Hội nghị quốc tế vì Hòa bình
tại thành phố Munich
miền nam nước Ðức
Munich (Zenit 11-09-2011) - Mười năm sau các cuộc tấn công khủng bố vào tòa Tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới ở New York ngày 11 tháng Chín năm 2011, các nhà lãnh đạo của tất cả các tôn giáo lớn của thế giới đã gặp nhau tại Munich trong 3 ngày, từ 11 đến 13 tháng 09 năm 2011 trong một hội nghị có chủ đề: "Liên kết để cùng tồn tại - Tôn giáo và văn hóa trong đối thoại". Ðây là sáng kiến của Cộng đồng Thánh Egidio và Tổng giáo phận Munchen và Freising.
Hội nghị Quốc tế vì hòa bình này cũng nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tại Assisi vào tháng Mười năm 2011, nơi Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ gặp các nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn trên thế giới.
Còn nhớ, 25 năm trước, vào năm 1986 tại Assisi, đã diễn ra buổi cầu nguyện cho hòa bình lần đầu tiên theo sáng kiến của chân phước Gioan Phaolô II. Ðó là một lời nhắc nhở về ý nghĩa của việc mọi người thuộc mọi tôn giáo cùng chung sống hoà bình. Ðức Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục Giáo phận Munich, đã nói rằng: "Tinh thần Assisi đến với Munich".
Trong 25 năm qua kể từ Ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi năm 1986, hằng năm Cộng đồng Thánh Egidio đều tổ chức Hội nghị nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các vị lãnh đạo các giáo phái Kitô giáo với các tôn giáo lớn trên thế giới và để gìn giữ di sản của sự kiện lịch sử này. Tại Hội nghị lần này, có các đại diện chính trị và tôn giáo của gần 60 quốc gia tham dự.
Chính quyền bang Bavaria, Tổng thống Liên bang Christian Wulff và Thủ tướng Angela Merkel cũng tham gia hội nghị này, cùng với một số lớn các nhà lãnh đạo tôn giáo khác.
Về phía Giáo hội Công giáo, có Ðức Tổng giám mục Robert Zollitsch, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ðức; Ðức Hồng y Kurt Koch, Ðức Hồng y Roger Etchegaray (từ Tòa Thánh); Ðức Hồng y Crescenzio Sepe (từ Napoli), Ðức Hồng y Philippe Barbarin (từ Lyon, Pháp); Ðức Hồng y Péter Erd (Budapest) và Ðức Hồng y Martinez Lluis Sistach (Barcelona).
Các Giáo Hội Tin Lành gồm có đại diện cấp cao của Giáo Hội Tin Lành và cải cách trên thế giới và tại nước Ðức và Giám mục Johannes Friedrich.
Phía Giáo hội Chính thống và các Giáo Hội Ðông phương có nhiều đại diện ở cấp cao nhất: Ðức Thượng phụ Daniel, thuộc Giáo Hội Chính Thống Romania, Ðức Tổng giám mục Chrysostomos II, Trưởng Giáo Hội Cyprus, Ðức Thượng phụ Paulos, Giáo Hội Chính Thống Ethiopia, và Ðức Thượng Phụ Aram I của Armenia Cilicia.
Ðại diện cho Giáo Hội Chính Thống Nga là một phái đoàn đông đảo do Thượng phụ giáo chủ Filaret dẫn đầu.
Hội nghị cũng có sự tham dự của các đoàn đại biểu cao cấp của Do Thái giáo và Hồi giáo, đại diện của Phật giáo Nhật Bản, Sri Lanka, Campuchia, và đại diện các tôn giáo Ấn Ðộ cổ đại.
RVA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét