label

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Thứ bảy 01/10/2011. THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU – Sống Lời Chúa


Sống Lời Chúa

01/10 – Thứ bảy đầu tháng – THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.

"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".

 


 

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu

(1873-1897)

Thánh Têrêsa chào đời ngày 02/01/1873 tại Alancon nước Pháp. Song thân là cụ Louis Martin và bà Maria Guérin. Khi Têrêsa chưa tròn 4 tuổi, bà Guérin đã vội ra đi để lại một tang buồn cho gia đình, nhất là đối với Têrêsa.

Thánh nữ được cha già và các chị dìu dắt trên đường đạo đức và ngài tiến triển rất mau. Năm 10 tuổi, Têrêsa rước lễ vỡ lòng và chịu phép Thêm Sức. Cùng năm đó, ngài bị một cơn bệnh trầm trọng và được Ðức Mẹ chữa khỏi một cách lạ lùng.

Lễ sinh nhật 1887, ngài quyết định đi theo tiếng Chúa gọi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng ban đặc ân nhận vào dòng Kín khi mới 15 tuổi. Ở đây, thánh nữ chăm chú cầu nguyện, nung đốt lửa mến Chúa và giúp đỡ chị em trong nhà. Những nhân đức nổi bật nhất nơi thánh nữ là lòng đơn sơ phó thác vào Chúa, bác ái với mọi người và yêu mến các linh hồn. Với sự hy sinh chịu đựng, ngài chu toàn bổn phận và được chị Pauline khuyến khích ghi lại cuốn "Một tâm hồn".

Ngày 14/6/1895, thánh nữ cảm thấy vết thương tình yêu mở lớn trong khi viếng Ðàng Thánh Giá. Ngày 08/7/1897, thánh nữ lâm bệnh nặng và ngày 01/10/1897, sau khi lãnh của ăn đàng, thánh nữ đã trút hơi thở sau cùng.

Năm 1925, Ðức Thánh Cha Piô XI đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh và đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo. Ngày lễ kính thánh Têrêsa, chúng ta hãy xin Chúa, qua lời cầu bàu của thánh nữ, cho chúng ta luôn chấp nhận sự đau khổ Chúa gửi trong tinh thần đơn sơ và phó thác.

 

Lời Chúa: Mt 18, 1-4

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".

 

SUY NIỆM 1: Sống Lời Chúa

Qua phần tìm hiểu sáng hôm nay, tôi muốn nhìn thánh nữ Têrêsa như là một mẫu gương sống Lời Chúa.

Thực vậy, trước hết thánh nữ Têrêsa rất yêu mến Kinh Thánh, ngài thường mang Phúc Âm đêm ngày trên ngực và năng đọc Phúc Âm đến nỗi gần như đã thuộc lòng. Mẹ Agnes de Jésus kể lại rằng: Ngày 12.9.1897, tức là 18 ngày trước khi qua đời, thánh nữ xin mẹ đọc cho nghe bài Phúc Âm Chúa nhật. Vì không có sách lễ nên Mẹ bề trên nói với Têrêsa: Đó là đoạn Phúc Âm Chúa dạy chúng ta không được làm tôi hai chủ. Bấy giờ thánh nữ bèn bắt chước giọng một em bé bị khảo bài, đã đọc từ đầu đến cuối đoạn Phúc Âm đó.

Không những siêng năng đọc Kinh Thánh mà ngài còn cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và nhất là dùng Kinh Thánh làm đề tài để suy niệm. Một hôm chị Genevière vào phòng thánh nữ Têrêsa và ngỡ ngàng trước thái độ chăm chú hồi tâm của ngài. Chị thấy Têrêsa đang may vá nhanh nhẹn mà vẫn như đắm chìm trong một cuộc chiêm niện sâu xa, nên đã hỏi xem Têrêsa đang suy nghĩ những gì, thì Têrêsa trả lời: Em suy niệm kinh Lạy Cha. Thật êm ái biết bao khi được gọi Thiên Chúa là cha của mình. Vì năng suy gẫm Kinh Thánh như vậy, nên ngài đã khám phá ra những ý nghĩa tiềm ẩn trong Kinh Thánh và biết ứng dụng một cách thật lạ lùng vào đời sống. Trong một bức thư, thánh nữ đã viết: Chỉ một lời Kinh Thánh mà thôi cũng đã mở ra cho con những chân trời vô biên.

Đọc Kinh Thánh, tìm hiểu Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh mà thôi vẫn chưa đủ, điều quan trọng là Têrêsa đã sống Lời Chúa. Chính ngài đã cho chúng ta biết ngài đã tìm ra con đường thơ ấu thiêng liêng như thế nào. Ngài luôn nghĩ rằng chỉ trong Kinh Thánh ngài mới có thể tìm ra điều giúp đỡ ngài thẳng tiến trên con đường thánh thiện. Ngài mở Kinh Thánh và đọc thấy lời này trong sách Châm Ngôn: Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta. Một trực giác siêu nhiên cho Têrêsa biết là đã tìm thấy điều mong ước. Một người khác, không phải Têrêsa, có lẽ đã ngừng lại đó, nhưng Têrêsa chưa lấy làm đủ, ngài muốn biết điều Chúa sẽ làm cho kẻ thật bé nhỏ, đã đáp lại tiếng Chúa. Têrêsa tiếp tục tìm kiếm và đã gặp trong sách Isaia lời sau đây: Như một người mẹ nâng niu con mình thế nào, Ta cũng sẽ an ủi con như thế. Ta sẽ ôm con vào lòng và ru con trên đầu gối. Têrêsa đã thấy được điều muốn tìm. Nếu dừng lại ở đây, chỉ coi những lời vừa đọc như là những tư tưởng cao đẹp, thì có lẽ Têrêsa đã không nên thánh. Nhưng Têrêsa quyết tâm sống Lời Chúa, đem Lời Chúa mới được khám phá thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Với ơn Chúa soi sáng, với những suy tư và với chính cuộc đời của mình, Têrêsa đã tìm ra cách sống của những tâm hồn bé nhỏ. Ngài viết: “Ở bé nhỏ là không coi những nhân đức mình luyện tập được như là của mình. Không nghĩ tự mình có thể làm được việc gì, nhưng nhận biết rằng Chúa đã đặt kho tàng đó trong bàn tay người con nhỏ để sử dụng khi cần. Sự thánh thiện không hệ tại làm việc đạo đức nay hay việc đạo đức kia, nhưng hệ tại ở tâm tình bên trong làm ta trở nên khiêm nhường và bé nhỏ”. Trong Phúc Âm chính Chúa đã nói: Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ không được vào Nước Trời. Và: Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ người ấy sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Nói đến trẻ nhỏ là chúng ta nghĩ ngay tới một cái gì đơn sơ và trong trắng, tin yêu và phó thác. Chính vì thế, noi gương thánh nư, chúng ta hãy siêng năng đọc Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng, suy gẫm và thực thi những điều Chúa truyền dạy, nhất là sống tinh thần ấu thơ trong tin yêu và phó thác, nhờ đó chúng ta sẽ được Chúa yêu thương và chúc phúc.

 

SUY NIỆM 2: Con Ðường Nhỏ

Ðây quả thật là một sự trùng hợp hay ho vì chúng ta được dịp suy nghĩ hai lần theo hai biểu tượng khác nhau về thái độ sống như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca nhắc đến chi tiết này: các môn đệ còn suy nghĩ trong lòng xem ai là kẻ lớn nhất và Chúa Giêsu đã hiểu thấu tâm tư của các ông nên Chúa gọi một trẻ nhỏ đến và dạy các ông bài học nên giống như trẻ nhỏ. Hôm nay, mùng 1/10, đúng ngày lễ kính thánh Têrêsa Hài Ðộng Giêsu, Giáo Hội chọn đọc Phúc Âm theo thánh Mátthêu nói về cùng một vấn đề nhưng trong viễn tượng khác. Theo tác giả Phúc Âm theo thánh Mátthêu thì các môn đệ không còn suy nghĩ trong lòng nữa nhưng đã tranh luận với nhau mà không tìm được câu trả lời nên mới đến hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?" Hai viễn tượng này không đối nghịch nhau nhưng bổ túc cho nhau và mô tả cho chúng ta tâm thức quá ư phàm trần của các môn đệ lúc đó, khi các ngài chưa được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Không những các môn đệ đã suy nghĩ trong lòng mà còn đem ra thành đề tài tranh luận nữa. Hành động này diễn tả thái độ nội tâm, lòng đã nghĩ xấu rồi, đã có sự ganh tị rồi nên mới đưa đến sự ganh tị với nhau. Các môn đệ chưa nhận được Chúa Thánh Thần, chưa được thanh luyện để trở nên con người mới, trở nên như trẻ nhỏ, có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, trong sạch để làm việc cho Chúa.

Ðọc đoạn Phúc Âm này, chúng ta lưu ý thêm chi tiết này nữa, đó là Chúa Giêsu không trả lời liền câu hỏi mà các môn đệ đặt ra: "Ai là kẻ lớn nhất?", nhưng Chúa nói tới việc phải sống như trẻ nhỏ trước rồi sau đó mới trả lời: "Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này thì người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời". Chúa Giêsu không nói đến địa vị lớn nhỏ nhưng nói về giá trị tinh thần của con người sống như trẻ nhỏ, dễ dàng gần gũi thân tình với Chúa trước. Chính tình thương và ân sủng của Chúa mới làm cho con người được cao trọng chứ không phải những công việc do sức riêng của con người tạo nên.

Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã nêu gương cho chúng ta về điểm này khi thánh nữ đề ra con đường nhỏ để sống thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Cùng với thánh nữ chúng ta hãy cầu nguyện như sau:

Lạy Chúa của con,

Con muốn biết điều mà Chúa thực hiện cho kẻ bé nhỏ nhất đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,

Chiếc thang máy để đưa con lên đến trời cao là chính đôi tay Chúa, vì thế con không cần lớn lên mà hiện tại con cần phải ở lại trong tâm tình bé nhỏ, cần phải càng ngày càng trở nên bé nhỏ hơn nữa.

Lạy Chúa của con,

Chúa đã cho con nhiều hơn điều con hy vọng là con muốn hát lên chúc tụng tình thương nhân từ của Chúa. Xin Chúa thương ban cho con một tâm hồn đơn sơ tươi trẻ, luôn tin tưởng phó thác vào Chúa như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ và lúc nào cũng sống an vui, chân thành yêu Chúa và anh chị em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Truyền giáo

Nhìn vào cuộc đời của thánh nữ Têrêsa, chúng ta không thấy được những hành động to tát hay những mẫu gương sáng chói. Con đường thánh nữ đã đi là con đường ấy thơ, ngập tràn những bông hoa của tin yêu và phó thác. Thánh nữ luôn sống dưới cái nhìn trìu mến của Thiên Chúa và cố gắng chu toàn những bổn phận tầm thường, những công việc không tên của một nữ tu dòng kín.

Vậy tại sao Giáo hội lại tôn kính thánh nữ như một bậc đại thánh và đặt thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo?

Thực vậy, với hai mươi bốn tuổi đời, không bước chân ra khỏi những bức tường của tu viện, không bôn ba nơi những vùng đát xa lạ để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại, như thánh Phanxicô Xaviê, người đã hiến trọn cuộc đời cho những hành trình truyền giáo, từ Nhật Bản cho tới Ấn Độ, thế nhưng Têrêsa đã được đạt ngang hàng với Phanxicô. Sở dĩ như vậy là vì Giáo hội đã thực sự nhìn thấy giá trị tuyệt vời của con đường thánh nữ đã đi, của phương thế thánh nữ đã dùng để dẫn đưa các linh hồn trở về cùng Thiên Chúa.

Vậy con đường ấy, phương thế ấy là gì?

Trước khi đề cập tới con đường và phương thế truyền giáo của thánh nữ, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về bổn phận tông đồ của mỗi người chúng ta.

Phúc Âm kể lại: ngày kia, khi đi ngang qua một cánh đồng, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn những bông lúa vàng và nói với các môn đệ:

- Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa về.

Rồi trước khi về trời, Ngài đã chính thức trao cho các ông sứ mệnh lên đường truyền giáo:

- Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Mơ ước của Ngài là mơ ước của một ngọn lửa. Thực vậy. Ngọn lửa thì nhỏ bé, nhưng mơ ước của nó thật lớn lao vì nó muốn thiêu đốt tất cả. Chúa Giêsu cũng muốn mọi người nhận biết Ngài để rồi qui tụ về với Ngài, hầu chỉ còn một đàn chiên và một chủ chiên.

Vì thế, bổn phận truyền giáo không phải chỉ là một bổn phận dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, nhưng còn phải là một bổn phận chung của hết mọi người tín hữu chúng ta. Bởi vì một khi đã sống trong lòng Giáo hội, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho Giáo hội được lớn mạnh, được phát triển không ngừng. Một khi đã là con cái Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải làm cho mọi người nhận biết Ngài.

Để chu toàn bổn phận và trách nhiệm này, chúng ta có thể dùng lời nói để rao giảng Tin mừng như các thánh tông đồ và như các vị thừa sai. Tuy nhiên, đây không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa, bởi vì thánh nữ luôn sống trong khuôn viên nhà dòng.

Chúng ta có thể dùng việc làm, dùng đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa. Và đây phải là phương pháp của mổi người chúng ta, bởi vì sống giữa lòng cuộc đời, chúng ta phải trở nên như ánh sáng trong đêm tối, như men trong bột và như muối trong thức ăn. Tuy nhiên, đây cũng không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa.

Phương thế chính yếu thánh nữ đã sử dụng đó là cầu nguyện và hy sinh.

Thực vậy, ngay từ hồi còn tấm bé, thánh nữ đã muốn vào dòng kín để chịu đau khổ và cầu nguyện cho Giáo hội, cho các linh mục, cho các thừa vị sai và cho các linh hồn.

Trong cuốn tự thuật mang tựa đề “Chuyện một tâm hồn”, thánh nữ đã ghi lại ước vọng sâu xa muốn được sang sống tại nhà kín Hà Nội, một xứ truyền giáo đầy triển vọng. Có lẽ vì thế mà chúng ta, những tín hữu Việt Nam, đã dành cho thánh nữ những tình cảm đặc biệt?

Lời cầu nguyện và những hy sinh của thánh nhân là như một sự yểm trợ rất cần thiết cho những hoạt động tông đồ gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

Mừng kính thánh nữ Têrêsa, chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem chúng ta đã làm được những gì để cứu vớt các linh hồn, cũng như để góp phần nhỏ bé vào công cuộc truyền bá đức tin của Giáo hội?

 

SUY NIỆM 4: “Cha ơi, tên con trên trời”

Trong xấp hình chụp ở Lisieux hè năm 1997, tôi thích nhất tấm hình chụp tại góc vườn nhà thánh nữ Têrêsa, hiện nay là nhà trưng bày những kỷ vật thời thơ ấu của ngài.

Thích tấm hình ấy không phải vì khung cảnh rộng lớn, vì chỉ là một vuông cỏ chừng một trăm mét vuông; không phải vì góc máy đẹp hay kỹ thuật chụp hình độc đáo; mà thực ra chỉ vì tấm ảnh chụp cảnh sống động bên tượng Têrêsa đứng bên cạnh cha, tay chỉ lên trời. Người ta bảo chỗ đặt tượng hiện nay là chỗ năm xưa cha con Têrêsa đã ngồi trò chuyện buổi tối. Tấm ảnh xem ra có “tiếng nói”. Câu nói hôm ấy chính là lời Têrêsa nói với cha mình khi chỉ tay lên chòm sao hình chữ T: “Cha ơi, tên con trên trời”.

Xin dựa trên câu nói đượm chất mộc mạc đơn sơ của trẻ thơ nhiều ước mơ ấy để chia sẻ về con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa.

1. “Cha ơi!” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng khởi đi từ một hiện thực.

Têrêsa là con út trong một gia đình toàn là nữ. Ngài mất mẹ lúc lên bốn tuổi. Tuổi còn quá nhỏ để có thể ghi nhận nỗi đau, nhưng cũng đủ để ghi nhớ sự mất mát không gì bù lấp được. Từ đó thánh nữ dồn hết tình cảm cho người cha yêu quý. Và cũng từ đó, người cha phải kiêm luôn vai trò và trách vụ của người mẹ gia đình. Nếu “gà trống nuôi con” trong tiếng Việt Nam nói lên nỗi đau lận đận của người đàn ông lẻ bóng bên cạnh đàn con, thì nơi nhà Buissonnets nó đã trở thành một tình yêu khả thi khả kính và khả ái. Chính cô út mít ướt Têrêsa đã cảm nghiệm điều này hơn bất cứ thành viên nào khác của gia đình. Khúc hát tâm tình nhất của Têrêsa lúc ấy chính là hát về người cha, giống như những bài hát Việt Nam gần đây như “Bố là tất cả” hoặc “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa…”. Đó là một hiện thực.

Từ hiện thực tưởng như mất mát, thiếu hụt bi quan ấy, Têrêsa rất tự nhiên sống lấy và đảm lĩnh trọn vẹn để sau này chuyển hóa và diễn tả về tình yêu Thiên Chúa, Đấng là CHA muôn đời. Nếu còn cha còn mẹ đầy đủ trong một gia đình hạnh phúc đủ đầy mọi sự, khi xưng Chúa là Cha, có lẽ ta chỉ có tâm tình một nửa, còn với Têrêsa thì khác, xưng Chúa là CHA với cả tâm tình dành cho người bố. Bố là tất cả, Chúa là tất cả.

Chính khởi đi từ hiện thực ấy, Têrêsa đã từng ngày đi sâu và đi xa trên con đường phó thác: phó thác mọi chuyện đời lớn nhỏ trong tay cha mình và phó thác chuyện một đời trong tay Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân ái, quảng đại yêu thương. Nếu lúc nhỏ Têrêsa ngồi bệt ở cầu thang khiến cha mình phải cúi xuống bồng lên, thì khi lớn Têrêsa nghiệm ra: người con nào càng nhỏ bé yếu đuối khiêm nhường phó thác, càng được Cha trên trời yêu mến bế bồng nâng đỡ dìu đưa.

2. “Tên con” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng dệt bằng những bước đơn sơ mang đậm cá tính.

Đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa khởi đầu là thế, với những tiếng “Bố ơi” dệt nên ngày sống và những tiếng “Cha ơi” làm nên cuộc đời. Đó là những bước chân bé nhỏ trên hành trình dài. Và thánh nữ đã thực hiện tuần tự không bằng “đôi hia bảy dặm” của phép màu dễ dãi, cũng chẳng bằng “tấm thảm biết bay” thênh thang rộng rãi hoặc bằng “đũa thần” nhẹ nhàng vung vít, nhưng bằng tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.

Ngày nay Têrêsa được nâng lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh, người ta tưởng đời ngài làm bằng những việc vĩ đại. Không, rất bình thường. Trong chín năm Dòng Kín Lisieux lặng lẽ, ngài chỉ làm những việc vô cùng bình thường như những người khác, nhưng cách thế ngài làm quả là khác thường đến độ phi thường. Cách ngài làm là cách của tình yêu lớn. Việc lớn mà tình yêu nhỏ là việc thắt lại, việc nhỏ mà tình yêu lớn là việc triển nở sinh sôi. Têrêsa là Têrêsa nhỏ vì đời nhỏ việc nhỏ, nhưng Têrêsa vĩ đại vì tình yêu ngài sống khó ai có thể vượt qua.

Nhiều lúc xem ra ngài còn muốn “đánh lừa” cả Chúa nữa, như khi gặp chuyện trái ý hoặc tâm sự buồn, ngài vẫn cố gắng giữ bộ mặt tươi cười như không có chuyện gì xảy ra, không phải để các chị em trong cộng đoàn khỏi để ý hoặc bề trên hỏi han lôi thôi mất công giải thích phiền phức, mà để Chúa “khỏi biết” kẻo Chúa đau buồn. Chúa đã chịu đau khổ nhiều vì chuyện lớn lao cứu độ nhân loại rồi, dám đâu phận cỏ rơm lại làm phiền lòng Chúa vì những chuyện nhỏ. Xem ra cách chọn lựa đơn sơ và cũng trẻ thơ quá phải không?

Khi bị bề trên quở vô lý, Têrêsa rất vui vì có dịp hy sinh. Khi lượm được cọng rác lạc lõng nơi hành lang, Têrêsa rất thích vì có dịp cầu nguyện vòi vĩnh Chúa giải thoát cho một linh hồn. Khi nhìn bông hoa được ngắt chưng trên bàn thờ, Têrêsa nghĩ về niềm dâng hiến. Tất cả là bình thường tự nhiên, nhưng đã trở thành cơ hội để thánh nữ được thánh hóa trong tình yêu. Đặt “tình yêu” nhỏ của mình trong “TÌNH YÊU” vĩ đại của Chúa, sẽ hóa nên tình yêu lạ thường có sức làm cho những điều bình thường đem lại những hiệu quả phi thường.

3. “Trên trời” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng vươn mở tới những ước mơ lành thánh.

Têrêsa lìa trần lúc mới hai mươi bốn tuổi. Quá trẻ cho một đời người để trở thành một vị thánh trẻ cho toàn thế giới. Nhưng nét xuân trẻ nơi Têrêsa đâu căn cứ vào tuổi tác, mà đúng ra là dựa trên tâm hồn. Trẻ vì dung dị gần gũi và cũng trẻ vì những ước mơ bay bổng. Hôm nay Tết Trung Thu, thiếu nhi mơ lên cung trăng gặp chị Hằng, thăm thằng Cuội, nhìn Thỏ ngọc, ngồi gốc đa nghe sáo thổi vi vu điệu nhạc nên thơ…Đó là ước mơ đơn sơ tuổi thơ ngây dại đi liền với những hình ảnh mang màu văn hóa, nhưng ước mơ của Têrêsa dẫu đơn sơ mà cao vượt, dù nên thơ mà vẫn không xa rời thực tế.

Khi Têrêsa ước mơ sẽ là tình yêu trong Giáo Hội, thì cùng lúc ngài cũng đón nhận vào mình những hy sinh của sự chia lìa đối với người thân và những biểu lộ của cơn bệnh ngặt nghèo. Khi Têrêsa ước mơ thao thức trở thành vị truyền giáo đặt chân đến những nơi thật xa thật lạ mà đem về cho Chúa thật nhiều linh hồn, lại là lúc ngài phải liệt giường liệt chiếu để mãi được gọi mời thể hiện ước mơ truyền giáo bằng việc cầu nguyện và hy sinh. Khi Têrêsa ước mơ sẽ rải mưa hoa hồng làm đẹp cuộc sống nhân thế chính là lúc ngài đang lặng lẽ nghĩ về những cánh hoa hồng được trải lên đường kiệu Mình Thánh Chúa.

Cuộc đời rộng mà không ước mơ, cuộc đời ấy sẽ bị thắt buộc trở nên hẹp hòi. Cuộc đời hẹp mà biết ước mơ, nhất là với những ước mơ lành thánh, cuộc đời ấy sẽ mở ra thênh thang cho Giáo Hội được nhờ và cũng cho Nước Trời được hiện tỏ. Nếu ước mơ là dấu hiệu của sự trẻ trung thì rõ ràng Têrêsa với những ước mơ không vơi cạn đã là một vị thánh trẻ hôm qua và sẽ còn là mùa xuân trẻ trong lòng mộ mến của Giáo Hội hôm nay.

Tóm lại, “Cha ơi, tên con trên trời” chỉ là một câu nói trẻ thơ đơn sơ đột xuất, nhưng đã toát lược những bước hành trình dệt nên con đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa. Tất nhiên, con đường ấy đã được Chúa Giêsu khai sinh khi tuyên bố “Ai không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”, nhưng thực hiện con đường ấy như thế nào lại là một dấu ấn ký tên Têrêsa. Con đường ấy phổ quát mở ra cho mọi người mọi thời, con đường ấy vừa tầm với mọi bậc sống.

Cầu chúc mọi người hôm nay thanh thản bước đi trên đường thơ ấu thiêng liêng và cũng nhận được những “hoa hồng” trìu mến của thánh nữ Têrêsa từ con đường ấy.

 

Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012: “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”



Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012: “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”
WHĐ (30.09.2011) – Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội vừa công bố chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 46 (năm 2012) là “Thinh lặng và Lời nói: Con đường Phúc âm hóa”.
Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông Xã hội giải thích: Thinh lặng không đơn thuần là “phương thuốc chữa trị các dòng chảy thông tin liên tục và không ngừng” vốn là đặc trưng của xã hội hiện đại. Đúng hơn, thinh lặng cần thiết cho sự tiêu hóa thông tin ấy.
Việc tập trung một biến cố vào sự thinh lặng là cần thiết dưới ánh sáng của “bản chất vô cùng đa dạng” của truyền thông hiện đại.
“Chính vì thinh lặng giúp cho thói quen phân định và suy tư, nên về mặt thực tế có thể được coi như một phương tiện chủ yếu đón nhận lời nói”.
Thinh lặng và truyền thông bổ sung cho nhau và có thể là những yếu tố then chốt của “Tân Phúc âm hóa”.
Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội là Ngày cử hành trên quy mô quốc tế duy nhất được Công đồng Vatican II ấn định với Sắc lệnh Inter Mirifica (1963). Tại hầu hết các quốc gia, Ngày này được tổ chức vào Chúa nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Năm 2012, Ngày này rơi vào ngày 20 tháng Năm. Theo truyền thống, Sứ điệp của Đức giáo hoàng cho sự kiện này được công bố ngày 24 tháng Giêng, lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng các nhà văn.
Rõ ràng là Đức Thánh Cha muốn liên kết chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2012 với chủ đề của Thượng hội đồng Giám mục Thế giới sắp tới (tháng Mười 2012): “Tân Phúc âm hóa để truyền bá Đức Tin Kitô giáo”.
Sứ điệp của Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2011 có chủ đề: Sự thật, Việc Loan báo và Cuộc sống thực trong thời đại kỹ thuật số”. Trong Sứ điệp này Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI kêu gọi Kitô giáo hiện diện trên các trang mạng xã hội.
Ngài nói rằng công nghệ mới đang làm “nảy sinh một lối học tập và suy nghĩ mới, với những cơ hội chưa từng có cho việc thiết lập các mối quan hệ và tình thân hữu”. Và ngài cảnh báo về mối hiểm họa tạo ra một “sự hiện hữu song song”, tạo ra một hình ảnh giả tạo về mình trên mạng; vì thế nếu được sử dụng cách khôn ngoan, công nghệ mới này có thể góp phần làm thỏa mãn niềm khao khát về ý nghĩa, sự thật và sự hiệp nhất”.
(Tổng hợp từ CNA, 29-09-2011 và nguồn khác)
 
PV

ÐTC Benedicto XVI đến Erfurt là cách tiếp cận của nhà thần học

ÐHY TGM tổng giáo phận Paris
nói rằng việc ÐTC Benedicto XVI
đến Erfurt là cách tiếp cận của nhà thần học

Ðức hồng y Tổng Giám Mục tổng giáo phận Paris nói rằng việc Ðức Thánh Cha Benedicto XVI đến Erfurt là cách tiếp cận của nhà thần học.
Pháp quốc (Zenit 27-9-2011) - Trong một buổi trả lời phỏng vấn với Ðài phát thanh Notre-Dame (Ðức Bà), hôm 27 tháng 09 năm 2011, Ðức hồng y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Paris, đã nhận định rằng việc Ðức Thánh cha Benedicto XVI đến Erfurt, cái nôi của phong trào Cải cách, nơi mà ngài đã gặp lãnh đạo Giáo Hội Tin Lành Ðức, hôm 23 tháng 9 năm 2011, trong chuyến tông du của ngài đến nước Ðức, quả là cách tiếp cận của một thần học gia đi tìm chân lý với "sự quyết tâm".
Ðức hồng y Tổng Giám Mục tổng giáo phận Paris cho rằng cách thức mà Ðức Thánh cha Benedicto XVI bày tỏ sự kính trọng của mình đối với ngài Luther là một "sự mới lạ". Trong bài phát biểu của mình tại Erfurt, "một trong các địa điểm trung tâm của Giáo hội Tin lành Luthêrô", Ðức giáo hoàng người Ðức đã cố gắng "giải thích sự nghiệp của ngài Luther với nhiều sắc thái hơn so với trong quá khứ". Rồi Ðức hồng y Vingt-Trois nhận xét rằng: "Tôi nghĩ Ðức Thánh cha muốn bày tỏ lòng kính trọng cho một niềm xác tín thật sự của ngài Luther trong đức tin Kitô giáo, và công nhận rằng ý định ban đầu của ngài Luther là rất cao quý". Từ đây, Ðức Hồng y Vingt-Trois lý giải: "Sự tiếp cận của Ðức Thánh cha Benedicto XVI là sự tiếp cận của một nhà thần học, nghĩa là ngài cố gắng, với sự quyết tâm hết mình, để tìm một phần của sự thật nằm trong cách tiếp cận, và đạt đến phần sự thật ấy. Và ngài thực hiện việc này với sự tinh tế của phân tích vốn là đặc điểm của ngài, cũng như nền văn hóa của chính ngài. Ðó là một nền văn hóa rất gần gũi với các nhà thần học phái Luthêrô mà ngài từng quen biết, khi ngài còn là giáo sư đại học ở Ðức".
Sau hết, Ðức Hồng y Tổng Giám mục Tổng giáo phận Paris kết luận: "Do đó, đây là lĩnh vực quen thuộc với Ðức Thánh cha, là một kinh nghiệm của mối quan hệ lâu năm với các người phái Luthêrô, được lưu giữ trong truyền thống Ðức, nên ngài đặc biệt thoải mái trong việc nghiên cứu này. Nó không nhất thiết dẫn đến các quyết định kỷ luật, mà mọi người đều có ý nghĩ như thế, nhưng nói cho cùng nó cũng không là điều cốt yếu của phong trào đại kết."

RVA.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Các thiên thần của Thiên Chúa (29.9.2011 – Thứ năm: Các Tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel, Raphael)



Các thiên thần của Thiên Chúa 
Lời Chúa: Ga 1, 47-51
Khi ấy, Ðức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Ðây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Ðức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!”  Ðức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Suy nim:
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyn:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !

Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.

Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Đức: một cuộc trắc nghiệm “Tân Phúc âm hóa”



Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Đức: một cuộc trắc nghiệm “Tân Phúc âm hóa”
WHĐ (29.09.2011) – Chuyến tông du bốn ngày của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đến nước Đức làm nổi bật hai thách đố đối với Giáo Hội. Hai thách đố này có liên quan chặt chẽ với nhau: làm thế nào để tái rao giảng Tin Mừng cho các quốc gia theo truyền thống Kitô giáo ở phương Tây, và làm thế nào để Giáo Hội lấy lại tiếng nói khả tín trong xã hội hiện đại.
Theo một nghĩa nào đó, quê hương Đức của Đức Thánh Cha là một trường hợp trắc nghiệm cho công cuộc “Tân Phúc âm hóa” vốn là trọng tâm của triều đại giáo hoàng Bênêđictô XVI.
Như Đức Thánh Cha đã nhiều lần chỉ ra trong chuyến tông du vừa qua, nước Đức hiện đại là một quốc gia thế tục hóa, nơi mà chủ nghĩa vô thần hay sự thờ ơ tôn giáo đang lan rộng, nơi mà các giá trị đạo đức truyền thống đang bị xói mòn và nơi mà thông điệp của Giáo Hội dường như càng ngày càng ít có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nước Đức còn có một người con là Đức Giáo Hoàng –vẫn là niềm tự hào của nhiều người Đức– và một truyền thống tranh luận về mặt tri thức. Ít nhất, Đức Thánh Cha cũng hy vọng người ta sẽ lắng nghe một cách thẳng thắn, và ở một mức độ nào đó, ngài đã được lắng nghe.
Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Đức, Đức Thánh Cha lập luận rằng công bằng xã hội phải được đặt trên nền tảng đạo đức, thúc đẩy suy tư và thảo luận trên các phương tiện truyền thông Đức. Tờ tuần báo Der Spiegel vốn hay chỉ trích đã gọi bài phát biểu này là có tính gợi mở suy tư và “dũng cảm”.
Đó là một diễn văn mang phong cách cổ điển, một bài tham luận triết học đi từ Sách các Vua trong Kinh Thánh đến thế giới quan tích cực của thời hiện đại. Ngài đã cho thấy ngài có thể liên kết với giới trí thức, và ở lĩnh vực này, ngài được họ kính trọng.
Hiển nhiên là Đức Thánh Cha cũng liên kết với hàng chục ngàn tín hữu Công giáo tham dự Thánh Lễ và các buổi cầu nguyện. Cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ tại một đền thờ ở Etzelsbach hoặc quỳ gối chầu Thánh Thể tại nhà thờ chính tòa Freiburg, Đức Thánh Cha nghe được âm thanh của sự thinh lặng phía sau ngài –là âm nhạc đối với đôi tai của ngài, vì đó là dấu hiệu của sự tham dự rất sốt sắng.
Lời kêu gọi trở về nguồn cội Kitô giáo của Đức gặp được sự tán thành đầy nhiệt tình của điều mà một người phụ nữ gọi là “nền tảng” của Đức Thánh Cha – các gia đình Công giáo đã cố gắng duy trì truyền thống tôn giáo trong nhiều thập niên sống với chủ nghĩa cộng sản và sự phân hóa xã hội trong những năm gần đây.
Các cử tọa khác có vẻ ít đồng tình hơn với sứ điệp của Đức Thánh Cha về chủ đề trọng tâm: “sự trở lại với Thiên Chúa”.
Với những người Đức đã rời bỏ Giáo Hội hoặc những người đòi phải “đối thoại” trong Giáo Hội về các vấn đề như độc thân linh mục và vai trò của phụ nữ và giáo dân, Đức Thánh Cha đã đáp lại một cách thật sắc bén.
Trước hết, ngài nói rằng vấn đề cơ bản là sự hiểu sai về bản chất của Giáo Hội. Giáo Hội không chỉ là một tổ chức xã hội mà mọi người có thể tùy ý tham gia hay không, nhưng là một cộng đồng các tín hữu thuộc về Chúa Giêsu Kitô. Ngài trách cứ những quan niệm hời hợt của người Công giáo về “một Giáo Hội trong mơ” mà không thành hiện thực đã gây ra sự bất bình trong Giáo Hội.
Trong cuộc gặp gỡ ở Freiburg với Ủy ban trung ương Công giáo Đức, Đức Thánh Cha thẳng thắn mô tả Giáo Hội Đức là một “tổ chức tuyệt vời”, nhưng thiếu tinh thần. Thay vì dựa trên các tổ chức và các chương trình Giáo Hội quy mô, “Tân Phúc âm hóa” sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các cộng đoàn Công giáo nhỏ và các cá nhân có thể chia sẻ kinh nghiệm đức tin của họ với đồng nghiệp, với gia đình và bạn bè.
Chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng cũng được hoạch định để có đông đảo người tham dự hơn với hàng triệu người Đức đã rời khỏi Giáo Hội hoặc tôn giáo. Trong buổi gặp gỡ tại dinh Tổng thống ở Berlin, Đức hồng y Reinhard Marx của München nói rằng ngài tin rằng những người Đức này đang lắng nghe Đức giáo hoàng –thậm chí có cả những người hoài nghi.
Tuy nhiên, những người hoài nghi lại không có mặt ở nơi Đức Thánh Cha đến, nếu có thì cũng chỉ theo dõi chuyến viếng thăm của ngài qua các phương tiện truyền thông. Và phản ứng của họ thì đủ loại.
Magda Hilmers, một người Tin Lành từ Freiburg phát biểu: “Bài phát biểu của Đức giáo hoàng trước Quốc hội cho thấy ngài là con người thông thái. Nhưng đối với hầu hết mọi người, những lời ấy lại quá cao siêu. Đức giáo hoàng bảo cần phải tái khám phá Thiên Chúa... tôi chẳng hiểu gì cả. Nghe như là những gì thuộc về quá khứ”.
Inga, một phụ nữ 46 tuổi thuộc gia đình Công giáo nhưng cho biết cô “không theo tôn giáo,” cho rằng Đức Thánh Cha nên nói thêm về các vấn đề xã hội, bao gồm cả chiến tranh và sự mất cân bằng về kinh tế.
Với Andres Capriles, một người Bolivia trẻ nhập cư, những lời của Đức giáo hoàng quả là quan trọng nhưng đã không đề cập đến những điều mà nhiều người Công giáo đang nghĩ.
“Người ta không chỉ vỡ mộng về Thiên Chúa và tôn giáo, họ thất vọng về Giáo Hội và đường hướng của Giáo Hội, có vẻ là xa rời Công Đồng Vatican II”.
Petra Kollmar, một người Công giáo 57 tuổi từ Freiburg, cho biết: vấn đề với chuyến thăm của Đức giáo hoàng là “điều mà ngài đã không nói đến: không truyền chức linh mục cho phụ nữ, thái độ của Giáo Hội đối với người đồng tính và những người ly dị, vấn đề lạm dụng trẻ em.”
Nhiều người trong số những người được hỏi cho biết đây là những vấn đề làm cho Giáo Hội bị suy giảm ảnh hưởng và uy tín đối với người Đức.
Thái độ như vậy không phải là không phổ biến ở khắp châu Âu, và làm cho công cuộc “Tân Phúc âm hóa” thêm phức tạp, khiến cho Đức Thánh Cha khó đến được với những người thờ ơ và bất mãn hơn.
Tuy nhiên, thái độ của Đức Thánh Cha tại Đức là không nhượng bộ. Ở Freiburg, ngài nói thay vì đưa ra một “chiến lược mới,” cần phải “loại bỏ tính trần tục của Giáo Hội” và đừng áp dụng các tiêu chuẩn của xã hội thế tục cho Giáo Hội.
Sống đức tin một cách trọn vẹn luôn đòi hòi việc dám lội ngược dòng trào lưu văn hoá, nhưng lịch sử đã cho thấy đó là cách duy nhất để Giáo Hội lấy lại tính khả tín cho sứ mệnh của mình.
Rõ ràng là ở Đức, Đức Thánh Cha nhìn thấy “Tân Phúc âm hóa” là một quá trình lâu dài và khó khăn, khởi đầu bằng việc hiểu biết rõ ràng hơn về bản chất và mục đích của Giáo Hội, chứ không phải cố gắng tìm cách làm hài lòng những người chỉ trích.
(John Thavis, CNS, 26-09-2011)
 
Huy Hoàng chuyển dịch

Giáo phận Ban Mê Thuột: Thánh lễ an táng Đức cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực



Giáo phận Ban Mê Thuột: Thánh lễ an táng Đức cố Giám mục Giuse Trịnh Chính Trực
GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT (27.09.2011) – Sau ba ngày thi thể của Đức cố Giám mục được bảo vệ trong hòm lạnh và quàn tại nhà nguyện Tòa Giám mục để mọi người kính viếng, lúc 21 giờ ngày 26-09, Đức Giám mục giáo phận chủ sự nghi thức khâm liệm.
Đúng 8 giờ sáng ngày 27-09-2011, Đức Giám mục giáo phận chủ sự nghi thức động quan.
Lúc 8g30 linh cữu của Đức cố Giám mục Giuse được Đức Tổng Giám mục Hà Nội, quý Giám mục, linh mục, gia đình linh tông và huyết tộc của Đức cố Giám mục rước về lễ đài, giữa hàng ngàn giáo dân.
Đến lễ đài, sau khi Đức cha Vinh Sơn chủ sự nghi thức tiếp nhận linh cữu Đức cố Giám mục Giuse, linh mục FX. Nguyễn Kim Long đọc điện thư chia buồn của Đức Thánh Cha Bênêđictô qua ĐHY Quốc vụ khanh và qua Bộ Truyền giáo, điện thư của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, và điện thư của Ban Tôn giáo Chính phủ.
Mở đầu thánh lễ an táng, Đức cha Vinh Sơn mời cộng đoàn phụng vụ cùng với Đức cố Giám mục Giuse dâng thánh lễ cuối cùng: “Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng cầu xin Chúa là “Đấng hay thương xót” mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận người tôi tớ đã cảm nghiệm được niềm vui của “Chúa giàu lòng thương xót”. Xin Chúa thương tha thứ mọi tội lỗi thiếu sót cho người tôi tớ trung tín, đón người vào hưởng niềm vui muôn đời trong Nước Chúa. Và với tư cách là Giám mục giáo phận, tôi cũng xin tất cả những anh chị em nào có điều buồn phiền với ngài, biết thông cảm với trọng trách của người chủ chăn Giáo phận trong những giai đoạn khó khăn, để tiếp tục cầu nguyện cho ngài”.
Cùng đồng tế với Đức cha Vinh Sơn có Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội - Chủ tịch HĐGMVN; Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên chủ tịch HĐGMVN, nguyên Giám mục giáo phận Nha Trang, nguyên Giám quản Gp. Banmêthuột; Đức cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Gp. Kontum; Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Gp. Phú Cường; Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Gp. Kontum; Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Gp. Đà Lạt; Đức cha Mathêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục phó Gp. Qui Nhơn; Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse giáo phận Xuân Lộc; cha Giám đốc Đại chủng viện Nha Trang, cùng quý cha, quý tu sĩ nam nữ trong, ngoài giáo phận, và khoảng 5.000 giáo dân.
Do ảnh hưởng cơn bão số 4, nhiều chuyến bay đã bị hủy, nên một số Đức giám mục không thể tham dự lễ an táng Đức cha cố Giuse.
Sau bài Tin Mừng (Ga 12, 23-28), Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa đã chia sẻ thân phận hạt lúa mì: “Chính hạt lúa gieo xuống đất chấp nhận một sự mất mát, một sự chết đi, nhưng từ đó một mầm sống nẩy sinh...
Đời sống của mỗi người nằm trong một chương trình lớn lao bao gồm tất cả cuộc sống của nhân loại. Đến lượt cuộc sống của nhân loại lại chìm ngập trong một quy mô vĩ đại của toàn vũ trụ luôn chuyển động. Một bàn tay vô hình và toàn năng toàn tri vẫn liên tục điều khiển cuộc sống trong một kế hoạch rộng lớn mênh mông vô hạn. Bàn tay này chính là Thiên Chúa…
Khi Đức cha Giuse còn làm việc trong trách nhiệm mục vụ, linh mục hay Giám mục, người ta luôn thấy hình ảnh một mục tử sống đơn giản khó nghèo, bình dị, quan tâm đến mọi thành phần dân Chúa, tinh thần đó vẫn tiếp nối trong những ngày lâm trọng bệnh. Đức cha Giuse đã chịu sự thử thách và thanh luyện này từ bàn tay Thiên Chúa trong một thời gian khá dài. Dù không làm được gì tích cực theo cái nhìn thông thường trong xã hội, nhưng chấp nhận hy sinh trong thời gian đau bệnh, liên kết với Chúa chịu nạn, vui lòng đón nhận chương trình của Thiên Chúa, thì bệnh tật lại trở thành một công việc rất tích cực trước mặt Chúa. Chúng ta tin rằng trong thời gian này Ngài đã có nhiều thời giờ dâng hy sinh cầu nguyện cho giáo phận Ban Mê Thuột và cho Giáo hội Việt Nam”.
Sau thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự nghi thức phó dâng và từ biệt, Đức cha Vinh Sơn đọc lời cảm tạ, cha Tổng đại diện thay mặt linh mục đoàn và giáo dân trong giáo phận tâm tình trước linh cữu Đức cố Giám mục Giuse.
Sau lời cảm tạ của người em ruột của Đức cố Giám mục, đại diện gia đình linh tông, huyết tộc, linh cữu Đức cố Giuse được rước về phần mộ, bên cạnh người anh em giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Hòa chủ sự nghi thức làm phép huyệt. Quan tài từ từ được hạ xuống lòng đất, cùng với những nắm cát tiễn biệt tỏ lòng thương nhớ của quý Giám mục, linh mục, thân nhân của Đức cố Giám mục và giáo dân.
Cuộc chia ly của Đức cố Giám mục hôm nay là bức thông điệp nhắn gửi mỗi người đang bước đi trên con đường hạt lúa, ý thức về tính bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Đó là con đường của âm thầm từ bỏ và khiêm tốn, của kiên trì và lòng hi vọng. Bởi cái chết vốn là thành phần tất yếu của cuộc sống. Nhưng với niềm xác tín vào Đức Kitô Phục sinh, tất cả mọi vất vả nhọc nhằn đau khổ trong cuộc sống rồi sẽ thăng hoa. Bởi một khi chúng ta hoàn tất đời mình trong tình yêu và sự trung tín với Đức Giêsu Kitô, đó sẽ là một kết thúc rực rỡ vinh quang.












(Nguồn: gpbanmethuot.vn)

 
Ban VH-TT GP Ban Mê Thuột

Giáo Hội Ðức có gương mặt trẻ trung.

Giáo Hội Ðức có gương mặt trẻ trung


Roma (Vat. 28/09/2011) - Tôi sung sướng thấy Giáo Hội Ðức có gương mặt trẻ trung và niềm vui là người công giáo.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến hơn 25,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thứ Tư 28 tháng 9 năm 2011 tại quảng trường thánh Phêrô.
Ðức Thánh Cha vừa mới viếng thăm Cộng hòa liên bang Ðức về, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số cảm tưởng của ngài về chuyến viếng thăm mục vụ vừa qua. Chuyến viếng thăm đã khiến cho ngài đi từ miền nam lên miền bắc, từ đông sang tây, từ thủ đô Berlin tới Erfurt và Eichsfeld và sau cùng là Freiburg, thành phố gần biên giới hai nước Pháp và Thụy Sĩ. Ðức Thánh Cha nói:
Chuyến viếng thăm này diễn ra với khẩu hiệu "Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có tương lai", đã thực sự là một ngày đại lễ của đức tin: trong các cuộc gặp gỡ và nói chuyện, trong các buổi cử hành, đặc biệt là các thánh lễ trang trọng với dân Chúa. Các thời điểm này đã là một ơn qúy báu làm cho chúng ta tái nhận thức được Thiên Chúa ban cho cuộc sống chúng ta ý nghĩa sâu xa hơn và sự tràn đầy đích thật chừng nào, còn hơn thế nữa, chỉ có Chúa mới ban cho chúng ta và cho tất cả mọi người một tương lai mà thôi.
Ðức Thánh Cha bầy tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với sự tiếp đón nồng hậu và hăng say cũng như sự chú ý và lòng trìu mến đối với ngài tại các nơi khác nhau ngài đã thăm viếng. Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã kể lại các biến cố của chuyến viếng thăm.
Tại Berlin, nơi tổng thống liên bang đã nhân danh toàn dân Ðức chào mừng và bầy tỏ sự qúy mến đối với một Giáo Hoàng sinh ra trên đất Ðức, Ðức Thánh Cha nói ngài đã có thể đưa ra một tư tưởng về tương quan giữa tôn giáo và sự tự do, bằng cách nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Ðức Cha Wilhelm von Ketteler, vị Giám Mục cải cách xã hội: "Cũng như tôn giáo cần sự tự do, sự tự do cũng cần tôn giáo".
Tại Quốc Hội Liên Bang lần đầu tiêm một vị Giáo Hoàng đã đọc diễn văn trước các dân biểu Ðức. Trong dịp này tôi đã trình bầy nền tảng của quyền con người và của nhà nước pháp quyền tự do, nghĩa là mẫu mực của mọi quyền được Ðấng Tạo Hóa khắc ghi trong chính bản chất các thụ tạo của Người. Vì thế cần phải nới rộng ý niệm bản chất, bằng càch hiểu nó không chỉ như là một tổng thể các nhiệm vụ, mà còn đi xa hơn như là ngôn ngữ của Ðấng Tạo Hóa để giúp chúng ta phân biệt lành dữ.
Trong cuộc gặp gỡ vài đại diện của cộng đoàn Do thái tại Ðức tôi đã nhắc tới các gốc rễ chung trong niềm tin nơi Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Igiaác và Giacóp, và chúng tôi đã minh nhiên các hoa trái đạt được trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội công giáo và Do thái giáo tại Ðức. Tôi cũng đã gặp vài thành viên của cộng đoàn Hồi giáo, và đồng thuận về tầm quan trọng của quyền tư do tôn giáo đối với sự phát triển hòa bình của nhân loại.
Trong Thánh lễ cử hành tại sân vận động thủ đô Berlin, tôi đã cùng cầu nguyện với tín hữu và khích lệ họ trong đức tin và suy niệm về tầm quan trọng phải kết hiệp với Chúa Kitô như các cành nho gắn liền với thân nho. Sự kết hiệp ấy sinh tử đối với cuộc sống của từng tín hữu và đối với Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Chúa.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha kể lại những sinh hoạt trong chặng thứ hai của chuyến viếng thăm trong vùng Thueringen, là vùng đất của cuộc cải cách tin lành. Trong thành phố Erfurt Ðức Thánh Cha đã có thể sống kinh nghiệm đại kết, vì chính trong thành phố này Martin Luther đã gia nhập dòng thánh Agostino và được thụ phong linh mục. Ðức Thánh Cha đã rất sung sướng gặp gỡ các thành viên của Hội đồng Giáo Hôi tin lành Ðức và cùng nhau cầu nguyện trong đan viện trước đây của các tu sĩ Agostino. Ðức Thánh Cha đưa ra nhận xét như sau:
Chúng tôi đã thấy trở lại rằng chứng tá chung của niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô trong thế giới ngày nay quan trọng biết chừng nào, một thế giới thường không biết Thiên Chúa hay không chú ý tới Người nữa. Cần phải nỗ lực tiến tới sự hiệp nhất trọn vẹn, nhưng chúng tôi cũng ý thức được rằng chúng tôi không thể làm ra đức tin cũng như sự hiệp nhất hằng mong ước. Một đức tin do chính chúng ta tìm kiếm không có giá trị nào, và đúng hơn sự hiệp nhất đích thật là ơn Thiên Chúa ban. Chúa đã cầu nguyện và luôn cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các môn đệ Người.
Ðức Thánh Cha cũng cảm động nhắc lại buổi hát kinh chiều trọng thể kính Ðức Mẹ tại trung tâm hành hương Etzelsbach, với sự tham dự của rất đông tín hữu.
Chính trong vùng Eichsfeld này tín hữu công giáo đã can đảm kháng cự lại các chế độ độc tài Ðức quốc xã và Cộng sản. Tại đây có tượng Ðức Mẹ Sầu Bi ôm xác Chúa Kitô, và trong bao thế kỷ các tín hữu đã phó thác cho Mẹ các lời cầu, các lo lắng và khổ đau của họ, và họ đã nhận được rất nhiều ơn thánh và phước lành của Mẹ. Ðức Thánh Cha đã nhắc lại gương sống của các thánh vùng Thueringen như thánh nữ Elisabét, thánh Bonifazio và thánh Kilian, cũng như gương can đảm của các tín hữu hiên ngang làm chứng cho Chúa dưới các chế độ độc tài, và ngài mời gọi tín hữu nên thánh, trở thành các chứng nhân giá trị của Chúa Kitô và góp phần xây dựng xã hội. Các thánh đã luôn luôn là những người được thấm nhuần tình yêu của Chúa Kitô và thực sự biến đổi xã hội.
Ðức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ đức ông Hermann Scheipers linh mục cựu tù nhân cuối cùng của trại tập trung Dachau còn sống sót. Tại Erfurt Ðức Thánh Cha cũng gặp vài nạn nhân của các vụ giáo sĩ làm dụng tính dục và chia sẻ nỗi khổ đau của họ.
Chặng cuối cùng của chuyến viếng thăm nước Ðức là thành phố Freiburg, nơi có nhiều tín hữu Pháp và Thụy sĩ cũng đến tham dự các buổi gặp gỡ. Ðức Thánh Cha đã nói lên cảm tưởng của ngài về buổi canh thức với giới trẻ như sau:
Tôi đã hạnh phúc trông thấy rằng đức tin trong quê hương Ðức của tôi có một gương mặt trẻ trung, sống động và có một tương lai. Trong lễ nghi ánh sáng gợi hứng tôi đã trao cho người trẻ ngọn lửa của nến phục sinh, biểu tượng anh sáng là Chúa Kitô, và khuyến khích họ: "Các con là ánh sáng thế gian".
Tôi đã lập lại với họ rằng Giáo Hoàng tin tưởng nơi sự cộng tác tích cực của người trẻ: với ơn thánh Chúa Kitô họ có thể đem lửa tình yêu của Thiên Chúa tới cho thế giới.
Ðức Thánh Cha cũng nhắc tới cuộc nói chuyện với các đại chủng sinh dựa trên nội dung bức thư họ gửi cho ngài mấy tuần trước đó. Trong đại chủng viện ngài cũng gặp gỡ vài dại diện của các Giáo Hội chính thống và đông phương, là các Giáo Hội rất gần gũi với tín hữu công giáo. Chính từ đó phát xuất nhiệm vụ chung là men cho cuôc canh tân xã hội. Ngoài ra Ðức Thánh Cha cũng gặp đại diện giáo dân công giáo Ðức.
Trong thánh lễ tại phi trường Freiburg Ðức Thánh Cha đã chính thức cám ơn tất cả mọi người đã dấn thân trong nhiều lãnh vực và sinh hoạt khác nhau của Giáo Hội, đặc biệt là các thiện nguyện viên và các cộng sự viên của các sinh hoạt bác ái. Chính nhờ họ mà Giáo Hội Ðức đã có thể trợ giúp Giáo Hội hoàn vũ, đặc biệt trong các vùng truyền giáo. Sinh hoạt của họ sẽ luôn luôn phong phú, khi bắt nguồn từ đức tin đích thật và sống động, trong sự hiệp nhất với các Giám Mục, với Ðức Giáo Hoàng và với Giáo Hội.
Cuộc gặp gỡ sau cùng là với hàng ngàn tín hữu công giáo dấn thân trong Giáo Hội và xã hội. Ðức Thánh Cha đã đưa ra vài suy tư về hoạt động của Giáo Hội trong một xã hội tục hóa, và mời gọi Giáo Hội thoát ra khỏi các gánh nặng vật chất và chính trị để trong sáng hơn đối với Thiên Chúa.
Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)