label

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

11 Tân Ðại Sứ trình quốc thư lên Ðức Thánh Cha.

11 Tân Ðại Sứ trình quốc thư
lên Ðức Thánh Cha


Vatican (SD 15-12-2011) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 kêu gọi các dân nước đừng coi sự lệ thuộc lẫn nhau như một đe dọa, nhưng như một lợi điểm, đồng thời ngài kêu gọi mang lại cho giới trẻ những nền tảng luân lý đạo đức cơ bản.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng ngày 15 tháng 12 năm 2011, dành cho các vị tân đại sứ của 11 nước cạnh Tòa Thánh, đến trình quốc thư. Ðó là các nước Trinidad y Tobago, Cộng hòa Guinea Bissau, Liên bang Thụy Sĩ, Burundi, Thái Lan, Pakistan, Mozambic, Kirghizstan, Andorra, Sri Lanka và Burkina Faso. Ðây là các vị đại sứ không thường trú ở Roma, nên theo thông lệ, Ðức Thánh Cha tiếp kiến chung theo nhóm.
Trong diễn văn chào mừng, Ðức Thánh Cha nhắc đến "sự đơn nhất của gia đình nhân loại ngày nay được sống như một sự kiện, nhờ các phương tiện truyền thông xã hội, giao thông dễ dàng, và các liên hệ thương mại, những thách đố trong việc bảo vệ môi sinh, và làn sóng di dân, khiến cho con người ngày càng hiểu mình có một vận mệnh chung. Ngoài các khía cạnh tích cực, ý thức ấy đôi khi bị coi như một gánh nặng, theo nghĩa nó nới rộng trách nhiệm của mỗi người.."
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng "Cái nhìn của nhân loại về chính mình phải được tiến triển để khám phá trong sự lệ thuộc hỗ tương không phải như một đe dọa, nhưng như một lợi điểm: con người có thể hoạt động chung với nhau và cho nhau. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau và điều quan trọng là có một ý niệm tích cực về tình liên đới. Nó là một đòn bẩy cụ thể cho sự phát triển con người toàn diện, giúp nhân loại tiến đến sự thành đạt của mình".
Cũng trong diễn văn chào mừng 11 vị tân đại sứ, Ðức Thánh Cha khuyến khích mỗi người trong nhân loại, "mỗi người theo mức độ trách nhiệm của mình, và đặc biệt là các vị cầm quyền cai quản, hãy tỏ ra có tinh thần sáng tạo, sử dụng và đầu tư các phương thế cần thiết để mang lại cho giới trẻ những nền tảng cơ bản về luân lý đạo đức, nhất là giúp người trẻ tự huấn luyện, và chiến đấu chống lại những tai ương xã hội như nạn thất nghiệp, ma túy, nạn tội phạm và sự không tôn trọng con người. Việc quan tâm lo lắng cho các thế hệ tương lai sẽ đưa tới một tiến bộ quan trọng trong nhận thức về sự hiệp nhất của nhân loại".
Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo trong nhân loại không làm cho trách nhiệm chung như thế bị ngăn cản và bế tắc. Ngài nói: "Sự đa nguyên văn hóa và tôn giáo không chống lại sự cùng nhau tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Ðược ánh sáng của Mạc Khải soi sáng và nâng đỡ, Giáo Hội khích lệ con người tin tưởng nơi lý trí, lý trí này, nếu được đức tin thanh tẩy, sẽ giúp con người mở rộng không gian của mình để đi vào một lãnh vực tìm kiếm khôn lường, như chính mầu nhiệm" (Diễn văn nhân dịp kỷ niệm 10 năm Thông điệp Fides et ratio, 16-10-2008).
Khác với những lần trước đây, khi tiếp kiến các vị đại sứ Tòa Thánh lần này, Ðức Thánh Cha không trao cho mỗi vị một diễn văn riêng về tình hình quốc gia liên hệ nữa, và cũng không có diễn văn của vị tân đại sứ.
Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, giải thích rằng thói quen trao đổi diễn văn như thế chỉ có từ thời Ðức Giáo Hoàng Phaolô 6 và trước đó không có, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt. Cũng cần để ý rằng vào cuối triều đại của Ðức Phaolô 6 chỉ có 90 vị đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh, nhưng nay con số ấy tăng gần gấp đôi với khoảng 180 vị.
Tại các nước khác trên thế giới thường không có thói quen trao đổi diễn văn khi trình quốc thư. Vì thế việc trao đổi diễn văn cho đến nay là một đặc điểm riêng của Tòa Thánh.
Ðiều thiết yếu là vị Tân Ðại Sứ đích thân trình thư ủy nhiệm lên vị Quốc trưởng hay Ðức Thánh Cha, và có thể đích thân gặp ngài, để được nhìn nhận và biết ngài.
Từ nay trở đi, Tòa Thánh dự kiến sẽ không còn sự trao đổi diễn văn khi vị tân đại sứ trình quốc thư lên Ðức Thánh Cha, để có sự đơn gian và phù hợp với thói quen ngoại giao hiện nay.
Cha Lombardi cũng cho biết dĩ nhiên cuộc gặp gỡ riêng của vị tân đại sứ thường trú ở Roma với Ðức Thánh Cha có thể dài hơn và diễn ra trong một buổi tiếp kiến riêng, chứ không phải trong một buổi tiếp kiến tập thể.
11 vị đại sứ mới được Ðức Thánh Cha tiếp kiến chung sáng ngày 15 tháng 12 năm 2011 là những vị thường trú tại Ðức, Pháp và Thụy sĩ nơi các vị cũng làm đại sứ tại quốc gia liên hệ. (SD 15-12-2011)

Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét