label

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Ðức Thánh Cha viếng thăm Giáo xứ Ðức Mẹ Ân Phúc và chủ sự Kinh Truyền Tin.

Ðức Thánh Cha viếng thăm
Giáo xứ và chủ sự Kinh Truyền Tin


Roma (Vat. 11/12/2011) - Chúa nhật 11 tháng 12 năm 2011, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã viếng thăm 1 giáo xứ ở Roma và chủ sự Kinh Truyền tin với các tín hữu: ngài mời gọi các tín hữu tích cực chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Cứu Thế Giáng Sinh.
Khác với vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2, người đã viếng thăm hơn 300 trên tổng số 330 xứ đạo thuộc giáo phận Roma trong 27 năm làm Giám Mục tại đây, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 chỉ viếng thăm 2 xứ đạo mỗi năm: một vào mùa vọng và một vào mùa chay.
Trong kế hoạch ấy, sáng Chúa nhật 11 tháng 12 năm 2011, ngài đã viếng thăm Giáo Xứ Ðức Mẹ Ân Phúc ở khu vực Casal Boccone, mạn đông bắc gần xa lộ vòng đai của Roma. Ðây là một giáo xứ được thành lập cách đây 27 năm (1985) với nhiều gia đình trẻ và các khu nhà mới, nhà thờ mới được thánh hiến hồi đầu tháng 5 năm 2010 cùng với toàn bộ khu vực nhà xứ và trung tâm sinh hoạt rộng 17 ngàn mét vuông, trong đó có 650 mét vuông dành cho nơi cử hành phụng vụ. Trung tâm giáo xứ mới mẻ này dùng năng lượng mặt trời không những cho các ngọn đèn điện, nhưng còn dùng để sản xuất nước nóng và sưởi, cũng như điều hòa không khí.
Ðến nơi vào lúc gần 9 giờ rưỡi, Ðức Thánh Cha đã được Ðức Hồng Y Giám quản Vallini, Ðức Cha phụ tá khu vực và cha sở tiếp đón. Ngài chào thăm các trẻ em học sinh tiểu học cùng với các phụ huynh và nói:
"Chúng ta biết rằng Giáng Sinh đến gần: chúng ta hãy chuẩn bị, không những quà cáp, nhưng cả tâm hồn chúng ta nữa. Chúng ta hãy nghĩ rằng Ðức Kitô là Chúa chúng ta, đang gần gũi chúng ta, Người đi vào cuộc sống chúng ta và ban cho chúng ta ánh sáng và vui mừng. Thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Tessalonica hôm nay: "Anh chị em hãy cầu nguyện không ngừng". Dĩ nhiên, thánh nhân không muốn nói là chúng ta phải luôn đọc kinh, nhưng Ngài muốn nói chúng ta không được đánh mất sự tiếp xúc với Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Nếu có sự tiếp xúc này, thì có niềm vui mừng. Tôi chúc mừng tất cả anh chị em niềm vui Giáng Sinh và tất cả niềm vui sự hiện diện của Chúa Hài Ðồng Giêsu là Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta!"
Tiếp đó, vào lúc 9 giờ 45, Ðức Thánh Cha bắt đầu thánh lễ Chúa nhật thứ 3 mùa vọng, cùng với Ðức Hồng Y Giám quản, Ðức Cha phụ tá và một số linh mục. Nhà thờ chỉ có lối 500 chỗ, nên hàng trăm tín hữu khác đã tham dự thánh lễ ở bên ngoài, qua loa phóng thanh.
Bài giảng thánh lễ
Trong bài giảng, ÐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng nói về thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng trong hoang địa và mời gọi các tín hữu trở thành những chứng nhân ánh sáng và niềm vui của Chúa. Ðức Thánh Cha nói:
"Gioan rút lui vào hoang địa để sống một cuộc sống rất khổ hạnh và, qua cuộc sống của ngài, ngài mời gọi dân chúng hoán cải; ngài làm phép rửa trong nước, một nghi thức thống hối đặc biệt, khác với nhiều nghi thức thanh tẩy bên ngoài của các giáo phái thời đó. Vậy người ấy là ai? Gioan Tẩy giả là ai? Câu trả lời của thánh nhân thật là khiêm tốn lạ thường, ngài không phải là Ðức Messia, không phải là ánh sáng. Không phải là Elia trở lại trái đất, cũng không phải là một vị đại ngôn sứ đang được chờ đợi. Ngài là vị tiền hô, một chứng nhân, hoàn toàn tùng phục Ðấng mà ngài rao giảng, ngài là một tiếng kêu trong hoang địa, cũng như ngày nay trong hoang địa của các thành phố lớn trên thế giới, có sự vắng bóng Thiên Chúa, chúng ta cũng cần những tiếng nói loan báo cho chúng ta rằng:
"Thiên Chúa hiện hữu, Chúa luôn ở gần kề, cả khi Chúa có vẻ vắng bóng". Gioan là một tiếng kêu trong hoang địa, là một chứng nhân của ánh sáng. Ðó chính là sứ mạng của Mùa Vọng: tức là trở thành những chứng nhân của ánh sáng và chúng ta chỉ có thể là chứng nhân như vậy nếu chúng ta mang ánh sáng trong mình, nếu chúng ta không những xác tín là có ánh sáng, nhưng cả chúng ta cũng thấy một chút ánh sáng. Và trong Giáo Hội, trong Lời Chúa, chúng ta cử hành các bí tích, trong bí tích giải tội, với sự tha thứ mà chúng ta nhận lãnh, trong việc cử hành Thánh Lễ qua đó Chúa hiến mình trong tay và trong tâm hồn chúng ta, chúng ta chạm đến ánh sáng và nhận lãnh sứ mạng này là trở thành những chứng nhân, chứng tỏ có ánh sáng và mang ánh sáng vào trong thời đại chúng ta".
Tiếp tục bài giảng, ÐTC bày tỏ vui mừng vì được đến viếng thăm giáo xứ Ðức Mẹ Ân Phúc trong ngày Chúa nhật vui mừng. Ngài chào thăm Ðức Hồng Y Giám quản, Ðức Cha Phụ tá khu vực, cha sở, các Linh Mục, nữ tu và tất cả mọi tín hữu trong giáo xứ, một cộng đoàn trẻ trung, gồm các gia đình trẻ mới đến định cư tại đây. Ðức Thánh Cha nói thêm rằng:
"Khi đến giữa anh chị em tôi không thể không biết rằng trong lãnh thổ giáo xứ này có một thách đố lớn do các nhóm tôn giáo tự nhận mình nắm giữ chân lý Phúc Âm. Về điểm này, tôi thấy có nhiệm vụ nhắc nhở anh chị em hãy cảnh giác và đào sâu những lý do tại sao mình tin, và đào sâu sứ điệp Kitô, để anh chị em có thể thông truyền truyền thống ngàn đời của Giáo Hội, với một sự bảo đảm chân thực. Anh chị em hãy tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng qua việc huấn giáo, và thông tin chính xác về những gì Giáo hội Công Giáo tin và rao giảng; hãy đề nghị rõ ràng chân lý đức tin Kitô, và như thánh Phêrô đã nói, anh chị em hãy sẵn sàng trả lời cho những người hỏi lý do tại sao anh chị em hy vọng (Xc 1 Pr 3,15), hãy sống một ngôn ngữ dễ hiểu đối với mọi người, ngôn ngữ tình thương và tình huynh đệ, nhưng không quên dấn thân thanh tẩy và củng cố chính niềm tin của mình đứng trước những nguy hiểm và cạm bẫy đe dọa đức tin trong thời đại ngày nay. Hãy vượt qua những giới hạn của chủ nghĩa cá nhân, thái độ co cụm vào mình, hãy vượt thắng sự thu hút của chủ thuyết duy tương đối, vốn cho rằng mọi lối cư xử đều là hợp pháp; hãy vượt thắng sự thu hút của những hình thức tình cảm tôn giáo khai thác những nhu cầu và khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người, qua những đề nghị viễn tượng thỏa mãn dễ dàng, nhưng chỉ là ảo ảnh. Ðức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng cũng đòi sự đáp trả của chúng ta, đòi quyết định theo Chúa Kitô, không những khi ngài chữa lành và nâng lên, nhưng cả khi ngài nói về sự yêu thương đến độ hiến thân mình".
Sau cùng, Ðức Thánh Cha kêu gọi cộng đoàn giáo xứ Ðức Mẹ Ân Phúc đặc biệt quan tâm đến những người ở trong tình cảnh khó khăn đang cần được giúp đỡ về mặt vật chất, nhưng cả về mặt đức tin và chứng tá của tín hữu. Ngài nói: "Anh chị em hãy làm sao để khuôn mặt cộng đoàn của anh chị em luôn có thể biểu lộ cụ thể tình thương của Thiên Chúa đầy lòng từ bi và mời ta đến cùng ngài với niềm tín thác".
Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 15. Sau khi ban phép lành, Ðức Thánh Cha đã giã từ giáo xứ Ðức Mẹ Ân Phúc để trở về Vatican, chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Kinh Truyền Tin
Theo truyền thống từ lâu đời, cứ mỗi trưa chúa nhật thứ 3 mùa vọng, các em bé ở Roma thường mang tượng Chúa Hài Ðồng đến đây xin Ðức Thánh Cha làm phép để các em đặt vào hang đá máng cỏ trong gia đình các em. Năm nay có hơn 5 ngàn người gồm các trẻ em và các phụ huynh tháp tùng đến dự buổi đọc kinh truyền tin và xin ÐTC làm phép tượng. Trước đó, họ đã tham dự thánh lễ tại Ðền thờ Thánh Phêrô vào lúc 10 giờ do Ðức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản Ðền thờ, chủ sự.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, sau khi quảng diễn ý nghĩa mùa vọng nói chung, Ðức Thánh Cha nói:
"Ðặc biệt phụng vụ chúa nhật hôm nay, gọi là "Gaudete" Hãy vui lên, mời gọi chúng ta hãy vui mừng, tỉnh thức nhưng không buồn rầu, trái lại vui tươi. "Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa - như thánh Phaolô đã viết (Ph 4,4)-. Niềm vui chân thực không phải là kết quả sự vui chơi giải trí, hiểu theo nguyên ngữ của từ di-vertere, nghĩa là xuất khỏi những nghĩa vụ của cuộc sống, khỏi những trách nhiệm của mình. Niềm vui đích thực gắn liền với một cái gì sâu xa hơn. Dĩ nhiên, trong nhịp sống thường nhật, nhiều khi ồ ạt, điều quan trọng là có thời gian nghỉ ngơi, thư giản, nhưng niềm vui chân thực gắn liền với quan hệ cùng Thiên Chúa. Ai đã gặp Chúa Kitô trong cuộc sống của mình, thì cảm nghiệm trong tâm hồn sự thanh thản và niềm vui mà không một ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tước mất. Thánh Augustinô đã hiểu điều đó rất rõ. Trong cuộc tìm kiếm của ngài đối với chân lý, an bình và vui mừng, sau khi đã kiếm tìm trong nhiều sự mà không có kết quả, thánh nhân đã kết luận với câu thời danh rằng tâm hồn bất an của con người chỉ tìm được thanh thản và an bình cho đến khi được an nghỉ trong Chúa (Xc Le Confessioni, I,1,1). Niềm vui đích thực không phải chỉ là một tâm trạng chóng qua, cũng chẳng phải là điều ta đạt tới bằng sức riêng của mình, nhưng là một hồng ân, nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với con người sinh động của Chúa Giêsu, từ sự kiện ta dành chỗ trong chúng ta cho Chúa, đón nhận Thánh Linh hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Ðó là lời mời gọi của thánh Phaolô Tông Ðồ: "Xin Thiên Chúa an bình thánh hóa anh chị em hoàn toàn, và trọn con người, tinh thần, linh hồn và thân xác anh chị em, trở nên không có gì đáng trách để đón Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đến" (1 Ts 5,23). Trong mùa vọng này, chúng ta hãy củng cố xác tín Chúa đã đến giữa chúng ta và tiếp tục đổi mới sự hiện diện an ủi, yêu thương và vui mừng của Ngài. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa; như thánh Augustinô cũng đã quả quyết, do kinh nghiệm của ngài: Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình" (Le Confessioni, III, 6,11).
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng "chúng ta hãy phó thác hành trình của chúng ta cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Ðấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành.
Sau phép lành, Ðức Thánh Cha đặc biệt chào thăm các trẻ em Roma đến để xin ngài làm phép các tượng Chúa Hài đồng, do trung tâm các Khánh nhạc viện Roma tổ chức. Ngài nhắn nhủ rằng: "Các con thân mến, khi các con cầu nguyện trước hang đá máng cỏ, các con cũng hãy nhớ đến Cha, như Cha nhớ đến các con! Cha cám ơn các con và chúc mừng các con lễ Giáng Sinh tốt đẹp".
Ðức Thánh Cha cũng chào thăm các đại diện của Phong trào bảo vệ sự sống từ nhiều nước Âu Châu đến đây nhân dịp trao tặng giải thưởng Mẹ Terêsa Calcutta, được thiết lập để tưởng niệm chị Chiara Lubich. Ngài nói "Các bạn thân mến, nhân kỷ niệm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, chúng ta hãy nhớ rằng quyền đầu tiên trong các quyền là quyền sống. Tôi cầu chúc cho hoạt động của anh chị em được mọi sự tốt lành".

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét