label

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Nhạc phụng vụ phải vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu


Giáo hoàng Học viện về Thánh nhạc

Nhạc phụng vụ phải vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu
WHĐ (1.06.2011) – Hôm qua Tòa Thánh công bố Thư của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Đức Hồng y Zenon Grocholewski, Viện trưởng Giáo hoàng Học viện về Thánh nhạc nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Học viện. Trước đó, vào ngày 26-05, bức thư đã được tuyên đọc tại Học viện.
Trong thư, Đức Thánh Cha nhắc lại, Đức Piô X đã thiết lập Trường Cao cấp Thánh nhạc, và 20 năm sau, Đức Piô XI nâng thành Giáo hoàng Học viện, nhằm khẳng định Học viện có một trọng trách riêng.
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại, Học viện ra đời 8 năm sau khi Đức Piô X ban hành Tự sắc Tra Le Sollecitudini ngày 22-11-1903. Tự sắc ấn định cuộc cải tổ sâu rộng nền âm nhạc của Giáo Hội phải được tiến hành trong truyền thống, không được chịu ảnh hưởng của nhạc đời: “Sự can thiệp của Huấn quyền đã đem lại cho Giáo Hội một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy theo đúng ý của Đức Giáo hoàng muốn nền thánh nhạc phải trở về với nhạc bình ca truyền thống. Trong 100 năm hoạt động vừa qua, Học viện đã tiếp thu, vận dụng, chuyển đạt các huấn thị về âm nhạc của Tòa Thánh và của Công đồng Vatican II, nhằm soi sáng các nhà viết nhạc phụng vụ, các ca trưởng, chuyên viên phụng vụ, nhạc công và các giảng viên thánh nhạc”.
Đức Thánh Cha nêu rõ, tiếp nối Đức Piô X, Giáo Hội đã tiếp tục đưa ra các huấn thị mang tính kế thừa, phát triển tự nhiên về lĩnh vực thánh nhạc. Dưới ánh sáng của Hiến chế Sacrosanctum Concilium, Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II đã tiếp tục khẳng định mục đích của thánh nhạc là vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu.
Đức Thánh Cha viết: “Chuẩn mực căn bản của thánh nhạc là tôn trọng truyền thống của Giáo Hội, ý nghĩa của việc cầu nguyện, sự trang nghiêm và vẻ đẹp, giữ đúng các bản văn và trình tự của phụng vụ, sự tham gia của cộng đoàn, việc tiếp nhận các nét văn hóa riêng biệt một cách hợp lệ và tôn trọng ngôn ngữ thể hiện chung, ưu tiên tham chiếu nhạc bình ca, chú ý làm nổi bật các hình thức diễn tả đa dạng trong di sản văn hóa của Hội Thánh, nhạc đa âm và hợp xướng… Luôn luôn phải tự hỏi ai là chủ thể thực sự của phụng vụ? Câu trả lời chỉ có thể là Giáo Hội. Đó không phải là một tập hợp riêng biệt đang cử hành, mà chính là Chúa đang hành động trong Giáo Hội, làm nên lịch sử, truyền thống và sức sáng tạo của Giáo Hội. Phụng vụ và thánh nhạc sống mối tương quan bền chặt giữa truyền thống và sự phát triển đích thực, cả hai thống nhất với nhau. Như các nghị phụ Công đồng đã nêu rõ, truyền thống là một thực tại luôn sống động và hàm chứa nguyên lý của phát triển và tiến bộ”.
(Theo VIS)

 
PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét