Suy nghĩ từ biến cố 11 tháng Chín
Đức hồng y Jean-Louis Tauran nói: “Nếu chúng ta đã tránh được sự xung đột các văn hóa, chúng ta cũng phải tránh sự xung đột do thiếu hiểu biết”.
Đối với Đức hồng y Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, các nhà hữu trách tôn giáo đã có ý thức hơn về sự cấp bách phải có một nền giáo dục về sự gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ liên tôn giáo tại Assidi lần thứ hai do Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI mời gọi sẽ diễn ra vào ngày 27 tháng Mười tới đây.
Sau đây là bài trả lời phỏng vấn báo La Croix của Đức Hồng y Tauran về biến cố 11 tháng Chín và cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi lần thứ hai này.
La Croix: Ngày 11 tháng Chín, Hồng y là bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nền ngoại giao của Vatican đã cảm nhận thế nào về biến cố có tính cách “dấu chỉ thời đại” này?
Hồng y Tauran: Dĩ chiên, chúng tôi đã bị choáng bởi tính cách kinh khủng của hành động này. Nhưng cũng khá nhanh sau đó và cũng thật nghịch lý, chúng tôi như thấy mình thức tỉnh. Một xác tín đến với chúng tôi: không thể nhân danh Thiên Chúa mà giết người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã ý thức hơn về sự cấp thiết phải có một nền giáo dục về sự gặp gỡ.
– Phải giải thích thế nào sự nghịch lý này: thảm kịch này lại có thể có cái tác động tích cực ấy ?
– Khi ấy, tôi đã bị đánh động bởi sự kiện không ai đặt lại vấn đề về cuộc đối thoại này. Nhiều người Hồi giáo đã mong muốn cho người ta thấy thấy một đạo Hồi đích thực. Và có đông đảo người muốn bày tỏ tình liên đới đối với các nạn nhân, đặc biệt các nạn nhân kitô hữu. Ngày 11 tháng Chín đã không hề đặt lại vấn đề về cuộc đối thoại liên tôn, ngược lại, những đối tác mới xuất hiện. Chẳng hạn nhà vua Abdallah của Ả Rập Saudi đã có một bài diễn thuyết lớn về đối thoại liên tôn tại Madrid năm 2008.
– Vụ mưu hại này khiến người ta thấy rõ rằng bạo lực không thể đi đôi được với tôn giáo?
– Cần phải đọc lại điều Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tuyên bố với đoàn ngoại giao vào tháng Giêng năm 2006, về nạn khủng bố do ý tưởng tôn giáo thúc đẩy. Đó là một sự lên án mạnh mẽ nhất và đầy đủ nhất tôi từng được nghe. Không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào, không một lý do nào có thể dẫn đến một hành động khủng khiếp như vậy. Ngày 11 tháng Chín 2001, tôi đang ở Strasbourg nhân dịp kỷ niệm hai trăm năm thỏa ước giữa Tòa Thánh và Bonaparte. Và tôi nhớ lại là sau chiến tranh, chính các người trẻ đã khiến nước Pháp và nước Đức xích lại gần nhau. Đặc biệt, nhờ các cuộc trao đổi văn hóa giữa các sinh viên, các người trẻ đã đi trước các thể chế.
Trong cuộc đối thoại liên tôn, chúng ta cũng phải tiến hành như vậy. Cần phải giáo dục người trẻ Hồi giáo theo nền giáo dục của đối thoại này. Tôi đã trình bày trong thư gửi anh chị em Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng Ramadan: chúng ta phải cùng nhau làm cho người trẻ khám phá ra rằng có điều lành và điều ác, rằng lương tâm là một đền thánh phải được tôn trọng, rằng xây dựng chiều kích tinh thần khiến người ta trở nên có trách nhiệm hơn, liên đới hơn và sẵn sàng đối thoại hơn.
– Nền đào tạo này đã bắt đầu được thực hiện?
– Một cách rất khiêm tốn. Tương lai được chuẩn bị qua giáo dục tại gia đình, tại trường học, tại đại học. Trong thế giới Hồi giáo, các trường học của chúng ta có những đóng góp to lớn. Tôi mới có dịp gặp một nhà ngoại giao Hồi giáo của một quốc gia trong vùng Vịnh. Nhà ngoại giao này nói với tôi: “Tất cả điều tôi biết được, ấy là nhờ quý vị. Trong thời gian tôi học tại một trường công giáo, tôi không hề bị chèo kéo nhập đạo từ phía người công giáo”. Đối với tôi, đây là một lời khen. Bởi nhà ngoại giao này từ đó quan tâm đến việc xây dựng đối thoại.
– Ngài nghĩ biến cố 11 tháng Chín đã đánh dấu một sự chuyển biến trong các lĩnh vực nào của thế giới?
– Thế giới đã trở nên mong manh. Nhiều nhóm có thể gieo rắc cái chết và sự kinh hoàng. Lòng nghi kỵ và nỗi sợ người khác gia tăng. Nếu chúng ta đã tránh được sự xung khắc văn hóa, chúng ta cũng phải tránh sự xung khắc do thiếu hiểu biết. Bởi sự sợ hãi người khác thường là do sự thiếu hiểu biết này tạo nên. Chúng ta được thông tin quá mức, nhưng liệu chúng ta có biết suy nghĩ? Theo tôi nghĩ, chính tại gia đình, tại trường học mà các thế hệ trẻ có thể học được rằng khác biệt là một sự phong phú. Trong khung cảnh ấy, vai trò của các tôn giáo là thiết yếu, như Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói hôm 1 tháng Giêng: “Kẻ đang đi đến cùng Thiên Chúa không thể không truyền đạt hòa bình. Và kẻ xây dựng hòa bình không thể không tiến gần Thiên Chúa”. Đó là giấy thông hành của chúng ta. Nó sẽ được khẳng định vào ngày 27 tháng Mười trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại Assisi, do Đức giáo hoàng mời gọi. Qua việc cầu nguyện, chiêm niệm, chúng ta sẽ đi cùng nhau. Đó sẽ là khoảnh khắc của sự chín muồi. Là những kẻ hành hương tìm chân lý, những kẻ hành hương tìm hòa bình, tất cả chúng ta đang đi trên cùng một con đường.
(Frédéric MOUNIER thực hiện – la-croix.com, 09-09-2011)
Mai Tâm chuyển dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét