nghe
Thiên Chúa và tha nhân


Roma (Vat. 7/03/2012) - Sáng thứ tư 7 tháng 3 năm 2012 đã có khoảng 40,000 tín hữu và du khách hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, trong đó cũng có Ðức Thượng Phụ Nerses Bedros XIX Tarmouni, Thượng phụ Celicia của các tín hữu công giáo Armeni và các Giám Mục thuộc nhiều lục địa về Roma tham dự Công nghị.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã trình bầy về sự thinh lặng của Chúa Giêsu trên thập giá. "Ngôi Lời im tiếng trở thành cái thinh lặng của sự chết, vì Người "đã được nói" cho tới nín lặng, và không giữ lại gì cả từ những gì Người phải thông truyền cho chúng ta" (Verbum Dei 12). "Ngôi lời của Thiên Chúa Cha không lời, Ðấng đã làm ra mọi thụ tạo có tiếng nói; không còn sự sống nơi đôi mắt của Ðấng, mà mọi sự sống đều di động theo lời nói và dấu hiệu của Người" (La vita di Maria, s. 89: Testi mariani del primo millenio, 2, Roma 1989, p. 253). Ðức Thánh Cha nói:
Thập giá Chúa Kitô không chỉ cho thấy sự thinh lặng của Ðức Giêsu như lời nói cuối cùng của Thiên Chúa Cha, mà cũng vén mở cho thấy Thiên Chúa nói qua thinh lặng: sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm sự xa cách của Ðấng Toàn Năng và Thiên Chúa Cha là chặng định đoạt nhất trên con đường dương thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Bị treo trên thập giá, Người đã than van đau đớn về sự thinh lặng đó: "Lậy Chúa con, lậy Chúa con, tại sao Chúa bỏ con?" (Mc 15,34; Mt 27,46). Tiến bước trong sự vâng phục cho đến hơi thở tột cùng, trong cái tối tăm của sự chết Ðức Giêsu đã kêu lên Thiên Chúa Cha. Người đã tín thác nơi Thiên Chúa Cha trong lúc từ cái chết bước vào cuộc sống vĩnh cửu: "Lậy Cha con phó hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46) (Dei Verbum, 21). Kinh nghiệm của Ðức Giêsu trên thập giá vén mở cho thấy một cách sâu xa tình trạng của người cầu nguyện và tột đỉnh của lời cầu: sau khi đã lắng nghe và nhận biết Lời Chúa, chúng ta cũng phải đọ mình với sự thinh lặng của Thiên Chúa, là kiểu diễn tả quan trọng của chính Ngôi Lời Thiên Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Lời nói và sự thinh lặng ghi dấu lời cầu nguyện của Ðức Giêsu trong suốt cuộc đời dương thế của Người, nhất là trên thập giá, cũng đụng chạm tới cuộc sống chúng ta trong hai chiều hướng.
Chiều hướng thứ nhất liên quan tới việc tiếp đón Lời của Thiên Chúa. Cần có thinh lặng bên trong và bên ngoài để có thể lắng nghe được lời đó. Ðây là điểm đặc biệt khó đối với con người thời đại chúng ta. Thật thế, thời đại chúng ta là một thời đại, trong đó người ta không tạo thuận tiện cho việc cầm trí; trái lại nhiều khi người ta có cảm tưởng con người sợ hãi tách rời mình, dù chỉ trong một lát, khỏi dòng sông lời nói và hình ảnh ghi dấu và làm đầy các ngày sống. Vì thế cần phải giáo dục sống thinh lặng.
"Tái khám phá ra Lời Chúa trong cuộc sống Giáo Hội cũng có nghĩa là tái khám phá ra ý nghĩa sự cầm trí và thinh lặng nội tâm. Truyền thống giáo phụ dậy chúng ta rằng các mầu nhiệm của Chúa Kitô gắn liền với sự thinh lặng, và chỉ trong thinh lặng Ngôi Lời mới có thể tìm ra chỗ ở trong chúng ta, như đã xảy ra với Ðức Mẹ Maria, người phụ nữ của Ngôi Lời và sự thinh lặng không thể tách rời nhau" (Verbum Domini, 21). Nguyên tắc không có thinh lặng không thể cảm, không thể lắng nghe, không thể tiếp nhận một lời nói này cũng có giá trị, nhất là đối với lời cầu nguyện cá nhân, mà cũng có giá trị đối với các buổi cử hành phụng vụ nữa. Ðể thuận tiện cho việc lắng nghe chăm chú, các buổi cử hành phụng vụ phải có các lúc thinh lặng và cầm trí không lời. Vì thế điều thánh Agostino nói vẫn còn có giá trị: "Khi Ngôi Lời của Thiên Chúa lớn lên, thì các lời nói của con người giảm xuống" (x. Sermo 288,5; PL38,1307; Sermo 120,2; Pl 38, 677). Các Phúc Âm thường cho thấy, đặc biệt trong những lúc định đoạt, Ðức Giêsu một mình rút lui vào trong một nơi xa cách đám đông và cả các môn đệ để cầu nguyện trong thinh lặng; và để đào sâu trong mội tâm của chính chúng ta một nơi để làm cho Thiên Chúa ở trong đó, để lời Chúa ở lại trong chúng ta, để cho tình yêu đối với Người đâm rễ sâu trong tâm trí và linh hoạt cuộc sống chúng ta. Như vậy chiều hướng thứ nhất là tái học thinh lặng và rộng mở để lắng nghe tha nhân và lời Chúa.
Liên quan tới chiều hướng thứ hai Ðức Thánh Cha nói:
Thường khi trong lời cầu, chúng ta đứng trước sự thinh lặng của Thiên Chúa, chúng ta như cảm thấy bị bỏ rơi, xem ra Thiên Chúa không lắng nghe và không trả lời. Nhưng như đã xảy ra với Ðức Giêsu, sự thinh lặng đó của Thiên Chúa không ghi dấu sự vắng bóng của Người. Tín hữu kitô biết rõ rằng Thiên Chúa hiện diện và lắng nghe, cả trong đêm đen của khổ đau, khước từ và cô đơn. Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ và từng người trong chúng ta rằng Thiên Chúa biết rõ các nhu cầu của chúng ta trong bất cứ lúc nào của cuộc sống. Và Người dậy các môn đệ: "Khi cầu nguyện các con đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Ðừng bắt chước họ, vì Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con xin" (Mt 6,7-8). Một con tim chú ý, thinh lặng cởi mở quan trọng hơn biết bao nhiêu lời nói. Thiên Chúa biết chúng ta rõ hơn chính chúng ta, và Người yêu thương chúng ta: biết như thế phải đủ cho chúng ta.
Trong Thánh Kinh kinh nghiệm của ông Giốp đặc biệt có ý nghĩa. Chỉ trong một thời gian ngắn ông Giốp bị mất tất cả người thân, của cải, bạn bè, sức khỏe. Xem ra thái độ của Thiên Chúa đối với ông là thái độ bỏ rơi và hoàn toàn thinh lặng. Nhưng trong tương quan với Thiên Chúa ông Giốp nói với Thiên Chúa, kêu lên Người trong lời cầu nguyện, và mặc dù mọi sự, ông duy trì được tinh tuyền đức tin của mình, và sau cùng khám phá ra giá trị kinh nghiệm của mình và giá trị sự thinh lặng của Thiên Chúa. Và chính vì thế sau cùng ông Giốp mới có thể thưa lên với Thiên Chúa: "Con chỉ biết Ngài vì nghe nói, nhưng giờ đầy mắt con đã được trông thấy Chúa" (G 42,5).
Sách Giáo Lý Công Giáo dậy chúng ta rằng: "Biến cố của lời cầu nguyện được vén mở cho chúng ta một cách tràn đầy nơi Ngôi Lời, là Ðấng đã nhập thể và ở giữa chúng ta. Tìm hiểu lời cầu nguyện của Người qua những gì các nhân chứng của Người nói với chúng ta trong Phúc Âm, là tới gần Chúa Giêsu thánh thiện, như tới gần bụi gai cháy: trước tiên là để chiêm ngưỡng Người trong khi Người cầu nguyện, rồi lắng nghe Người dậy chúng ta cầu nguyện, sau cùng nhận biết Người chấp nhận lời cầu của chúng ta như thế nào" (GLGHCG 2598).
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Chúa Giêsu dậy chúng ta cầu nguyện không chỉ với kinh Lậy Cha là hành động trung tâm của việc giảng dậy, nhưng cả khi chính Người cầu nguyện nữa. Như thế ngoài nội dung Người còn chỉ cho chúng ta thấy các thái độ cần có cho một lời cầu nguyện đích thực: sự trong sạch của con tim kiếm tìm Nước Thiên Chúa và tha thứ cho các kẻ thù nghịch; niền tin tưởng táo bạo và con thảo vượt qua những gì chúng ta cảm thấy và hiểu được; sự tỉnh thức che chở người môn đệ khỏi chước cám dỗ (GLGHCG 544).
Lần dở các Phúc âm chúng ta đã thấy Chúa là người đối thoại, là bạn, chứng nhân và thầy dậy đối với lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào. Nơi Ðức Giêsu được vén mở lên sự mới mẻ của cuộc đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa: lời cầu con thảo mà Thiên Chúa Cha chờ đợi nơi các con cái Người. Và từ Ðức Giêsu chúng ta học biết lời cầu nguyện liên lỉ giúp chúng ta giải thích cuộc sống của mình thế nào, có các lựa chọn ra sao, thừa nhận và tiếp đón ơn gọi của chúng ta, khám phá ra các tài năng Thiên Chúa ban cho chúng ta và chu toàn ý muốn của Người mỗi ngày, là con đường duy nhất giúp chúng ta thực hiện cuộc sống. Ðức Thánh Cha giải thích thêm điểm này như sau:
Chúng ta thường lo lắng về sự hữu hiệu và các kết qủa cụ thể chúng ta theo đuổi, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết rằng cần phải dừng lại, sống các lúc thân tình với Thiên Chúa, tách rời mình khỏi tiếng động ồn ào thường ngày, để lắng nghe, để đi về nguồn cội nâng đỡ và dưỡng nuôi cuộc sống. Một trong những lúc đẹp nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là khi Người đối diện với các tật bệnh, khổ đau và hạn hẹp của dân chúng, Ngừơi hướng về Thiên Chúa Cha trong lời cầu nguyện và như thế dậy cho những ai đứng quanh Người biết phải tìm suối nguồn để có niềm hy vọng và ơn cứu rỗi như thế nào. Ðứng trước mồ của ông Ladarô Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện như sau: "Lậy Cha, con tạ ơn Cha vì Cha đã nhận lời con. Phần con con biết Cha luôn luôn lắng nghe lời con, nhưng vì dân chúng quanh đây nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con. Nói xong Người kêu lớn tiếng: "Ladarô hãy ra khỏi mồ!" (Ga 11,41-43). Nhưng điển sâu xa nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là trong lúc chịu khổ nạn và cái chết, trong đó Người nói lên tiếng "xin vâng" với chương trình của Thiên Chúa, và cho thấy ý muốn của con người tìm thấy sự thành toàn của nó trong việc hoàn toàn gắn bó với ý muốn của Thiện Chúa như thế nào, chứ không phải trong sự chống lại. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa giúp chúng ta biết sống con đường cầu nguyện và hằng ngày học nơi Ðức Giêsu Con Ngài để biết hướng về Thiên Chúa như Người.
Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha chúc họ những ngày hành hương sốt sắng và bổ ích, rồi người cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét