Ông Chủ tốt bụng
Anh chị em thân mến,
Nghe câu chuyện dụ ngôn của Chúa trong tin mừng hôm nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta nếu không trách Chúa “đối xử không công bằng”, thì ít ra cũng chưng hửng, cũng ngạc nhiên về thái độ kỳ cục của ông chủ, mà Chúa muốn ám chỉ là chính Chúa trong câu chuyện.
Người làm từ sáng sớm cũng được trả công bằng người làm có nửa ngày, thậm chí có một tiếng đồng hồ !
Trước hết, chúng ta thấy Ông chủ không bất công, vì Ông đã làm đúng hợp đồng tiền lương và những người làm công cũng đồng ý : Một đồng/ Một ngày theo thời giá lúc đó.
Như vậy, có chăng là những người làm công phàn nàn, ganh tỵ vì thái độ rộng rãi của Ông chủ. Chúa biết rõ tâm địa của họ : “ Bộ các anh ganh tỵ vì lòng rộng rãi của tôi sao ? Tôi không có quyền giúp đỡ những người khác sao ?”.
Chúng ta hiểu được lý do tại sao ông chủ làm như thế rồi nhé !
Chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm : Trước hết chúng ta hiểu Vườn nho mà Chúa nói trong dụ ngôn là Giáo Hội. Những người làm vườn nho cho Chúa, là những người có đạo.
Tất cả đều được Chúa mời gọi, mới có vinh dự được có mặt trong Giáo Hội của Ngài. Chính vì thế, chúng ta thấy và hiểu : Có biết bao nhiêu người có điều kiện hơn ta, giàu có hơn ta, hiểu biết hơn ta… nhưng dòng dõi họ bao đời vẫn không được vinh dự như ta, là được Chúa mời gọi tham dự, được ở trong Giáo Hội của Ngài.
Những người làm từ sớm thường được hiểu trước hết là những người đạo dòng. Dòng họ từ bao đời đã có đạo. Sau đó được hiểu là những người may mắn, những người giàu có, những người có chức có quyền trong GH cũng như ngòai Xã hội.
Những người làm buổi trưa hoặc lúc xế chiều là những người “tân tòng”, nửa đời mới được Chúa mời gọi bằng một lý do nào đó : Qua tình yêu hôn nhân, qua khỏi một tai nạn thập tử nhất sinh, hoặc một tai nạn, một biến cố nào đó v.v.. Như trường hợp rất nhiều người vượt biên, thóat được cái chết cầm chắc trong tay sau những tháng ngày lênh đênh trên biển cả sóng gió, hết lương thực có trường hợp phải ăn thịt những người đã chết, tàu ghe chết máy trôi dạt vô định…Chỉ nhờ phép lạ, họ mới qua được bến bờ bên kia. Nhận ra Ơn lạ của Chúa, rất nhiều thuyền nhân khi qua được bến bờ bên kia họ đã trở lại đạo.
Cách trả lương khác người của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn, muốn cho chúng ta thấy lòng nhân từ của Chúa.
Chúa tội nghiệp hòan cảnh thất nghiệp, nghèo đói và cả nỗi khổ tâm của những người không được may mắn thuê làm từ sớm.. Bỏ về thì vợ con đói khổ, lấy gì để sống ngày hôm nay. Cố nán lại ở chợ mong được ai đó thuê làm bất cứ việc gì, trả bao nhiêu cũng được. Mỗi một giờ đợi chờ qua đi là nỗi buồn, nỗi lo vợ con đói khổ lớn lên bấy nhiêu trong lòng… Nếu cứ theo lẽ công bằng bình thường của con người chúng ta, thì những người vào làm trễ, họ sẽ lãnh được bao nhiêu làm sao đủ nuôi sống gia đình, con cái nghèo đói, túng thiếu đang trông chờ họ ?!
Cách ứng xử của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn chính là cách ứng xử của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta hành động như thế đó. Thật là rộng lượng, nhân từ !
Ngài mời gọi cả những người tội lỗi, thấp hèn, những người bị xã hội khinh dể, lọai trừ vào Nước Chúa. Những người giàu có, khôn ngoan, quyền thế đừng vì thế mà ganh tỵ. Có khi Ngài dành cho những con người này sự quan tâm ưu ái hơn, như Ngài đã làm trong dụ ngôn hôm nay.
Một điều nữa chúng ta nên lưu ý qua dụ ngôn hôm nay đó là : Chúng đừng tự hào là đạo dòng từ bao đời…Điều đó không có nghĩa gì trước mặt Chúa, nhưng chính là cách sống đạo của chúng ta. Chúng ta có giữ đạo chân chính, có sống đạo thật tình hay giả dối. Không thiếu gì người “khẩu Phật, tâm xà”, “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, những người đọc kinh tối ngày ở nhà thờ, mà gia đình vợ chồng bất hòa, hoặc nhiều chuyện, chuyên gây chia rẽ trong đoàn thể, trong chòm xóm…
Những người như thế hãy nhớ lại lời Chúa đã nói : “ Các con hãy coi chừng, ngày sau hết, con cái bị đuổi ra ngòai…còn trộm cắp, đĩ điếm ngồi chật nhà Cha trên trời” hoặc cảnh những kẻ Lạy Chúa, Lạy Chúa tối ngày bị nghe Lời quở trách : “ Hãy cút đi hỡi phường gian ác. Ta không biết các ngươi là ai”. Thật phũ phàng và bẽ bàng ! Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét