label

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Chính trị đà điểu: nhắm mắt trước đại họa.

Chính trị đà điểu
nhắm mắt trước đại họa


Durban, Nam Phi (Vat. 16/12/2011) - Trong các ngày từ 28 tháng 11 năm 2011 đến mùng 10 tháng 12 năm 2011 hội nghị quốc tế về các thay đổi khi hậu đã diễn ra tại Durban bên Nam Phi, với sự tham dự của phái đoàn hơn 190 quốc gia trên thế giới. Sau 12 ngày nhóm họp và thảo luận, hội nghị đã chấm dứt trong sự hỗn loạn và đã không đạt được sự thỏa thuận nào về tài liệu chung kết liên quan tới việc hạn chế số lượng thán khí thải vào trong không trung. Trước khi hội nghị kết thúc, ông Maite Nkoana Mashabane, ngoại trưởng Nam Phi, Chủ tịch Hội nghị, đã cảnh giác rằng "không đi tới một thỏa thuận về tài liệu chung kết sẽ là một bước thụt lùi không thể chịu đựng nổi đối với các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết việc hạn chế hâm nóng trái đất. Hệ thống đa phương rất giòn mỏng và sẽ không thể sống sót trước một cú sốc mới".
Vì có nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, ngoại trưởng Nam Phi đã gia hạn thêm 24 giờ đồng hồ để cho các phái đoàn thảo luận thêm.
Ông cũng tuyên bố rằng 4 tài liệu do hội nghị đưa ra là một giàn xếp không hoàn hảo, nhưng chúng phản ánh kết qủa của các năm thương thuyết các vấn đề về khí hậu do Liên Hiệp Quốc đề ra. Khoảng một trăm trang của tài liệu sẽ kéo dài sự sống của Thỏa hiệp Kyoto ký kết năm 1997, nhắm giảm số lượng thán khí thải vào không trung và áp dụng cho các nước kỹ nghệ phát triển. Ngoài ra, còn có một tài liệu tách riêng yêu cầu các quốc gia thải nhiều thán khí hơn như Trung Quốc và Ấn Ðộ, chấp nhận thi hành các đòi buộc liên quan tới sự ô nhiễm, trễ lắm là nội trong năm 2020.
Vào chiều ngày mùng 10 tháng 12 năm 2011 người ta đã không chắc chắn tài liệu chung kết có được hội nghị chấp nhận hay không. Bà Connie Hedegaard người Ðan Mạch, ủy viên Liên Hiệp Âu châu, đã đưa ra lời cảnh cáo cuối cùng các phái đoàn tham dự hội nghị, và lời tuyên bố của bà xem ra là một sự đầu hàng: "Nếu không có gì hơn những điều tôi đã thấy sáng nay, thì điều này có nghĩa là sẽ không có một thỏa thuận nào cả". Bên cạnh thỏa hiệp toàn diện do Liên Hiệp Âu châu đề nghị, có việc gia hạn thỏa hiệp Kyoto cho tới năm 2015, nhưng chỉ có hiệu lực từ năm 2020 trở đi.
Ngoài ra còn có việc đề nghị thành lập một "Ngân qũy xanh" về khí hậu để phân phát 100 tỷ mỹ kim hàng năm cho các nước nghèo nhất từ nay cho tới năm 2020, để giúp các nước này thích ứng với các thay đổi khí hậu, nhưng lại không nói rõ kiểu phân phát như thế nào. Tất cả đều là những chuyện mơ hồ "trời ơi đất hỡi", trong khi đó thì nhiều phái đoàn đã sẵn sàng hành lý để ra phi trường lấy máy bay trở về nước, vì không thể nán lại để tham dự phiên họp khoáng đại cuối cùng.
Thật ra, trước khi hội nghị bắt đầu, đựa trên các kinh nghiệm qúa khứ, đặc biệt là sự thất bại thê thảm của hội nghị Kopenhagen, người ta đã không lạc quan chờ đợi sự thành công nào tại Durban. Trong các hội nghị môi sinh từ đầu cho tới nay Hoa Kỳ là quốc gia thải nhiều thán khí vào khí quyển nhất thế giới vẫn luôn luôn từ chối ký nhận các thỏa hiệp, kể cả thỏa hiệp Kyoto. Giờ đây cùng với Hoa Kỳ lại còn thêm Trung Quốc và Ấn Ðộ, là ba nước khổng lồ thải vào không trung gần phân nửa thán khí toàn thế giới. Và cả ba nước nhất định không chấp nhận giảm số lượng thán khí thải vào khí quyển, lấy cớ là không thể để cho nền kinh tế của mình bị thiệt thòi.
Ðề nghị của Liên Hiệp Âu châu đã được các nước quần đảo đại dương châu nhiệt liệt ủng hộ, nhưng vẫn không mạnh đủ, mặc dù có cả sự yểm trợ của Brasil và Nam Phi, là các quốc gia có nền kinh tế đang lên. Sở dĩ các quốc gia quần đảo đã nhiệt liệt ủng hộ đề nghị giải pháp thỏa hiệp toàn diện với các đòi buộc pháp luật quốc tế, vì nếu không ngăn chặn hiện tượng hâm nóng trái đất, thì đá băng bắc cực sẽ tan chảy, mực nước đại dương sẽ dâng cao, và các quốc gia này sẽ có nguy cơ bị ngập lụt, mất đi nhiều phần đất là các đảo của mình, hay tệ hại hơn là sẽ biến mất khỏi bản đồ thế giới.
Các quốc gia nghèo khác cũng ủng hộ đề nghị của Liên Hiệp Âu châu vì họ thuộc khối các nước thải ít thán khí vào khí quyển nhất, nhưng lại phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất vì các tai ương thiên nhiên như: bão tố, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, đói kém, như đã và đang xảy ra ngày càng thường xuyên và nặng nề hơn trong các năm qua.
Chẳng nói nhưng cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa thì ba nước Nhật, Nga và Canada thuộc khối G8 mau chóng xuống khỏi chuyến xe lửa môi sinh. Trong khi Trung Quốc và Ấn Ðộ cũng cảm thấy mình bị cô lập giữa các quốc gia đang trên đường phát triển. Còn Hoa Kỳ thì trước sau như một, vẫn khăng khăng bảo vệ nền kinh tế của mình, không giảm lượng thán khí thải vào không trung, và lại càng khước từ đề nghị giải pháp toàn bộ có bắt buộc pháp lý của Liên Hiệp Âu châu. Ðể tự bào chữa cho mình, Hoa Kỳ tuyên bố là tiếng không của mình tùy thuộc vấn đề lịch trình thời gian. Và đối với Hoa Kỳ, năm 2020 là chân trời thời gian có lý để đạt một thỏa hiệp mạnh mẽ về môi sinh. Ðể cho hội nghị Durban khỏi phải thất bại thê thảm như hội nghị Kopenhangen, Nam Phi đã đề nghị kéo dài thỏa hiệp Kyoto cho tới năm 2015.
Trong các bài phát biểu mọi phái đoàn tham dự hội nghị đều ghi nhận và báo động các đại họa thiên nhiên, hậu qủa của nạn hâm nóng trái đất, nhưng khi phải hy sinh các lợi lộc kinh tế, thì các cường quốc cũ cũng như mới đều "lắc đầu nguây nguẩy" và quyết thực thi đường lối chính trị đà điểu, dấu đầu trong cát, nhắm mắt trước các đại họa. Thật rõ tiếc cho các đại hội quốc tế rầm rộ, nhưng chỉ tốn tiền vô ích!

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét