GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO VÀO TRƯỜNG HỌC THÁNH GIA NAGIARÉT
... Năm 2011 ghi đúng 30 năm tông huấn Gia Đình ”Familiaris Concortio” do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) công bố ngày 22-11-1981. Trong tông huấn, Đức Thánh Cha khai triển các nền tảng giúp hiểu rõ hơn về Gia Đình cũng như nhấn mạnh chỗ đứng trung tâm của Gia Đình trong xã hội.
Để nhắc nhở giáo huấn của Đức Chân Phúc Giáo Hoàng về Gia Đình, Hội Đồng Giám Mục Pháp quyết định dành năm 2011 là ”Năm Gia Đình” tại Pháp.
Ngoài ra, Các Gia Đình Công Giáo Pháp vẫn còn nhớ như in cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại đền thánh Sainte-Anne-d'Auray ở Bretagne vào buổi chiều ngày 20-9-1996.
Trong thư gởi Các Gia Đình trên thế giới đề ngày 2-2-1994 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: ”Gia Đình là môi trường trong đó con người có thể hiện hữu cho chính mình nhờ tác động trao hiến chính mình cách vô-vụ-lợi. Thật thế, Gia Đình là trường học tốt nhất để hiểu rằng con người được yêu thương cũng như học yêu thương cách bền vững và trung tín. Mọi tín hữu đều được kêu gọi nên thánh; và chính trong Gia Đình - môi trường đầu tiên - mà lời mời nên thánh có thể tìm thấy sự lắng nghe và lời đáp trả. Chính trong ý nghĩa ấy mà người ta nói về Gia Đình như là tế bào đầu tiên và là nền tảng của Giáo Hội cũng như của Xã Hội. Gia Đình là nơi chốn tự nhiên mà mỗi người có thể học cách cho và nhận, chia sẻ hỗ tương và nhất là hiểu thế nào là sự nhưng-không. Bởi vì, chính trong Gia Đình mà người ta học biết phục vụ, học biết ra khỏi cái-tôi ích kỷ và học biết tôn trọng của cải chung, ích lợi chung”.
Tuy nhiên, không ai là không biết đến những vết thương gây đau khổ cho Gia Đình, những gương xấu làm lu mờ hình ảnh Gia Đình. Xin giới thiệu vài Gia Đình Công Giáo thuộc Giáo Phận Saint-Brieuc và Tréguier ở miền Bắc nước Pháp. Đây chỉ là bức tranh nho-nhỏ tượng trưng của Gia Đình với các điểm tối điểm sáng, với niềm hạnh phúc chen lẫn nỗi khổ đau.
1/ Gia Đình vợ chồng trẻ Cécile và Charles Duros: cắm chặt vào Giáo Xứ.
Gia Đình Anh Chị sống nơi giáo xứ Loudéac từ 13 năm nay. Anh Charles 45 tuổi và Chị Cécile 39 tuổi với hai đứa con. Bé trai Martin 9 tuổi và bé gái Adèle 7 tuổi. Anh Chị lấy nhau từ năm 2000. Vừa đặt chân đến Giáo Xứ, Chị Cécile thấy ngay rằng việc hội nhập vào Giáo Xứ và tham gia các hoạt động của Giáo Xứ là chuyện hết sức tự nhiên, như chính thân mẫu Chị làm nơi giáo xứ Plémet. Trước khi lập Gia Đình, Chị là hội viên Thiếu Nhi Thánh Thể. Chị từng tham dự các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ và hoạt động nơi Trung Tâm Tiếp Đón của Giáo Phận. Vì thế, khi lập Gia Đình, Chị tự vạch ra kế hoạch:
- Xây dựng một gia đình Công Giáo sống đạo chân thành, sinh sản con cái và mở rộng mái ấm Gia Đình để tiếp đón mọi người.
Ngày nay, đôi bạn trẻ Cécile và Charles vẫn giữ nguyên đề án giáo dục con cái theo tinh thần Kitô Giáo. Mỗi Chúa Nhật, Chị Cécile mang theo hai con đi tham dự Thánh Lễ, đặc biệt khi có các Thánh Lễ dành cho Gia Đình.
Trong khi đó Anh Charles chỉ tháp tùng vợ con đi lễ vào các dịp lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh. Anh xuất thân từ một gia đình Công Giáo đạo đức. Trong dòng tộc anh có các Linh Mục và Nữ Tu. Nhưng khi đến tuổi dậy-thì, anh xa lìa nhà thờ và bỏ rơi các việc đạo đức lành thánh.
Mặc dầu không được chồng hỗ trợ trong việc thực hành đạo, Chị Cécile vẫn tiếp tục con đường Đức Tin và dấn thân trong các hoạt động tông đồ của Giáo Xứ. Từ tháng 9 năm 2010 Chị phụ trách việc dạy giáo lý cho một nhóm trẻ. Chị truyền đạt Đức Tin Công Giáo cách tự nhiên, không áp đặt.
Nơi Gia Đình cũng thế, Chị mua một số sách tôn giáo dành cho giới trẻ. Thỉnh thoảng Chị đọc sách tôn giáo cho các con - như đọc những câu chuyện kể vào ban tối - hoặc để trả lời cho những thắc mắc của các con về tôn giáo. Mỗi buổi tối, trước khi ngủ, Chị dạy các con đọc lời nguyện nho-nhỏ:
- Lạy Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, con xin dâng cho Chúa trái tim con trọn đêm nay và con xin cám ơn Chúa đã cho con qua một ngày sống tốt đẹp nơi Gia Đình.
Đây cũng là lời kinh Chị Cécile từng đọc với Cha Mẹ khi Chị còn bé tí teo.
2/ Bà Anne Gauthier, Bà Mẹ Công Giáo bị ”khuyết tật” vì ly dị.
Vào năm 1987, khi chồng Bà quyết định ra đi, bỏ rơi hai đứa con còn nhỏ, Bà Anne vẫn tiếp tục sống đạo, vẫn đều đặn đưa hai con đi học giáo lý. Nhưng rồi Bà từ từ xa lìa nhà thờ, không tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật nữa. Bởi lẽ, Bà cảm thấy không thoải mái khi đối diện với các tín hữu Công Giáo khác. Bà thẹn thùng với nhãn hiệu ”Bà Mẹ ly dị” giống y như một người mang khuyết tật!
Dần dần vài năm sau đó Bà Anne tìm lại con đường đi đến nhà thờ khi tháp tùng các con đi lễ. Rồi Bà mạnh dạn dấn thân và chấp nhận trở thành giáo lý viên, đáp lời mời của một Nữ Tu. Ban đầu cũng có vài phản ứng không mấy khích lệ đến từ các bậc phụ huynh trong giáo xứ khi thấy con cái mình học giáo lý với một ”Bà Mẹ ly dị”. Các lời dị-nghị làm tổn thương sâu xa con tim rướm máu của Bà Anne. Nhưng Bà kiên trì đứng vững nhờ sự nâng đỡ tinh thần của Nhóm Giáo Lý Viên.
Năm nay - 2011 - bước vào lục tuần, Bà Anne cảm thấy tự tin hơn về chỗ đứng của mình trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Với tư cách giáo lý viên Bà còn tháp tùng một nhóm trẻ chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức. Hiện tại cùng với người bạn đời - ly dị dị vợ và có ba đứa con - Ông Bà làm thành một Gia Đình tái lập, một Gia Đình hạnh phúc, một Gia Đình chia sẻ.
Vẫn còn mang nặng bao câu hỏi chưa được giải đáp nhưng Bà Anne cảm thấy thật hạnh phúc với Gia Đình mới, một Gia Đình tái kết hợp trong tình yêu.
Đặc biệt, Bà cảm thấy niềm tri ân vô bờ đối với Cha Mẹ, bậc Sinh Thành đã truyền đạt cho Bà một gia sản tinh thần thật quí giá:
- Đọc kinh cầu nguyện chung trong Gia Đình
- Tâm tình cảm tạ THIÊN CHÚA và luôn luôn khẩn cầu THIÊN CHÚA trợ giúp.
Cha Mẹ của Bà vừa mừng 70 năm Hôn Phối năm 2010. Bà cũng ghi ơn Cha Mẹ vì đã dẫn đưa Bà đi vào con đường tin tưởng vững chắc nơi Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ nhân loại.
3/ Gia Đình Công Giáo người Anh sống trên đất Pháp: Bà Eileen và Ông Thomas Thompson.
Ông Bà Eileen và Thomas mừng Kim Khánh Hôn Phối vào mùa hè năm nay 2011. Các con, các cháu và bạn bè từ Anh Quốc đến mừng lễ chung vui với Ông Bà. Từ 14 năm qua Ông Bà sống tại giáo xứ Laurenan. Ông Bà giải thích lý do thay đổi chỗ ở như sau.
Chúng tôi đến Bretagne ở miền Bắc nước Pháp để thăm bạn bè và cũng để nghỉ ngơi luôn thể. Thế rồi chúng tôi cảm thấy gắn bó với phần đất thân yêu này nên chúng tôi quyết định ở lại. ”Đất Lành Chim Đậu!” Chúng tôi yêu mến nơi chốn, cảnh trí, không gian và sự yên tĩnh. Chúng tôi mua thửa đất rộng ở giữa cánh đồng và tự tay xây dựng lại ngôi nhà đổ nát.
Mùa hè và vào các dịp lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh, các con các cháu của Ông Bà đều đặn đến viếng thăm Ông Bà. Riêng Ông Bà cảm thấy được tiếp đón nồng hậu và thực sự ”hội nhập vào nền văn hóa Pháp”. Mặc dầu lúc mới đến Ông Bà không biết nói tiếng Pháp và những người chung quanh cũng không biết nói tiếng Anh. Nhưng với thời gian và các hoạt động chung đã đưa mọi người xích lại gần nhau. Đó là các vũ điệu bretonnes, các trò chơi như đánh bài và ném banh, cũng như công tác thiện nguyện để tu bổ một Nhà Nguyện ở gần ngôi nhà của Ông Bà.
Giờ đây, sau 14 năm, Ông Bà người Anh có rất đông bạn bè người Pháp. Đó là mạng lưới láng giềng và trợ giúp. Các sinh hoạt hàng ngày của đôi vợ chồng cao niên - cựu giáo sư khoa học và toán học - diễn ra trong việc phục vụ tha nhân. Ông Bà dành thời giờ cho người khác. Bà Eileen thăm viếng các vị cao niên, cô đơn và đau yếu. Bà cũng tham gia các công tác của Hiệp Hội Công Giáo chuyên đón tiếp những người tàn tật tại Giáo Xứ Laurenan. Trong khi Ông Thomas là thành viên của Nhóm Linh Động Mục Vụ. Ông sẵn sàng đảm trách mọi dịch vụ mỗi khi có thể, bởi vì đối với Ông:
- Tha nhân luôn luôn chiếm chỗ ưu tiên!
Ông Bà Eileen và Thomas Thompson được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo tại Anh Quốc và là những tín hữu sống đạo chân thành. Vì thế Ông Bà thật ngạc nhiên khi thấy tại Pháp, có những Gia Đình Công Giáo xin rửa tội cho con cái nhưng lại không tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Đối với Ông Bà thì Thánh Lễ Chúa Nhật - ngay cả trong xã hội hôm nay - là mối dây tạo nên sự đoàn kết, là cơ hội để phục vụ người khác và là phương thế để giữ cho con tim luôn luôn rộng mở.
4/ Gia Đình có con tàn tật và có bốn thế hệ sống chung dưới một mái nhà: Gia Đình Ông Bà Désiré và Maria Le Bouffos.
Nơi Gia Đình Le Bouffos có bốn thế hệ cùng chung sống trong một nông trại ở Le Taillis gần Loudéac. Thế hệ cao niên nhất là Bà Cố đã mừng thượng thọ bách niên. Năm nay Bà Cố 102 tuổi. Thế hệ trẻ nhất là một chắt trai vừa mừng thôi nôi 1 tuổi. Trong khi Ông Désiré 77 tuổi và Bà Maria 74 tuổi.
Toàn Gia Đình sống nơi một nông trại do chính Ông Bà khai phá gầy dựng. Giờ đây thì hai người con trai của Ông Bà nối nghiệp Cha Mẹ. Đặc biệt cùng sống với Ông Bà có Cô Hélène, đứa con gái tàn tật 36 tuổi. Sau khi gởi con trong vòng 18 năm nơi một Học Viện dành riêng cho người tàn tật, Ông Bà quyết định mang Hélène về nhà và đích thân săn sóc con gái.
Một ngày sống của Ông Bà được phân chia giữa việc chăm sóc Bà Cố hơn 100 tuổi và Cô con gái tàn tật 36 tuổi. Hàng năm cứ vào tháng 9, cùng với Cô Hélène, Ông Bà tham gia cuộc Hành Hương Lộ Đức do Trung Tâm Tiếp Đón của Giáo Phận tổ chức. Bà Maria giải thích. Con gái chúng tôi rất gắn bó với Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức. Do đó, bao lâu còn có thể, chúng tôi muốn làm vui lòng con gái. Khi nào chúng tôi không còn làm được, hy vọng các con khác sẽ tiếp nối công trình của Cha Mẹ. Nhưng điều chúng tôi lo âu nhất chính là mỗi ngày Hélène càng cao tuổi và càng không thể tự mình làm bất cứ điều gì. Chúng tôi lại không muốn áp đặt cho các con khác phải chăm sóc một người em bị tàn tật. Vì mỗi con đều có đời sống riêng và có Gia Đình phải nuôi dưỡng. Nhưng chúng tôi tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của THIÊN CHÚA là CHA Nhân Từ.
5/ Gia Đình Ông Bà Isabelle và Benoit Gosselin với hai đứa con nuôi.
Ông Bà là người điều hợp Mục Vụ Gia Đình của Giáo Phận Saint-Brieuc và Tréguier. Chính Đức Giám Mục ủy thác cho Ông Bà nhiệm vụ này và truyền chức phó tế vĩnh viễn cho Ông Benoit vào năm 2003. Xin nhường lời cho Ông Bà.
Chúng tôi lấy nhau từ năm 1976 - cách đây đúng 35 năm - tại thành phố Nantes là quê sinh của cả hai chúng tôi. Chúng tôi có hai con: một trai và một gái. Christophe 29 tuổi và Marie 27 tuổi. Cả hai chào đời tại Bombay - ngày nay là Mumbai, thủ phủ bang Maharashtra - bên Ấn Độ. Chúng tôi nhận hai con làm con nuôi, bởi vì sau bảy năm thành hôn mà vẫn hiếm muộn không cho ra chào đời đứa con nào.
Chúng tôi xuất thân từ hai Gia Đình Công Giáo đạo đức và đông con. Trong thời xuân trẻ chúng tôi là các hướng đạo sinh nhiệt thành. Benoit từng lãnh đạo nhóm sinh viên và Isabelle từng là giáo viên dạy các trẻ em.
Chúng tôi đã sống 4 năm ở Abidjan bên nước Côte d'Ivoire và thường xuyên du lịch ngoại quốc. Chúng tôi cố gắng sống và đào sâu Đức Tin qua các cuộc tĩnh tâm, qua thời gian tu nghiệp và dấn thân trong Giáo Xứ. Chúng tôi hợp tác trong các lãnh vực như giáo lý, phụng vụ và tuyên úy sinh viên.
Sau 15 năm thành hôn, chúng tôi đáp lời THIÊN CHÚA mời gọi phải thay đổi lối sống. Lời mời đến vào ngày Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thật bất ngờ, không đợi không chờ! Chúng tôi được mời gọi phải hướng về điều chính yếu, phải sống thật đơn sơ bình dị và sống sát theo tinh thần Phúc Âm. Chúng tôi quyết định gia nhập Cộng Đoàn ”Foyer de Charité - Mái Ấm Bác Ái” ở Tressaint sau hai năm suy tư và chuẩn bị. Chúng tôi sống cuộc sống Gia Đình cách đơn giản, đượm đầy tình huynh đệ và tinh thần Giáo Hội. Là thành phần của Cộng Đoàn ”Các Mái Ấm Bác Ái” chúng tôi được ủy thác nhiệm vụ hoạt động tại hai nơi: Nhà Sephoris ở Tressaint và Nhà Saint-Francois ở Dinard. Mái Ấm Bác Ái tiếp đón mọi người không phân biệt tôn giáo và đặc biệt là tiếp đón các Gia Đình. Ngày nay với nhiệm vụ làm người điều hợp Mục Vụ Gia Đình chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào để giữ được quân bình giữa ba đời sống: Gia Đình, Cộng Đoàn và Giáo Phận.
Nơi Mái Ấm Bác Ái cũng như tại Trung Tâm Linh Hướng của Giáo Phận, chúng tôi tiếp đón mọi người thuộc mọi lứa tuổi với các điều kiện sống khác nhau cùng với các đòi hỏi trợ giúp về tinh thần cũng khác nhau. Chúng tôi điều động các khóa tu nghiệp, các khóa chuẩn bị hôn nhân, các kỳ tĩnh tâm cuối tuần dành cho các đôi vợ chồng. Chúng tôi cũng tổ chức một tuần tĩnh tâm dành cho Các Gia Đình nơi Mái Ấm Bác Ái.
Thời gian trôi qua với các kinh nghiệm phục vụ, chúng tôi cảm nhận được nhu cầu lớn lao của con người ngày nay là cần được nghỉ ngơi yên tĩnh, cần được lắng nghe và tự làm lại cuộc đời. Chúng tôi ý thức về tầm quan trọng của sự kiện là phải dành thời giờ để hiện diện và để sống với một người hầu giúp người ấy tìm lại sự tự tin và can đảm tiến bước trong thực tại của cuộc sống! Nhưng trước hết và trên hết, chúng tôi cố gắng đưa Các Gia Đình Công Giáo vào trường học của Gia Đình là THÁNH GIA NAGIARÉT với Đức ChÚA GIÊSU, Đức Mẹ MARIA và Thánh Cả GIUSE!
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét