Con người thường quên
lòng từ bi thương xót ngàn đời
của Thiên Chúa
Vatican (Vat. 19/10/2011) - Trong cuộc sống của mình con người thường quên lòng từ bi thương xót ngàn đời của Thiên Chúa.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 30,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 19 tháng 10 năm 2011.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa Thánh vịnh 136 là thánh vịnh tóm tắt toàn lịch sử cứu độ, từ biến cố tạo dựng vũ trụ cho tới điểm tột đỉnh là mầu nhiệm phục sinh. Trong thời viên mãn, Con Thiên Chúa làm người để ban sự sống và ơn cứu rỗi cho từng người bằng cách tự hiến như bánh của mầu nhiệm phục sinh để cho chúng ta bước vào trong giao ước của Người và làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Qua đó, Thiên Chúa cho thấy lòng nhân từ và tuyệt đỉnh tình yêu thương muôn đời của Người.
Thánh vịnh 136 là lời tạ ơn thường được gọi là "lời kinh Hallel vĩ đại", thường được hát vào cuối tiệc Vượt Qua do thái, và chắc hẳn cũng đã được Chúa Giêsu và các môn đệ hát trong lễ Vượt Qua cuối cùng. Toàn thánh vịnh được khai triển theo hình thức kinh cầu với điệp khúc "muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương". Ðề cập tới nội dung thánh vịnh Ðức Thánh Cha nói:
Thánh vịnh liệt kê nhiều việc diệu kỳ của Thiên Chúa trong lịch sử loài người cũng như các can thiệp liên lỉ đối với dân Người; và đáp lại mỗi lời tuyên xưng hành động cứu độ của Chúa là điệp khúc nói lên lý do nền tảng của lời ngợi khen: đó là tình yêu thương vĩnh cửu của Thiên Chúa, một tình yêu thương, theo từ do thái, bao gồm sự trung thành, thương xót, lòng lành, ơn thánh và sự hiền dịu. Xen kẽ với điệp khúc ấy là các kỳ công điển hình của Thiên Chúa: việc tạo dựng, biến cố giải phóng xuất hành, ơn đất đai, sự trợ giúp quan phòng và liên lỉ của Chúa đối với dân Người và đối với mọi thụ tạo.
Sau ba lời mời gọi tạ ơn Thiên Chúa (cc.1-3) thánh vịnh cử hành Chúa như Ðấng chu toàn "các kỳ công" (c. 4). Kỳ công đầu tiên là việc tạo dựng (cc.5-9). Thế giới được dựng nên không chỉ đơn sơ là khung cảnh sự can thiệp của Thiên Chúa, mà là chính sự khởi đầu hoạt động tuyệt diệu của Người. Thiên Chúa tỏ lộ tất cả lòng nhân lành và vẻ đẹp của Người, Người dấn thân với sự sống và vén mở ý muốn thiện ích, từ đó vọt lên mọi hành động cứu độ khác. Thánh vịnh làm vang vọng lên chương đầu sách Sáng Thế. Thế giới tạo dựng được cô đọng trong các yếu tố chính của nó đặc biệt là các tinh tú, mặt trời, mặt trăng cai quản ngày đêm. Tuy không được nhắc đến, nhưng con người luôn luôn hiện diện: mặt trời mặt trăng được tạo dựng cho con người và để đo thời gian và tương quan của con người với Thiên Chúa, nhất là qua các thời gian phụng vụ.
Tiếp đến, thánh vịnh nhắc tới lễ Vượt Qua, kỷ niệm biến cố Thiên Chúa giải phóng dận Do thái khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập, với các yếu tố ý nghĩa nhất: việc sát hại các con đầu lòng của người Ai Cập, biến cố ra khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Ðỏ, hành trình trong sa mạc cho tới miền đất hứa (cc.10-20). Thiên Chúa đã ra tay uy quyền mạnh mẽ can thiệp, và qua ông Môshê, Người đã áp đặt trên Pharaô bằng cách vén mở cho thấy tất cả sự cao cả của Người và sau cùng Người bẻ gẫy sự kháng cự của người Ai Cập, với tai ương khủng khiếp là cái chết của các con đầu lòng của họ.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: cả việc vượt qua Biển Ðỏ cũng tỏ lộ quyền năng và lòng xót thương của Thiên Chúa: "Nước Biển Ðỏ Chúa phân làm hai khối, đưa Israel lối giữa băng qua, xô xuống biển Pharaô cùng binh tướng" (cc. 13-15). Hình ảnh Biển Ðỏ bị chia làm hai xem ra nhắc tới tư tưởng biển khơi như một quái vật bị chặt làm hai và không thể làm hại con người được nữa. Quyền năng của Thiên Chúa chiến thắng hiểm nguy của các lực lượng thiên nhiên và quân sự do con người đưa ra: biển xem ra chắn lối dân Chúa lại để cho họ đi qua ráo chân, rồi khép lại chôn vùi người Ai Cập. Kẻ áp bức bất công bị thua và chìm nghỉm trong nước, trong khi dân Chúa băng ngang để tiếp tục con đường hướng về sự tự do.
Trên con đường đó "Thiên Chúa dẫn đưa dân Người trong sa mạc" (c. 16). Các lời ngắn gọn này bao gồm kinh nghiệm kéo dài 40 năm, một thời gian định đoạt đối với dân Israel, để được Chúa hướng dẫn và tập sống đức tin, sự vâng phục và ngoan ngoan đối với Luật Chúa. Ðó là các năm khó khăn của cuộc sống trong sa mạc, nhưng cũng là những năm hạnh phúc, tín thác nơi Chúa như con thảo. Ðó là thời thanh xuân như ngôn sứ Giêrêmia định nghĩa: "Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng" (Gr 2,2). Trong bốn mươi năm Thiên Chúa đã giáo dục, yêu thương, dẫn đưa dân Israel về Ðất Hứa, và đã chiến thắng các kháng cự và sự thù nghịch của các dân tộc khác đối với Israel.
Trong việc cử hành tình yêu ngàn đời của Thiên Chúa có biến cố ban đất đai, mà dân Do Thái phải nhận lấy với lòng biết ơn, mà không bao giờ chiếm làm sở hữu riêng của mình. Israel nhận đất đai và sống trong đó như một gia tài. Một trong các đặc tính của Thiên Chúa là "cho đi". Cuối con đường xuất hành dân Israel nhận được đất đai như một người con bước vào vùng Ðất Hứa. Thời gian lang thang sống dưới lều, trong sự tạm bợ đã hết, giờ đây là thời gian hạnh phúc của cuộc sống ổn định, của niềm vui xây dựng nhà cửa, của an ninh và trồng tỉa vườn nho (Ðnl 8,7-13). Nhưng nó cũng là thời gian của thử thách tôn thờ ngẫu tượng và ra ô uế với dân ngoại, của sự tự mãn làm quên đi Ngồn gốc ơn thánh của mình.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Cấu trúc của thánh vịnh nhắn nhủ dân Israel nhớ lại lòng lành của Thiên Chúa. Trong lịch sử của họ có biết bao nhiêu thung lũng tối tăm, biết bao nhiêu đoạn đường khó khăn và chết chóc, nhưng thánh vịnh nhắc cho họ nhớ rằng Thiên Chúa luôn luôn tốt lành, quyền năng và thương xót, nên họ có thể sống còn. Ðối với chúng ta ngày nay cũng thế: thật là quan trọng có một ký ức về lòng nhân lành của Thiên Chúa, vì ký ức trở thành sức mạnh của niềm hy vọng. Như thế, cả trong sự tối tăn của ngày sống hay một giai đoạn sống, ký ức mở ra con đường dẫn tới tương lai; nó là ánh sáng, là ngôi sao dẫn lối cho chúng ta. Áp dụng vào lịch sử của Giáo Hội Ðức Thánh Cha nói:
Thế rồi cả trong 2,000 năm lịch sử của Giáo Hội, đã luôn luôn có lòng nhân lành của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi nguy hiểm bách hại đen tối của chủ nghĩa đức quốc xã và cộng sản, và Người đã chỉ cho chúng ta thấy rằng Người nhân lành, quyền năng, và lòng thương xót của Người tồn tại muôn đời. Cũng như trong lịch sử tập thể, trong lịch sử cá nhân ký ức về lòng nhân lành của Thiên Chúa trợ giúp chúng ta và trở thành ngôi sao của niềm hy vọng dẫn lối. Vì thế cần phải luôn luôn nhớ tới các việc lớn lao mà Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời chúng ta để biết sống tin tưởng.
Thánh vịnh 136 kết thúc với lời mời: "Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (c. 26). Thiên Chúa là Cha nhân lành và quan phòng; Người ban gia tài cho con cái Người và rộng ban lương thực cho tất cả mọi người. Quyền năng vô hình của Thiên Chúa Tạo Hóa được vén mở trong cái hữu hình bé nhỏ của bánh, Người ban cho chúng ta giúp chúng ta sống. Bánh đó biểu tượng và tổng kết tình yêu thương của Thiên Chúa là Cha rộng mở cho "bánh sự sống" của Tân Ước, là bí tích Thánh Thể, đồng hành với tín hữu trong cuộc sống, và cho họ nếm hưởng trước tiệc cứu thế trên Trời.
Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét