Khi tình yêu là động lực
Tại châu Mỹ La Tinh cũng như tại châu Á, nhiều người dị ứng với hai từ “truyền giáo” vì đồng hóa truyền giáo với chủ nghĩa thực dân. Trong thế giới hiện đại, một số người tại các nước phương Tây cũng dị ứng với hai từ này vì cho rằng truyền giáo vi phạm đến tự do cá nhân và quyền tự do tôn giáo. Tình trạng đó mời gọi các Kitô hữu xem xét lại động lực truyền giáo. Đâu là động lực chính yếu nhất thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân cho công cuộc truyền giáo? Để trả lời câu hỏi này, không có cách nào tốt hơn là chiêm ngắm thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại. Khi chiêm ngưỡng thánh Phaolô, chúng ta khám phá động lực thúc đẩy mọi hành trình truyền giáo của ngài là tình yêu duy nhất nhưng có ba mặt.
Trước hết là tình yêu đối với Đức Kitô, Đấng mà Phaolô từng thù ghét đến độ ra sức tiêu diệt những ai tin vào Người. Thế nhưng một khi đã trở lại, Phaolô gắn bó với Người bằng một tình yêu mãnh liệt đến độ tâm sự rằng: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Phil 1,21); “Tôi coi mọi sự là thua lỗ bất lợi so với cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi, và được thuộc về Người” (Phil 3,8); “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ai có thể có tình yêu sâu sắc hơn tình yêu thánh Phaolô dành cho Đức Kitô?
Tình yêu dành cho Đức Kitô gắn liền với tình yêu đối với Giáo Hội, Thân Mình mầu nhiệm của Người. Kinh nghiệm trở lại trên đường Damas cống hiến cho thánh Phaolô một nhận thức đức tin đặc biệt về Giáo Hội. Lúc ấy, chàng thanh niên có tên Saulê đang lùng bắt các Kitô hữu. Trên đường đi Damas, anh bị quật ngã ngựa và nghe tiếng phán: “Saulê, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Saulê ngỡ ngàng hỏi lại: “Ngài là ai mà tôi dám bắt bớ?” Tiếng phán uy nghiêm kia khẳng định: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,1-9). Saulê đâu có bắt bớ Giêsu, chỉ bắt những kẻ tin vào Giêsu thôi. Vả chăng ông Giêsu đã chết rồi, làm sao bắt bớ được? Chính kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh đó đã giúp Phaolô hiểu ra rằng Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với những kẻ tin vào Người, và cũng vì thế, chính Phaolô sau này, chứ không ai khác, đã khai triển suy tư thần học về Giáo Hội là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô. Đã thế, làm sao có thể yêu mến Đức Kitô mà lại không yêu mến Giáo Hội?
Thế rồi, tình yêu duy nhất mà đa diện đó còn là tình yêu đối với con người. Đấng Thiên Chúa được tỏ ra trong Đức Kitô, Đấng Thiên Chúa mà Phaolô và các Kitô hữu tin, là Đấng “Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi hiến ban Con Một mình để những ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3,15). Tin vào một vị Thiên Chúa như thế thì làm sao lại không yêu thương con người? Khi yêu ai, người ta muốn hiến tặng người ấy món quà quý giá nhất. Với thánh Phaolô, món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho đời chính là Đức Kitô. Vì thế, càng yêu thương con người bao nhiêu, lại càng tha thiết giới thiệu Đức Kitô và Tin Mừng của Người cho tha nhân bấy nhiêu, để họ tìm được nơi Đức Kitô con đường sự thật và sự sống: “Vàng bạc thì chúng tôi không có, nhưng có điều này chúng tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nazareth, hãy đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6).
Như thế đã rõ, người Kitô hữu loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người không vì tham vọng quyền lực, cũng không vì muốn quy tụ lực lượng hay vì bất cứ lý do nào khác, nhưng chỉ vì tình yêu, một tình yêu duy nhất và tam diện.
Nếu tình yêu chính là động lực của nỗ lực loan báo Tin Mừng thì chính tình yêu ấy cũng định hình cho những phương thế sử dụng để loan báo Tin Mừng. Không thể nào loan báo Tin Mừng bằng con đường bạo lực, hận thù và tranh chấp, nhưng chỉ bằng nẻo đường yêu thương. Chúa Giêsu đã khước từ mọi hình thức bạo lực như ma quỷ đề nghị để trung thành với nẻo đường yêu thương “cho đến cùng” (Ga 13,1), dù xem ra vào giây phút cuối cùng, khi chịu treo trên thập giá, dường như Người hoàn toàn thất bại. Nẻo đường ấy đáp ứng khát vọng sâu xa nhất trong lòng người. Ngày nay, khi nhắc đến đoàn quân thập tự chinh hay những tòa án dị giáo thời Trung cổ, người ta lắc đầu ngao ngán. Nhưng khi nhắc đến thánh Phanxicô Assisi với Kinh Hòa Bình, Martin Luther King với đường lối bất bạo động, Mẹ Têrêxa Calcutta với chọn lựa phục vụ người nghèo, ai cũng một niềm kính phục.
Hiểu như thế, bước đi đầu tiên của truyền giáo là Phúc âm hóa bản thân, nghĩa là để cho tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu thấm nhập mọi ngõ ngách tâm hồn và đời sống của mình. Ký giả Peter Sewald đặt câu hỏi cho Đức Bênêđictô XVI: “Giáo Hội công giáo có đến 4.000 giám mục, 400.000 linh mục, cả triệu tu sĩ, cả tỷ giáo dân. Vậy tại sao Giáo Hội lại ít có ảnh hưởng đến nhân loại và thế giới như vậy?” Một câu hỏi “nhói” lòng! Câu hỏi ấy khiến ta tự vấn: Liệu 400.000 linh mục ấy có thực sự là linh mục như lòng Chúa mong ước? Liệu cả tỷ giáo dân ấy có mang trong lòng mình tâm tư của Đức Kitô, Đấng mà họ tin? Nếu những con số trên không chỉ là số thống kê mà là con số những linh mục và Kitô hữu đích thực thì chắc chắn ảnh hưởng của Tin Mừng sẽ lan rộng khắp nơi. Thế nên bước đi đầu tiên phải là Phúc âm hóa bản thân.
Chỉ khi đó, Tin Mừng mới được giới thiệu và loan báo cách đích thực qua nhiều hình thức khác nhau, mà trước hết qua chính con người và cách sống của các Kitô hữu. Hoa sẽ nở, ánh sáng sẽ bừng lên và sự sống lan tràn.
Khánh nhật truyền giáo 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét