Đôi nét về chuyến viếng thăm giáo phận Bùi Chu
của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli
Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam
từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 6 năm 2011
GP BÙI CHU – Trong chuyến viếng thăm lần thứ hai để thi hành sứ vụ của vị đại diện Toà Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đã đến viếng thăm giáo phận Bùi Chu từ ngày 12 – 14/6/2011. Đây là chuyến viếng thăm nói lên sự chăm sóc mục tử của Toà Thánh đối với giáo phận Bùi Chu kể từ ngày được nâng lên thành giáo phận chính toà vào năm 1960.
Trước đây vào ngày 4/7/1989, lần đầu tiên giáo phận Chính toà Bùi Chu đã được đón tiếp Đức hồng y Roger Etchegaray, đại diện Đức Thánh Cha về thăm giáo phận. Sau chuyến viếng thăm rất đáng ghi nhớ này, giáo phận còn được đón tiếp phái đoàn Toà Thánh gồm Đức ông Celestino Migliore và Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương về thăm vào ngày 14/10/2002. Tiếp theo, vào các ngày 20-21/2/2009, phái đoàn Toà Thánh gồm Đức ông Pietro Parolin, Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương và Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung sang thăm gặp gỡ các linh mục tu sĩ và dâng thánh lễ đồng tế với sự hiện diện đông đảo của giáo dân tại nhà thờ Chính Toà Bùi Chu.
Lần viếng thăm này của vị đại diện Toà Thánh bắt đầu đúng ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 12 tháng 6 năm 2011 mang đến một sức sống mới cho giáo phận. Chương trình cuộc thăm viếng như sau:
– Chúa Nhật, 12 tháng 6 năm 2011:
08g00: Đón Đức TGM từ TGM Hải Phòng
11g00: Về Tòa giám mục Bùi Chu
14g30: Gặp gỡ giới tu sĩ trong giáo phận
16g00: Gặp gỡ các chủng sinh
17g15: Thánh lễ tại nhà nguyện Tòa giám mục
19g00: Văn nghệ chào mừng
– Thứ Hai, 13 tháng 6 năm 2011:
08g00: Gặp gỡ các linh mục
09g30: Thánh lễ trọng thể tại nhà thờ Chính Toà
14g30: Thăm Vương cung Thánh đường Phú Nhai
16g00: Thăm Đền thánh Kiên Lao, thăm Nhà tổ Dòng Mến Thánh Giá
– Thứ Ba, 14 tháng 6 năm 2011:
07g00: Tiễn Đức TGM sang Thái Bình.
Lúc 11g00, ngày 12/6/2011, tháp tùng Đức Tổng giám mục Leopolo Girelli về thăm giáo phận Bùi Chu, có Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng và cha Andrea, người Ý. Đại diện giáo phận Bùi Chu đi đón phái đoàn từ Toà giám mục Hải Phòng gồm có: Cha chính Giuse Nguyễn Đức Giang, các cha hạt trưởng và quý cha toà giám mục. Ra nghinh đón phái đoàn từ cổng Toà giám mục Bùi Chu gồm có Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục giáo phận Bùi Chu, quý cha, quý chủng sinh, quý tu sĩ của năm hội dòng trong giáo phận và nhiều tín hữu đã về từ rất sớm. Phái đoàn tiến vào khuôn viên Toà giám mục trong tiếng kèn hoà vang của hội kèn giáo xứ Kiên Lao với gần 100 nhạc công, cùng với hội trống nhịp nhàng của các nữ tu Dòng Nữ Đa Minh. Đức cha Giuse giáo phận phát biểu chào mừng, sau đó Đức Tổng nói đôi lời chào thăm mọi người hiện diện và ban phép lành.
Buổi chiều lúc 14g30, Đức Tổng giám mục có cuộc gặp gỡ giới tu sĩ trong giáo phận. Sau bài chào mừng của Sr. Maria Nguyễn Thị Thục, Dòng Trinh Vương đại diện giới tu sĩ là huấn từ của Đức Tổng; trong đó ngài nhấn mạnh về đặc tính căn bản của ba lời khấn trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng, nhiều giá trị tinh thần Tin Mừng không được coi trọng đúng mức. Đức Tổng giám mục đưa ra mẫu gương của Đức Kitô trong đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục như là nền tảng cho các tu sĩ hướng đến.
Sau đó vào lúc 16g, Đức Tổng giám mục có cuộc gặp gỡ các chủng sinh giáo phận. Cha Giuse Trần Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Đại chủng viện Bùi Chu đọc diễn văn chào mừng bằng tiếng Ý, nói về việc đào tạo chủng sinh trong quá khứ và hiện tại. Ngỏ lời với các cha giáo và chủng sinh, Đức Tổng nêu bật tầm quan trọng của việc đào tạo các linh mục tương lai. Chủng sinh chính là niềm hy vọng của Giáo Hội, là mầm sống, là men muối và ánh sáng trần gian. Giáo Hội sẽ không có tương lai nếu không có các chủng sinh. Ngài vui mừng vì giáo phận vừa khai giảng khoá đầu tiên của Đại Chủng viện Bùi Chu. Nhấn mạnh với các chủng sinh, ngài mong muốn họ trở nên những người thánh thiện và cố gắng trau dồi kiến thức về mọi mặt để đáp ứng những nhu cầu luôn luôn mới mẻ của Giáo Hội.
Tiếp theo Đức Tổng giám mục dâng thánh lễ trọng thể mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống cùng với Đức cha Giuse, quý cha tại nguyện đường Toà giám mục. Thánh lễ này dành riêng cho các tu sĩ và chủng sinh. Đức Tổng nhấn mạnh về Chúa Thánh Thần trong công cuộc sáng tạo và tác động của Ngài trong vũ trụ, trong Thánh Kinh và trong Giáo Hội. Cha Giuse Đinh Công Phúc, giáo sư Đại Chủng viện Bùi Chu phiên dịch trong suốt cuộc viếng thăm này.
Vào 19g cùng ngày, diễn ra buổi văn nghệ chào mừng với sự đóng góp của Dòng Mân Côi, Dòng Đa Minh, các chủng sinh, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Trinh Vương và Dòng Thăm Viếng. Đức Tổng ban phép lành cho mọi người hiện diện sau lời kinh Salve Regina.
Trong cuộc gặp gỡ vào lúc 8g sáng ngày 14/6/2011với linh mục đoàn giáo phận, Đức Tổng nói về căn tính của chức linh mục, trong đó ngài nhấn mạnh đến ba khía cạnh của đời sống linh mục cần có hiện nay đó là: đức tin, lòng trung thành với Giáo Hội, sự vâng phục được thể hiện qua sự vâng phục Đấng kế vị Thánh Phêrô và Đức Giám mục giáo phận. Ngoài ra, ngài cũng mong muốn mỗi linh mục phải là một mẫu gương sống động, để có thể cảm hoá con người hiện nay đang xuống dốc trầm trọng về luân lý đạo đức và xu hướng hưởng thụ. Ngài mong muốn các linh mục hãy đi đầu trong việc thay đổi bản thân mình và nêu gương sáng cho mọi người.
Trong lúc gặp gỡ các linh mục, các tín hữu khắp nơi trong giáo phận hành hương về nhà thờ Chính Toà Bùi Chu tham dự thánh lễ vào lúc 9g30 để được nhìn thấy vị đại diện Đức Thánh Cha, đồng thời để bày tỏ sự hiệp nhất, đức tin kiên trung và lòng yêu mến đối với Hội Thánh. Hơn 10 ngàn tín hữu, gồm mọi thành phần dân Chúa giáo phận Bùi Chu về tham dự, với ban kèn của các giáo xứ Kiên Lao, Phạm Pháo và ca đoàn Dòng Nữ Đa Minh do Sr. Scholastica Nguyễn Thuý Liễu điều hợp.
Trong bài giảng thánh lễ mừng kính Thánh Antôn Pađôva, Đức Tổng nói:
“Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Ngài sinh tại Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phan Sinh, được biết đến với vốn kiến thức thần học uyên thâm và tài giảng thuyết lừng danh. Thánh Thần đã đưa bước chân của ngài ra đi truyền giáo từ quê hương Bồ Đào Nha tới Bắc Phi, Pháp, rồi tới Ý. Ngài qua đời tại Pađôva, miền Bắc nước Ý. Thánh nhân được biết đến như là vị tiến sĩ truyền giáo, bởi vì tất cả những gì ngài đã rao giảng đều dựa trên nền tảng Thánh Kinh.
Lời mời gọi nên thánh được tìm thấy nơi cuộc sống mẫu mực của ngài. Con đường nên thánh cũng đòi hỏi ít nhất hai yếu tố cần thiết sau đây:
Trước tiên, chúng ta phải cầu nguyện. Ai không cầu nguyện sẽ không được cứu độ. Cầu nguyện không phải là khó đối với chúng ta. Chúng ta có quá nhiều dịp tốt để cầu nguyện như: tham dự thánh lễ hàng ngày, cầu nguyện một mình trước Thánh Thể hay lần chuỗi mân côi.
Thứ đến, chúng ta phải yêu mến, phải phấn đấu để trở nên những người đạo đức. Hãy coi Hội Thánh như là mẹ của chúng ta; hơn thế nữa, tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Người anh em đích thực là giúp đỡ chính anh em mình. Do vậy, cuộc đua tranh duy nhất giữa chúng ta sẽ là cuộc đua tranh huynh đệ để nên thánh.
Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ của Người rằng hạnh phúc thiên đàng sẽ bù đắp cho những khó khăn và gian khổ có thể đến trong cuộc đời này. Chúng ta hãy làm lớn mạnh thêm đức tin của chúng ta, theo gương thánh Antôn, chúng ta sẽ nên thánh.
Các chủng sinh và các tu sĩ thân mến, hôm nay tôi rất vui mừng hiện diện nơi đây, trước ngôi nhà thờ Chính Toà đẹp đẽ và giàu tính lịch sử này để dâng thánh lễ với anh chị em. Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, giáo phận Bùi Chu có một vị thế hết sức đặc biệt.
Bùi Chu được coi là cửa ngõ đón nhận Tin Mừng đầu tiên tại Việt Nam với việc đặt chân của nhà truyền giáo tiên khởi Inêxu vào năm 1533. Bùi Chu là cái nôi của đức tin Công giáo tại đất nước này. Năm 1624, cha Alexandre de Rhodes đã đến Bùi Chu và ngày nay mọi người đều nhìn nhận những đóng góp to lớn của ngài cho sự phát triển văn hoá tiếng Việt. Đức cha Pierre Lambert de la Motte, một trong những người tiên phong trong việc truyền giáo tại vùng đất này, đã thiết lập nơi đây Dòng Mến Thánh Giá bản xứ đầu tiên vào năm 1670.
Và rồi, có các thánh tử đạo là những chứng nhân kiên vững mà chúng ta tôn kính trong ngôi nhà thờ Chính Toà này. Các ngài là những chứng nhân rạng ngời cho đức tin của chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô. Các ngài là những nhà truyền giáo làm sản sinh ra những Kitô hữu mới bằng việc hy sinh chính cuộc sống của mình cho Đức Kitô. Các thánh tử đạo là nền tảng vững chắc của cộng đoàn anh chị em. Bằng sự hy sinh của mình, các ngài đã góp phần cho sự hiệp nhất của Hội Thánh. Sự hy sinh của các ngài nói cho chúng ta về tính phổ quát của Giáo Hội. Nó chỉ cho chúng ta thấy một Hội Thánh: una, catholica, apostolica et sancta - duy nhất, công giáo, tông truyền và thánh thiện và anh chị em được mời gọi trở nên phần thánh thiện trong Hội Thánh.
Anh em linh mục và các tín hữu của giáo phận Bùi Chu thân mến, từ những tấm gương của các thánh tử đạo của anh chị em, hãy hăng hái và nhiệt thành học hỏi về sự trung tín với Đức Giêsu và hiệp nhất trong Hội Thánh. Nhờ lòng tôn kính hài cốt của các thánh tử đạo tại Bùi Chu mà khích lệ anh chị em thực thi công cuộc truyền giáo mới trong giáo phận của anh chị em.
Hội thánh luôn luôn truyền giáo và không bao giờ ngừng công việc truyền giáo. Hội Thánh cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể hằng ngày, ban phát các bí tích, công bố Lời Chúa, và uỷ thác cho chính Hội Thánh nhiệm vụ thực thi công lý và tình thương.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy chủ nghĩa vô thần thực tiễn và chủ nghĩa tiêu thụ ở Việt Nam như là nguyên do của việc đánh mất những giá trị nhân bản thiết yếu. Một phần lớn người Việt Nam không tìm thấy sự hứng khởi với Tin Mừng. Điều đó lý giải tại sao một cuộc truyền giáo mới, khả năng được nghe loan báo Tin Mừng, là điều cần thiết. Tin Mừng được mang đến cho hết mọi người, không chỉ riêng cho các Kitô hữu mà thôi. Điều này cũng giải thích tại sao chúng ta có bổn phận buộc phải tìm ra những phương thế mới để mang Tin Mừng cho hết thảy mọi người.
Đặc biệt, Giáo Hội được uỷ thác cho công cuộc truyền giáo mới theo cung cách của mình. Đó là ‘bằng đời sống mà Giáo Hội sẽ rao giảng Tin Mừng cho thế giới, nghĩa là bằng chứng tá đời sống trung thành với Đức Kitô, sống nghèo khó và từ bỏ, sống không lệ thuộc vào các quyền lực thế gian, tắt một lời, chính bằng đời sống thánh thiện mà Giáo Hội rao giảng Tin Mừng” (Tông huấn Loan báo Tin Mừng Evangelli Nuntiandi, số 41).
Đức cha và các linh mục giáo phận Bùi Chu thân mến, các vị là những nhà truyền giáo tiên phong. Hãy kiên tâm và bền chí trong sứ vụ tông đồ của mình. Hãy thực thi những điều mà các vị rao giảng.
Các nam nữ tu sĩ của giáo phận Bùi Chu thân mến, anh chị em là những nhà truyền giáo chuyên biệt. Hãy kiên trì và đáng tín nhiệm trong đời sống tu trì của mình. Hãy chứng tỏ bằng sự dâng hiến của mình cho những người mà anh chị em yêu mến.
Anh chị em tín hữu giáo phận Bùi Chu thân mến, anh chị em là những nhà truyền giáo thông thường. Hãy kiên định và đứng vững trong đức tin của mình. Hãy loan báo bằng chính đời sống của anh chị em với những điều mà anh chị em tin tưởng.
Nguyện xin Đức Mẹ La Vang và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam che chở giáo phận Bùi Chu”.
Buổi chiều cùng ngày, Đức Tổng viếng thăm Đền thánh Phú Nhai, nơi mà Toà Thánh đã nâng lên thành Tiểu Vương cung Thánh đường vào ngày 12/8/2008, nhân dịp kỷ niệm 150 năm (1858-2008) dâng hiến giáo phận Bùi Chu cho Đức Mẹ. Phú Nhai (Trà Lũ) cùng với Ninh Cường, Quần Phương (Quần Anh) được vinh dự là nơi đón nhận Tin Mừng đầu tiên trên quê hương Việt Nam vào năm 1533.
Năm 1858, lúc giáo phận đang bị bách hại nặng nề, Đức cha thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh, Giám mục Bùi Chu và cha chính Emmanuel Riaño Hoà đã dâng giáo phận Bùi Chu cho Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và hứa rằng nếu Đức Mẹ ban cho giáo phận được bình an, thì sẽ nhận Ngài làm quan thầy và sẽ xây một đền thờ nguy nga để tỏ lòng tôn kính và khắc ghi công ơn. Lời khấn hứa đã được Đức Mẹ nhận lời. Năm 1868, cha chính Emmanuel Riaño Hoà được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận. Năm 1881, ngài đã khởi công xây dựng ngôi thánh đường tại Phú Nhai và tổ chức lễ cách long trọng vào ngày 8/12 hằng năm.
Cha Quản hạt cũng là linh mục quản đốc Vương cung Thánh đường, Giuse Trần Quang Tuyến đại diện giáo xứ có lời chào mừng bày tỏ niềm vui được đón Đức Tổng. Trong bài huấn dụ, Đức Tổng nhắc lại ơn Toà Thánh rộng ban cho Đền thánh Phú Nhai được nâng lên thành Vương cung Thánh đường và cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ nơi các tín hữu. Rất đông tín hữu đến tham dự và nhận phép lành.
Tiếp đó, Đức Tổng và đoàn tuỳ tùng đến thăm Đền thánh Kiên Lao là nơi mà từ thời cha Đắc Lộ, rồi đến cha Amaral (năm 1632) và cha Morelli (năm 1637) đã có đông đảo tín hữu nhất trong địa phận Đàng Ngoài. Năm 1667, cha chính Deydier Điển đến Kiên Lao tiếp nối công việc của các vị đi trước để xây dựng giáo xứ này và ngài còn hướng dẫn các chị em sống ơn gọi Dòng Mến Thánh Giá. Ngày 19/2/1670, Đức cha Lambert de la Motte chủ sự lễ khấn dòng tại Kiên Lao, đặt mốc lịch sử cho việc thành lập cộng đoàn Mến Thánh Giá đầu tiên tại Việt Nam.
Vì Kiên Lao là giáo xứ có đông giáo hữu nhất trong giáo phận Đàng Ngoài (hơn 2000 tín hữu), nên tại Công đồng Phố Hiến ngày 14/2/1673 được Đức giáo hoàng Clêmentê X phê chuẩn ngày 23/12/1673, ở điều 3, chia giáo phận Đàng Ngoài thành năm xứ đạo thì Kiên Lao là một trong năm xứ này và cha Gioan Huệ († 1671) thuộc lớp linh mục người Việt đầu tiên do Đức cha Lambert de la Motte truyền chức linh mục tại Xiêm (Thái Lan), được cử về coi sóc giáo xứ Kiên Lao. Cha Gioan Huệ cũng là cha xứ tiên khởi của giáo xứ; đồng thời, Kiên Lao là giáo xứ đầu tiên trong lịch sử giáo phận Bùi Chu theo sắc lệnh của công đồng này.
Trong buổi đón vị đại diện Đức giáo hoàng về thăm giáo xứ Kiên Lao, cha xứ Giuse Vũ Thế Nghinh đọc lời chào mừng và cha Giuse Vũ Ngọc Tứ, giáo sư Đại Chủng viện Bùi Chu, đang phục vụ tại đây, đã dịch ra tiếng Ý cho Đức Tổng. Trong bài huấn dụ, Đức Tổng đã nhắc lại biến cố thành lập giáo xứ năm 1673 theo sắc lệnh của Công đồng Phố Hiến được Đức giáo hoàng Clêmentê X phê chuẩn. Ngài nêu lên tầm quan trọng của công việc truyền giáo cũng như cổ võ các ơn gọi sống đời thánh hiến. Hơn 5 ngàn tín hữu đến đón tiếp và tham dự buổi gặp gỡ này. Phái đoàn cùng hiệp ý dâng hoa kính Đức Mẹ với đoàn đồng tiến của 16 đội hoa (400 người) trong giáo xứ. Phái đoàn dùng bữa ăn nhẹ (merenda) theo phong cách Ý tại nhà xứ, sau đó sang thăm Nhà tổ Dòng Mến Thánh Giá.
Các chị em Dòng Mến Thánh Giá quy tụ đông đủ để đón phái đoàn và Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Yêu, Bề trên Tổng quyền đọc bài diễn văn chào mừng nói về nguồn gốc, những chặng đường lịch sử của Hội Dòng. Ngỏ lời với chị em Dòng Mến Thánh Giá, Đức Tổng nhắc lại biến cố lịch sử lúc Đức giám mục Pierre Lambert de la Motte thành lập cộng đoàn Mến Thánh Giá tiên khởi, và mong ước Hội Dòng phát triển theo tinh thần đấng sáng lập là yêu mến mầu nhiệm thánh giá Chúa. Thánh giá, một biểu tượng đơn sơ, nhưng ý nghĩa thật sâu sắc, vì là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa. Thập giá là biểu tượng của sự đau khổ, sự chết, nhưng cũng là biểu tượng của niềm hy vọng. Chị em hãy trở thành biểu tượng của niềm hy vọng cho Giáo Hội, cách riêng là biểu tượng của niềm hy vọng cho giáo phận Bùi Chu.
Hôm sau lúc 7g30, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ và phái đoàn giáo phận Thái Bình sang Toà giám mục Bùi Chu để đón Đức Tổng về viếng thăm mục vụ tại giáo phận Thái Bình.
Trong các bài huấn dụ những ngày về thăm giáo phận Bùi Chu, Đức Tổng Leopoldo Girelli đề cao đức tin kiên trung và lòng trung thành với Hội Thánh, lòng yêu mến Đức Thánh Cha và sự nhiệt thành của các tín hữu nơi đây. Hướng tới việc mừng 500 năm đón nhận Tin Mừng (1533-2033), ngài nhắc lại tinh thần truyền giáo của một giáo phận từng được tặng thưởng danh hiệu giáo phận truyền giáo kiểu mẫu và mong muốn các tín hữu làm chứng cho Chúa trong bối cảnh hiện nay. ■
Văn phòng TGM Bùi Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét