Vai trò của Giáo Hội Công Giáo
giữa lòng xã hội Cuba
Cuba (Avvenire 18-3-2012) -Phỏng vấn Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Habana.
Thứ sáu 23 tháng 3 năm 2012 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ lên đường công du Mêhicô sau đó ngày 26 tháng 3 năm 2012 ngài sẽ viếng thăm Cuba. Ðây là lần thứ hai một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm dân nước Cuba. Chuyến viếng thăm đầu tiên do Ðức Gioan Phaolô II thực hiện hồi năm 1998 đã mở ra giai đoạn mới khiến cho tương quan giữa nhà nước và Giáo Hội bớt căng thẳng hơn. Ðáp lại lời mời gọi của Ðức Gioan Phaolô II Giáo Hội Cuba đã dấn thân thăng tiến một nền văn hóa đối thoại và hòa giải. Tuy nhiên bầu khí xã hội Cuba vẫn căng thẳng. Trong các ngày 18 đến 20 tháng 3 năm 2003 chủ tịch Fidel Castro ra lệnh bắt giam 75 người bất đồng chính kiến với nhà nước gồm các thi sĩ, nhà báo, văn sĩ, trí thức phê bình nhà nước. Qua một vụ xử án sơ sài chính quyền đã đưa ra các bản án nặng nề khiến cho dư luận thế giới phẫn nộ.
Tháng 7 năm 2006 vì đau yếu chủ tịch Fidel Castro tạm nhường quyền cho em là ông Raul Castro. Ngày 20 tháng 2 năm 2008 Ðức Hồng Y Tarcisio Bertona Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đến thăm Cuba và trao cho chủ tịch Fidel Castro môt bức thư kêu gọi hòa giải. Ngày hôm sau ông Fidel Castro tuyên bố chính thức từ chức để cho em làm chủ tịch nước.
So sánh với tình hình cách đây 14 năm, Giáo Hội công giáo Cuba đã có nhiều tiến triển lớn. Số linh mục từ 200 lên đến 360 vị. Bên cạnh đó Giáo Hội có 1,000 tu sĩ nam nữ. Nhân lực của Giáo Hội bảo đảm các sinh hoạt của 600 giáo xứ trong 8 giáo phận và 3 tổng giáo phận. Ngoài ra Giáo Hội cũng điều khiển 12 trung tâm đào tạo và 27 trung tâm bác ái xã hội. Giáo Hội hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống xã hội với các sinh hoạt in ấn và các trung tâm thảo luận, trong đó có trung tâm văn hóa Felix Varela. Các tuần lễ xã hội do Giáo Hội tổ chức rộng mở cho tất cả mọi người với mục đích cống hiến không gian cho mọi trình bầy thảo luận, gặp gỡ trao đổi các vấn đề liên quan tới mọi lãnh vực cuộc sống xã hội Cuba.
Giáo Hội muốn thay đổi cái luận lý của sự đụng độ bằng thứ luận lý của sự gặp gỡ, đối thoại, tôn trọng, khoan nhượng và chung sống. Trong các năm qua từ cả hai phía nhà nước và xã hội dân sự nảy sinh các nhóm có tinh thần cải tiến và từ từ trưởng thành, chấp nhận đối thoại. Trong khi các nhóm thủ cựu cứng nhắc đối nghịch với mọi thay đổi tìm cách cản trở họ, thì các cải tổ kinh tế và kiểu lãnh đạo thực tế của ông Raul Castro khích lệ họ và khiến cho phe chủ trương rộng mở lớn mạnh. Một trong các dấu chỉ của sự thay đổi đó là sự kiện chủ tịch Raul Castro đã tuyên bố các ngày Ðức Thánh Cha viếng thăm Cuba là lễ nghỉ trên toàn quốc.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Habana về vai trò của Giáo Hội công giáo giữa lòng đất nước Cuba. Ðức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino sinh tại Matanzas năm 1936. Gia nhập chủng viện năm lên 19 tuổi, thầy Jaime Ortega thụ phong linh mục năm 1964. Giữa các năm 1966-1967 cha Ortega đã bị tù trong trại lao động quân đội tại Camaguey với nhiều linh mục tu sĩ trí thức khác. Năm 1981 Tòa Thánh chỉ định Ðức Cha làm Tổng Giám Mục thủ đô La Habana, và Ðức Gioan Phaolô II đã vinh thăng ngài làm Hồng Y năm 1994.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, ý tưởng chuyến viếng thăm này của Ðức Thánh Cha đã nảy sinh như thế nào?
Ðáp: Ngay từ khi mới lên giữ chức vụ Chủ Chăn Giáo Hội hoàn vũ, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã bảy tỏ ước muốn chấp nhận lời mời mà Giáo Hội và cả nhà nước Cuba đã mau mắn gửi đến Ðức Thánh Cha xin ngài đến viếng thăm Cuba.
Nhân chuyến viếng thăm Tòa Thánh lần đầu tiên của tôi, Ðức Thánh Cha đã cho biết các dè dặt của ngài, vì tuổi tác khiến cho ngài phải hạn chế việc di chuyển xa như vậy. Nhưng trong các cuộc gặp gỡ sau đó, trong thời gian này Ðức Thánh Cha đã viếng thăm Brasil, Phi châu và cả Australia nữa, khi tôi lập lại lời mời ngài đến thăm Cuba, Ðức Thánh Cha luôn trả lời "Nếu Chúa muốn", cho tới hồi tháng 8 năm ngoái. Ngài vẫn có ý định viếng thăm Cuba nên đã lồng chuyến viếng thăm vào chuyến công du Mêhicô.
Hỏi: Quyết định này của Ðức Thánh Cha có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội và dân nước Cuba, thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Sự kiện Ðức Thánh Cha đã muốn đến viếng thăm Cuba trong dịp kỷ niệm 400 năm tìm thấy tượng Ðức Mẹ Bác Ái, Bổn Mạng của dân nước Cuba, và cùng với toàn dân Cuba hành hương đến đền thánh Ðức Mẹ Mỏ Ðồng, nhân chuyến công du mục vụ Mêhicô, thì đây là một vinh dự và là dấu chỉ sự chú ý đặc biệt của ngài đối với Giáo Hội và đất nước Cuba. Lý do là vì Cuba là một nước bé nhỏ so sánh với các quốc gia khác tại châu Mỹ Latinh.
Hỏi: Như vậy đây thực sự là một biến cố lịch sử, có đúng thế không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Ðúng thế. Ðề tài của chuyến viếng thăm "Người hành hương của Ðức Ái" có một ý nghĩa sâu xa đối với mọi người dân Cuba, công giáo cũng như không công giáo. Lòng sùng kính đối với Ðức Bà Bác Ái rất phổ biến trong toàn nước Cuba, vì nó vừa là một biểu tượng công giáo vừa là một dấu chỉ căn tính quốc gia của Cuba.
Hỏi: Mười bốn năm đã trôi qua kể từ chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã có gì được thay đổi tại Cuba thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Hai chuyến viếng thăm xảy ra trong hai lúc khác nhau của lịch sử Cuba. Ðã có các thay đổi bên trong chính quyền Cuba: một quốc trưởng mới, các bộ trưởng và các nhân viên mới, các cải tổ kinh tế dự kiến việc tái phân chia đất đai cho các nông dân, việc tạo ra các cơ sở kinh doanh tại nông thôn cũng như thành thị, các hợp tác xã tư và các thay đổi khác tạo thuận lợi cho sáng kiến tư nhân và công ăn việc làm tự lập, trong lãnh vực phục vụ cũng như trong lãnh vực sản xuất.
Hỏi: Như vậy Ðức Hồng Y đánh giá các cải tổ này như thế nào?
Ðáp: Các cải cách kinh tế đã được đề ra là những điều thiết yếu không thể thiếu và cũng không thể quay trở lại đàng sau được nữa. Sự chậm chạp trong việc thi hành các cải tổ này là lỗi của các kháng cự và nạn bàn giấy rườm rà và việc cần thiết phải thay đổi não trạng, là điều khó mà có ngay được.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, vậy trên bình diện tôn giáo thì đã có các thay đổi nào?
Ðáp: Cả trên bình diện này cũng có một sự khác biệt lớn, nhất là liên quan tới mức độ mà việc công khai diễn tả đức tin đã đạt được trong các năm qua, một phần chính là nhờ chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II. Con số các linh mục và tu sĩ gia tăng. Một đại chủng viện quốc gia mới đã được xây trong thủ đô La Habana. Giáo Hội cũng có các in ấn khác nhau được phổ biến và đánh giá cao. Con số các ứng sinh linh mục gia tăng. Giáo Hội cũng có thể sử dụng các phương tiện truyền thông mặc dù một cách chưa có hệ thống; và các biểu lộ đức tin công khai trở thành việc bình thường. Bằng chứng là chuyến thánh du của tượng Ðức Mẹ Bác Ái Mỏ Ðồng tại khắp nơi trong toàn nước Cuba trong suốt 15 tháng trời vươt qua hơn 30.000 cây số đường dài. Chuyến thánh du của tương Ðức Mẹ đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người dân Cuba. Sự tham dự của tín hữu đã thật là ngoại thường trên bình diện số người tham gia cũng như trên bình diện phẩm chất là lòng hăng say sốt sắng. Ðề tài tôn giáo không còn là cái gì cấm kỵ hay một sự kiện thuộc lãnh vực cá nhân nữa. Ðức tin có một chiều kích và sự hiện diện công cộng, xã hội.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, hồi năm 2010 Giáo Hội đã nắm giữ vai trò trung gian cho việc trả tự do cho một nhóm tù nhân chính trị. Ðức Hồng Y đã là một trong các nhân vật làm trung gian này, có đúng thế không?
Ðáp: Vâng, đúng thế. Chính nhà nước Cuba đã xin Giáo Hội làm trung gian liên quan tới vấn đề tù nhân chính trị, khi các tù nhân chính trị yêu cầu chủ tịch Raul Castro có thái độ đúng đắn đối với các bà vợ và các bà mẹ của họ biểu tình yêu cầu nhà nước trả tự đo cho chồng con của họ. Chủ tịch Castro đã lập tức xin Giáo Hội làm trung gian với các thân nhân của các tù nhân chính trị. Các phụ nữ này không chỉ yêu cầu nhà nước cải tiến các diều kiện sống của chồng con họ, mà còn đòi hỏi phải trả tự do cho họ nữa. Và chính quyền đã quyết định trả tự do cho họ, một cách từ từ. Một số các tù nhân đã di cư sang Tây Ban Nha, trong khi 12 người khác ở lại Cuba. Vấn đề ban đầu chỉ liên quan tới 53 tù nhân bị bắt giữ trong "Mùa xuân đen" năm 2003, nhưng sau cùng đã kết thúc với việc trả tự do cho 130 tù nhân. Và như thế trong nhà tù không có các tù nhân chính trị nữa.
Hỏi: Hồi năm ngoái 2011 đã có một vụ ân xá khác nữa cho các tù nhân, có phải vậy không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Vâng, hồi trước lễ Giáng Sinh năm ngoái, để mừng chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha và để cử hành Năm Thánh, chủ tịch Raul Castro đã ân xá cho gần 3.000 tù nhân thường phạm vì lý do nhân đạo và nhờ lời yêu cầu của Giáo Hội công giáo và các Giáo Hội kitô khác. Giáo Hội đánh giá tích cực sự kiện nhà nước đã xin tham dự vào tiến trình này.
Hỏi: Và đó đã là một sự tham dự chưa từng có...
Ðáp: Sự hiện diện và sự tham dự của Giáo Hội vào các lãnh vực xã hội của đất nước là một cái gì hoàn toàn mới mẻ so với thời Ðức Gioan Phaolô II viếng thăm Cuba cách đây 14 năm. Nhà nước tham dự để khiến cho Giáo Hội có thể chuẩn bị tiếp đón Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI với một ý thức sâu xa hơn về ý nghĩa sứ mệnh của Ðức Giáo Hoàng trong Giáo Hội cũng như ý nghĩa chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Thánh Cha.
(Avvenire 18-3-2012)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét