label

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Xây trên nền đá (1.12.2011 – Thứ năm Tuần 1 Mùa Vọng)



Xây trên nền đá
Lời Chúa: Mt 7, 21.24-27
Khi ấy Chúa Giêsu nói với môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
Suy nim:
Sau khi một cơn bão đi qua thành phố,
người ta ngạc nhiên khi thấy những căn nhà sụp đổ
lại là những công trình mới xây chưa được bao lâu.
Còn những công trình xưa lại hiên ngang đứng vững.
Cũng có khi sau một cơn dông,
một cây còn xanh bỗng nhiên ngã đổ.
Người ta lại gần và thấy ruột của cây đã bị mục từ lâu.
Dông bão làm lộ ra sự thật, vén mở chân tướng,
vì khi biển lặng, ai cũng có thể là hoa tiêu.
Đời con người tránh sao khỏi những dông tố.
Ai cũng mong xây căn nhà đời mình cho kiên cố vững vàng,
đứng được trước bão táp phong ba.
Nhà càng cao, nền càng phải chắc chắn.
Xây trên cát hay trên đá cho thấy ai dại, ai khôn.
Thầy Giêsu dạy các môn đệ biết thế nào là xây đời mình trên đá.
Đó là đem ra thực hành những lời Thầy dạy
mà họ đang nghe trong Bài Giảng trên núi (Mt 5-7).
Sống lời Thầy dạy là chọn đi vào con đường hẹp, ít người đi,
với những thách đố và thiệt thòi, những hiểm nguy và nhục nhã.
Chỉ ai dám sống như thế mới đứng vững khi dông bão bất ngờ ập tới.
Lúc ấy người bị coi là ngu vì sống lời Thầy, mới lộ ra là người khôn.
Vì lời của Thầy Giêsu diễn tả ý muốn của Cha trên trời,
nên thi hành lời Thầy cũng là thi hành ý muốn của Cha.
Đây là điều kiện cần thiết để được vào Nước Trời,
vì tuyên xưng trên môi Thầy Giêsu là Chúa, vẫn chưa đủ (c. 21).
Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng, mùa ngóng đợi Nước Chúa đến.
Đây là thời gian thuận tiện để suy nghĩ về cái nền của căn nhà mình,
cái nền của những công trình ta đang đầu tư xây dựng.
Có khi chúng ta thấy nó sao quá mong manh.
Chúng ta không đợi đến lúc dông bão mới gia cố nền móng.
Căn nhà của giáo xứ, giáo phận hay Giáo Hội cũng vậy.
Xây nhà cao tầng mà nền không chắc thì nhà dễ nghiêng.
Đối với ngôn sứ Isaia,
“Chính Đức Chúa là Đá Tảng bền vững ngàn năm” (Is 26, 4).
Tin vào Ngài, ta sẽ được bảo vệ chở che và thêm mạnh sức.
Ngoài Đức Chúa, chẳng có gì vĩnh hằng.
Cuộc sống hôm nay có vẻ ổn định hơn xưa.
Thật ra số phận con người hôm nay bấp bênh hơn nhiều.
Chỉ một sai sót nhỏ cũng kéo theo một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Chỉ một tranh chấp nhỏ cũng có thể làm bùng lên một cuộc chiến.
Hãy xây tương lai của xã hội và Giáo Hội trên Đá Tảng.
Hãy xây những dự tính của đời mình trên nền đá.
Nhờ đó những công trình của chúng ta trở thành vĩnh cửu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli thăm mục vụ giáo phận Phát Diệm



Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli,
Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam,
thăm mục vụ giáo phận Phát Diệm
WHĐ (30.11.2011) – Sau khi rời Hưng Hóa, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, đã tới thăm mục vụ giáo phận Phát Diệm từ ngày 28 đến 30 tháng Mười Một. Theo chương trình, tại Phát Diệm, Đức TGM Girelli gặp gỡ giáo dân tại một số giáo xứ: Mưỡu Giáp, Hảo Nho, Vô Hốt, Ninh Bình. Ngài cũng viếng Đền Thánh Tử Đạo Phúc Nhạc, thăm Trung tâm mục vụ, Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Đặc biệt, ngày 29, vị Đại diện Tòa Thánh cùng với Đức cha Giuse và cộng đoàn giáo phận dâng lễ tạ ơn kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận Phát Diệm tại Nhà thờ Chính tòa. Trước đó, Đức TGM Girelli cũng tham dự buổi Diễn nguyện Tạ ơn tại quảng trường Nhà thờ Chính tòa vào buổi tối ngày 28.
Sau đây là Lời chào mừng Vị Đại diện Tòa Thánh (ngày 28/11) và Diễn văn trong Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận (ngày 29/11) của Đức cha Giuse Nguyễn Năng, giám mục Phát Diệm.


Lời chào mừng
(28-11-2011)
Kính trình Đức Tổng Giám mục,
Giờ này, Đức Tổng đã đến trung tâm của giáo phận Phát Diệm và hiện diện giữa chúng con trong Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm dâng kính Đức Mẹ Mân Côi.
Tất cả các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân, chúng con chào đón Đức Tổng với tâm tình quí mến và tràn ngập hân hoan. Đây chính là giờ phút mà chúng con mong đợi đã lâu.
Đức Tổng đang được chứng kiến lòng yêu mến và tình hiệp thông của chúng con đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đối với Hội Thánh hoàn vũ, đặc biệt đối với Đức Tổng là Đại diện của Đức Thánh Cha.
Đức Tổng cũng đang được chứng kiến nơi đây quần thể kiến trúc Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, một công trình độc đáo mang đậm nét Á đông, là tác phẩm của cha Phêrô Trần Lục, được xây dựng từ năm 1875 và hoàn tất sau 24 năm. Toàn thể công trình được xây dựng trên diện tích gần 28.000 m2, với vật liệu là gỗ lấy từ Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Tây, và đá được chở về bằng bè mảng từ Thanh Hóa và Ninh Bình.
Quần thể gồm một Nhà thờ Chính tòa, Phương Đình, 4 nhà thờ cạnh, một nhà nguyện hoàn toàn bằng đá, 3 núi đá và một ao hồ. Cách sắp xếp vị trí mang ý nghĩa sâu xa. Các vua Á đông luôn ngự hướng Nam. Vì thế Nhà thờ Chính tòa nằm giữa 4 nhà nguyện nhỏ, theo hướng Bắc-Nam, tạo nên chữ Vương (nghĩa là Vua), có ý nói đây là nơi Thiên Chúa, Vua trời đất ngự trị.
Sau hơn một thế kỷ chịu đựng nắng mưa sương gió và cả bom đạn, toàn thể kiến trúc được đại tu năm 1997 và hoàn tất năm 2001, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận.
Được xây dựng từ trước khi có giáo phận, Nhà thờ Chính tòa này đã chứng kiến sự khai sinh của giáo phận, chứng kiến những thăng trầm đổi thay của lịch sử, cùng với biết bao biến cố và sinh hoạt của giáo phận. Nhiều thế hệ đã sinh ra, lớn lên và đã qua đi tại đây; 6 vị giám mục được an táng tại cung thánh này. Tại nơi đây, không biết bao nhiêu thánh lễ đã được cử hành: đó là hiến lễ trong đó Đức Kitô ôm trọn mọi niềm vui và hy vọng, mọi đau thương và gian khổ của Dân Chúa trong suốt hành trình 110 năm.
Hơn 110 năm, quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm vẫn đứng đó, uy nghi và trầm mặc như một minh chứng đức tin cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Hôm nay nhà thờ này lại được thêm vinh dự đón Đức Tổng. Cũng như khi xưa thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao cho sứ mạng củng cố đức tin anh em, thì hôm nay, với sự hiện diện của Đức Tổng trong tư cách là Đại diện của Đức Thánh Cha, đức tin của chúng con sẽ được củng cố. Chúng con tri ân Đức Tổng.
+ Gm Giuse Nguyễn Năng


Diễn văn kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận Phát Diệm
(29-11-2011)
Kính thưa quí cha và anh chị em thân mến,
Hôm nay anh chị em qui tụ nơi đây để cử hành thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận Phát Diệm. Đây là cột mốc ghi dấu một chặng đường của giáo phận chúng ta.
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta trân trọng chào đón Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện của Tòa Thánh tại Việt Nam.
Chúng ta hân hoan gặp lại và đón tiếp Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, giám mục giáo phận Thanh Hóa, nguyên giám quản giáo phận Phát Diệm. Dù chỉ trong một thời gian ngắn ngủi 2 năm, ngài đã chứng tỏ tấm lòng yêu thương qua sự hy sinh phục vụ hết mình.
Chúng ta vui mừng chào đón Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên giám mục của giáo phận chúng ta. Giáo phận Phát Diệm đi qua hành trình 110 năm, thì trong đó đã có gần 20 năm được in dấu bằng bao nhiêu hy sinh của Đức cha Giuse kính mến. Chúng ta yêu mến ngài và ghi nhớ công lao của ngài.
Trọng kính Đức Tổng Giám mục,
Từ khi được tin Đức Tổng sẽ viếng thăm giáo phận Phát Diệm, mọi thành phần Dân Chúa đều hân hoan và mong đợi ngày hôm nay. Trong tâm tình yêu mến của những người con trong Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, chúng con chào mừng Đức Tổng như sứ giả của tình thương và niềm hy vọng đến từ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.
Quả vậy, dù chưa được thường trú tại Việt Nam, nhưng sự hiện diện của Đức Tổng giữa chúng con chính là bằng chứng của lòng yêu mến và chăm sóc mục vụ mà Đức Thánh Cha dành cho Hội Thánh và dân tộc Việt Nam. Kính xin Đức Tổng dâng lên Đức Thánh Cha lòng yêu mến và niềm tri ân của gia đình giáo phận Phát Diệm trước tình thương mà Ngài dành cho chúng con. Sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha và với Hội Thánh toàn cầu vẫn luôn là nguyên tắc hướng dẫn đời sống Kitô hữu tại Giáo hội địa phương này.
Chúng con vui mừng vì hôm nay Đức Tổng đến chủ sự thánh lễ và cùng với chúng con dâng lời tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp kỷ niệm 110 năm thành lập giáo phận. Lịch sử 110 năm của giáo phận cũng chính là lịch sử 110 năm của hồng ân và tình thương Thiên Chúa.
Chúng con vinh dự có 11 vị thánh tử đạo đã sống và phục vụ tại giáo phận Phát Diệm, trong đó có 4 vị thánh quê hương tại Phát Diệm là linh mục Phaolô Phạm Khắc Khoan, thầy giảng Gioan Baotixita Đinh Văn Thanh, thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự, và vị thánh nữ duy nhất trong số 117 vị thánh tử đạo Việt Nam là bà Anê Lê Thị Thành.
Phát Diệm cũng tự hào có một quần thể kiến trúc độc đáo do cha Phêrô Trần Lục thực hiện bằng chất liệu là gỗ và đá, hoàn toàn theo văn hóa Việt Nam, và được công nhận là di tích văn hóa quốc gia.
Giáo phận Phát Diệm được Đức Thánh Cha Lêô XIII thành lập ngày 2-4-1901, với tên gọi là địa phận Duyên Hải Đàng Ngoài (Tunkinus Maritimus); đến năm 1924, được đổi thành Phát Diệm. Giám mục tiên khởi là Đức cha Alexandre Marcou.
Trong lịch sử 110 năm, chúng con tạ ơn Chúa vì các vị mục tử tài đức, đặc biệt chúng con vinh dự có Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng là vị giám mục đầu tiên người Việt Nam. Các ngài đã dầy công xây dựng giáo phận và dẫn dắt đoàn chiên ngày càng thăng tiến trong đời sống Kitô hữu.
Khi mới thành lập, Phát Diệm có 24 linh mục thừa sai Pháp, 48 linh mục Việt Nam, 18 đại chủng sinh, 112 thày giảng, 145 tiểu chủng sinh, 3 cộng đoàn Mến Thánh Giá, 27 giáo xứ với 85.000 tín hữu.
Sau 31 năm, số tín hữu đã lên tới 140.000; có 35 linh mục thừa sai, 137 linh mục Việt Nam, và một Hội dòng là Mến Thánh Giá Phát Diệm. Vì thế, năm 1932, Tòa Thánh đã thành lập một giáo phận mới là giáo phận Thanh Hóa, tách ra từ Phát Diệm.
Từ ngày thành lập đến nay, trải qua biết bao thăng trầm, nhờ đời sống chứng nhân của các thánh tử đạo, nhờ gương sáng đức tin của tiền nhân, nhờ sự tận tụy phục vụ của các vị mục tử nhiệt thành, giáo phận chúng con đã không ngừng phát triển về số lượng, về cơ sở vật chất, và nhất là về đời sống đức tin.
Đã có những giai đoạn các sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế tối đa; số linh mục giảm sút vì già yếu hoặc bị giam tù, trong khi đó lại không được phong chức. Nhưng ngay cả trong thời kỳ khó khăn, các thành phần Dân Chúa vẫn vững một lòng tin và kiên trì sống Lời Chúa. Đức Kitô Phục sinh vẫn hiện diện với Hội Thánh và làm cho Hội Thánh vững bước trong chân lý và tình thương.
Giờ đây, chúng con được tự do hơn. Những hoa trái đức tin tiếp tục nở rộ. Hiện nay giáo phận có 77 giáo xứ với hơn 160.000 tín hữu, 68 linh mục, 7 phó tế, 58 đại chủng sinh, 31 tiểu chủng sinh, một Hội dòng Mến Thánh Giá với gần 200 nữ tu. Ngoài ra còn có các chị em tu hội đời Thánh Tâm Chúa Giêsu; đan viện Châu Sơn cũng ở trong lãnh thổ của giáo phận Phát Diệm.
Tuy nhiên, hiện nay chúng con đang phải đối diện với một thách đố khác còn nguy hiểm hơn nhiều lần, đó là tinh thần tục hóa đang dần dần chiếm ngự tâm hồn những người môn đệ Chúa Giêsu, nhất là nơi những người trẻ. Nhiều người mải mê tìm kiếm tiền bạc, vật chất, hưởng thụ khoái lạc, đến độ coi thường các giá trị đạo đức và bán rẻ lương tâm.
Chính vì thế, để kỷ niệm 110 năm thành lập, chúng con đã kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa nỗ lực lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và sống Lời Chúa. Chương trình sống Lời Chúa này sẽ còn tiếp tục trong những năm kế tiếp. Chúng con xác tín rằng với Lời Chúa và Thánh Thể, cùng với tình hiệp thông sâu xa trong lòng Giáo Hội, chúng con sẽ vững vàng trong đời sống Kitô hữu và nhiệt thành loan báo Tin Mừng.
Trong giáo phận Phát Diệm, còn hơn 800.000 anh chị em chưa được biết chân lý Phúc Âm. Chúng con sẽ tích cực làm chứng cho tình thương cứu độ của Chúa Giêsu, và cộng tác với mọi người thiện chí để xây dựng quê hương Việt Nam yêu dấu thành một cộng đoàn huynh đệ, một xã hội đặt nền tảng trên công lý, tình thương và chân lý của Đức Kitô.
Trọng kính Đức Tổng,
Sự hiện diện của Đức Tổng trong ngày lễ tạ ơn hôm nay chính là sự khích lệ lớn lao cho chúng con trên hành trình đức tin. Cùng với lòng tri ân, chúng con cầu chúc sứ vụ của Đức Tổng gặt hái nhiều hoa trái: không những củng cố đức tin và tình hiệp thông cho các Kitô hữu tại đây, mà còn góp phần đem lại những thiện hảo lớn lao cho dân tộc Việt Nam.
Để ghi nhớ biến cố hôm nay, chúng con kính dâng Đức Tổng một kỷ niệm đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa. Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm được kết thành bởi các Kitô hữu, các mục tử và các nhà thờ. Đó là biểu tượng cho toàn thể gia đình giáo phận. Xin Đức Tổng nhớ đến chúng con và cầu nguyện cho chúng con.
+ Gm Giuse Nguyễn Năng
 
WHĐ tổng hợp

Diễn văn chào mừng Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất



Diễn văn chào mừng Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli
của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất
 tại Nhà thờ Chính toà Hưng Hóa, ngày 25/11/2011
Trọng kính Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, 
Đại diện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam,
Cùng với mọi thành phần dân Chúa có mặt hôm nay, đại diện cho toàn thể gia đình giáo phận Hưng Hoá, con xin chào mừng Đức Tổng với những tâm tình quý mến nhất của chúng con.
Tất cả chúng con rất vui mừng được Đức Tổng viếng thăm, vì qua Đức Tổng, mối dây liên kết giữa giáo phận địa phương chúng con với Toà Thánh trở nên hữu hình hơn. Thật vậy, chúng con đang sống những giờ phút cảm nghiệm được mối hiệp thông cụ thể với Đức Thánh Cha, Đấng kế vị Thánh Phêrô, mà Đức Tổng là vị đại diện. Chúng con kính xin Đức Tổng chuyển đến ĐTC Bênêđictô XVI tâm tình con thảo và lòng biết ơn của chúng con, vì Người như đang hiện diện giữa chúng con qua Đức Tổng.
Kính thưa Đức Tổng,
Giáo phận Hưng Hoá chúng con nằm trên miền Tây Bắc Việt Nam. Phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào; với tổng diện tích là 54.500 km2 trải rộng trên địa bàn của 10 tỉnh thành gồm: một phần của thành Phố Hà Nội và 9 tỉnh phía Tây Bắc: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.
Trên địa bàn này, số giáo dân Công giáo theo thống kê hiện nay là 230.500 tín hữu trên tổng số dân gần 7.000.000 dân, chiếm tỷ lệ 3,2 %. Giáo phận Hưng Hoá hiện nay có 70 linh mục, trong đó 62 linh mục triều và 8 linh mục dòng; 77 đại chủng sinh và trên 200 tu sinh nam; 240 nữ tu Mến Thánh Giá, trên 240 tập sinh và đệ tử. Hiện nay giáo phận Hưng Hoá có 94 giáo xứ và gần 500 họ đạo, sinh hoạt trong 7 giáo hạt.
Từ năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận, phương hướng xây dựng và phát triển các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ theo định hướng để trở thành một cộng đoàn đức tin vững mạnh, một công đoàn phụng tự sốt sắng, một cộng đoàn bác ái nhiệt thành, tất cả nhằm trở nên một cộng đoàn truyền giáo.
Việc Phúc Âm hóa (truyền giáo) được tiến hành đồng thời cho người đang sống đạo (tái Phúc Âm hóa), và cho người chưa biết đạo. Tất cả cần được thực hiện theo phương thức mới là tân Phúc Âm hóa. Để thực hiện phướng này, mối quan tâm hàng đầu của giáo phận là việc đào tạo nhân sự: linh mục, tu sĩ, chủng sinh, nhất là giáo dân để họ dấn thân vào các chức vụ ban hành giáo, giáo lý viên và các thừa tác viên ngoại lệ; đồng thời đẩy mạnh các phong trào Hội Đoàn Công Giáo tiến hành.
Vậy chúng con xin Đức Tổng cầu nguyện cho giáo phận chúng con, để chúng con biết nỗ lực sống phương hướng mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra qua Đại hội Dân Chúa năm 2010, là xây dựng Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, nhất là sứ vụ truyền giáo.
Chúng con xin kính chúc Đức Tổng được dồi dào sức khỏe và gặt hái được nhiều thành quả trong chuyến viếng thăm mục vụ giáo phận chúng con, cũng như trong việc phục vụ Giáo hội tại Việt Nam và các Giáo hội tại Á châu mà ĐTC đã trao phó cho Đức Tổng.
Một lần nữa, chúng con xin cám ơn Đức Tổng và rất mong được lắng nghe những lời huấn dụ của Đức Tổng.
 
Gm Gioan Maria Vũ Tất

Ðức Thánh cha bổ nhiệm Tân Sứ thần Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan.

Ðức Thánh cha bổ nhiệm
Tân Sứ thần Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan


Vatican (Apic 26/11/2011) - Sáng 26 tháng 11 năm 2011, Ðức Thánh cha Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm Ðức ông Charles Brown, người Hoa Kỳ, phục vụ tại Bộ Giáo Lý Ðức Tin từ năm 1991, làm Tổng Giám Mục Tân Sứ Thần Toà Thánh tại Ái Nhĩ Lan.
Là chuyên viên về những vấn đề tín lý và thần học bí tích, Ðức Tổng Giám Mục Tân Sứ Thần Toà Thánh tại Ái Nhĩ Lan, là người đã từng cộng tác với Ðức Hồng y Joseph Ratzinger, trước khi được chọn lên kế vị thánh Phêrô tại ngai toà Roma. Ðức Tân sứ thần toà thánh tại Ái Nhĩ Lan là một trong số ít những vị sứ thần không qua sự đào tạo của trường ngoại giao toà thánh, và lãnh nhận trách vụ khó khăn, vì trong những tháng qua, tương quan ngoại giao giữa toà thánh và Ái Nhĩ Lan, gặp trở ngại vì những gương xấu ấu dâm.
Còn nhớ hồi tháng 07 năm 2011, Toà Thánh đã triệu hồi Ðức Sứ thần Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan, khi ấy là Ðức cha Giuseppe Leanza về để tham khảo, rồi sau đó bổ nhiệm ngài làm sứ thần tại Praha. Phần chính phủ Ái Nhĩ Lan, thì từ đầu tháng 11 năm 2011, đã tuyên bố đóng cửa Toà Ðại Sứ bên cạnh Toà Thánh, với lý do được công bố là vì sự eo hẹp tài chánh.

RVA.

TÌM HIỂU Ý NGHĨA, TẬP TỤC
VÀ TINH THẦN MÙA VỌNG  
               
1-Tại sao gọi là Mùa Vọng?

     
- Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh "Adventus",   
        Có nghĩa là “đến”, mong chờ điều sắp đến.
                                                                            
2. Mùa Vọng có mấy nghĩa?
                                                              Có 4 nghĩa:
       
        1/ Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để "giải phóng" dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài "đã đến" lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.

        2/ Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.

       3/ Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỉ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12.

       4/ Mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết). để Chúa đưa mình về Nước Chúa muôn đời.

   3. Thời gian mùa Vọng dài bao lâu?
      - Giáo hội ấn định mùa Vọng dài 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh (thường vào tháng 12) để nhớ thời gian dân Do thái, sau khi được đưa ra khỏi đất nô lệ Ai cập đã đi lang thang trong sa mạc 40 năm trước khi được vào đất hứa.

   4. Nghi lễ mùa Vọng có gì khác ?
        4.1/ Bàn thờ, giảng đài, phủ khăn màu tím lạt có ý gì?
            - Mầu tím lạt, nhắc nhớ giáo dân ăn năn sám hối tội lỗi.

       
4.2/ Vòng hoa 4 cây nến, tượng trưng cho điều gì?



 4 cây nến tượng trưng cho 4 tuần trước Lễ Chúa Giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây. Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng dùng cho Chúa nhật thứ 3, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Hãy vui lên... vì Chúa đang đến! Vòng hoa mùa vọng với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu. Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô.

           Đầu tiên tại miền Bắc nước Đức, vòng hoa kiểu này được các gia đình đạo Tin lành trưng bày, sau đó vòng hoa mùa vọng được treo trong nhà thờ Công giáo vào năm 1925 tại tỉnh Köln. Từ năm 1935 các vòng hoa mùa vọng trong gia đình cũng được làm phép. Phong tục này ngày nay đã lan truyền đến nhiều nơi trên thế giới.)

        4.3/ Chủ tế mặc áo lễ mầu gì?
             - Mầu tím lạt, nhiều nhà thờ Mỹ chủ tế mặc mầu xanh lá thông.

        4.4/ Bài đọc trong thánh lễ như thế nào?
             - Theo chu kì năm 3 năm: ABC.

        4.5/ Ca đoàn hát những bài có ý nghĩa gì?
            
- Những bài có ý nghĩa chờ mong như: Trời cao hãy đổ sương xuống...Này dân Sion, Chúa ngươi sắp tới...

   
5. Tinh thần mùa Vọng là gì?
      - Là đáp lại lời kêu gọi của thánh Gioan Tiền hô: “Hãy dọn đường đón Chúa: Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống”.

   
6. Cá nhân tham gia mùa Vọng nên làm gì?
       - Nên làm "Hang đá tâm hồn" cho Chúa Hài Đồng theo tinh thần 3 của lễ của 3 nhà đạo sĩ mang tới dâng Chúa: vàng (mến Chúa yêu người), nhũ hương (cầu nguyện), mộc dược (hi sinh hãm mình).

       - Tham gia tĩnh tâm, xưng tội do giáo xứ hoặc do Giới – Hội – Đoàn tổ chức.

       - Không nên quá chú trọng vào các gói quà , thiệp mừng, các sản phẩm thương mại, máng cỏ lập lòe đèn điện, các cuộc vui trần tục mà quên đi
TÌNH THƯƠNG BAO LA CỦA NGÔI HAI GIÁNG TRẦN CHUỘC TỘI MUÔN DÂN.

                                                                             HOÀI THANH (Sưu tầm)

Hội nghị quốc tế về Chân phước Gioan Phaolô II.

Hội nghị quốc tế về
Chân phước Gioan Phaolô II


Thuỵ Sĩ (Apic 27/11/2011) - Trong một thông cáo mới đây, tổ chức có tên là "Sáng hội Gioan Phaolô II", có trụ sở tại Roma, thông báo sẽ tổ chức một cuộc Toạ Ðàm Quốc Tế tại Phân Khoa Thần Học Lugano, bên Thuỵ Sĩ, trong hai ngày 22 và 23 tháng 03 năm 2012. Buổi tọa đàm có chủ đề: "Ðức Gioan Phaolô II là Nhà Lập Pháp của Giáo Hội Công Giáo".
Trong số các thuyết trình viên chính của cuộc Toạ Ðàm, người ta chú ý đến hai vị Hồng y, một vị là Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, kiêm chủ tịch "Sáng Hội Gioan Phaolô II", đó là Ðức Hồng y Stanislaw Rylko; vị thứ hai là Ðức Hồng y Kurt Koch, chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Kitô giáo.
Trong hai ngày toạ đàm trong năm tới, ban tổ chức dự trù khai triển ba cuộc thảo luận chính; Cuộc thảo luận thứ nhất sẽ bàn về đề tài: "những nền tảng nhân chủng học và giáo hội học của hoạt động lập pháp của Ðức Gioan Phaolô II". Cuộc thảo luận thứ hai hướng về đề tài: "Những điểm mới trong sinh hoạt lập pháp của Ðức Gioan Phaolô II". Cuộc thảo luận thứ ba sẽ là: "Hai bộ giáo luật, -một của Giáo Hội công giáo latinh, và một của giáo hội công giáo đông phương-- và những cởi mở đại kết của Ðức Gioan Phaolô II". Ngoài ra, Ban Tổ Chức cuộc tọa đàm này cho biết bài thuyết trình chính của Ðức Hồng y Kurt Koch, sẽ là đề tài: "Hoạt động lập pháp của Ðức Gioan Phaolô II và việc cổ võ cho sự hiệp nhất kitô".
Ðược biết "Sáng Hội Gioan Phaolô II" đã do chính Ðức Gioan Phaolo II thành lập tại Roma vào năm 1981, với mục đích nâng đỡ và thực hiện những sáng kiến nghiên cứu liên quan đến triều giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hơn nữa, ban tổ chức Toạ Ðàm đã chọn chủ đề: "Ðức Gioan Phaolô II là nhà lập pháp của Giáo Hội Công Giáo", bởi vì ngài đã công bố hai bộ Giáo Luật mới, một cho Giáo Hội công giáo latinh, vào năm 1983; và một cho các Giáo Hội Ðông Phương còn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Latinh, vào năm 1990.

RVA.

Ðức Thánh cha tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị Quốc tế Lần thứ 26 của Hội Ðồng Giáo hoàng đặc trách y tế.

Ðức Thánh cha tiếp kiến
các tham dự viên Hội nghị Quốc tế
Lần thứ 26 của Hội Ðồng Giáo hoàng
đặc trách y tế

Roma (Apic 27/11/2011) - Hôm thứ bảy, 26 tháng 11 năm 2011, Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI đã gặp gỡ các tham dự viên tham dự Hội Nghị Quốc Tế lần thứ 26 của Hội Ðồng Giáo Hoàng đặc trách về y tế.
Trong buổi tiếp kiến, nhắm đến việc chăm sóc các bệnh nhân, Ðức Thánh cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cổ võ sự sống trong mọi hoàn cảnh, vừa nhìn nhận phẩm vị và giá trị của mỗi người. Ngài cũng nhắc nhở rằng mầu nhiệm đau khổ xem ra làm lu mờ dung mạo Thiên Chúa, và quy trách cho Ngài những đau khổ của nhân loại. Do đó, chỉ những đôi mắt đức tin mới có khả năng nhìn vào chiều sâu của mầu nhiệm đau khổ. Từ đây, Ðức Thánh cha khuyến khích các tham dự viên đang tham dự hội nghị lần thứ 26 do Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách về y tế tổ chức rằng việc đồng hành với những anh chị em chúng ta đang đau khổ, cô đơn, bị thương tích không những trong thể xác mà còn trong tinh thần nữa, là một việc ưu tuyển để làm chứng cho Thiên Chúa, Ðấng luôn ban ơn cứu rỗi cho con người.

RVA.

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli thăm giáo xứ Lào Cai, giáo phận Hưng Hóa





Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli thăm giáo xứ Lào Cai, giáo phận Hưng Hóa

GIÁO PHẬN HƯNG HÓA (29.11.2011) – Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm giáo phận Hưng Hóa (từ 25 đến 28 tháng Mười Một 2011), ngày 27-11-2011, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh, đã tới thăm mục vụ giáo xứ Lào Cai. Cùng đi với Đức TGM, ngoài Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, cha thư ký riêng, cha thông dịch, quý cha Văn phòng Tòa Giám Mục, còn có quý cha liên giáo hạt Hà–Tuyên–Hùng và Lào Cai.

Sau một ngày thăm viếng và một đêm nghỉ ngơi tại giáo xứ Sapa, ngày 27-11 Đức TGM đi thăm giáo xứ Lào Cai. Giáo xứ Lào Cai thuộc thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, được thành lập từ năm 1912, là một giáo xứ trung tâm của vùng Tây Bắc. Mặc dù đã được tách ra làm 3 xứ nhưng số lượng giáo dân vẫn còn khá đông. Giáo dân ở đây không sống tập trung nhưng ở rải rác nhiều nơi.

Theo chương trình, đại diện giáo xứ Lào Cai đón Đức TGM và đoàn tại nhà thờ Sapa lúc 7g30. Đức TGM chào tạm biệt cha xứ, Hội đồng giáo xứ và giáo dân giáo xứ Sapa để đến Lào Cai. Đoạn đường từ Sapa về Lào Cai dài 37 km nhưng có tới 27 km là đường dốc và khó đi nên phải mất 1 tiếng đồng hồ đi bằng xe hơi.

Giáo xứ Lào Cai tập trung đón Đức TGM cách nhà xứ 10 km. Đoàn đón gồm xe máy, xe ôtô điện và xe hơi. Mọi người tay cầm cờ vàng trắng trên tay vẫy đi vẫy lại như muốn nói với Đức TGM: “Chúng con yêu mến Đức TGM Leopoldo Girelli, đại diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”.

Khi Đức TGM về cách nhà xứ 200m, đội kèn, đội trống và mọi thành phần dân Chúa đã tề tựu đông đủ để đón phái đoàn. Ai cũng vui vì tận mắt nhìn thấy vị đại diện của Tòa Thánh. Đức TGM ban phép lành cho mọi người với nụ cười rất tươi. Chắc ngài ngạc nhiên khi thấy tại một giáo xứ xa xôi như thế này mà có lại đông người như vậy!

Tất cả mọi người đều hướng về bàn thờ và cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, bởi ngài là người phải gánh trọng trách quá nặng nề.

Cha quản hạt Giuse Nguyễn Thái Hà, đại diện giáo hạt Lào Cai tặng hoa cho Đức TGM và có lời chào mừng. Những bông hoa vàng tươi thắm nói lên tấm lòng yêu mến và đơn sơ của người miền sơn cước.

Cha quản hạt chào mừng: “Trọng kính Đức Tổng, giáo xứ Lào Cai chúng con đón nhận Tin Mừng từ năm 1880 do các vị thừa sai Paris truyền giáo. Đến năm 1897 ngôi nhà thờ thứ nhất đã được xây cất nơi đây, nhưng vì chiến tranh nên đã bị tàn phá bình địa. Hơn nữa, từ năm 1947 đã thiếu vắng các linh mục coi sóc, đoàn chiên tan tác, giáo dân chạy đây đó sinh sống. Mãi tới năm 1999 Đức cha Gioan Maria của chúng con đây đã lên làm mục vụ, nhờ ơn Chúa thương cách lạ thường, ngài đã lo liệu xây dựng lại cho giáo xứ chúng con ngôi nhà thờ thứ hai này. Tạ ơn Chúa (Deo gratias)”.

Sau nghi thức chào mừng, Thánh lễ Chúa nhật I Mùa vọng bắt đầu. Đức TGM chủ tế, cùng đồng tế có Đức cha Gioan Maria và 16 cha. Tham dự Thánh lễ còn có quý thầy, quý dì và khá đông giáo dân đến từ các giáo xứ trong giáo hạt.

Trong bài giảng, Đức TGM nói: “Hôm nay chúng ta bước vào Mùa Vọng: Mùa chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa đến. Thánh Marcô miêu tả hình ảnh người canh cửa luôn tỉnh thức để chờ đón người Chủ trở về “bất chợt”. Đây là hình ảnh mà chúng ta cần bắt chước trong suốt mùa Vọng này. Người gác cổng luôn thức tỉnh để nhận biết và chào đón Chủ khi Người trở về. Người chủ nhà là Thiên Chúa. Đức tin biến đổi chúng ta thành những con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa và sẵn sàng đón rước Người”.

Sau Thánh lễ, Đức TGM ngỏ lời cám ơn cha xứ và mọi người đã tổ chức đón tiếp ngài cách long trọng. Ngài hi vọng có dịp trở lại để dâng lễ và gặp gỡ anh chị em tại giáo xứ Lào Cai. Mọi người vui mừng vì lần đầu tiên có vị đại diện của Đức Thánh Cha đến thăm Lào Cai. Sự hiện diện của Đức TGM Girelli như một thông điệp gửi đến toàn thể mọi người về sự hiệp thông sâu xa trong Giáo Hội. Hơn nữa, sự kiện này có thể khiến cho một số người Công giáo “thầm lặng” phải suy nghĩ lại về nguồn gốc của mình.

Sau bữa tiệc trưa, Đức TGM và đoàn tạm biệt Lào Cai để đến giáo xứ Hà Thạch gặp gỡ giáo dân và dâng Thánh lễ theo chương trình đã sắp xếp.


 
Ban Truyền Thông GP Hưng Hóa

Ðức Thánh Cha tiếp kiến thủ tướng Liban.

Ðức Thánh Cha tiếp kiến
thủ tướng Liban


Vatican (SD 28-11-2011) - Sáng hôm 28 tháng 11 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã tiếp kiến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liban, ông Niji Mikati. Sau đó ông đã hội kiến với Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Bertone, và ngoại trưởng Dominique Mamberti.
Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, trong các cuộc hội kiến thân mật, phía Tòa Thánh đã đề cao vai trò của Liban tại Trung Ðông cũng như trên bình diện quốc tế, cũng như ơn gọi của Liban công hiến một sứ điệp tự do và sống chung hòa hợp giữa các cộng đoàn Kitô và hồi giáo. Hai bên cũng hy vọng có sự ổn định hơn về chính trị, sự cộng tác tốt đẹp hơn và một cuộc đối thoại sâu xa hơn giữa các vị hữu trách của đời sống xã hội và quốc gia, để đương đầu hữu hiệu hơn đối với những thách độ trong và ngoài nước.
Các vị cũng nhắc đến vấn đề Trung Ðông và tình hình tế nhị tại Syrie: cần cấp thiết có sự dấn thân chung để bình định, dựa trên công lý, hòa giải, tôn trọng con người và các quyền của họ. Sau cùng, các vị nhấn mạnh vai trò mà các tín hữu Kitô có thể nắm giữ trong tiến trình như thế, trong tư cách là những người cổ võ hòa hợp và hòa bình mà miền này đang hết sức cần đến.
Trên đây là nội dung thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh. Cha Lombardi cũng cho biết thủ tướng Mikati đã chuyển lời tổng thống Michel Sleimane mời Ðức Thánh Cha đến viếng thăm Liban vào năm tới. Tuy nhiên, cha không xác nhận việc Ðức Thánh Cha có nhận được lời mời ấy vào mùa xuân năm 2012 hay không. Theo một số hãng tin quốc tế, trích thuật nguồn tin thông thạo tại Vatican, từ lâu đã có vấn đề Ðức Thánh Cha có thể đến Liban để công bố Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông hay không.
Thủ tướng Makati là một tín hữu Hồi giáo Sunnite. Ông đến Vatican với một phái đoàn gồm 18 người, trong đó có 13 người thuộc gia đình ông. (SD 28-11-2011)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Khóa họp toàn thể Hội đồng Tòa thánh về Gia đình.

Khóa họp toàn thể
Hội đồng Tòa thánh về Gia đình


Roma (Vat. 28/11/2011) - Hội đồng Tòa Thánh về gia đình sẽ tiến hành khóa họp toàn thể tại Roma từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 30 năm công bố Tông Huấn Familiaris consortio về đời sống gia đình và thành lập Hội đồng Tòa Thánh về gia đình.
Khóa họp được đặt dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Y Chủ tịch Ennio Antonelli, và cũng sẽ đặc biệt bàn về việc chuẩn bị Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới sẽ tiến hành tại Milano, bắc Italia, từ ngày 30 tháng 5 đến 3 tháng 6 năm 2012.
Trong số các thuyết trình viên tại khóa họp, có Ðức Hồng Y Dionigi Tettamanzi, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Milano, nói về đề tài "Gia đình cộng đồng được cứu độ và cộng đồng cứu độ để tái truyền giảng Tin Mừng. Linh đạo và trách nhiệm thừa sai dưới ánh sáng Tông Huấn Familiaris consortio".
Tại Ðại Hội cũng sẽ có phần tường trình về tình hình gia đình tại các châu lục trên thế giới. Trưa thứ năm, 1 tháng 12 năm 2011, các tham dự viên sẽ được Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tiếp kiến. Ban chiều cùng ngày Ðức Hồng Y Antonelli sẽ trình bày về đề tài "Những đường hướng của Tông Huấn Familiaris consortio và những nhu cầu mục vụ cấp thiết ngày nay".
Giới thiệu Hội nghị
Trong cuộc họp báo sáng ngày 25 tháng 11 năm 2011 để giới thiệu chương trình khóa họp toàn thể, Ðức Hồng Y Antonelli nhận xét rằng cả Tông Huấn về đời sống gia đình lẫn Hội đồng Tòa Thánh về gia đình đều là thành quả mối quan tâm của Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đối với gia đình. Vì thế, việc làm đầu tiên trong khóa họp này là Thánh Lễ do Ðức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cử hành tại Bàn thờ Ðức Cố Giáo Hoàng trong Ðền thờ Thánh Phêrô sáng thứ Ba, 29 tháng 11 năm 2011.
Về Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, Ðức Hồng Y Chủ tịch cho biết đang có sự tăng cường thông tin và tham gia tích cực của mọi thành phần trong Hội đồng, từ đoàn chủ tịch gồm 21 Hồng Y và 8 Giám Mục, cho tới 20 đôi vợ chồng thành viên do Ðức Thánh Cha bổ nhiệm và được chọn từ các nước, tiếp đến là gần 40 vị cố vấn, đa số là giáo dân, nhưng cũng có các Giám Mục, Linh Mục và tu sĩ. Ngoài ra có gần 10 viên chức của Hội đồng, tổng cộng tất cả là hơn 100 người. Trong viễn tượng này, ngoài các khóa họp toàn thể, còn có các cuộc tham khảo tại gia, ví dụ 2 cuốn cẩm nang gần đây do Hội đồng công bố; rồi các thành viên, 3 lần trong một năm, đều gửi về Hội đồng ở Roma những thông tin về đất nước của mình. Ðặc biệt trong khóa họp hiện nay có 2 cuộc thảo luận bàn tròn với 14 bài tham luận từ các vùng địa lý và văn hóa khác nhau.
Riêng về Tông Huấn Familiaris consortio, do Ðức Gioan Phaolô 2 công bố ngày 22 tháng 11 năm 1981, Ðức Hồng Y Antonelli nhấn mạnh một vài điểm trong Tông Huấn đặc biệt có tính chất thời sự ngày nay:
- trước tiên là chỗ đứng trung tâm của gia đình trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng và trong việc mục vụ ở các giáo xứ và giáo phận.
- tiếp đến là ơn gọi yêu thương của các đôi vợ chồng, được hiểu như một sự hiến thân cho nhau và như một sự hiệp thông, trong đó có bao gồm cả ước muốn hạnh phúc và cả sự thu hút về tính dục, với khả thể đạt được một niềm vui chân thành và lớn lao hơn, trái với quan niệm của một số người thường tố cáo rằng Giáo Hội có một quan niệm tiêu cực về tính dục.
- điểm thứ ba là sự giáo dục về việc nên thánh và hành trình từ từ hoán cải với lòng khiêm tốn và tín thác nơi lòng từ bi Chúa: đường lối sư phạm này đặt lên hàng đầu các ý nghĩa, giá trị và linh đạo, và coi các qui luật và giới cấm về luân lý xuống hàng thứ yếu.
- điểm thứ tư trong Tông Huấn là ơn gọi truyền giáo, qua đó gia đình sống, chiếu tỏa và biểu lộ tình yêu thương trong thế giới và sự hiện diện của Chúa Kitô; gia đình cần phản ánh vẻ đẹp sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, trở thành một dấu chỉ đáng tin cậy của Tin Mừng, phục vụ lẫn nhau, quảng đại sinh sản con cái trong tinh thần trách nhiệm, chăm sóc và giáo dục con cái, dấn thân làm việc, quan tâm đến người nghèo, cầu nguyện tại gia, tham dự thánh lễ và các hoạt động của giáo hội, dấn thân trong xã hội dân sự.
- điểm thứ năm là chính các gia đình được mời gọi làm việc mục vụ cho gia đình, nhất là trong việc giáo dục các thiếu niên và người trẻ, chuẩn bị hôn nhân, huấn luyện các đôi vợ chồng và cha mẹ khác, gần gũi những người ở trong tình cảnh khó khăn và những cặp sống trong tình trạng bất hợp lệ.
Tông Huấn về gia đình
Trong cuộc họp báo hôm 25 tháng 11 năm 2011, Ðức Cha Jean Laffitte, người Pháp, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, đã trình bày chi tiết về Tông Huấn Familiaris consortio, hậu thượng Hội Ðồng Giám Mục về gia đình.
Ngài nhận xét rằng cùng với Hiến Chế "Vui Mừng và Hy vọng" của Công đồng chung Vatican, Tông Huấn về gia đình chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn; Văn kiện nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp đỡ xã hội con người tái khám phá các giá trị đích thực của gia đình trong thời kỳ khủng hoảng về luân lý.
Trong phần thứ I Tông Huấn làm nổi bật những điểm sáng và điểm tối của gia đình: những điểm sáng như: càng ngày người ta càng ý thức mạnh mẽ về tự do cá nhân và chú ý nhiều hơn đến chất lượng quan hệ giữa con người với nhau trong hôn nhân, đến sự thăng tiến phẩm giá của phụ nữ, - những sự kiện đó nhiều khi mơ hồ, nhưng tự chúng là tích cực; tiếp đến có những bóng tối đang là một đe dọa đối với gia đình: Trong số nhiều dấu hiệu gây lo âu, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 nói đến những khó khăn cụ thể trong việc thông truyền các giá trị, số ly dị gia tăng, nạn phá thai, não trạng ngừa thai.
- Phần thứ II của Tông Huấn nói về ý định của Thiên Chúa đối với hôn nhân và gia đình: Ðức Gioan Phaolô 2 nhìn thấy trong gia đình một sự hiệp thông giữa con người với nhau, rồi ngài làm nổi bật mục đích của gia đình là để phục vụ sự sống, nghĩa là thông truyền sự sống và giáo dục con cái. Ðối với Ðức Cố Giáo Hoàng, không thể cứu xét gia đình mà lại tách rời nó khỏi tình yêu vợ chồng. Ðây có vẻ là một điều hiển nhiên, nhưng thực tế không phải như vậy: nhiều luật lệ dân sự ngày nay công nhận những hình thức gia đình khác với gia đình truyền thống, tách rời gia đình khỏi căn cội sâu xa nhất của nó, nghĩa là tình hiệp thông giữa một người nam và một người nữ được liên kết bằng một sự kết hợp bất khả phân lý.
Theo Tông huấn Familiaris consortio, gia đình có sứ mạng là xi măng của xã hội và tham gia vào sự phát triển xã hội. Ý niệm rất được Ðức Gioan Phaolô 2 quan tâm, đó là sự hiệp thông giữa con người với nhau. Ý niệm này chắc chắn là có bản chất triết học, nhưng được lấy lại về phương diện thần học. Tuy nhiên, sự hiệp thông giữa hai người nam nữ như thế chỉ đạt tới mức độ đầy đủ nếu nó cởi mở đối với một loại hiệp thông khác: đây là phần của Tông huấn nói về linh đạo và trình bày vai trò của gia đình trong mầu nhiệm Giáo Hội.
Một trong những điểm độc đáo của Tông huấn về đời sống gia đình đó là Văn kiện này coi định chế gia đình là một nơi suy tư cơ bản về xã hội. Gia đình tham gia vào việc phát triển xã hội, vì thế, không được phép làm biến thái bản chất gia đình. Gia đình có sự mạng làm cho xã hội được phong phú nhờ kinh nghiệm về mối giây hiệp thông và liên đới, khiến cho gia đình có khả năng hình thành một trật tự mới của thế giới (n.48).
Trong nhiều khía cạnh, Tông huấn Familiaris consortio là một văn kiện có tính chất ngôn sứ.
Chuẩn bị Ðại hội các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 7
Như vừa nói, trong khóa họp toàn thể từ hôm nay của Hội Ðồng Tòa Thánh về gia đình, có bàn về việc chuẩn bị Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới sẽ tiến hành tại Milano, bắc Italia, từ ngày 30 tháng 5 đến 3 tháng 6 năm 2012.
Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Milano đã công bố thư mục vụ về gia đình và dành trọn năm để mời gọi các tín hữu suy tư về đề tài gia đình, trong tương quan với công việc làm và ngày lễ. Toàn bộ giáo phận Milano gồm hơn 1 ngàn giáo xứ và 73 giáo hạt đang được động viên để thực hiện các buổi học giáo lý và bao nhiêu sinh hoạt khác, như hội thảo, điểm phim gặp gỡ về chủ đề gia đình, để Ðại hội các Gia đình Công Giáo này thực sự được sống như một biến cố của Giáo Hội.
Ngoài ra, có Tổ chức Gia đình 2012 đảm nhận công tác chuẩn bị kỹ thuật, đăng ký, đón tiếp các đại biểu và tín hữu đến tham dự, phối hợp hoạt động của những người thiện nguyện.
Tổ chức này cũng đang chuẩn bị sản xuất nhiều tài liệu thính thị để hỗ trợ cho việc giảng dạy giáo lý về hôn nhân và gia đình. Ngày 2 tháng 12 năm 2011 một cuốn sách sẽ được xuất bản tại Italia với tựa đề "Trong gia đình - phương tiện giao tác (Strumenti interattivi) để giảng dạy giáo lý nhân Ðại hội kỳ 7 các gia đình Công Giáo thế giới", sách này giúp đào sâu 10 bài giáo lý chuẩn bị cho Ðại hội vừa nói.
Trong cuộc họp báo hôm 25 tháng 11 năm 2011, Ông Bà Alfonso và Francesca Colzani đặc trách phân bộ gia đình của tòa Tổng Giám Mục Milano, và thuộc ban tổ chức cuộc gặp gỡ các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 7, cho biết cho đến nay đã có 400 người đăng ký tham dự Ðại hội, nhưng ban tổ chức mong đợi sẽ có hơn 5 ngàn người đến dự.
Chương trình của Hội nghị thần học mục vụ gia đình đã được xác định với 25 hoạt động vào ban chiều, tại nhiều nơi ở Milano và các thành phố lân cận.
Ban tổ chức cũng đã chọn địa điểm cho cuộc gặp gỡ tối thứ bẩy đại lễ chứng từ và thánh lễ bế mạc sáng chúa nhật 3 tháng 6 năm 2012 với Ðức Thánh Cha tại Công viên Bắc Milano cạnh phi trường Bresso.

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)