label

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Ðức Thánh Cha bế mạc Ðại Hội Thánh Thể Toàn Quốc Italia.

Ðức Thánh Cha bế mạc
Ðại Hội Thánh Thể Toàn Quốc Italia


Ancona (Vat. 11/09/2011) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã bế mạc Ðại Hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ 25 tại Ancona sáng chúa nhật 11 tháng 9 năm 2011 trước sự hiện diện của 100 ngàn tín hữu.
Ðây cũng là chuyến viếng thăm thứ 24 của Ðức Thánh Cha tại Italia. Thành phố cảng Ancona ở miền trung Italia, cách Roma lối 200 cây số về hướng đông bắc và có 227 ngàn tín hữu Công Giáo.
Ðại hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ 25 kết thúc sau một tuần lễ tiến hành với chủ đề "Lạy Chúa chúng con theo ai bây giờ? - Thánh Thể cho đời sống thường nhật", và dưới quyền chủ tọa của Ðức Hồng Y Ðặc Sứ Giovanni Battista Re, nguyên Tổng trưởng Bộ Giám Mục.
Ðại hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ 24 đã diễn ra cách đây 6 năm, tại thành phố Bari từ ngày 21 đến 29 tháng 5 năm 2005 với chủ đề "Nếu không có chúa nhật, chúng tôi không thể sống được".
Trong một tuần lễ nhóm họp, mỗi ngày đều có các thánh lễ, các buổi chầu Mình Thánh Chúa và các sinh hoạt phụng vụ và văn hóa, tôn giáo.
Ðức Thánh Cha đã từ Castel Gandolfo đáp trực thăng đến Ancona lúc 9 giờ 45 dưới bầu trời cuối mùa hè vẫn còn nóng nực. Ngài được đại diện chính quyền và giáo quyền địa phương đón tiếp trước khi dùng xe bọc kính tiến qua các lối đi tại khu vực để chào thăm các tín hữu, bầu không khí rất phấn khởi.
Trên lễ đài màu trắng rộng 800 mét vuông, tại khu vực xưởng tàu, đã có lối 300 Giám Mục, và phía trước đó là 1,500 linh mục đồng tế thánh lễ với Ðức Thánh Cha.
Ðầu thánh lễ, Ðức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng Giám Mục Genova, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Italia, đã chào mừng và cám ơn Ðức Thánh Cha, đồng thời cũng nhắc đến một chủ đích của Ðại hội Thánh Thể toàn quốc lần này là giúp tái khám phá quan hệ mật thiết, không thể tách biệt giữa Thánh Thể và đời sống thường nhật.
Bài giảng của Ðức Thánh Cha
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha đã giải thích bài Tin Mừng theo thánh Gioan đoạn thứ 6 trong đó Chúa Giêsu nói về Bánh Sự Sống là Mình Chúa ban cho nhân loại, nhưng nhiều môn đệ không chấp nhận điều ấy. Ðức Thánh Cha cũng giải thích lý do tại sao nhiều người ngày nay cũng có thái độ khước từ như vậy. , và ngài rút ra những hệ luận thực hành cho đời sống Kitô.
"Lời này khó nghe quá! Ai có thể nghe được?" (Ga 6,60). Khi nghe bài giảng của Chúa Giêsu về bánh sự sống, tại Hội đường Do thái ở Cafarnaum, nhiều người bỏ Chúa Giêsu, phản ứng này của các môn đệ không khác xa lắm so với sự kháng cự của chúng ta trước sự hiến thân trọn vẹn của Chúa. Bởi vì đón nhận thực sự hồng ân này có nghĩa là từ bỏ bản thân, để cho mình can dự và được biến đổi đến độ sống nhờ Chúa, như thánh Phaolô Tông Ðồ đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ hai: "Nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vì thế, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa" (Rm 14,8).
"Lời này khó nghe quá!", khó nghe vì nhiều khi chúng ta lẫn lộn tự do với tình trạng không bị ràng buộc, với xác tín theo đó ta có thể tự mình hành động mà không cần Thiên Chúa, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do. Chính ảo tưởng này sẽ trở thành một sự thất vọng, tạo ra lo âu sợ hãi và đưa tới sự nối tiếc những xiềng xích trong quá khứ: những người Do thái trong sa mạc đã nói "Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập..." (Xh 16,3), như chúng ta đã nghe. Trong thực tế, chỉ khi nào chúng ta cởi mở đối với Thiên Chúa, đón nhận hồng ân của Chúa, chúng ta mới thực sự tự do, được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi làm biến dạng khuôn mặt con người và khi đó chúng ta mới có khả năng phục vụ thiện ích đích thực cho anh chị em chúng ta.
"Lời này khó nghe quá!", khó nghe vì con người thường rơi vào ảo tưởng có thể "biến đá thành bánh". Sau khi gạt bỏ Thiên Chúa, hoặc chỉ coi Ngài như một chọn lựa riêng tư và không được can thiệp vào đời sống công cộng, một số ý thức hệ chủ trương tổ chức xã hội dựa trên sức mạnh của quyền hành và kinh tế. Bi thảm thay, lịch sử cho chúng ta thấy mục tiêu đảm bảo cho tất cả mọi người được phát triển, an sinh vật chất và an bình, mà loại bỏ Thiên Chúa và mạc khải của Ngài, rốt cuộc chỉ đưa tới tình trạng cho con người những hòn đá thay vì cơm bánh. Anh chị em thân mến, bánh "là kết quả lao công của con người", và trong chân lý này có bao hàm tất cả trách nhiệm được ủy thác cho đôi tay và sự cần cù khéo léo của chúng ta; nhưng trước đó, bánh cũng là "kết quả của hoa mầu ruộng đất", đón nhận mưa nắng từ trên cao: đó là một hồng ân cần phải xin, sự kiện này tránh cho chúng ta mọi sự kiêu hãnh và khiến chúng ta kêu cầu với lòng tín thác của những người khiêm tốn: "Xin Cha... cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" (Mt 6,11).
Con người không có khả năng tự ban cho mình sự sống, con người chỉ hiểu được chính mình từ Thiên Chúa: chính quan hệ với Chúa mang lại sức sống cho nhân tính của chúng ta và làm cho cuộc sống của chúng ta được tốt lành và ngay chính. Trong Kinh Lạy Chúa chúng ta xin cho Danh Chúa được thánh hóa, Nước Chúa được hiển trị, Ý Chúa được thể hiện. Trước tiên chúng ta cần phục hồi chỗ đứng thứ nhất của Thiên Chúa trong thế giới và đời sống chúng ta, vì chính vị thế thứ nhất như thế giúp chúng ta tìm lại sự thật về chúng ta và chính nhờ nhận biết và theo ý Chúa, mà chúng ta tìm được thiện ích chân thực của chúng ta. Dành thời gian và không gian cho Thiên Chúa, để Ngài là trung tâm sinh tử của cuộc sống chúng ta".
Vậy phải khởi hành từ đâu, từ nguồn mạch nào để phục hồi và tái khẳng định vị thế thứ nhất của Thiên Chúa? Thưa từ Thánh Thể: nơi đây Thiên Chúa trở nên gần gũi đến độ trở nên lương thực cho chúng ta, nơi đây Chúa trở thành sức mạnh trong hành trình nhiều khi khó khăn, nơi đây Ngài trở thành sự hiện diện thân hữu biến đổi chúng ta. Trong Luật được ban qua Môisê, Chúa đã được coi như "bánh bởi trời" nhờ đó Israel trở thành Dân của Chúa, nhưng trong Chúa Giêsu là Lời cuối cùng và chung kết của Thiên Chúa nhập thể, Chúa đến gặp gỡ chúng ta như một Người. Ngài là Lời vĩnh cửu, trở thành manna đích thực, là bánh sự sống (Xc Ga 6,32-35) và chu toàn công việc của Thiên Chúa là tin nơi Ngài (Xc Ga 6,28-29). Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu tóm gọn trọn cuộc sống của Ngài qua một cử chỉ thuộc nghi thức chúc tụng Thiên Chúa trong lễ Vượt Qua, cử chỉ Ngài sống như Con cảm tạ Chúa Cha vì tình thương vô biên của Chúa. Chúa Giêsu bẻ bánh và chia sẻ, nhưng với một chiều sâu mới mẻ, vì Ngài ban chính mình Ngài. Chúa cầm lấy chén và chia sẻ để mọi người có thể uống, nhưng với cử chỉ này, Ngài ban "giao ước mới trong máu Ngài", Ngài ban chính mình. Chúa Giêsu báo trước cử chỉ yêu thương tột cùng, tuân theo thánh ý Chúa Chúa: đó là hy tế Thập Giá. Sự sống của Ngài sẽ bị tước bỏ trên Thập Giá, nhưng ngay trong lúc này, chính Ngài trao tặng sự sống ấy. Như thế, cái chết của Chúa Kitô không phải là một cuộc hành quyết dữ dằn, nhưng được Ngài biến cải thành một cử chỉ tự nguyện yêu thương, một sự tự hiến mình, tiến qua chính sự chết như chiến thắng và tái lập sự tốt lành của công trình sáng tạo từ tay Thiên Chúa, công trình tạo dựng ấy bị hạ giá vì tội lỗi nhưng sau cùng đã được cứu chuộc. Chúng ta đạt tới hồng ân vô biên ấy trong bí tích Thánh Thể: Thiên Chúa hiến mình cho chúng ta để mở rộng cuộc sống chúng ta cho Chúa, để đưa cuộc sống ấy vào trong mầu nhiệm tình thương của Thập Giá, để cho sự sống ấy được tham dự vào mầu nhiệm vĩnh cửu chúng ta từ Ngài mà ra, và để báo trước cuộc sống mới mẻ trọn vẹn trong Thiên Chúa, và chúng ta sống trong sự chờ đợi cuộc sống trọn vẹn ấy.
Trong phần kế tiếp của bài giảng, Ðức Thánh Cha dẫn tới những kết luận cho cuộc sống Kitô và nói rằng:
"Nhưng khởi hành từ Thánh Thể để tái khẳng định vị thế thứ nhất của Thiên Chúa có hệ luận gì đối với đời sống hằng ngày của chúng ta? Các bạn thân mến, sự hiệp thông Thánh Thể, hay là rước lễ, lôi kéo chúng ta ra khỏi thái độ cá nhân chủ nghĩa của chúng ta, thông truyền cho chúng ta tinh thần của Chúa Kitô đã chết và sống lại, làm cho chúng ta nên đồng hình dạng với Chúa; liên kết chúng ta một cách sâu đậm với anh chị em mình trong mầu nhiệm hiệp thông là Giáo Hội, nơi mà bánh duy nhất làm cho nhiều người trở thành một thân thể duy nhất (Xc 1 Cr 10,17), thực hiện kinh nguyện của cộng đồng Kitô nguyên thủy như được thuật lại trong sách Didaché, Giáo huấn của 12 Tông Ðồ: "Như bánh này được bẻ ra rải rác trên các ngọn đồi và được thu thập lại trở thành một sự duy nhất, cũng vậy Giáo Hội của Chúa từ các biên cương của trái đất cũng được tụ họp trong Nước Chúa" (IX, 4). Thánh Thể nâng đỡ và biến đổi toàn thể cuộc sống hằng ngày. Như tôi đã nhắc đến trong Thông điệp đầu tiên, "trong sự hiệp thông Thánh Thể có chứa đựng sự kiện chúng ta được yêu thương và sự yêu thương tha nhân", vì thế, "một Thánh Thể không biểu lộ qua tình yêu được thực hành cụ thể thì bị phân hóa ngay tự nơi mình" (Thiên Chúa là tình thương, 14).
Lịch sử hai ngàn năm của Giáo Hội đầy những vị thánh nam nữ có cuộc sống là dấu chỉ hùng hồn về kết quả sự hiệp thông với Chúa, từ Thánh Thể nảy sinh thái độ mới mẻ và nồng nhiệt lãnh nhận trách nhiệm ở mọi cấp độ trong đời sống cộng đoàn, và vì thế từ đó nảy sinh một sự phát triển tích cực cho xã hội, một sự phát triển đặt con người ở trung tâm, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật hoặc túng quẫn. Nuôi dưỡng mình bằng Chúa Kitô chính là con đường để không trở nên xa lạ hoặc dửng dưng đối với số phận của anh chị em, nhưng đi vào con đường yêu thương và hiến dâng của hy tế Thập Giá; ai biết quì gối trước Thánh Thể, lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì không thể không quan tâm tới những tình trạng bất xứng đối với con người, trong đời sống thường nhật, và họ biết cúi mình trên người túng thiếu, biết bẻ bánh của mình để chia sẻ với người đói, chia sẻ nước với người khát, cho người trần trụi áo mặc và viếng thăm bệnh nhân và tù nhân (Xc Mt 25,34-36). Họ biết nhìn thấy nơi mỗi người chính Chúa là Ðấng không do dự hiến toàn thân cho chúng ta và vì phần rỗi của chúng ta. Vì thế, một linh đạo Thánh Thể thực là thuốc giải trừ cá nhân chủ nghĩa và tính ích kỷ thường xảy ra trong đời sống thường nhật, giúp tái khám phá sự nhưng không, tầm quan trọng của các quan hệ, bắt đầu từ gia đình, và đặc biệt quan tâm thoa dịu những vết thương của các gia đình bị tan vỡ. Một linh đạo Thánh Thể là linh hồn của một cộng đoàn Giáo Hội vượt thắng chia rẽ và đố kỵ, đề cao giá trị của những đoàn sủng và thừa tác vụ khác nhau, đặt mình phục vụ sự hiệp nhất, sự sinh động và sứ vụ của Giáo Hội. Một linh đạo Thánh Thể là con đường để tái lập phẩm giá cho những ngày của con người và cho công việc, trong việc tìm kiếm sự dung hòa giữa lễ hội với gia đình, trong sự dấn thân khắc phục tình trạng công ăn việc làm bấp bênh và nạn thất nghiệp. Một linh đạo Thánh Thể sẽ giúp chúng ta tìm cách giải quyết những hình thức dòn mỏng yếu đuối của con người, với ý thức rằng chúng không làm lu mờ giá trị của nhân vị, nhưng đòi phải có sự gần gũi, đón tiếp và giúp đỡ. Từ Bánh Sự Sống sẽ rút ra được sức mạnh cho khả năng giáo dục được đổi mới, quan tâm làm chứng về các giá trị cơ bản của cuộc sống, của kiến thức, gia sản tinh thần và văn hóa; sức sinh động của Bánh Sự Sống giúp chúng ta cư ngụ trong xã hội loài người với thái độ sẵn sàng xả thân cho ích chung, để xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.
Nhắc nhớ biến cố 11-9-2001 tại Mỹ
Cuối thánh lễ, trong lời huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha đã phó thác giáo phận Ancona, miền Marche và toàn Italia cho sự bảo trợ của Ðức Mẹ. Ngài cũng nhắc đến kỷ niệm 10 năm cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ và ngài tái kêu gọi các vị lãnh đạo các dân nước tránh dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp. Ðức Thánh Cha nói:
"Hôm nay chúng ta cũng nghĩ đến ngày 11 tháng 9 cách đây 10 năm. Trong khi xin Chúa Tể Sự Sống nhớ đến các nạn nhân những vụ khủng bố trong ngày ấy và gia đình họ, tôi mời gọi các vị hữu trách của các quốc gia và những người thiện chí hãy vĩnh viễn loại bỏ bạo lực như giải pháp cho các vấn đề, hãy chống lại cám dỗ oán thù và hoạt động trong xã hội theo các nguyên tắc liên đới, công lý và hòa bình".
Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 10. Một phi đội 9 máy bay của không lực Italia đã bay ngang hai lần khu vực hành lễ và thả khói màu họp thành hình lá cờ Italia đỏ trắng và xanh lá cây.
Sau đó Ðức Thánh Cha đã đến trung tâm mục vụ Colle Ameno dùng bữa trưa với các Giám Mục và khoảng 16 đại diện của các công nhân thất nghiệp và người nghèo.

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét