Tòa Thánh đề nghị thiết lập “Ngày thế giới chống bách hại và phân biệt đối xử các Kitô hữu”
WHĐ/VIS (8.12.2011) – Hôm thứ Hai 6-12, tại Vilnius, thủ đô nước Cộng hòa Litva, Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh, đã phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng của OSCE (Organization for Security and Co-operation in Europe – Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) lần thứ 18, khi đề cập việc giải quyết vấn đề di dân là mối quan tâm hàng đầu của Tòa Thánh trong bối cảnh khủng hoảng thế giới hiện nay.
Trong bài phát biểu của mình, Đức TGM Mamberti nhấn mạnh sự đồng thuận ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, chú ý nhiều hơn đến những người di cư, đặc biệt là đoàn tụ gia đình.
Đức TGM nói: “Gia đình giữ vai trò nền tảng trong quá trình hội nhập, giúp những di dân có thể sống ổn định khi bước vào một xã hội hoàn toàn mới mẻ… Những di dân khi nhận biết quyền lợi của mình, sẽ tự tin phục vụ xã hội mới, đồng thời cộng đồng xã hội tiếp nhận di dân nếu có sự hiểu biết và tôn trọng những quyền này, sẽ được tự do hơn trong việc thể hiện sự liên đới, cùng hướng đến tương lai”.
Sau đó Đức TGM Mamberti nhắc lại sự cam kết của OSCE nhằm bảo vệ những quyền tự do căn bản, nhất là tự do tôn giáo. Ngài nhấn mạnh: “Dù cộng đồng quốc tế không ngừng khẳng định quyền tự do tôn giáo, như hiến pháp của hầu hết các nước đã thừa nhận, nhưng quyền này vẫn bị vi phạm rất phổ biến”.
Đức TGM nhắc lại, trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình thế giới năm vừa qua, ĐTC Bênêđictô XVI đã lưu ý: Kitô hữu là những người bị bách hại nhiều nhất: “Hiện có hơn 200 triệu Kitô hữu thuộc các Giáo Hội khác nhau đang gặp khó khăn, bị phân biệt đối xử vì niềm tin của mình do những cơ cấu luật pháp và văn hóa đối nghịch”.
Vì thế, vị đại diện Tòa Thánh đã đề nghị thiết lập Ngày thế giới chống bách hại và phân biệt đối xử các Kitô hữu, nhằm thể hiện ý chí của các chính phủ thực sự muốn giải quyết vấn đề nghiêm trong này.
Cuối cùng, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Mamberti nêu vấn đề tệ nạn buôn người, đặc biệt buôn bán phụ nữ và trẻ em, nhằm mục đích khai thác (lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục và làm đày tớ trong các gia đình), đã trở thành một thị trường tấp nập trên thế giới. Nhiều nước đã tham gia thị trường này, cho phép quá cảnh, đưa người đi, trung chuyển, nhận người đến.
Đức TGM lưu ý hội nghị: “Nhằm đấu tranh chống nạn dịch này có hiệu quả và được cụ thể hơn, cần dồn mọi nỗ lực hướng vào phẩm giá của mọi người, thẳng tay dẹp hết những kẻ buôn người, đấu tranh chống tham những…, đồng thời cũng phải đưa những thông tin chính xác về các thiệt hại”.
(VIS, 7-12-2011)
PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét