Việc nghiên cứu Thánh Kinh
Roma (Avvenire 3-2-2012; Vat. 20-03-2012) - Phỏng vấn Ðức Ông Bruno Maggioni chuyên chú giải Thánh Kinh Tân Ước.
Ngày mùng 4 tháng 2 năm 2012 Ðức Ông Bruno Maggioni, chuyên viên nghiên cứu Thánh Kinh Tân Ước, đã mừng sinh nhật thứ 80. Ðức Ông Maggioni sinh năm 1932 tại Como, bắc Italia và thụ phong Linh Mục năm 1955.
Cha Bruno đã học thần học và Khoa học kinh thánh tại đại học giáo hoàng Gregoriana và Học viện thánh kinh ở Roma giữa các năm 1955-1958. Sau đó cha dậy môn chú giải Thánh Kinh Tân Ước tại phân khoa thần học Bắc Italia và tại đại chủng viện Como và Milano. Cha cũng dậy môn dẫn nhập thần học tại đại học công giáo Thánh Tâm Milano, và diễn thuyết tại nhiều nơi trong toàn nước Italia. Cha Maggioni là tác gỉa của gần 40 cuốn sách về Thánh Kinh và Lời Chúa. Ngoài các sách chú giải về bốn Phúc Âm và các văn bản tân ước, cha cũng chú giải một vài sách cựu ước chẳng hạn như cuốn "Giốp và Qohelet. Sự phản kháng khôn ngoan trong Thánh Kinh" (1982); "Các Thánh Vịnh 1-75" (2001); "Các Thánh Vịnh 78-150" (2002); "Khải Huyền. Một kiểu đọc ngôn sứ ngày nay" (1990). Hai cuốn sau cùng xuất bản năm 2011 vừa qua là: "Thiên Chúa đã không có ai trông thấy Người"; và "Phúc âm, Giáo Hội và chính trị".
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Ông về sinh hoạt nghiên cứu Thánh Kinh Tân Ước của cha.
Hỏi: Thưa Ðức Ông Maggioni, khi nghiên cứu sâu rộng Thánh Kinh Tân Ước, Ðức Ông đã có thể hiểu biết gương mặt cộng đoàn kitô thời khai sinh. Giáo Hội ngày nay có thể học hỏi được gì từ các tín hữu kitô tiên khởi đó?
Ðáp: Tôi thường thảo luận về đề tài này và hay nổi nóng. Chúng ta phức tạp trong việc đọc hiểu các biến cố, nhưng các chuyện liên quan tới con người là những điều nòng cốt. Tin Mừng là Tin Mừng, và rao giảng Tin Mừng có nghĩa là rút tỉa ra từ đó một cái gì có ý nghĩa cho ngày hôm nay. Tin Mừng không đề cập tới hệ thống liên mạng Internet, nhưng nói về con người, về niềm hy vọng, về các nỗi sợ hãi của nó, về khả năng yêu thương hay làm tiền của nó. Các kitô hữu tiên khởi đã lắng nghe kinh nghiệm của Chúa Giêsu trong những lúc cử hành hành phụng tự, và họ đánh cá, họ dấn thân cuộc đời mình. Tín hữu đi nhà thờ ngày Chúa Nhật, nhưng phải nghe được một bài giảng có thể liên quan tới tuần sống, chứ không phải chỉ trong lúc tham dự thánh lễ mà thôi. Một tín hữu khi xong thánh lễ không phải bước ra khỏi nhà thờ và nói "Thế là xong bổn phận", nhưng phải nói: "Tôi đã lắng nghe nhiều điều và tôi thấy chúng là những điều tốt lành giúp tôi sống, phán đoán và lựa chọn". Ðó là Tin Mừng, chứ nếu bạn nói về một cái gì khác, thì sẽ chẳng còn lại gì cả.
Hỏi: Thưa Ðức Ông, làm linh mục xem ra càng ngày càng vất vả. Có nhiều linh mục bị các thời mới ngày nay trong đó chúng ta đang sống, làm cho trở thành lạc lõng và mất hướng. Làm thế nào để tưởng tượng ra một linh mục tương lai?
Ðáp: Tôi hy vọng là nó giống với ngày nay. Thế giới có biết bao nhiêu là vấn đề, nhưng khi quan sát nó dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta phải nhớ rằng các vấn đề định đoạt thì vẫn luôn luôn giống nhau. Chúng ta phải chú ý đến chúng, chỉ như thế mới có thể được lắng nghe. Con người có ý nghĩa gì? Tại sao nó lại hiện hữu? Sống và chết có nghĩa là gì? Giáo dục sống tình liên đới có nghĩa là gì? Nếu tôi coi trọng luân lý kitô, thì chính là bởi vì tôi chắc chắn rằng Chúa Giêsu Kitô đã đề nghị kiểu sống đó để cho con người sống tốt đẹp. Ðôi khi chúng ta tưởng tượng các giới răn của Chúa như là các luật lệ của một ông chủ bắt chúng ta phải làm việc cho lợi lộc của ông và khiến cho chúng ta phải đau khổ. Nhưng không phải như vậy. Tôi hài lòng vì có được một đề nghị sống lành mạnh và nhân bản. Chúng ta đừng chế ra những điều vô ích.
Hỏi: Thưa Ðức Ông, tại Italia này có vấn đề tinh thần trách nhiệm của giáo dân. Vậy thì ai có lỗi lớn hơn cả đối với tình trạng này? Lỗi của các linh mục đã không dành khoảng trống cho giáo dân cộng tác và làm việc, hay lỗi của giáo dân không chịu lãnh lấy trách nhiệm của mình?
Ðáp: Thật ra đó là lỗi của cả hai phía: của các linh mục cũng như của giáo dân. Có những linh mục không giao nhiệm vụ nào cho giáo dân, bởi vì các vị xác tín rằng chỉ có các vị mới chuyên môn, mới làm được thôi, nên các vị phải hành động, và chỉ có các vị mới biết suy nghĩ mà thôi. Có hội đồng mục vụ đấy, nhưng cha sở biết là phải đi đến kết luận ra sao rồi, trong khi điều quan trọng là phải lắng nghe xem các người khác nói gì đã, có khi là nêu vấn nạn đối với các xác tín của chính cha sở nữa. Thành ra theo tôi giáo dân cũng phải đòi cho mình quyền có phẩm giá của mình, và có tiếng nói trong cuộc sống cộng đoàn. Tôi đã từng biết có các giáo dân không thích ứng với mọi chuyện, họ trông thấy vấn đề và cống hiến sự hiểu biết chuyên môn của họ. Họ biết nói những gì làm hài lòng hay không làm hài lòng cha sở. Một linh mục nghèo nàn thì làm hàng ngàn chuyện, và đưa ra các chương trình mục vụ này nọ, rồi gửi các sứ điệp, mà không còn thời giờ để nói chuyện với người khác, với những người tin và với những người không tin. Chúng ta phải học biết truyền thông, nếu không thì sẽ là một tai họa. Nếu một linh mục, một giám mục mà luôn luôn đi xe hơi, không đi bộ trên đường, không đi xe lửa hay xe buýt bao giờ, thì làm sao mà có thể gặp gỡ dân chúng được? Nếu các vị chỉ hạn chế việc tiếp xúc gặp gỡ dân chúng trong các buổi diễn thuyết thôi thì qủa là quá ít.
Hỏi: Thưa Ðức Ông, nhưng mà cũng có những giáo dân còn giáo sĩ hơn cả các giáo sĩ nữa thì sao?
Ðáp: Khi thấy như vậy thì phải la rầy họ. Và họ không phải là những người có thể tin cậy được đâu.
Hỏi: Thưa Ðức Ông, trong số các sinh viên của Ðức Ông, chắc chắn là đã có nhiều giáo dân hơn là các chủng sinh và tu sĩ. Ngày nay có một tầng lớp giáo dân ngày càng được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, kể cả trên lãnh vực thần học và kinh thánh. Ðâu là phần đóng góp lớn hơn có thể chờ đợi được từ nơi họ?
Ðáp: Tôi muốn các anh chị em giáo dân ấy giúp tôi gặp gỡ Thiên Chúa trong cuộc sống và trong thế giới thường ngày, trong các tương quan với tha nhân. Lịch sử đời họ có thể giúp đào sâu Tin Mừng để làm chứng nó cho tất cả mọi người.
Hỏi: Ngày trước thì các nhà chú giải Thánh Kinh hầu như tất cả đều là các linh mục. Ngày nay có nhiều giáo dân và cả một số phụ nữ nữa, học và dậy Thánh Kinh. Sự kiện này có thay đổi gì trong cách thức tiếp cận Thánh Kinh hay không thưa Ðức Ông?
Ðáp: Có chứ. Các anh chị em giáo dân này có những điều để nói. Tôi thích nói chuyện với họ và lắng nghe họ. Tôi không tin rằng sự kiện là nam hay là nữ giúp hiểu Thánh Kinh nhiều hơn hay ít hơn. Nhưng mà có sự nhậy cảm khác biệt giữa nam nữ. Có điều lạ là tôi đã tham dự nhiều đại hội, trong đó các phụ nữ phản đối mọi điều tôi nói. Nhưng mà đó là thời xa xưa rồi.
Hỏi: Cha nghĩ gì về đề nghị nhiều người đã đưa ra: đó là dậy Thánh Kinh thông thường hơn trong các trường hoc?
Ðáp: Nếu được như thế thì tôi thích lắm. Cách đây nhiều năn người ta đã đề cập tới điều này. Cũng như chúng ta học Iliade và Odissea, là các tác phẩm văn chương, chúng ta cũng có thể học Thánh Kinh. Trong trường học Italia và âu châu, người ta học tiếng Hy lạp, bởi vì nó làm thành các gốc rễ của chúng ta, cũng như nó là gốc rễ của tư tưởng do thái kitô. Ðể dậy Thánh Kinh cần phải dậy rất hay rất vững chắc, khiến cho các học sinh thích thú, ít nhất là thích thú bằng khi học các tác phẩm cổ điển lớn. Nhưng hồi đó đã có một nền văn hóa thù nghịch với dự án này... Trong bối cảnh này Giáo Hội cũng đã không xác tín cho lắm, và Giáo Hội sợ rằng việc đưa Thánh Kinh ra biến giờ học thành giờ tôn giáo, là điều không được phép. Trái lại, nó phải trở thành việc đọc một văn bản văn hóa lớn của nhân loại. Nhiều người cho rằng Thánh Kinh là cuốn sách chỉ dành cho các linh mục và các đan sĩ thôi, trái lại nó là tác phẩm văn chương rất cao cả. Thật là đáng tiếc nếu chúng ta không đọc Thánh Kinh!
(Avvenire 3-2-2012)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét