THƯ MỤC VỤ
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 10 năm 2011
RAO GIẢNG TIN MỪNG
HỘI THÁNH LONG XUYÊN LÀ
DẤU CHỈ CỨU ĐỘ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
Đức Giám Mục Giáo Phận
Tháng 10 năm 2011
RAO GIẢNG TIN MỪNG
HỘI THÁNH LONG XUYÊN LÀ
DẤU CHỈ CỨU ĐỘ CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
Anh chị em thân mến,
Tháng Mân Côi lại về, tôi xin gửi đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận lời chào “hiệp nhất nên một” như những hạt chuỗi Mân Côi liên kết với nhau dâng kính Mẹ Maria, Nữ Vương Hoà Bình, là bổn mạng của giáo phận.
Đã được một năm, giáo phận chúng ta tổ chức kể Chuyện Chúa Giêsu tại Long Xuyên trong năm Kim Khánh giáo phận 2010, như một lễ Hiện Xuống Mới cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Giáo phận cũng hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam hậu Đại Hội Dân Chúa để tiếp nối sứ mạng các bậc tiền bối là giới thiệu Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài trên mảnh đất thân yêu hình chữ S. Giáo phận cũng hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu hướng về thượng hội đồng giám mục năm 2012 với chủ đề “Tân Phúc Âm Hoá Để Truyền Bá Đức Tin Kitô Giáo” cho một thế giới của những thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ thứ III. Trong đường hướng “Tham Gia Hiệp Thông Và Đồng Trách Nhiệm Vì Sứ Vụ”, tôi tiếp tục triển khai đường hướng của giáo phận trong thư mục vụ tháng Mười này với chủ đề “Rao Giảng Tin Mừng, Hội Thánh Long Xuyên Là Dấu Chỉ Ơn Cứu Độ Của Nước Thiên Chúa.”
Vâng, thưa anh chị em, công đồng Vaticanô II (LG 48, GS 45, AG 1), đã dùng chính bản chất của Giáo Hội để mô tả Giáo Hội là dấu chỉ ơn cứu độ phổ quát của Nước Thiên Chúa. Quả thật, tự bản chất, Giáo Hội không được đồng hóa với Nước Thiên Chúa nhưng chỉ là mầm mống của Nước Thiên Chúa và phục vụ Nước Thiên Chúa. Giáo Hội thi hành sứ vụ này khi tích cực hoạt động trong tiến trình cứu độ của Chúa Kitô cho con người nhằm xây dựng Nước Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử nhân loại. Cụ thể hơn, thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế – (Redemptoris Missio) số 20 diễn tả sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là sứ mạng nhằm phục vụ Nước Thiên Chúa gồm 3 hoạt động tông đồ. Một là kêu gọi sự hoán cải như là cách thức phục vụ đầu tiên và cơ bản của Giáo Hội cho Nước Thiên Chúa đến với các cá nhân và xã hội con người. Kế đó là thiết lập các cộng đoàn và hướng dẫn các thành viên trong cộng đoàn này trưởng thành đức tin và đức ái, trong sự cởi mở với tha nhân, trong việc phục vụ con người, và trong sự hiểu biết và quí trọng những tập quán lâu đời của nhân loại. Và cuối cùng, là trải rộng khắp cùng trái đất các giá trị Tin Mừng diễn tả Nước Thiên Chúa với lời mời gọi mọi người sẵn sàng đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa. Giáo phận coi đây là sứ vụ của mình, và trở thành lý do cho sự hiện diện của mình trên phần đất miền tây Nam bộ này.
Để có thể thực hiện đuợc sứ vụ của mình, giáo phận nhìn vào gương mẫu Chúa Kitô để hình thành cho mình một đường hướng mục vụ và tu đức, nhờ đó, mọi thành phần dân Chúa nhờ các tác vụ của Giáo Hội trở thành “Dấu Chỉ của Nước Thiên Chúa.”
Truớc hết, giáo phận nhìn vào gương mẫu và giáo huấn của Chúa Kitô là vị truyền giáo được Chúa Cha sai đến trần gian. Đến trần gian và ở trần gian 33 năm là 33 năm hiện diện của một “vị Thiên Chúa Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi”. Ở giữa con người, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ của mình bằng cuộc sống và bằng giáo huấn như muối, men, và ánh sáng cho trần gian. Theo đó, đường hướng mục vụ của giáo phận cơ bản phải là hiện diện chứng nhân, Sự hiện diện này phải trở thành sự hiện diện của Chúa Kitô và giống Chúa Kitô “hiền lành và khiêm nhường”. Hiện diện này tự nó đòi hỏi phải ra đi. Nơi xuất phát là chính bản thân. Địa chỉ phải đến là con người vì “con người là con đường của Giáo Hội”. Cách sống và lời giảng dạy của người được sai đi phải là sự không ngừng hoán cải bản thân theo tiêu chuẩn của Hiến Chương Nước Trời được cô đọng trong Tám Mối Phúc Thật.
Kế tiếp, đến trần gian và hoạt động cho Nước Thiên Chúa giữa trần thế, Chúa Kitô thiết lập các cộng đoàn nhỏ, nhóm 12 tông đồ, nhóm 72 môn đệ, nhóm các bà đạo đức, và theo mô hình này, thời các tông đồ là các cộng đoàn nhỏ của Giáo Hội sơ khai (Cv 2, 42-47; 4,32-35). Là dấu chỉ ơn cứu độ của Nước Thiên Chúa, giáo phận Long Xuyên, trước tiên phải bao gồm các cộng đoàn nhỏ, để nhờ các cộng đoàn nhỏ này, thiết lập các cộng đoàn mới. Các cộng đoàn nhỏ này, theo thư gửi giáo đoàn Rôma chương 12, phải là dân tư tế (c.1), là dân ngôn sứ (c.2), là cộng đoàn sứ vụ (c.4-8), và là cộng đoàn yêu thương và phục vụ trong các hoạt động của mình trong thế giới. Lý tưởng của cộng đoàn này chính là tinh thần của bữa tiệc ly, một cộng đoàn có sự hiện diện của Đức Kitô là Chúa và là Thầy, với gương mẫu về sự phục vụ khiêm tốn của người tôi tớ rửa chân cho nhau, và về sự tận hiến chính mình trong bí tích Thánh Thể.
Cuối cùng, với đường hướng Tham Gia Hiệp Thông Và Đồng Trách Nhiệm Vì Sứ Vụ như ân sủng của lễ Hiện Xuống Mới, giáo phận trở thành dấu chỉ của ơn Cứu Độ phổ quát của Nước Thiên Chúa. Quả thật, ngày lễ Ngũ Tuần là một cuộc qui tụ của một cộng đoàn nhỏ trong cầu nguyện, trong hy vọng, trong sẵn sàng đón nhận lời hứa, và cũng sẵn sàng thi hành lệnh truyền ra đi của Thầy Chí Thánh. Cũng vậy, với ơn Chúa Thánh Thần là lửa nhiệt tâm, lửa bác ái, và lửa hiệp thông, cộng đoàn giáo phận trở thành “tham gia, hiệp thông, và đồng trách nhiệm” với Chúa Thánh Thần "sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi để canh tân bộ mặt trái đất này”.
Cũng nhìn vào gương mẫu của Chúa Kitô, giáo phận đề ra đường hướng tu đức để trở thành dấu chỉ ơn cứu độ của Nước Thiên Chúa. Trước hết, như Chúa Kitô, giáo phận biết lắng nghe. Giáo phận học hỏi lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và cũng học hỏi biết lắng nghe tiếng nói của con nguời đương thời. Đây là khả năng đọc đựơc những dấu chỉ do Thiên Chúa phát tín hiệu từ những biến cố đang xẩy ra trong lịch sử của xã hội con người. Từ thái độ lắng nghe, giáo phận bước theo Chúa Kitô, đi vào sự liên đới, liên đới trong quan tâm, trong yêu thương, trong phục vụ, trong quảng đại để ước mong trở thành người thân cận của đồng bào và đồng loại như người Samaritanô nhân hậu trong Phúc Âm. Trong lắng nghe và liên đới, giáo phận như Chúa Kitô (Lc 12, 49), sống niềm hy vọng. Cũng vậy, giáo phận hy vọng vững vàng vào một chiến thắng sau cùng của men Nứơc Thiên Chúa trong bột tạo vật. Niềm hy vọng này là cơ sở cho thái độ sống trong sự phó thác, lạc quan và giúp ta can đảm không ngừng xúc tiến những điều mà người đời trong một xã hội thụ hưởng và duy vật cho là không thể, là vô giá trị.
Con đường tu đức và mục vụ trên, cũng là con đường mà Đức Mẹ đã sống; vì hơn ai hết trong lịch sử nhân loại, Đức Mẹ là dấu chỉ tuyệt vời nhất về ơn Cứu Độ của Nước Thiên Chúa. Và theo tinh thần này, lần chuỗi 20 mầu nhiệm Mân Côi là cách thế chúng ta noi gương Đức Mẹ, phục vụ Nước Thiên Chúa bằng chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Kitô và rao giảng Chúa Kitô, để từ đó, ta thực hiện đường hướng của giáo phận là sự hiện diện chứng nhân, thiết lập các cộng đoàn nhỏ, sống tinh thần vâng phục đồng trách nhiệm, trong lắng nghe, trong liên đới và trong hy vọng như Chúa Kitô.
Hiệp thông với Đức Cha Cố Gioan Baotixita, tôi xin phó thác mọi thành phần dân Chúa như những hạt chuỗi Mân Côi sống động, lên Mẹ Maria. Xin Nữ Vuơng Ban Sự Bình An chúc lành cho mỗi người và cho cả giáo phận chúng ta.
+GIUSE TRẦN XUÂN TIÊU
Giám Mục giáo phận Long Xuyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét