label

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Bài giảng chúa nhật XXXI thường niên (cha sở Mai Đức Vượng)


KHIÊM TN

            Sau một trận bão, một cơn giông…người ta thường thấy những cây cao bị đổ, gẫy la liệt, trái lại những cây nhỏ cây thấp chỉ ngả nghiêng rồi lại đứng thẳng như cũ.
      Sau một cuộc đảo chính, một cuộc cách mạng ví dụ biến cố 30/04/75 hay gần nhất biến cố Đại tá Gadaffi, nhà lãnh đạo độc tài suốt 42 năm của nước Syrie bị lật đổ, những kẻ quyền cao chức trọng thì mất chức mất quyền, bị tù đày và có khi mất mạng, còn những người dân thường, những kẻ thấp cổ bé miệng thì trước sau cũng vẫn là thường dân…
       Ấy thế mà thời nào, xã hội nào, tổ chức nào người ta cũng tranh nhau chức vụ cao, để được hưởng lợi lộc nhiều hoặc ít nữa là để có danh vọng. Mâm cao thì cỗ đầy. Chức vị càng lớn thì bổng lộc càng nhiều và được trọng vọng kính nể nhiều. Ngày xưa thì võng cáng, lọng che…ngày nay thì môtô hộ tống, cảnh sát còi hụ dẹp đường, trải thảm chào đón.
       Cái thói ham danh vọng ấy, không tha cả những người lãnh đạo các tôn giáo. Vì thế mà các chức sắc đạo Do thái ngày xưa cũng thích mặc áo lụng thụng, may những tua áo lòng thòng, đeo những thẻ kinh lỉnh kỉnh, thích ngồi ghế đầu ở Hội đường, ngồi mâm trên tại các buổi tiệc (Mt23,5; Mc12,38; Lc20,45), Chúa Giêsu không ngại lên tiếng chỉ trích họ.
       Hôm nay, khi lên tiếng chỉ trích nhóm biệt phái về thói giả hình, kiêu căng…Chúa Giêsu muốn dạy dân chúng và các môn đệ bài học KHIÊM TỐN.
     Đối với Chúa Giêsu : Lòng Khiêm tốnbiết thương xót người khác chính là nền tảng của đạo đức. Nói cách khác kẻ kiêu căng và không biết thương xót người khác là kẻ vô đạo đức. Ngài mời gọi chúng ta học ở Người hai đức tính ấy.
       Đức Giêsu mặc dù là Thiên Chúa, nhưng Người tự hạ mình như người tôi tớ, hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn dân (Mt 20,28).
     Trong bữa Tiệc ly, bữa ăn sau cùng trước khi nộp mình chịu chết, Người đã dạy các tông đồ : (Mt23,11). “ Phần anh em, ai lớn nhất trong anh em phải trở nên kẻ nhỏ nhất…Ai làm đầu thì phải hầu hạ mọi người. Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”
           
Nhưng lòng khiêm tốn mà thôi, tự nó chưa phải là một giá trị tích cực. Nếu khiêm tốn như một thái độ ẩn mình chỉ vì muốn an thân, tránh những trách nhiệm mà tập thể trao cho, hay lười biếng không muốn phục vụ hoặc khiêm tốn để mị dân, để lấy lòng người khác, lấy tiếng là khiêm tốn, thì chẳng phải là khiêm tốn. Lòng khiêm tốn phải đi đôi với lòng Bác ái, với tinh thần Phục vụ mới có giá trị.
     Chúa đã quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ. Ngài làm thế là để dạy các ông bài học yêu thương phục vụ sau bài học Khiêm tốn. Người hạ mình không phải chỉ vì thích hạ mình, mà để phục vụ, để nâng đỡ gánh nặng của người khác.

      Người ta kể một câu chuyện châm biếm có thật :
    Có một người đàn ông đi du lịch Đất Thánh Palestin, một hôm mỏi chân, ông ngồi nghỉ ở một băng đá…Ông thấy ai đi qua cũng ngả nón chào ông. Ông ngạc nhiên. Ở cái xứ xa lạ này, mình là một du khách sao ai cũng biết mình. Phải chăng họ thấy nơi mình có hào quang gì khác thường chiếu tỏa ra khiến họ cung kính.. Thỉnh thỏang có người còn quỳ gối, cúi đầu rất nghiêm trang. Ông nhìn chung quanh mình xem có luồng ánh sáng nào không, nhưng chẳng có hào quang nào hết ! Ông hãnh diện lắm vì cho rằng mình là người quan trọng…Ngồi thật lâu để tận hưởng cái niềm hãnh diện đó, rồi ông đứng lên đi tiếp. Trước khi bước đi, ông đảo mắt một vòng chung quanh chỗ ông ngồi . Phía đằng sau chiếc băng đá là một cây Thánh giá có treo tượng Chúa đóng đinh. Ông mắc cở vì hiểu ra rằng, người qua lại cúi chào tượng Chúa, chứ không phải chào ông .
     Tự kiêu về những điều mình có đã là đáng ghét, huống chi tự kiêu về những gì mình không có càng đáng ghê tởm hơn..

      Xin Chúa dạy mỗi người chúng ta biết thực hành Lời Chúa dạy hôm nay : là Khiêm tốn, hạ mình phục vụ anh em như người tôi tớ.. vì chính khi chúng ta làm như thế, Chúa sẽ kể chúng ta là người môn đệ đích thực của Ngài. Amen.


   LM. Pr. MAI ĐỨC VƯỢNG
Chúa Nhật XXXI Năm A.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét