label

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Bài giảng chúa nhật XXVIII thường niên( cha sở Mai Đức Vượng)


TIỆC CƯỚI & ÁO DỰ TIỆC CƯỚI

            Nói về lịch sử của manh quần tấm áo chúng ta mặc, không ai biết được con người ta đã biết may mặc từ hồi nào ? Có lẽ đã lâu lắm rồi !
            Mở những trang đầu tiên của Sách Sáng thế ký kể rằng : Sau khi tổ tông phạm tội, ông bà nhìn lại thân thể mình. Ông bà thấy mắc cở, vội lấy lá kết lại che thân, rồi mới dám ra trình diện Chúa.
            Cái áo cái quần đầu tiên có từ đó.
            Theo dòng thời gian, cái quần cái áo cứ từ từ đổi thay từ chất liệu cho đến kiểu dáng. Ban đầu bằng da thú, sang tơ sợi, vải vóc, rồi đến sợi hóa học như ngày nay. Về kiểu dáng áo quần cũng vượt xa cái mục đích ban đầu là vật che thân, để mang lấy những ý nghĩa khác có tính cách văn hóa, kinh tế, chính trị và tôn giáo…
            Ngày xưa, thời ông bà tổ tiên thì miễn sao ăn no, mặc ấm. ăn chắc, mặc bền. Ngày nay người ta lo ăn ngon, mặc đẹp không cần bền chắc. Ngay cả người nghèo cũng cố gắng mặc sao cho đẹp khi ra đường.
            Nói đến áo quần, đến ăn mặc.. có lẽ ai trong chúng ta cũng biết lời dạy của tổ tiên : Y phục xứng kỳ đức ! Có nghĩa là nhìn cái quần cái áo người ta biết được đức hạnh của người mặc.. người ta còn nhận ra cả trình độ văn hóa, giai cấp của người đó :
            - Người nghèo ăn mặc khác kẻ giàu sang.
            - Người có học, có văn hóa ăn mặc khác kẻ thất học.
            - Người nết na ăn mặc kín đáo, không hở hang, khêu gợi.
          - Người khiêm tốn, đứng đắn ăn mặc giản dị, khác kẻ khoe khoang.
            - Người đơn sơ ăn mặc giản dị không kiểu cọ, cầu kỳ..
            Nói về ăn mặc thì dài dòng lắm…Tôi chỉ xin vắn tắt vài nét để dẫn anh chị em vào Tin Mừng hôm nay…

            Bài Tin Mừng hôm nay là 2 dụ ngôn :
            Dụ ngôn Tiệc Cưới và Dụ ngôn chiếc áo dự tiệc cưới.
            * Qua Dụ ngôn Tiệc cưới : Chúa muốn ám chỉ người Do Thái, đã 2 lần được mời gọi tham dự tiệc cưới mà Chúa đã ưu ái tổ chức ngay trên dân tộc của họ, là Đón nhận Ơn Cứu độ, nhưng cả 2 lần họ đã từ chối, không đón nhận Ơn Cứu Độ mà Chúa đã thực hiện từ dân tộc của họ :
            - Lần thứ nhất vào thời Cựu ước : Không những họ từ chối mà còn giết hại các sứ giả của Thiên Chúa là các tổ phụ, các tiên tri.
          - Lần thứ hai vào thời Chúa Giêsu : Họ không chấp nhận Đấng Cứu thế. Họ đã giết Ngài và xua đuổi, giết hại các tông đồ…
            Vì thế, Tin Mừng được loan truyền cho các dân tộc khác. Tất cả mọi người, mọi dân tộc được mời gọi đón nhận Tin Mừng, được mời tham dự Tiệc Cưới Nước Trời.
           
* Qua dụ ngôn Chiếc áo dự đám cưới, Chúa muốn nói lên rằng, mặc dù tất cả mọi người được mời tham dự Tiệc Cưới, là gia nhập Giáo Hội để hưởng ơn Cứu độ, cũng cần có điều kiện. Hình ảnh Chiếc Áo mặc dự Tiệc Cưới mà ông chủ đòi hỏi, chính là thái độ sống của chúng ta. Thái độ ấy là thành tâm sám hối, phải sửa đổi đời sống của mình. Gia nhập Giáo Hội Chúa, mà vẫn sống rối rắm, khô khan nguội lạnh, gian tham, không bác ái yêu thương là điều Ông chủ khiển trách !
            Th. Phaolô cắt nghĩa rất rõ ràng :
            Mặc áo cưới đây là Mặc lấy Đức Kitô (Gl 3,27). Có nghĩa là sống như Người : Hiền lành, Khiêm nhường  (Mt 11,29; Cl 3,12) Biết chia sẻ với anh em (1P2,5) biết yêu thương chân thành (Gả,1-34) như Người đã làm gương. Nói như Th. Phaolô, bao giờ nhìn vào đời sống mình, mà ta có thể thành thật nói rằng : “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kiôt sống trong tôi”..lúc đó ta có thể yên tâmrắng mình đã mặc Chiếc áo mà Chúa Kitô đòi hỏi để dự Tiệc Cưới  Nước Trời.. bằng không chúng ta chỉ là những kẻ “đi ăn hôi đám cưới” như đã từng xảy ra một thời cách đây không lâu mà báo chí đã đăng…
            Lời cảnh giác của Chúa đáng cho chúng ta lưu tâm ở cuối đọan Tin Mừng hôm nay đó là : “ Coi chừng, kẻ được gọi thì nhiều, mà kẻ được chọn thì ít”.
            Chớ gì ngày chúng ta bước vào phòng tiệc Thiên Đàng, chúng ta không bị nghe Chúa quở trách : “Này Bạn, sao bạn vào đây mà không mặc áo cưới  và không phải hổ thẹn vì bị Đuổi vào nơi khóc lóc, nghiến răng. Amen

LM. Pr. MAI ĐỨC VƯỢNG
Giáo xứ CẦN XÂY.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét