label

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Bài chào mừng Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli của Linh mục Tổng Ðại Diện Tổng Giáo Phận Sàigòn.

Bài chào mừng
Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli
của Linh mục Tổng Ðại Diện
Tổng Giáo Phận Sàigòn

Saigòn, Việt Nam (13/06/2011) - Bài chào mừng Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli của Linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Công Minh, Tổng Ðại Diện Tổng Giáo Phận Sàigòn tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sàigòn:


Trọng kính Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Ðại Diện không thường trú của Ðức Thánh Cha Bênêđitô 16 tại Việt Nam, vô cùng quí mến,

Sáng hôm nay, được phép của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Tổng Giám Mục, linh mục đoàn Tổng Giáo Phận Sàigòn vô cùng hân hoan tề tựu về đây để biểu lộ tâm tình với vị Ðại Diện của Người Cha Chung của Giáo Hội toàn cầu dưới trần thế này, và thông qua Ngài, kính trình Ðức Tổng Giám Mục, linh mục đoàn chúng con xin được hiệp thông với toàn thể Cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam kính cẩn dâng lên Ðức Thánh Cha Bênêđitô 16 lòng hiếu thảo sâu đậm và tâm tình biết ơn tràn đầy.

Thực vậy, điều mà linh mục đoàn chúng con, cũng như mọi thành viên của đại gia đình của Chúa là Cha giầu lòng thương xót tại Việt Nam, đã từ bao năm tháng dài khao khát chờ mong, thì nay, nhờ ơn Chúa, đã bước đầu trở thành hiện thực: Ðức Thánh Cha Bêneđitô thứ 16, Vị Cha Chung của Hội Thánh Chúa Kitô lữ hành dưới trần thế, đã bổ nhiệm được Vị Ðại Diện của Ngài ở bên cạnh Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam thân yêu, một đất nước cách xa Vatican hằng vạn dậm. Sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Ngài, kính thưa Ðức Tổng Giám Mục Leopoldo khả ái, chúng con cảm nhận được sự gần gũi tràn đầy yêu thương của Ðức Thánh Cha Bênêđitô thứ 16. Giác quan chúng con cảm nhận được nhiều hơn mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh Chúa Kitô, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay của Dân Tộc và Ðất Nước thân yêu của chúng con, cũng như hoàn cảnh của Hội Thánh Chúa Kitô tại đây.

Thực vậy, trước làn sóng áp đảo khủng khiếp của nền văn minh sự chết, mà Chân Phước Gioan Phaolô II đã từng cảnh báo cho toàn thế giới, Dân Tộc và Quê Hương Việt Nam chúng con bị đe doạ gấp nhiều lần hơn các nơi khác, bởi lẽ xã hội Việt Nam đột ngột mở cửa hội nhập, trong lúc trước đó là một xã hội hoàn toàn khép kín từ rất nhiều thập kỷ. Những con rồng Ðông Nam Á đã tung cánh từ thời hoà bình đã được vãn hồi trên đất nước Việt Nam thống nhất (năm 1975), cơ hội ngàn vàng để Dân Tộc này, Ðất Nước này trở thành rồng, thành hổ như láng giềng của mình. Nhưng cơ hội này đã bị bỏ lỡ một cách thảm hại, bởi lẽ không chỉ bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng, mà còn tự cô lập mình suốt mấy thập kỷ nữa. Và hiện nay, sát nách mình không phải là một con rồng mà là một đại khủng long, đang làm cho cả thế giới khiếp sợ. Thực tế là: nước láng giềng khổng lồ và hùng mạnh, cả về kinh tế, tài chánh lẫn về quân sự đang ngang nhiên xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia Việt Nam, mặc dù Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã liên tục cực lực tố cáo. Về kinh tế, thương mại, đại cường quốc láng giềng này cũng ung dung tuồn hàng hoá chất lượng kém, giá cả rẻ bèo qua ngõ biên giới mênh mông phía Bắc Việt Nam, làm đảo điên nền kinh tế Việt Nam. Chính quyền Trung Quốc từ nhiều năm nay đã tuyên truyền cho nhân dân của họ rằng Việt Nam là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, đến mức các linh mục, tu sĩ Công Giáo Trung Quốc đang du học tại Châu Âu, thậm chí tại Roma, cũng tin rằng Việt Nam là lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh cụ thể của thế giới và đặc biệt của Việt Nam, thiết lập quan hệ ngoại giao Vatican-ViệtNam quả là một niềm hy vọng rất lớn, không chỉ cho Hội Thánh tại Việt Nam, mà còn cho cả Dân Tộc và Ðất Nước Việt Nam, bởi lẽ Hội Thánh Chúa Kitô mà vị đứng đầu ở trần gian hiện nay là Ðức Thánh Cha Bênêđitô 16: Ngài là Ánh sáng cho toàn thể thế giới đang bị nền văn minh sự chết thống trị mà không chút hy vọng thoát ra được... Có thể nói được là mọi người thiện chí trên thế giới đều hướng về Ðức Thánh Cha Bênêđitô 16, bởi lẽ Ánh sáng và Hy vọng Ngài mang đến không phải là của Ngài, do Ngài mà là Ánh sáng của Thiên Chúa, Ánh sáng chân thật vì là Ánh sáng của Thiên Chúa Tình Yêu.

Phải chăng đường hướng mà Ðức Thánh Cha Bênêđitô 16 đang đi là Ngài tiếp nối đường hướng của các vị tiền nhiệm, khởi đi từ Chân Phước Gioan 23 với lời Di chúc từ giường bệnh chuẩn bị lìa trần về với Chúa: "Hôm nay hơn bao giờ hết và chắc chắn hơn những thế kỷ vừa qua, chúng ta được mời gọi để phục vụ con người xét như là con người, chứ không phải chỉ phục vụ người Công giáo, trong tương quan với nhân quyền, chứ không phải chỉ cho quyền lợi của Giáo Hội Công Giáo mà thôi".

Trân trọng kính chào Ðức Tổng Giám Mục


Lm. G.B. Huỳnh Công Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét