label

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN. LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI.

02/10 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN. LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".
Lời Chúa: Lc 1, 26-38
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận. Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
SUY NIỆM: Ðức Maria, Bông Hoa Hường Mầu Nhiệm
Nói đến Lễ Mai Khôi là nói đến hoa. Những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước toà Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ. Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Thật vậy, giữa ngàn hoa, Ðức Ma-ri-a nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Ðẹp đến độ "đẹp lòng Thiên Chúa". Trình thuật Truyền tin cho ta thoáng thấy vài nét đẹp của Người.
Người có nét đẹp đơn sơ.
Ðơn sơ trong khung cảnh làng quê Na-da-rét. Ðơn sơ trong nếp sống thôn nữ đạm bạc. Nhất là đơn sơn trong tâm hồn giản dị. Sự đơn sơ trong tâm hồn được bộc lộ qua những suy nghĩ trong sáng, những phát biểu thật thà, thẳng thắn trình bày với thiên sứ hoàn cảnh cụ thể của bản thân. Ðơn sơ trong vâng phục. Khi đã hiểu rõ ý định của Thiên Chúa chỉ đơn sơ thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Tâm hồn đơn sơ của Người chiếu toả như viên ngọc trong suốt không một tì ố.
Người có nét đẹp khiêm nhường.
Khiêm nhường trong nếp sống ẩn dật nơi làng quê nhỏ bé. Khiêm nhường trong nhận thức về bản thân. Thật vậy, khi nghe thiên thần chúc tụng Người "Ðầy Ơn Phúc", Ðức Ma-ri-a thật sự ngạc nhiên. Bản thân Người không dám nhận danh hiệu cao đẹp ấy. Khiêm nhường trong tâm hồn biểu lộ trong lời nói. Khi đã chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, Ðức Ma-ri-a vẫn khiêm tốn xưng mình là "Nữ tỳ của Thiên Chúa". Thật khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường càng tô thêm vẻ đẹp tuyệt vời nơi Người.
Người có nét đẹp từ bỏ.
Từ bỏ là vượt lên trên. Từ bỏ khiến con người trở nên cao đẹp, thanh thoát. Từ bỏ của cải đã khó. Từ bỏ bản thân khó hơn. Từ bỏ ý riêng mới thật cam go khốc liệt. Ðức Ma-ri-a đã có chương trình riêng: sống đời trinh nữ. Ðó là một chương trình đẹp. Nhưng khi biết chương trình của Thiên Chúa, Người đã sẵn sàng từ bỏ chương trình riêng. Nhờ từ bỏ chương trình riêng mà chương trình của Chúa được thực hiện. Nhờ từ bỏ bản thân mà Người đón nhận được chính Thiên Chúa.
Thiên Chúa rất lớn lao, chẳng trời đất nào dung chứa cho đủ. Bao lâu cái tôi còn cồng kềnh, bấy lâu tâm hồn chưa thể đón nhận được Thiên Chúa. Chỉ khi từ bỏ mình đến tận cùng, đến không còn một chút gì riêng tư dành cho bản thân, tâm hồn mới có thể đón nhận được Thiên Chúa. Khi trút bỏ chính mình, Ðức Ma-ri-a được đầy tràn Thiên Chúa. Không còn thuộc về mình, Người trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa. Người là chiếc bình rỗng không nên Người đón nhận được "đầy ơn phúc" của Chúa.
Người diễn tả nét đẹp của Thiên Chúa.
Lời "Xin vâng" Ðức Ma-ri-a thốt lên nơi làng quê Na-da-ét vang vọng lời xin vâng của Ngôi Hai nhập thể làm người. Sự khiêm nhường của Người diễn tả sự khiêm nhường của Thiên Chúa xuống thế làm người. Sự từ bỏ của Người phần nào phản ánh sự từ bỏ của Ðức Giê su Ki-tô "vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân" (Pl 2, 6-7).
Ðức Ma-ri-a là bông hoa phần nào diễn tả được nét đẹp của Thiên Chúa vì Người là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần "rợp bóng trên Mẹ" nên Mẹ sống dưới sự che chở của Thánh Thần, theo ơn hướng dẫn của Thánh Thần và sống trong tình yêu của Thánh Thần.
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mai Khôi xin cầu cho chúng con biết noi gương Mẹ.
(ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)
 
SUY NIỆM 4: Kinh Kính Mừng
Ngoài vô số những ơn lành mà Mẹ đã cho riêng mỗi người, thì trong những lần hiện ra, món quà mà Mẹ đưa từ trời xuống, lần nào cũng chỉ là một cỗ tràng hạt mân côi. Đơn giản thế thôi, nhưng ta phải biết nghĩ chứ! Chắc chắn đây phải là một món quà vô cùng cao quý. Mẹ yêu ta vô cùng, cho quà ta, Mẹ phải chọn món quà gì quý giá nhất để cho. Đúng vậy! Ta hãy mở món quà ấy ra xem.
Lớp quà thứ nhất
Gồm 20 ngắm. 20 chặng trong hành trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, Đấng đến trần gian để cứu nhân loại tội lỗi. 20 chặng ấy là giải nghĩa chữ Yêu một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất. Mở đầu mỗi chục kinh là một biến cố thể hiện tình yêu; là một dấu ấn diễn nghĩa Tình Yêu mà Đấng Cứu Thế đã thực hiện vì con người và cho con người. Mở ra dấu ấn ấy để mời gọi ta bước vào hiện tại hoá dấu ấn ấy; để ta được hoà chung, được bơi lội trong đại dương ơn phúc mà Đấng Cứu Thế đã làm. Bỏ quên những ràng buộc của vật chất, linh hồn ta được linh thao, để hít thở nguồn ơn cứu độ.
Lớp quà thứ hai
Đàng sau sự kiện mà Chúa Giêsu đã làm, là bắt đầu bằng một kinh Lạy Cha, lời kinh cầu nguyện duy nhất mà Chúa Giêsu đã dạy. Lời kinh ấy là một nhắc nhở quan trọng về căn tính của mình. Mình từ Thiên Chúa mà ra và Ngài yêu thương ta vô cùng, hơn cả tình mẹ yêu con. Và Ngài chính là Cha dấu ái của ta và của mọi người. Cũng vì thế, tất cả đồng loại sống quanh mình đều là anh em ruột thịt của mình, không có ai là kẻ thù của mình cả.
Lớp quà thứ ba
Là mười kinh Kính Mừng. Lời “Kính mừng Maria” mà ta đọc đó chính là lời chào của Sứ Thần Gabriel đã chào Đức Maria trong buổi gặp gỡ truyền tin. Lời chào ấy được lặp đi lặp lại, để như một nhắc nhớ quan trong cho mỗi người: Thiên Chúa hết lòng muốn cứu chuộc nhân loại, và trước tiên, là chính người đang cất giọng đọc câu kinh ấy. Món quà quý báu ấy, Mẹ đem từ Trời xuống, quý vô vàn, được đưa tận tay cho mỗi người. Ô hay! Sao người lại rất hay từ chối?
Câu hỏi gợi ý:
1* Bạn có nhìn thấy tình thương lớn lao vô cùng của Chúa, khi bạn lần hạt không?
2* Bạn có nhìn thấy vẻ cao quý vô cùng của món quà mà Đức Mẹ đem đến cho bạn không?
(Suy niệm của Lm Đaminh Đỗ Văn Thiêm - Trích trong ‘Tập San Tĩnh Tâm Giáo Phận Long Xuyên – 10 & 11/2011’)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét