label

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Đức: một cuộc trắc nghiệm “Tân Phúc âm hóa”



Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Đức: một cuộc trắc nghiệm “Tân Phúc âm hóa”
WHĐ (29.09.2011) – Chuyến tông du bốn ngày của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến nước Đức làm nổi bật hai thách đố đối với Giáo Hội. Hai thách đố này có liên quan chặt chẽ với nhau: làm thế nào để tái rao giảng Tin Mừng cho các quốc gia theo truyền thống Kitô giáo ở phương Tây, và làm thế nào để Giáo Hội lấy lại tiếng nói khả tín trong xã hội hiện đại.
Theo một nghĩa nào đó, quê hương Đức của Đức Thánh Cha là một trường hợp trắc nghiệm cho công cuộc “Tân Phúc âm hóa” vốn là trọng tâm của triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Như Đức Thánh Cha đã nhiều lần chỉ ra trong chuyến tông du vừa qua, nước Đức hiện đại là một quốc gia thế tục hóa, nơi mà chủ nghĩa vô thần hay sự thờ ơ tôn giáo đang lan rộng, nơi mà các giá trị đạo đức truyền thống đang bị xói mòn và nơi mà thông điệp của Giáo Hội dường như càng ngày càng ít có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nước Đức còn có một người con là Đức Giáo Hoàng –vẫn là niềm tự hào của nhiều người Đức– và một truyền thống tranh luận về mặt tri thức. Ít nhất, Đức Thánh Cha cũng hy vọng người ta sẽ lắng nghe một cách thẳng thắn, và ở một mức độ nào đó, ngài đã được lắng nghe.
Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Đức, Đức Thánh Cha lập luận rằng công bằng xã hội phải được đặt trên nền tảng đạo đức, thúc đẩy suy tư và thảo luận trên các phương tiện truyền thông Đức. Tờ tuần báo Der Spiegel vốn hay chỉ trích đã gọi bài phát biểu này là có tính gợi mở suy tư và “dũng cảm”.
Đó là một diễn văn mang phong cách cổ điển, một bài tham luận triết học đi từ Sách các Vua trong Kinh Thánh đến thế giới quan tích cực của thời hiện đại. Ngài đã cho thấy ngài có thể liên kết với giới trí thức, và ở lĩnh vực này, ngài được họ kính trọng.
Hiển nhiên là Đức Thánh Cha cũng liên kết với hàng chục ngàn tín hữu Công giáo tham dự Thánh Lễ và các buổi cầu nguyện. Cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ tại một đền thờ ở Etzelsbach hoặc quỳ gối chầu Thánh Thể tại nhà thờ chính tòa Freiburg, Đức Thánh Cha nghe được âm thanh của sự thinh lặng phía sau ngài –là âm nhạc đối với đôi tai của ngài, vì đó là dấu hiệu của sự tham dự rất sốt sắng.
Lời kêu gọi trở về nguồn cội Kitô giáo của Đức gặp được sự tán thành đầy nhiệt tình của điều mà một người phụ nữ gọi là “nền tảng” của Đức Thánh Cha – các gia đình Công giáo đã cố gắng duy trì truyền thống tôn giáo trong nhiều thập niên sống với chủ nghĩa cộng sản và sự phân hóa xã hội trong những năm gần đây.
Các cử tọa khác có vẻ ít đồng tình hơn với sứ điệp của Đức Thánh Cha về chủ đề trọng tâm: “sự trở lại với Thiên Chúa”.
Với những người Đức đã rời bỏ Giáo Hội hoặc những người đòi phải “đối thoại” trong Giáo Hội về các vấn đề như độc thân linh mục và vai trò của phụ nữ và giáo dân, Đức Thánh Cha đã đáp lại một cách thật sắc bén.
Trước hết, ngài nói rằng vấn đề cơ bản là sự hiểu sai về bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội không chỉ là một tổ chức xã hội mà mọi người có thể tùy ý tham gia hay không, nhưng là một cộng đồng các tín hữu thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Ngài trách cứ những quan niệm hời hợt của người Công giáo về “một Giáo Hội trong mơ” mà không thành hiện thực đã gây ra sự bất bình trong Giáo Hội.
Trong cuộc gặp gỡ ở Freiburg với Ủy ban trung ương Công giáo Đức, Đức Thánh Cha thẳng thắn mô tả Giáo Hội Đức là một “tổ chức tuyệt vời”, nhưng thiếu tinh thần. Thay vì dựa trên các tổ chức và các chương trình Giáo Hội quy mô, “Tân Phúc âm hóa” sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các cộng đoàn Công giáo nhỏ và các cá nhân có thể chia sẻ kinh nghiệm đức tin của họ với đồng nghiệp, với gia đình và bạn bè.
Chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng cũng được hoạch định để có đông đảo người tham dự hơn với hàng triệu người Đức đã rời khỏi Giáo Hội hoặc tôn giáo. Trong buổi gặp gỡ tại dinh Tổng thống ở Berlin, Đức hồng y Reinhard Marx của München nói rằng ngài tin rằng những người Đức này đang lắng nghe Đức giáo hoàng –thậm chí có cả những người hoài nghi.
Tuy nhiên, những người hoài nghi lại không có mặt ở nơi Đức Thánh Cha đến, nếu có thì cũng chỉ theo dõi chuyến viếng thăm của ngài qua các phương tiện truyền thông. Và phản ứng của họ thì đủ loại.
Magda Hilmers, một người Tin Lành từ Freiburg phát biểu: “Bài phát biểu của Đức giáo hoàng trước Quốc hội cho thấy ngài là con người thông thái. Nhưng đối với hầu hết mọi người, những lời ấy lại quá cao siêu. Đức giáo hoàng bảo cần phải tái khám phá Thiên Chúa... tôi chẳng hiểu gì cả. Nghe như là những gì thuộc về quá khứ”.
Inga, một phụ nữ 46 tuổi thuộc gia đình Công giáo nhưng cho biết cô “không theo tôn giáo,” cho rằng Đức Thánh Cha nên nói thêm về các vấn đề xã hội, bao gồm cả chiến tranh và sự mất cân bằng về kinh tế.
Với Andres Capriles, một người Bolivia trẻ nhập cư, những lời của Đức giáo hoàng quả là quan trọng nhưng đã không đề cập đến những điều mà nhiều người Công giáo đang nghĩ.
“Người ta không chỉ vỡ mộng về Thiên Chúa và tôn giáo, họ thất vọng về Giáo Hội và đường hướng của Giáo Hội, có vẻ là xa rời Công Đồng Vatican II”.
Petra Kollmar, một người Công giáo 57 tuổi từ Freiburg, cho biết: vấn đề với chuyến thăm của Đức giáo hoàng là “điều mà ngài đã không nói đến: không truyền chức linh mục cho phụ nữ, thái độ của Giáo Hội đối với người đồng tính và những người ly dị, vấn đề lạm dụng trẻ em.”
Nhiều người trong số những người được hỏi cho biết đây là những vấn đề làm cho Giáo Hội bị suy giảm ảnh hưởng và uy tín đối với người Đức.
Thái độ như vậy không phải là không phổ biến ở khắp châu Âu, và làm cho công cuộc “Tân Phúc âm hóa” thêm phức tạp, khiến cho Đức Thánh Cha khó đến được với những người thờ ơ và bất mãn hơn.
Tuy nhiên, thái độ của Đức Thánh Cha tại Đức là không nhượng bộ. Ở Freiburg, ngài nói thay vì đưa ra một “chiến lược mới,” cần phải “loại bỏ tính trần tục của Giáo Hội” và đừng áp dụng các tiêu chuẩn của xã hội thế tục cho Giáo Hội.
Sống đức tin một cách trọn vẹn luôn đòi hòi việc dám lội ngược dòng trào lưu văn hoá, nhưng lịch sử đã cho thấy đó là cách duy nhất để Giáo Hội lấy lại tính khả tín cho sứ mệnh của mình.
Rõ ràng là ở Đức, Đức Thánh Cha nhìn thấy “Tân Phúc âm hóa” là một quá trình lâu dài và khó khăn, khởi đầu bằng việc hiểu biết rõ ràng hơn về bản chất và mục đích của Giáo Hội, chứ không phải cố gắng tìm cách làm hài lòng những người chỉ trích.
(John Thavis, CNS, 26-09-2011)
 
Huy Hoàng chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét