label

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Tương quan giữa vật lý học và đức tin.

Tương quan giữa
vật lý học và đức tin

Phỏng vấn Mục Sư Anh giáo vật lý gia John Polkinghorne.
Rimini, Italia (Avvenire 2-9-2011) - Trong các ngày 21-27 tháng 8 năm 2011 đại hội tình bạn lần thứ 32 đã diễn ra tại Rimini, trung Italia, về đề tài "Sự hiện hữu trở thành một sự chắc chắn mênh mông". Ðại hội quy tụ hàng chục ngàn tham dự viên thuộc mọi giai tầng xã hội: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tôn giáo với hàng trăm thuyết trình viên và các sinh hoạt đủ loại. Bên cạnh các lễ nghi phụng vụ và cầu nguyện, có các buổi thuyết trình, các cuộc hội luận bàn tròn, các buổi hòa nhạc, triển lãm, văn nghệ và giao lưu văn hóa.
Trong số các thuyết trình viên cũng có mục sư Anh giáo, vật lý gia, thần học gia và nhà văn John Polkinghorne.
Mục sư John Polkinghorne sinh năm 1930 và đã từng là giáo sư toán vật lý nổi tiếng tại đại học Cambrigde bên Anh quốc giữa các năm 1968-1979. Trong thời gian này giáo sư cũng có các thời giờ nghiên cứu tại các đại học Princeton, Berkeley, Stanford và tại Trung tâm năng lượng nguyên tử âu châu ở Genève bên Thụy Sĩ. Năm 1977 cảm thấy mình được ơn gọi dấn thân phụng sự Chúa, ông từ bỏ ghế giáo sư vật lý đại học để gia nhập đại chủng viện học thần học và trở thành mục sư Anh giáo năm 1982. Tiếp đến mục sư phục vụ một giáo xứ ở mạn nam Bristol, rồi trở thành cha sở các xứ Blean và Kent, trước khi trở lại Cambridge rồi trở thành giám đốc trường Cao đẳng của Nữ Hoàng tại đây trong các năm 1988-1996, là năm mục sư về hưu.
Là khoa học gia mục sư Polkinghorne đã viết 5 cuốn sách về vật lý và đã góp phần vào việc khám phá ra vật lý duy lượng tử và vật lý hạt Quark. Như là thần học gia và văn sĩ, mục sư cũng là tác giả của 26 cuốn sách về tương quan giữa khoa học và tôn giáo. Năm 1997 mục sư trở thành Hiệp Sĩ của Nữ Hoàng và năm 2002 được nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng Templeton trị giá 1 triệu bảng Anh, vì các đóng góp giúp khẳng định chiều kích tinh thần của cuộc sống và chứng minh cho thấy vật lý và đức tin cho phép khám phá thực tại với hai con mắt.
Tại đại hội tình bạn Rimini ngày 24-8-2011 mục sư Polkinghorne đã diễn thuyết về đề tài sự chắc chắn của khoa học. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn mục sư về đề tài tương quan giữa khoa học vật lý và đức tin.
Hỏi: Thưa mục sư Polkinghorne, như là khoa học gia và thần học gia mục sư nghĩ gì về tương quan giữa khoa học và đức tin?
Ðáp: Các câu hỏi khoa học phải nhận được các câu trả lời khoa học. Còn các vấn nạn thần học phải có các câu trả lời thần học. Khoa học không thể chứng minh rằng Thiên Chúa không hiện hữu và tôn giáo không thể lo lắng cho thiên nhiên trong các chi tiết của nó, cũng như cho lịch sử của thế giới vật lý. Nhưng khoa học và tôn giáo có thể sống chung. Xung khắc chỉ bùng nổ, khi một trong hai bên xâm lấn bên kia và xúc phạm tới lãnh vực hợp pháp của bên kia.
Hỏi: Thưa giáo sư, các xác thực của khoa học có luôn luôn đáng tin cậy hay không?
Ðáp: Khoa học cống hiến cho nhân loại nhiều trực giác và hiểu biết có ý nghĩa và có các lý chứng. Nó hoàn toàn có lý sự nên có thể chấp nhận tin tưởng được nơi các xác thực của nó. Dĩ nhiên là khoa học không thể cho chúng ta sự xác thực tuyệt đối. Một việc kiểm soát quan trọng và việc xem xét lại có thể cần làm, khi sự hiểu biết tiến triển khá hơn, như đã xảy ra trong sự chuyển tiếp từ vật lý học của Newton sang thuyết các lượng tử và sự tương đối.
Hỏi: Các sự thật của khoa học thay đổi, đôi khi từ ngày này sang ngày khác và như vậy sự hiểu biết khoa học khiến cho các chân trời của nó tiến tới. Các ý niệm nền tảng của tư tưởng thần học, trái lại, không bao giờ thay đổi. Với sự phản tưởng tạm thời này các tương tác và sự đối thoại giữa khoa học và đức tin xảy ra như thế nào thưa giáo sư?
Ðáp: Cả các trực giác và các phân định thần học cũng phát triển trong thời gian, có thể chậm hơn vì thần học khó hơn khoa học. Chỉ cần nghĩ tới nền thần học kitô đã lớn lên như thế nào trong 5 thế kỷ đầu tiên với các thảo luận của các Công Ðồng của Giáo Hội. Các tương tác giữa tôn giáo và khoa học còn tồn tại, bởi vì cả hai bên đều chú ý tới việc tìm kiếm chân lý, mặc dù trên các bình diện khác nhau trong việc tiếp cận với thực tại.
Hỏi: Thưa giáo sư, trong cuốn sách tựa đề "Tin vào Thiên Chúa trong kỷ nguyên khoa học" giáo sư miêu tả chủ thuyết mghi ngờ bắt giữ được vài tín hữu trong khi sự tiến bộ kỹ thuật phổ biến một quan niệm duy vật về thế giới. Nhưng nếu khoa học gia tăng các nghi ngờ, thì có thể coi nó như là đối thủ của đức tin hay không?
Ðáp: Khoa học không khích lệ các nghi ngờ của tín hữu, nếu nó tôn trong lãnh vực chuyên môn của nó, nghĩa là nếu nó chỉ đề cập tới các tiến bộ tự nhiên, mà không thảo luận về các vấn đề giá trị. Như thế đối với một nhà vật lý trong tư cách là nhà vật lý, thì âm nhạc được tạo thành bởi các rung động trong không khí, nhưng không ai có thể bị dẫn đến chỗ tin rằng âm nhạc chỉ là thế, và không có gì khác để nói về điều này.
Hỏi: Thưa giáo sư, có một người đã hỏi giáo sư rằng nên trở thành linh mục hay chuyên gia vật lý, và giáo sư đã trả lời: "Hãy nhắm tới khoa học và một nền văn hóa giúp xây dựng một một sự nhậy cảm và một nềm văn hóa tôn giáo bắng cách cầu nguyện và dấn thân trong các sinh hoạt trong giáo hội của bạn", có đúng thế không?"
Ðáp: Tôi tin là chúng ta tất cả đều nhận được các tài năng khác nhau do Thiên Chùa ban cho để chúng ta diễn tả chúng ra và sử dụng chúng. Như thế chúng ta phải chờ đợi ai có tài khéo khoa học thì dùng nó một cách thích hợp. Nhưng không được biến nó trở thành trung tâm tuyệt đối của cuộc đời mình. Tật cả mọi người đều phải sẵn sàng gặp gỡ thực tại của sự thánh thiêng.
Hỏi: Giáo sư đã tuyên bố rằng các sự thật của khoa học và các sự thật của đức tin gắn liền nhau một cách sâu xa. Giáo sư có thể giải thích thêm một chút hay không?
Ðáp: Chúng ta hãy giải thích nó một cách thô thiển như thế này. Khoa học thì hỏi: các sự việc xảy ra như thế nào; còn tôn giáo thì hỏi tại sao chúng xảy ra. Ðể có thể hiểu thực tại, chúng ta cần phải đưa ra các câu hỏi và nhận được các câu trả lời cho cả hai câu hỏi như đã nêu lên trên đây. Cái bình nấu nước đang sôi bởi vì hơi đốt đang nung nóng nước lên, và lý do là vì tôi muốn pha cho mình một ly trà nóng. Các câu trả lời có thể khác nhau, nhưng mà chúng phải hòa hợp với nhau: bình nấu nước mà ở trong tủ lạnh thì không phù hợp với ý định muốn uống một ly trà nóng. Trong ý nghĩa của sự phù hợp này khoa học và tôn giáo gấn liền với nhau một cách mật thiết.
Hỏi: Thưa giáo sư, không có gì có thể là thật, nếu không đựơc kiểm thực một cách khoa học. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định như thế. Nhưng giáo sư đã phản bác rằng, dựa trên định lý của Godel, trong toán học thuần túy có các khẳng định thật, nhưng cũng không thể được chứng minh. Nhưng nếu khoa học và đức tin tùy thuộc lẫn nhau, thì tôn giáo siêu vượt trên khoa học và không có gì để chứng minh cả, có phải vậy không?
Ðáp: Tôi tin rằng khoa học cũng như tôn giáo đều có mục tiêu là sự thật, và chúng tìm kiếm sự thật qua các xác tín có các lý do hẳn hoi, vì thế có thể tin cậy được, mặc dù biết rằng chúng không tuyệt đối chắc chắn. Dù sao đi nữa thì niềm tin tôn giáo cũng không dựa trên sự quy phục một quyền bính vô lý nào cả và không thể phản kháng được.
(Avvenire 2-9-2011)

Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét