label

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

GHI NHỚ VÀ SUY NIỆM TRONG LÒNG (1.1.2012 – Chúa nhật; Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa)


GHI NHỚ VÀ SUY NIỆM TRONG LÒNG
Lời Chúa: Lc 2, 16-21
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Suy nim:
Làm người ai cũng cần có mẹ.
Mẹ là người cưu mang, sinh ra và dưỡng nuôi con cho khôn lớn.
Khi Con Thiên Chúa làm người, mang lấy trọn phận người,
Ngài cũng cần một người mẹ, như bao người khác.
Mẹ Maria là thiếu nữ, là trinh nữ được Thiên Chúa tuyển chọn,
Để thụ thai và sinh hạ Con Một Thiên Chúa.
Khi Công Đồng Êphêsô (năm 431) gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa,
Công Đồng không có ý dạy
Đức Mẹ sinh ra Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần.
Đức Mẹ chỉ sinh ra Đức Giêsu,
Mà Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể,
Nên Mẹ thực sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos).
Chắc Mẹ Maria không thể hiểu hết và hiểu ngay
Màu nhiệm lớn lao mà Mẹ đang cưu mang trong dạ.
Khi các mục đồng kể lại những điều huy hoàng họ nghe thấy ở Belem,
Mẹ Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong tim mình.
Để đi vào mầu nhiệm cách sâu xa, cần ơn soi sáng của Chúa,
Nhưng cũng cần thái độ chiêm niệm, nghiền ngẫm trong lặng thinh.
Chúng ta thường để ý đến biến cố Truyền Tin và biến cố Giáng Sinh,
biến cố Ngôi Lời bắt đầu hiện hữu trong lòng mẹ và biến cố chào đời.
Nhưng chúng ta không được quên chín tháng Mẹ cưu mang người Con.
Con Thiên Chúa đã lớn lên từ từ trong lòng Mẹ như các thai nhi khác.
Muốn sinh Đức Giêsu cho thế giới hôm nay,
Chúng ta cũng cần nhiều thời gian để cưu mang Ngài trong cuộc đời ta,
để Ngài trở nên đủ cứng cáp khi chào đời.
Chúng ta cũng phải chấp nhận cả sự đau đớn khi sinh hạ.
Bước qua một Năm Mới, mở trang đầu của cuốn lịch mới,
Chúng ta mong những điều mới mẻ tốt lành xảy đến cho mình
Và muốn tặng cho nhau một câu chúc đầy ý nghĩa:
“Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6, 26).
Cầu nguyn:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

10 hoạt động nổi bật của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong năm 2011



10 hoạt động nổi bật của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong năm 2011
WHĐ (30.12.2011) – Linh mục Federico Lombardi, SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Sergio Centofanti, Đài phát thanh Radio Vaticana (phiên bản tiếng Ý), ngày 28-12, đã điểm lại những hoạt động nổi bật của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong năm 2011.
Sau đây là những sự kiện nổi bật liên quan đến những hoạt động mục vụ của ĐTC và trích lời bình luận của linh mục Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh.
1. Chuyến tông du nước Đức (tháng Chín 2011):
Cha Lombardi: “Sự kiện tôi muốn nêu trước tiên là chuyến tông du nước Đức của ĐTC. Bởi một lẽ đơn giản, tại Đức, ĐTC bày tỏ mối quan tâm phải nói về Thiên Chúa và phải đặt Thiên Chúa ở vị trí tối thượng trong đời sống xã hội, nhất là hiện nay đang diễn ra quá trình thế tục hóa, đặc biệt tại châu Âu và nước Đức, quê hương của ĐTC. Đó là chuyến tông du được tiên liệu là hết sức quan trọng. Tôi cho rằng bài diễn văn của ĐTC tại Nghị viện Đức là một trong những diễn từ xuất sắc nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài”.
2. Chuyến tông du Tây Ban Nha và chủ tọa Đại hội Giới trẻ Thế giới (tháng Tám 2011):
Cha Lombardi: “Về chuyến tông du Tây Ban Nha và chủ tọa Đại hội Giới trẻ Thế giới tại đây, chính ĐTC đã điểm lại trong bài huấn từ tại cuộc gặp giáo triều trước lễ Giáng Sinh. Trong bài huấn từ này, ĐTC đã nhấn mạnh, phải nói những gì, với cách thức ra sao để người Kitô hữu không ngừng canh tân đời sống. Sau đó, từ Đại hội Giới trẻ này, ĐTC đã đưa ra những hướng dẫn về công cuộc tân Phúc âm hóa. Như vậy, nếu tại Đức, ĐTC nhắc nhở phải bảo tồn những giá trị nền tảng trong một thế giới đang tục hóa, thì tại Đại hội Giới trẻ thế giới và trong cuộc tông du Tây Ban Nha, ĐTC đã nêu lên khía cạnh tích cực của việc sống và loan báo sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới ngày nay”.
3. Chuyến tông du Bénin và công bố Tông huấn Africae Munus (tháng Mười Một 2011)
Cha Lombardi: “Chuyến ĐTC tông du Bénin trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất của năm 2011, một phần cũng vì gắn với việc giới thiệu cho lục địa châu Phi văn kiện hậu Thượng Hội đồng Giám mục về châu Phi. Đây là một văn kiện đặc sắc, sáng sủa và giản dị. Nhiều nhà bình luận, kể cả những người không công giáo, cho rằng đây là một trong những văn kiện đặc sắc nhất, cho đến nay, dành cho châu Phi: văn kiện thể hiện một tầm nhìn rộng về các vấn đề của châu lục này và đã nêu ra được những lý do có ý nghĩa hiện thực về niềm hy vọng và tin tưởng hướng tới tương lai, đáp ứng đòi hỏi phải khẳng định phẩm giá của người châu Phi”.
4. Cuộc gặp gỡ cầu nguyện liên tôn tại Assisi (tháng Mười 2011)
Cha Lombardi: “Cuộc gặp gỡ tại Assisi là một sự kiện rất được mong đợi. Được mời tham dự cuộc gặp gỡ này không chỉ có những đại biểu của các Giáo Hội Kitô khác, các tôn giáo trên thế giới, mà còn có sự tham dự của những người đang thành tâm tìm kiếm chân lý, kể cả những người không tin có Thiên Chúa, Đấng Tối cao”.
5. Công bố tự sắc Porta Fidei về Năm Đức Tin 2012 (tháng Mười 2011)
Cha Lombardi: “Năm nay (2011) có những mối liên kết với năm tới. Tự sắc của ĐTC công bố Năm Đức Tin là một trong mối liên kết như thế. Việc công bố Năm Đức Tin kết nối với một trong những trọng tâm của triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI là vấn đề Tân Phúc âm hóa, đồng thời Thượng Hội đồng Giám mục diễn ra vào năm tới. Chính trong bối cảnh như thế. ĐTC đã xác lập chủ đề của năm 2012 là Năm Đức Tin. Trong thời gian ngắn sắp tới, chúng ta sẽ nhận được cẩm nang hướng dẫn mục vụ cho Năm Đức Tin do Bộ Giáo lý Đức Tin soạn thảo. Vì vậy chúng ta sẽ thấy công việc chuẩn bị sẽ diễn ra rất sôi nổi, nhất là tại Thượng Hội đồng Giám mục nhóm họp vào mùa thu năm tới”.
6. Thánh lễ kỷ niệm 200 năm nền độc lập của các quốc gia châu Mỹ Latinh (tháng Mười Hai 2011)
Cha Lombardi: “Thánh lễ kỷ niệm 200 năm nền độc lập của các quốc gia châu Mỹ Latinh là một sự kiện có mối liên hệ đến chuyến viếng thăm của ĐTC tại Mexicô và Cuba vào mùa xuân sắp tới. Đây là sự kiện được chờ đợi và việc thông báo về chuyến tông du đã mang lại biết bao vui mừng. Chắc chắn đây sẽ là sự kiện then chốt trong những tháng sắp tới”.
7. ĐTC thăm các phạm nhân tại nhà tù Rebibbia (tháng Mười Hai 2011)
Cha Lombardi: “Mọi năm, trước lễ Giáng sinh, ĐTC thường đến thăm các bệnh nhân giai đoạn cuối hoặc các bệnh nhi. Năm nay ngài đến thăm các phạm nhân. Chuyến viếng thăm này thật có ý nghĩa, đặc biệt ĐTC đã trả lời một cách tự nhiên các câu hỏi của phạm nhân, khiến ai nấy cũng đều thích thú, cảm động… đồng thời đặt ra cho xã hội, các nhà hữu trách về trách nhiệm trước tình trạng bi đát của việc thực hiện công lý và chế độ lao tù… Giáo Hội phát đi thông điệp mạnh mẽ về hòa giải, về niềm hy vọng được tái hội nhập với xã hội”.
8. Nói chuyện với các nhà phi hành vũ trụ đang làm việc trên trạm không gian (tháng Năm 2011)
Cha Lombardi: “Tôi đã tham dự sự kiện ĐTC nói chuyện với các nhà phi hành vũ trụ với một ấn tượng khó quên... Thông thường, các phi hành gia nói chuyện với tổng thống của mình, còn lần này phi hành đoàn đề nghị được yết kiến ĐTC qua đường thính-thị vô tuyến viễn thông. Thật là một trường hợp ngoại lệ. ĐTC cũng rất vui mừng và ngài nói lên sự trân trọng của Giáo Hội đối với mọi nghiên cứu, phát minh khoa học, kỹ thuật vì lợi ích của nhân loại”.
9. Tôn phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên bậc Chân phước (tháng Năm 2011)
Cha Lombardi: “Lễ tôn phong Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II lên bậc Chân phước trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất, có sức động viên rất lớn đối với toàn thể Hội Thánh trong năm 2011… Đông đảo tín hữu từ khắp nơi trên thế giới tuôn về Rôma viếng mộ vị tân Chân phước. Điều đó cho thấy Đức Gioan Phaolô II vẫn đang hiện diện, và việc tôn phong Chân phước cho ngài không phải là điểm đến mà là một chặng trong cuộc hành trình… cũng như mọi vị thánh và chân phước luôn mong được đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình tiến đến với Chúa”.
10. Xuất bản tác phẩm “Đức Giêsu Nazareth” (tháng Ba 2011)
Cha Lombardi: “Đây là phần II của công trình “Đức Giêsu Nazareth” của ĐTC. Trong phần này, ĐTC viết về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, trọng tâm của tác phẩm. Chúng ta tiếp tục chờ đợi và mong được đọc phần III viết về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, để được giới thiệu đầy đủ về Chúa Giêsu cho chúng ta ngày nay”.
(Trích thuật từ Radio Vaticana)
 
Đức Thành

Ðức Thánh cha có thể sẽ triệu tập Công nghị Hồng y vào tháng 02 năm 2012.

Ðức Thánh cha có thể sẽ triệu tập
Công nghị Hồng y vào tháng 02 năm 2012


Roma (Apic 28/12/2011) - Theo nguồn tin có cơ sở của Hãng Tin I-Media, thì rất có thể Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI sẽ triệu tập Công Nghị Hồng y, vào hai ngày 18 và 19 tháng 02 năm 2012 để phong tước hồng y cho những vị mới. Nếu đúng vậy thì đây sẽ là Công nghị Hồng y lần thứ 04 của Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI.
Cũng theo hãng tin I-Media, thì vào khoảng giữa tháng Giêng năm 2012, Ðức Thánh cha sẽ loan tin triệu tập Công nghị và danh sách những tân hồng y.
Trong ba lần công nghị vừa rồi, lần thứ nhất vào tháng 03 năm 2006, lần thứ hai vào tháng 11 năm 2007, và lần thứ ba vào tháng 11 năm 2010, tổng cộng Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã phong tước Hồng y cho 62 vị, trong số này còn 50 vị dưới 80 tuổi, nghĩa là tuổi có thể vào Mật Viện bầu tân giáo hoàng khi cần.
Theo ước lượng của hãng tin I-Media, thì vào tháng Giêng năm 2012, sẽ có hai vị hồng y đến hạn tuổi 80, là Ðức Hồng y Saraiva Martins, người Bồ Ðào Nha, và Ðức Hồng y Zen Se Kiun (Trần Nhật Quân), người Hồng Kong. Như vậy, Ðức Thánh cha sẽ cần có thêm tối thiểu 13 vị tân hồng y dưới 80 tuổi, để giữ trọn luật phải có đủ 120 vị còn quyền bầu giáo hoàng. Nhưng theo hãng tin I-Media, dựa trên những thông tin đáng tin cậy từ Vatican, thì Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI sẽ chọn lên nhiều tân hồng y hơn con số 13, trong số này dĩ nhiên là những vị đang đứng đầu các cơ quan, các bộ, tại Toà Thánh, đã được bổ nhiệm trong thời gian qua, nhưng chưa có tước vị Hồng y, chẳng hạn như Ðức Tổng Giám mục Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, vừa được bổ nhiệm đứng đầu Bộ Truyền Giáo năm 2011, và chưa có tước vị hồng y. Ngoài ra, cũng còn phải kể đến những Toà Tổng Giám Mục trên thế giới, mà vị đứng đầu thường là những vị Hồng y.

R.V.A.

Phát ngôn viên của Tòa Thánh nhận định về năm 2011 sắp kết thúc.

Phát ngôn viên của Tòa Thánh
nhận định về năm 2011 sắp kết thúc



Vatican (Apic 28/12/2011) - Trong chương trình phỏng vấn phát trên đài Vatican hôm 28 tháng 12 năm 2011, Linh mục Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, kiêm Tổng Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Vatican, nhận định về năm 2011 sắp kết thúc, như là một năm mang nhiều sứ điệp thiêng liêng của Ðức Thánh cha.

Cha Lombardi nói rằng trong năm 2011 đã xảy ra ít biến cố gây căng thẳng hơn trong những năm trước. Cha giải thích thêm như sau: "Trong năm nay, Ðức Thánh cha Bênêđictô đã thật sự đồng hành với chúng ta, đã hướng dẫn chúng ta với những sứ điệp sâu sắc, cùng với những hành động đầy ý nghĩa và với tinh thần an bình".

Cha Lombardi cũng nhắc lại những biến cố có ý nghĩa trong năm 2011: trước hết là chuyến viếng thăm chính thức Ðức quốc của Ðức Thánh cha vào tháng 09 năm 2011, trong đó Ðức Thánh cha đã đến thăm và đọc diễn văn trước quốc hội Ðức. Bài diễn văn này được cha Lombardi xếp vào một trong những diễn văn quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất của năm 2011. Biến cố có tầm quan trọng kế tiếp là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, với sự hiện diện của Ðức Thánh cha. Rồi chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha tại Bênin, Phi Châu, để công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi Châu, nhắc nhở chúng ta về chỗ đứng quan trọng của Phi Châu trong Giáo hội Công giáo.

Ðặc biệt, linh mục phát ngôn viên của Tòa Thánh nhắc đến cuộc Gặp Gỡ Liên Tôn tại Assisi vào ngày 27 tháng 10 năm 2011, và nói rằng đó không phải như là một sự lặp lại đơn thuần những cuộc gặp gỡ trước, nhưng là một "bước tiến" lên tương lai, với chi tiết đặc biệt là lời mời gọi "những con người thành tâm đi tìm sự thật", những người không có niềm tin tôn giáo, đến tham dự ngày Gặp Gỡ.

Vị linh mục Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cũng đã không quên nhắc đến biến cố Lễ Phong chân Phước cho Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, rồi sự kiện phát hành cuốn thứ II bộ sách về Chúa Giêsu thành Nazareth.

Nhìn về năm 2012, cha Lombardi nhắc đến Khoá Họp Thượng Hội Ðồng Giám mục Thế Giới, vào tháng 10 năm 2012, bàn về việc tái rao giảng tin mừng, và việc khai mở Năm Ðức Tin của Giáo hội.



R.V.A.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Ngày càng lớn lên (30.12.2011 – Thứ sáu, Lễ Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse)


Ngày càng lớn lên
Lời Chúa: Lc 2, 22-40
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí dun dủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài.
Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.
Khi ấy cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuen, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Ðền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ gặp ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Suy nim:
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ,
vì trong xã hội Israel thời xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông.
Luca hay đặt sóng đôi những câu chuyện về các nhân vật nam và nữ.
Sau trình thuật sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria,
thì đến trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ.
Sau sự xuất hiện của ông già Simêon nói tiên tri về Hài Nhi,
thì bà Anna cũng được giới thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ.
Làm ngôn sứ đâu phải là đặc quyền dành cho phái nam!
Khuôn mặt của Simêon và Anna có những nét giống nhau.
Cả hai đều là những người tuổi cao và đạo hạnh.
Đời sống của họ gắn bó với Đền thờ.
Riêng cuộc đời của cụ bà Anna thì thật đáng phục.
Cụ xuất giá được bảy năm thì ở góa, nay cụ đã tám mươi tư.
Giả như cụ lấy chồng vào năm mười lăm tuổi,
thì hẳn cụ đã sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm.
Một thời gian dài không có chỗ dựa vững chắc của người chồng.
Nhưng cụ Anna lại tìm thấy một chỗ dựa khác, vững hơn.
Đó là Thiên Chúa mà cụ đêm ngày thờ phượng (c. 37).
Đó là Đền thờ mà cụ coi như nhà của mình.
Đời sống của một góa phụ trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ.
Ăn chay cầu nguyện là cách để cụ làm chủ bản thân và thắng cám dỗ.
Simêon và Anna đều là những người cao tuổi đã và đang chờ.
Họ sống để chờ những lời Chúa hứa được thành tựu,
sống để chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem (c. 38).
Anna có biết hôm nay nỗi đợi chờ của cụ được đáp ứng không?
Với trực giác của một ngôn sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ
đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo.
Như xuất thần, cụ nói về Hài Nhi cho những người chung quanh.
Không phải chờ nữa, vì ơn cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến.
Thiên Chúa đã giữ trọn lời hứa của Ngài.
Chúng ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người.
Chúng ta có ít thời gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét.
Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành.
Làm người là chấp nhận lớn lên mỗi ngày một chút về mọi mặt.
Thân xác của cậu Giêsu trở nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy khôn ngoan,
và về mặt tâm linh, ân lộc của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40).
Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình
để thành Thầy Giêsu đi rao giảng vào lúc ngoài ba mươi.
Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người,
qua tha nhân và kinh nghiệm, qua lao động và thách đố trong cuộc sống.
Ngài chia sẻ phận người long đong của chúng ta,
nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người.
Xin được học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương.
Xin được trở nên người có khả năng dám sống và chết cho người khác.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người - cũng như con -
đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Gia đình là trường dậy cầu nguyện và ý thức về Thiên Chúa.

Gia đình là trường dậy cầu nguyện
và ý thức về Thiên Chúa


Roma (Vat. 28/12/2011) - Sáng thứ tư 28 tháng 12 năm 2011 là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2011.
Tiếp tục đề tài cầu nguyện trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã lấy Thánh Gia Nagiarét như mẫu gương của Giáo Hội tại gia, trường dậy cầu nguyện. Mở đầu bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói với hơn gần 8,000 tín hữu và du khách hành hương tại đại thính đường Phaolô VI:
Hôm nay tôi muốn mời anh chị em suy tư về cầu nguyện như là một phần cuộc sống của Thánh Gia Nagiarét. Thật thế, nhà Nagiarét là một trường học cầu nguyệu, nơi con người tập lắng nghe, suy gẫm, bước vào trong ý nghĩa sâu thẳm sự biểu lộ của Con Thiên Chúa, theo gương Mẹ Maria, Cha thánh Giuse và Chúa Giêsu.
Trong diễn văn đọc khi viếng thăm Nagiarét Vị Tôi Tớ Chúa Ðức Phaolô VI đã nói rằng theo học trường của Thánh Gia "chúng ta hiểu tại sao chúng ta phải có một kỷ luật tinh thần, nếu chúng ta muốn theo giáo lý Tin Mừng và trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Trước hết, trường học Nagiarét dậy chúng ta sự thinh lặng. Ôi! phải chi tái sinh trong chúng ta việc qúy trọng sự thinh lặng, bầu khí đáng khâm phục và cần thiết của tinh thần; trong khi chúng ta bị choáng váng vì biết bao nhiêu động tĩnh, tiếng nói ồn ào trong cuộc sống qúa giao động và náo nhiệt của thời đại. Ôi! thinh lặng của Nagiarét, hãy dậy cho chúng tôi biết ở yên trong các tư tưởng tốt lành, chú ý tới cuộc sống nội tâm, sẵn sàng lăng nghe các linh hứng bí mật của Thiên Chúa và các khích lệ của các bậc thầy đích thật" (Discoro a Nazaret, 5 gennaio 1964).
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã duyệt qua một số biến cố trong cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu để rút tỉa ra vài nét về đời cầu nguyện.
Trước hết là biến cố Ðức Mẹ và Cha Thánh Giuse từ Bếtlehem đi về Giêrusalem để dâng con đầu lòng là Chúa Hài Nhi cho Thiên Chúa trong Ðền Thờ, theo Luật Môshê. Cuộc hành hương của Thánh Gia là cuộc hành hương của đức tin, của việc dâng của lễ, biểu tượng của lời cầu nguyện và của việc gặp gỡ với Chúa, mà Mẹ Maria và Cha thánh Giuse đã trông thấy nơi con mình là Ðức Giêsu.
Ðức Maria là mẫu gương không thể vượt thắng nổi trong việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô. Ðã chẳng có ai chiêm ngắm Chúa Giêsu kiên trì như Mẹ. Gương mặt của Chúa thuộc về Mẹ một cách đặc biệt, vì Chúa ở trong cung lòng Mẹ và thành hình trong đó bằng cách trở nên giống loài người. Cái nhìn của Mẹ đã tập trung vào Chúa từ lúc Truyền Tin, khi Mẹ thụ thai Chúa bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Trong các tháng tiếp theo đó Mẹ cảm nhận được từ từ sự hiện diện của Chúa cho tới ngày sinh hạ, khi đôi mằt của Mẹ có thể nhìn thấy gương mặt của con với sự dịu dàng hiền mẫu, khi lấy tã cuốn cho con và đặt con nằm trong máng cỏ. Các kỷ niệm về Chúa Giêsu khắc ghi trong tâm trí Mẹ đã đánh dấu mọi lúc toàn cuộc sống của Mẹ. Mẹ sống với đôi mắt hướng về Chúa Kitô, và coi mọi lời Chúa là kho tàng. Thánh sử Luca ghi lại thái độ của Ðức Maria trước Mầu Nhiệm Nhập Thể như sau: "Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2,19). Ðó là thái độ Mẹ sẽ giữ mãi trong suốt cuộc sống mình. Ðức Thánh Cha giải thích ghi chú của thánh sử như sau:
Thánh sử Luca là người làm cho chúng ta hiểu biết con tim của Ðức Maria, đức tin (Lc 1,45), đức cậy, sự vâng lời (Lc 1,38) và nhất là lời cầu nguyện nội tâm của Mẹ (Lc 1,46-56), sự gắn bó tự do của Mẹ với Chúa Kitô (Lc 1,55). Và tất cả những điều này phát xuất từ ơn của Chúa Thánh Thần, là Ðấng ngự xuống trên Mẹ (Lc 1,35), như sẽ ngự xuống trên các Tông Ðồ theo lời hứa của Chúa Kitô (x. Cv 1,8). Ðó là hình ảnh của Ðức Maria mà thánh sử Luca giới thiệu với chúng ta như mẫu gương của mọi tín hữu biết giữ gìn và đối chiếu với các lời nói việc làm của Cháu Giêsu, giúp ngày càng hiểu biết Chúa hơn.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Khả năng của Ðức Maria sống vì cái nhìn của Thiên Chúa lan sang người khác, trước hết là Cha Thánh Giuse. Tình yêu khiêm tốn và chân thành của Cha Thánh đối với vị hôn thê đã được hứa cho Người, và quyết định kết hiệp cuộc sống mình với cuộc sống của Ðức Maria đã lôi kéo và dẫn đưa Người, đã là người công chính, vào trong sự thân tình đặc biệt với Thiên Chúa. Thật vậy, cùng với Ðức Maria và rồi nhất là cùng với Chúa Giêsu, Người bắt đầu sống một kiểu tương quan mới mẻ với Thiên Chúa, đón nhận Chúa vào trong đời mình, bước vào trong chương trình cứu độ của Chúa, bằng cách chu toàn ý muốn của Chúa, làm theo lời sứ thần truyền, đưa Ðức Maria về nhà mình và chia sẻ cuộc sống với Mẹ: thánh nhân đã thật sự trao ban tất cả chính mình cho Ðức Maria và cho Chúa Giêsu, và điều này đã dẫn thánh nhân tới chỗ toàn thiện trong việc đàp trả lại ơn gọi đã nhận lãnh....
Phúc Âm đã không ghi lại lời nói nào của thánh Giuse: sự hiện diện của Người là một sự hiện diện thinh lặng, nhưng trung thành, liên lỉ và cần mẫn. Chúng ta có thể hình dung ra cùng với Mẹ Maria và trong sự đồng thanh sâu thẳm của Mẹ, thánh Giuse đã sống những năm thời thơ ấu và thanh niên của Chúa Giêsu và hưởng nếm sự hiện diện của Chúa trong gia đình. Thánh nhân đã chu toàn vai trò là cha của mình trong mọi khía cạnh. Chắc chắn Người đã giáo dục Chúa Giêsu cầu nguyện cùng với Ðức Maria. Ðặc biệt thánh nhân đã đưa Chúa đến hội đường trong các lễ nghi ngày thứ bẩy, cũng như lên Giêrusalem trong các dịp lễ lớn của dân Israel. Theo truyền thống do thái, là gia trưởng, thánh Giuse hẵn cũng đã hướng dẫn việc cầu nguyện trong gia đình trong cuộc sống thường ngày: sáng chiều, trước các bữa ăn, cũng như trong các dịp lễ tôn giáo. Và như thế trong nhịp sống thường ngày tại Nagiarét giữa nhà ở và xưởng mộc của thánh Giuse, Chúa Giêsu đã tập xen kẽ công việc làm với lời cầu nguyện, và dâng lên Thiên Chúa cả sự mệt nhọc để có bánh nuôi sống gia đình.
Ngoài ra, có một giai thoại khác cho thấy Thánh Gia Nagiarét tụ tập nhau cầu nguyện: đó là chuyến hành hương lên Giêrusalem khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi (Lc 2,42-42). Hành hương là một kiểu diễn tả niềm tin tôn giáo được dưỡng nuôi bằng lời cầu nguyện đồng thời được lời cầu nguyện nuôi dưỡng. Ðức Thánh Cha giải thích hai chiều kích cá nhân và tập thể của lời cầu nguyện như sau:
Gia đình do thái, cũng như gia đình kitô, cầu nguyện trong sự thân tình của gia đình, nhưng cũng cầu nguyện chung trong cộng đoàn, thừa nhận mình là thành phần của dân Chúa dang tiến bước; và cuộc hành hương diễn tả chính sự tiến bước ấy của dân Chúa. Lễ Vượt Qua là tột đỉnh của tất cả các điều này và bao gồm chiều kích gia đình và chiều kích phụng tự công cộng.
Sau lễ, Chúa Giêsu ở lại trong Ðền Thờ mà cha mẹ Người không hay biết. Hai ông bà đã lo lắng tìm kiếm Chúa trong ba ngày. Nghe lời trách của Mẹ, Chúa Giêsu trả lời: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49). Câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ cho thấy ai là Cha thật, đâu là nhà thật của Người, và Người đã không làm điều lạ lùng và không vâng lời. Người đã ở lại nơi Người phải là Con, nghĩa là ở gần Cha, và đã nhấn mạnh ai là Cha. Từ "Cha" là chìa khóa mầu nhiệm của Chúa Kitô là Con, và cũng là chìa khóa mầu nhiệm của các kitô hữu là các người con trong Người Con. Ðồng thời Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết phải là con như thế nào: chính trong việc ở với Thiên Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Một ngày kia, Chúa Giêsu sẽ dậy các môn đệ cầu nguyện và gọi Thiên Chúa là Cha.
Khi Chúa Giêsu còn sống trong Thánh Gia Nagiarét, cần ghi nhận sự vang vọng của từ "Cha" trên môi miệng Chúa Giêsu đối với con tim của Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse. Từ đó chúng ta có thể hình dung được cuộc sống trong Thánh Gia còn tràn đầy lời cầu nguyện đến thế nào, bởi vì từ trái tim của con trẻ, rồi thiếu niên và thanh niên Giêsu, nó sẽ không ngừng làm lan tỏa và phản ánh trong tim của Ðức Maria và Cha Thánh Giuse, ý nghĩa sâu thẳm của tương quan với Thiên Chúa Cha. Như thế Thánh Gia Nagiarét là mẫu gương đầu tiên của Giáo Hội, trong đó, chung quanh sự hiện diện của Chúa Giêsu và nhờ sự suy niệm của Người, tín hữu sống tất cả tương quan với Thiên Chúa Cha, và biến đổi cả các tương quan của con người với nhau.
Thánh Gia là hình ảnh của "Giáo Hội tại gia" được mời gọi cùng nhau cầu nguyện. Gia đình là Giáo Hội tại gia và phải là trường dậy cầu nguyện đầu tiên. Trong gia đình các trẻ em, ngay từ khi còn thơ, có thể học và trực giác được ý thức về Thiên Chúa, nhờ giáo huấn và gương sáng của cha mẹ sống trong bầu khí ghi dấu sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ðức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc tất cả một năm mới hạnh phúc, thánh thiện. Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Martin Luther đã không muốn thiết lập một giáo hội mới nhưng chỉ muốn canh tân Giáo Hội

Martin Luther đã không muốn
thiết lập một giáo hội mới
nhưng chỉ muốn canh tân Giáo Hội

Ðức Hồng y Chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Kitô hữu nói rằng ông Martin Luther đã không muốn thiết lập một giáo hội mới, nhưng chỉ muốn canh tân Giáo Hội.
Berlin, Ðức quốc (Apic 26/12/2011) - Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Truyền Hình Ðức dịp lễ Giáng sinh năm 2011, Ðức Hồng y Kurt Koch, người Thuỵ Sĩ, Chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Kitô hữu, đã tuyên bố rằng ngày xưa Martin Luther đã không muốn thiết lập một giáo hội mới, nhưng chỉ muốn canh tân Giáo Hội.
Cũng trong bài phỏng vấn, Ðức Hồng Koch đã mời gọi các tín hữu Công giáo và những anh chị em Tin lành Luthêrô hãy cùng nhau suy nghĩ về 1,500 năm lịch sử hiệp nhất với nhau, trước khi chia rẽ nhau. Ðiều này sẽ dẫn đến những viễn ảnh mới để hiểu nhau hơn về biến cố "Cải Cách" ở thế kỷ thứ XVI.
Theo Ðức Hồng y Chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Kitô hữu, cần thực hiện cuộc "chữa lành ký ức" trong tiến trình đối thoại đại kết hiện nay giữa các giáo hội. Ðáp lại những phản ứng tiêu cực và thất vọng của những anh chị em Tin Lành Ðức sau chuyến viếng thăm của Ðức Thánh cha Bênêđíctô XVI tại Ðức vào tháng 09 năm 2011, Ðức Hồng y Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Hiệp nhất Kitô hữu đã đặt lại vấn đề như sau: "Có những chờ đợi của anh chị em Tin Lành Ðức trên bình diện đại kết, mà không được thỏa mãn. Nhưng chúng ta cần hỏi lại: những chờ đợi đó có được biện minh hay không?
Theo Ðức Hồng y Koch, bài diễn văn Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI đã đọc tại thành phố Erfurt, khi gặp gỡ với anh chị em Tin Lành Ðức vào ngày 23 tháng 09 năm 2011, đã nêu ra một đường hướng mới cho tương lai đối thoại đại kết. Mặc dù người Công giáo và anh chị em Tin Lành chưa đạt được sự hiểu chung về Bí Tích Thánh Thể và Bữa Tiệc Ly, và vì thế việc cử hành Thánh Thể chung với nhau --- như người ta chờ đợi-là điều hiện thời chưa thể làm được. Tuy nhiên điều không thể thực hiện này có thể trở nên một khích lệ để tiếp tục đối thoại với nhau nhằm tiến đến sự hiệp thông Giáo hội.

R.V.A.

Ðức ông Ða Minh Vũ Văn Thiện qua đời tại Roma.

Ðức ông Ða Minh Vũ Văn Thiện
qua đời tại Roma


Phát Diệm, Việt Nam (GP Phat Diem 26/12/2011) - Theo tin từ Văn phòng Tòa Giám Mục Giáo phận Phát Diệm, Ðức ông Ða Minh Vũ Văn Thiện vừa được Chúa gọi về lúc: 4 giờ, ngày 26 tháng 12 năm 2011, tại bệnh viện Gemelli - Rôma, hưởng thọ 76 tuổi và 49 năm trong chức linh mục.
Ðức ông Ða Minh Vũ Văn Thiện đã học chủng viện trong thời gian từ 1950-1962 tại Tiểu chủng viện thánh Phaolô Phúc Nhạc, rồi Tiểu chủng viện thánh Phaolô Phú Nhuận - Ðại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn. Ngài thụ phong linh mục: 23 tháng 4 năm 1962 tại Sài Gòn. Sau đó đi du học ở Rôma tại Pontificia Università Urbaniana, kết thúc với bằng tiến sĩ Giáo luật năm 1970 và cử nhân triết học năm 1975. Năm 1989 lãnh nhận tước Ðức ông và làm Giám đốc Foyer Phát Diệm từ 1989-2011. Theo Văn phòng Tòa Giám mục Phát Diệm thì chương trình an táng sẽ được thông báo sau. Kính xin quý Ðức Cha, quý cha, quý tu sĩ, quý thân nhân bằng hữu và mọi người cầu nguyện cho linh hồn Ðức ông.

R.V.A.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

VIẾT VỀ NGÀY TRUYỀN THỐNG HIẾU THẢO 2011


VIẾT VỀ NGÀY TRUYỀN THỐNG HIẾU THẢO 2011
Tại Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Giáo Phận Long Xuyên

            Long Xuyên, một Giáo phận miền nam, thuộc hàng các Giáo phận trẻ trung được tách ra từ Giáo Phận Cần thơ từ năm 1961. Với sự dẫn dắt khôn ngoan và năng động của Đức Giám Mục tiên khởi Micae NGUYỄN KHẮC NGỮ, một mục tử có biệt tài thu phục nhân tâm, Ngài đã “lôi kéo” về cho Địa phận vừa mới mẻ, lại hiện diện giữa “cái nôi phức tạp” của rất nhiều tôn giáo địa phương này nhiều nhân lực có khả năng, đa phần được gởi đi du học nước ngòai trước 1954. Sau biến cố đất nước chia hai, trở về nước, được Đức Cha Cố Micae mời về Long Xuyên làm việc.. Với nhiệt tình bốc lửa của vị Giám Mục tiên khởi, cộng với sự cộng tác của một tập thể nhân sự cũng đầy nhiệt huyết vừa được đào tạo trở về… Giáo phận Long Xuyên nhanh chóng phát triển…
            Cũng không thể không nói đến một bộ phận đông đảo, như hạt nhân cho việc gieo hạt Tin Mừng trên vùng sông nước mộc mạc, hoang sơ này, đó là một số lượng đông đảo bà con Công giáo di cư sau biến cố 1954, được chính quyền lúc đó “định cư” hai bên mạng lưới kinh rạch song song, suốt từ Long Xuyên tới Rạch Giá, quen gọi “vùng Cái sắn”.
            Qua bao thăng trầm, nhưng kế thừa “ lửa nhiệt tình của vị mục tử tiên khởi”,  với cung cách đặc thù : mềm mỏng, thân thiện và có cái nhìn tiên tri, Đức Cha Gioan B. HÙI TUẦN kế tục dẫn dắt Giáo phận giai đoạn thứ hai từ 1975. Mặc dù giữa nhiều thách đố, khó khăn của giai đọan mới Giáo phận Long Xuyên, như con thuyền vẫn luôn bình an , thẳng tiến … vừa tròn 50 năm thành lập nhưng đến nay số linh mục đã lên tới gần 300 là một minh họa và hiện nay Đức Cha Giuse TRẦN XUÂN TIẾU thế hệ Mục Tử thứ Ba, Ngài quan tâm củng cố chiều sâu của  hàng linh mục cũng như giáo dân để việc truyền giáo và tái truyền giáo hiệu quả …
            Với con số linh mục đông đúc như thế, thì việc tổ chức một nơi Hưu Dưỡng cho thế hệ các linh mục tiên khởi sau 50 năm khai phá, nay đã già yếu, mệt mỏi, không còn có thể tiếp tục làm việc, cũng là điều phải quan tâm ! Số Linh Mục mất sức đã lên tới gần 50. Giáo phận mới chỉ có một cơ sở Hưu Dưỡng, xây dựng trên một diện tích giới hạn bên cạnh Nhà Thờ Giáo xứ Cần Xây, cách trung tâm thành phố Long Xuyên và Tòa Giám Mục khỏang 4km, khả năng chỉ có thể là nơi nghỉ ngơi, hưu dưỡng cho khỏang tối đa 20 vị. Các vị khác nghỉ hưu ở các nhà hưu các hạt.  Hiện có 12 vị đang nghỉ hưu tại đây theo chế độ “ tự do, độc lập” , mỗi vị một căn biệt thự nhỏ, với người phục vụ và bếp riêng, phục vụ tùy theo nhu cầu y tế và dinh dưỡng. Bản thân các vị rất hài lòng. Theo nhận xét khách quan của nhiều người đến tham quan cũng đánh giá là lý tưởng. Đức Giám mục giáo phận cũng quan tâm đặc biệt, thường xuyên thăm viếng, giúp đỡ và trao phó cho Cha sở Giáo xứ Cần Xây phục vụ.
            Về mặt tinh thần, với ý thức thử thách lớn của tuổi già sau bệnh tật là nỗi Cô đơn. Các linh mục phụ trách Nhà Hưu Dưỡng, ban đầu là Linh Mục Pr. NGUYỄN TẤN KHOA, và nay là Linh Mục Pr. MAI ĐỨC VƯỢNG, đã có sáng kiến tổ chức NGÀY TRUYỀN THỐNG HIẾU THẢO, mỗi năm một lần vào ngày 27/ 12 lễ kính Thánh Gioan Tông Đồ, mục đích gây ý thức Biết Ơn, lòng Hiếu Thảo nơi giáo dân đối với các vị đã chăn dắt mình mà nay đang sống đời thầm lặng, quạnh hiu.
            Từ lần tổ chức đầu tiên, đến nay là lần thứ bảy, mỗi năm một hấp dẫn, gây được ý thức Thảo Hiếu ngày càng lan rộng nơi giáo dân…
            Năm nay, ngày Truyền Thống vào thứ Ba 27/12/2011, trong niềm vui Lễ Giáng Sinh còn dạt dào, cộng với bầu khí se se lạnh hiếm hoi ở miền nam bởi những cơn gió Bấc, mặc dù thánh lễ đồng tế cử hành lúc 9g30 để bà con ở xa đến kịp, nhưng từ sáng sớm đã thấy khung cảnh nhà thờ CẦN XÂY nhộn nhịp…Từng đòan xe hai bánh từ các giáo xứ cũ của các Linh mục đang nghĩ hưu ở nhà Hưu đã lũ lượt kéo về, có những chiếc xe hơi đủ cỡ từ 7 chỗ đến ba bốn chục chỗ với nhiều bảng số khác nhau 67 An Giang, 68 Kiên Giang, 65 Cần thơ, thậm chí 60 Đồng nai, đầu 5.. Thành phố Hồ chí Minh lục tục đậu kín khuôn viên nhà thờ… Từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng ai nấy cùng một tâm trạng náo nức của một người con về thăm lại người Cha của mình… Phần các linh mục hưu dưỡng cũng nôn nóng, trông mong của người Cha được gặp lại những đứa con của mình. Cha con gặp nhau, tay bắt mặt mừng, những ánh mắt mừng vui nhạt nhòa, những món quà thảo hiếu dâng biếu CHA…
            9giờ30 thánh lễ bắt đầu. Số linh mục tham dự mỗi năm cũng một đông hơn, khỏang năm chục vị. Năm nay Đức Gíam Mục Giáo Phận vì lý do sức khỏe rất tiếc không dự được, Ngài đã ủy cho Linh mục Đại diện Mic.Lê Xuân Tân chủ lễ thế Ngài. Nhà thờ Cần Xây với sức chứa khỏang 400 người, mỗi năm một chật chội thêm.
            Trước khi bắt đầu Thánh Lễ , là nghi thức Mừng Thọ các linh mục Hưu Dưỡng. Linh Mục Giám Đốc giới thiệu với giáo dân nhân thân của từng vị : danh tính, tuổi đời, tuổi linh mục và những giáo xứ mà các ngài đã từng phục vụ . Những tràng pháo tay vang dội, những lẵng hoa tươi thắm màu thảo hiếu được dâng tặng từng vị… Kết thúc nghi thức bằng bài hát “Ơn Cha”, với giọng ca truyền cảm của hai Ca viên Ca đòan Giáo xứ Cần Xây, đã làm các linh mục hưu dưỡng cũng như tất cả cộng đòan phụng vụ nghẹn ngào…
            Trong bài chia sẻ, linh mục chủ tế kể lại câu chuyện những người già tại một nhà hưu ở Thụy sỹ luôn nhìn ra cổng ngày này qua ngày khác, để nói lên nỗi Cô đơn của tuổi già, ngài cũng nhắc giáo dân đừng quên bổn phận Thảo Hiếu đối với những người Cha tinh thần, cũng như với Cha mẹ thể xác của mình…
Với những bài thánh ca được chọn lựa và tập luyện kỹ lưỡng… thánh lễ như đưa mọi người càng lúc càng chìm sâu trong bầu khí thiêng liêng, đầy ắp nghĩa tình của Đạo Hiếu…
Sau Thánh lễ, giáo dân ra viếng nghĩa trang của các linh mục đã qua đời, bên cạnh nhà thờ Cần Xây. Những lời kinh và những làn khói từ những nén nhang như quyện vào nhau càng gợi nhớ những người CHA tinh thần đã mãi mãi không còn nữa. Có những bàn tay kín đáo gạt những giọt nước mắt âm thầm lăn trên những gò má.
Sau đó, là những bữa ăn thanh đạm nhưng đầy ắp nghĩa tình được giáo dân chuẩn bị từ nhà được dọn ra nơi phòng cha xứ cũ của mình… Cha già run rẩy, ân cần chăm chút cho từng đứa con thật cảm động.
Gặp gỡ nào rồi cũng Chia ly… Con cái đành phải chia tay những người Cha khả kính của mình để trở về với những bon chen tất bật của chén cơm manh áo, với niềm mong đợi :.., nhưng cũng với cả âu lo : Không biết sang năm còn được gặp lại Cha già yêu quý của mình nữa hay không ? Những mong đợi cùng với những âu lo càng làm cho giây phút chia tay càng thêm ngậm ngùi, lưu luyến !
Thôi đành phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa và luôn cầu mong “Cha mình” Năm Mới được An Khang – Trường Thọ..
Chiều cuối năm xuống nhanh, nắng đã tắt trên những tàu cau đuôi chồn xào xạc trong khuôn viên Nhà Hưu Dưỡng CẦN XÂY, trả lại cho các cha hưu dưỡng nỗi quạnh hiu thường trú nơi đây…
Cầu chúc quý Cha luôn vui với của lễ Hiến dâng cuối cùng của đời linh mục vì có Chúa là Gia nghiệp …

Chiều 27 / 12 / 2011 Ngày Truyền Thống Hiếu Thảo
Lm. Pr. MAI ĐỨC VƯỢNG.
Giám Đốc Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Long Xuyên.


BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN GIÁO DÂN NHÂN NGÀY ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA


Trọng kính cha Đại diện, Quý Cha Quản Hạt, quí cha đồng tế và đặc biệt Trọng kính Quý cha Cố kính yêu của chúng con.

            Kính thưa Quý tu sĩ nam nữ, và toàn thể quí ông bà và anh chị em thân mến,

           Trong niềm hân hoan gặp gỡ của ngày Đền ơn đáp nghĩa hôm nay, chúng con lại có cơ hội quây quần bên quý cha Cố, bày tỏ lòng thảo hiếu, tri ân đối với những người cha kính yêu của mình. Thay mặt cho mọi người, chúng con xin kính dâng lên Quý Cha cố, Quý Cha Lời chào kính nồng nhiệt, lòng thảo hiếu và lòng biết ơn sâu thẳm của chúng con. 

Kính thưa Quý Cha cố,

Chúng cảm nghĩ được rằng, đời linh mục như một cây đèn sáp ong đốt cháy chính bản thân mình và tỏa sáng cho mọi người, hay như một khăn lạnh trao cho người sử dụng đang khi nóng. Tuổi trẻ và khi còn làm việc được, các cố đã công hiến, phục vụ chúng con hết mình, khi về hưu là sự cô đơn và bệnh tật đang đè nặng trên tấm thân ngày càng hao mòn theo thời gian. Sự hy sinh đấu tranh chịu đựng với bệnh tật diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nhưng các cố vẫn kiên trì chịu đựng để đồng hành với Chúa trong niềm vui và chấp nhận. Sự hy sinh cao cả đó, để ngày hôm nay đức tin và nhân bản chúng con được triển nở. Suốt đời chúng con luôn ghi nhớ công ơn của quí cố.

Kính thưa quí cố, lẽ ra mỗi người chúng con phải thường xuyên đến thăm hỏi quí cố, nhưng vì cuộc sống còn quá nhiều vất vả, vật lộn với thời gian. Khiến chúng con không thể thường xuyên lui tới thăm viếng, an ủi quí  cố được. Điều này đôi khi thành lỡ hẹn và hối tiếc, như năm vừa qua hai cha cố đã ra đi vĩnh viễn, mà hôm nay chúng con không thể gặp. Chúng con xin lỗi hai cha cố và nguyện xin Thiên Chúa thương sớm đưa hai cố và các cha cố đã qua đời về với Ngài. Với các cố đang hiện diện nơi đây, chúng con tin rằng : với tấm lòng bao dung của người Cha kính yêu, luôn yêu thương con cái. Xin các cố thông cảm và tiếp tục cầu nguyện cho chúng con.

Kính thưa quí cha cố, kể từ ngày Quý Cha phụ trách Nhà Hưu Dưỡng lập ra Ngày Truyền Thống này đã 6 năm qua, mỗi năm một lần, chúng con lại có dịp rủ nhau về đây quây quần bên quí cha sở của mình, cha con tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự. Chúng con lại được nhìn thấy người cha kính yêu của mình. Bao nhiêu kỷ niệm trào dâng, niềm vui nỗi buồn được kể cho nhau nghe, tình Cha con ấm áp, những gì cha dạy bảo chúng con dường như đang sống lại. Ôi, tình cha ấm áp như vầng thái dương .

Và giờ đây trong thánh lễ này, chúng con tha thiết cầu xin Chúa thay chúng con, trả ơn bội hậu cho Quý cha cố. Xin Thiên Chúa ban cho quí cha cố sức khỏe, hồng ân để quí cha cố hoàn thành con đường Chúa muốn.

Một năm nữa lại sắp qua… Trước thềm năm mới 2012, chúng con cầu chúc Quý Cố được An Khang-Trường Thọ và tràn đầy Ơn Chúa, để sang năm, cũng ngày này, chúng con lại được quây quần bên Quý Cố và Quý Cha như hôm nay. 

Chúng con hết lòng cảm ơn Quý Cha, trong những ngày qua rất vất vả cho việc tổ chức lễ Giáng Sinh, Quí cha đã nhắc nhở, đã động viên… và hôm nay, đã có mặt để chia vui với chúng con trong ngày Tình Nghĩa này. Chúng con chân thành kính chúc Quý Cha, quý tu sĩ nam nữ : Năm Mới tràn đầy phúc lành của Chúa để dẫn dắt chúng con.

Chúng con cũng đặc biệt cảm ơn Cha sở Cần Xây, Giám Đốc Nhà Hưu Dưỡng giáo phận Long xuyên, cảm ơn Hội Đồng Mục Vụ, Ca Đòan và tất cả bà con giáo dân giáo xứ Cần Xây đã vất vả, tổ chức và nhiệt tình đón tiếp chúng tôi trong ngày đền ơn đáp nghĩa này.

Một lần nữa, xin Chúa thay chúng con trả muôn ơn lành cho quí cha cố, quí cha, quí sơ, quí ông bà xa gần và toàn thể bà con  Giáo xứ Cần Xây. Để tỏ lòng hiếu thảo, Chúng con xin dâng lên cha đại diện, Quý Cha Cố những bông hoa tươi thắm của đoàn con thảo.

Xin kính dâng

Sau cùng, trước khi dâng thánh lễ, hai giáo dân sẽ đại diện cho tất cả chúng con xin được dâng lên Quý cha Cố, Quý Cha bài hát thay cho nhiều lời muốn nói của tất cả chúng con...Và bài Ơn Cha được trình bày.

Một số hình ảnh trong ngày đền ơn đáp nghĩa
đoàn đại diện giáo xứ Cần Xây chuẩn bị đi thăm hỏi tặng hoa Đức Cha Gioan
đoàn đại diện chụp hình lưu niệm với Đức Cha
đoàn đồng tế từ nhà xứ tiền vào nhà thờ

đại diện lên dâng hoa

vị đại diện đọc lời chúc thọ


dâng hoa lên cha đại diện và quí cha cố



viếng mộ và thắp nhang

cha đại diện vừa viếng các cố an nghỉ

liên hoan với các cha