Diễn văn của
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
trong cuộc viếng thăm Đại học Công giáo Thánh Tâm (Sacro
Cuore) “Agostino Gemelli”
dịp kỷ niệm 50 thành lập Phân khoa ngành Y và Giải phẫu
Roma, ngày 3-5-2012
Kính thưa các
Đức hồng y,
Anh Em thân
mến trong hàng Giám mục và Linh mục,
Kính thưa Ông
Chủ tịch Hạ viện và Quý vị Bộ trưởng,
Kính thưa Ông
Viện trưởng,
Các cấp Chính
quyền thân kính,
Các Nhân viên
Y tế và Đại học,
Các Sinh viên
và Bệnh nhân thân mến,
Thật
là niềm vui mừng đặc biệt cho tôi, vì được gặp quý vị hôm nay để mừng kỷ niệm
50 năm thành lập Phân khoa ngành Y và Giải phẫu của Đại học Đa khoa “Agostino Gemelli”. Tôi cám ơn vị Chủ tịch
Học viện Toniolo, Đức hồng y Angelo Scola và ông Viện trưởng, giáo sư Franco
Anelli, về các lời tốt đẹp thân thương quý vị dành cho tôi. Tôi xin chào thăm ông
Gianfranco Fini, Chủ tịch Hạ viện, các vị Bộ trưởng, quý ông Lorenzo Ornaghi và
Renato Balduzzi, rất nhiều khách quý, các cấp Chính quyền, cũng như quý vị giáo
sư, bác sĩ, các nhân viên và các sinh viên của Đại học Đa khoa ngành Y và Giải
phẫu của Đại học Công giáo.
Tôi
cũng xin biểu lộ cảm tình đặc biệt với Anh Chị Em bệnh nhân thân mến.
Trong dịp này tôi muốn cống hiến một vài suy tư với quý vị ở
đây. Thời đại chúng ta là thời đại trong đó khoa học thực nghiệm đã biến đổi
cái nhìn về thế giới và biến đổi chính sự hiểu biết về con người. Có rất nhiều
khám phá mới, các loại kỹ thuật mới đang theo nhau với nhịp điệu làm hoa mắt
chúng ta, đó là lý do để nói lên niềm tự hào chính đáng, nhưng thường cũng
không thiếu những xáo trộn đáng lo ngại. Quả thực, tự căn bản, các khám phá này
đang làm phát sinh ra mối lạc quan tràn lan do kiến thức khoa học, nhưng chúng
cũng đưa ra những bóng mờ đưa đến một cơn khủng hoảng về tư tưởng. Có phương
tiện thật dồi dào, nhưng lại không dồi dào về mục tiêu, nên con người thời đại chúng
ta thường sống trong thảm cảnh bị điều kiện hóa bởi thuyết chủ trương thu hẹp
cái nhìn (réductionisme) và chủ
thuyết tương đối (relativisme), là
những chủ thuyết đưa tới tình trạng con người bị tha hóa về ý nghĩa của các sự
vật; con người hầu như bị lóa mắt vì tính cách hữu hiệu của kỹ thuật, nên họ
quên đi nhãn giới nền tảng của vấn nạn tìm ra ý nghĩa của thực tại, như vậy họ
đang liên kết chiều kích siêu việt với sự vô nghĩa. Trên nền tảng này, tư tưởng
trở nên yếu kém và lại có những mẫu sẵn cho cả nền luân lý thật nghèo nàn, đó
là điều làm lu mờ đi những định hướng mang tính cách chỉ đạo giá trị. Điều làm
cho gốc rễ phong phú tại Âu Châu xét về văn hóa và phát triển, ngày nay hình
như đang bị lãng quên. Trong đó, có việc kiếm tìm điều tuyệt đối – được gọi là Đi tìm Thiên Chúa (Quaerere Deum) – việc kiếm tìm này bao gồm đòi hỏi phải đào
sâu những khoa học thường thức, đào sâu tất cả thế giới của sự hiểu biết (xem Bài diễn từ cho Học Viện Bernardins tại
Paris, ngày 12-9-2008). Thực thế, việc tìm kiếm khoa học và việc tìm kiếm ý
nghĩa của thực tại, cho dù bên ngoài mang bộ mặt đặc biệt có tính cách luận lý
suy tư và mang tính cách phương pháp luận, phải vọt lên từ một nguồn suối duy
nhất, đó là Logos đứng đầu công việc
tạo dựng và hướng dẫn lý trí của lịch sử. Một tâm thức nền tảng mang tính cách
kỹ thuật và thực tế sinh ra thế mất quân bình nguy hiểm giữa điều có thể thực
hiện theo kỹ thuật và cái tốt theo luân lý, kéo theo những hậu quả khôn lường
trước.
Như vậy điều quan trọng là văn hóa phải khám phá sức
mạnh của ý nghĩa và tính năng động của siêu việt, nói kiểu khác, văn hóa mở ra
một cách quyết định chân trời cho việc đi
tìm Thiên Chúa (quaerere Deum).
Lúc này tôi nghĩ tới câu nói thời danh của Thánh Augustino: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa [Lạy Chúa], và con tim của chúng con sẽ còn khắc khoải cho tới khi nghỉ yên trong
Chúa” (Les Confessions, I, 1).
Người ta có thể nói rằng chính sự thúc đẩy tìm kiếm khoa học phát sinh ra từ
việc hoài tưởng Thiên Chúa đang ngự trong con tim của nhân loại: từ nền tảng,
con người khoa học có một hướng nhắm tới, cả ngay trong cõi vô thức của họ, là
làm sao đạt tới chân lý, chân lý có thể đem lại ý nghĩa cho đời sống. Nhưng dù
việc tìm kiếm của con người trở nên say mê và kiên trì như thế nào đi nữa, thì
việc này không thể có được do sức riêng của mình, hầu khởi sự cách chắc chắn,
bởi vì “con người không có thể làm sáng
tỏ cách hoàn toàn cái bóng mờ lạ lùng gieo nặng trên vấn đề của các thực tại
đời đời… nên Thiên Chúa phải có sáng kiến đến gặp con người và ngỏ lời nói với
con người” (J. Ratzinger, L’Europa di
Benedetto nella crisi delle culture, Cantagalli, Roma 2005, 124). Để đem
lại cho lý trí chiều kích bẩm sinh, toàn vẹn của nó thì cần phải tái khám phá
ngay lúc khởi phát, là việc tìm kiếm khoa học cần chia sẻ với việc tìm kiếm đức
tin, đức tin đi tìm trí hiểu (fides quaerens intellectum), theo cái
nhìn trực giác của Thánh Anselmo. Khoa học và đức tin có một sự hỗ tương thật
phong phú, chúng bổ túc cho nhau, trong đòi hỏi của lý trí đi tìm thực tại.
Nhưng thật là trái ngược, chính nền văn hóa duy thực tiễn, trong khi loại bỏ
câu hỏi về Thiên Chúa khỏi cuộc tranh luận khoa học, thì một cách quyết định,
nó làm suy thoái tư tưởng và làm yếu đi khả năng hiểu biết về thực tại. Hành
động đi tìm Thiên Chúa (quaerere Deum) của con người biến hút đi
trong những nẻo đường, nếu không gặp được con đường sáng chói và mang lại định hướng
rõ ràng, đó là con đường của chính Thiên Chúa, Đấng đến sống gần con người với
một tình yêu bao la: “Trong Chúa Giêsu
Kitô Thiên Chúa không chỉ nói với con người, nhưng Ngài đi tìm con người… Và
một cuộc tìm kiếm phát sinh ra trong nơi thâm sâu nhất của Thiên Chúa và đã đạt
tới điểm tuyệt cao trong biến cố nhập thể của Ngôi Lời” (Gioan Phaolô II, Thiên Niên Kỷ Thứ Ba Đang Tới, 7).
Tôn giáo của Logos,
Kitô giáo, không nối kết đức tin vào phạm vi của cái vô lý, nhưng cống hiến
nguồn gốc và ý nghĩa của thực tại cho Lý trí sáng tạo, mà trong Thiên Chúa bị
đóng đinh được tỏ ra như là tình yêu và lời mời gọi chúng ta bước theo con
đường đi tìm Thiên Chúa (quaerere Deum): “Ta là đàng, là sự thật và là sự sống”. Ở đây Thánh Toma Aquino chú
giải như sau: “Điểm tới của con đường này
quả vậy, cũng là điểm kết của chính sự mong muốn của con người. Bây giờ con
người thực sự chỉ mong muốn hai điều chính yếu: điểm trước tiên đó là việc hiểu
biết chân lý lại là chính bản tính của con người. Thứ hai sự trường tồn của
cuộc sống, được coi như là điểm chung của tất cả mọi thực tại. Trong Đức Kitô
người ta tìm thấy cả hai điều đó… Vậy nếu người ta phải tìm cho biết phải đi
qua ngả nào, thì hãy đón nhận Đức Kitô bởi vì Ngài là đường” (Augustinus, Expositiones in Ioannem, c. 14, lectio 2). Vậy Phúc Âm của sự sống chiếu
soi hành trình đầy gian khổ của con người, và đứng trước cơn cám dỗ của ước
mong được tự chủ tuyệt đối, họ cần nhớ rằng “sự sống của con người đến từ Thiên Chúa, đó là ơn huệ của Ngài, là hình
ảnh của Ngài và là dấu ấn, là sự tham dự vào hơi thở sống động của Ngài” (Gioan
Phaolô II, Thông điệp Phúc Âm của sự
sống, 39 [Evangelium Vitae]). Và
chính khi đi qua con đường đức tin mà con người được đặt để đi vào, hầu có thể
vượt qua trong chính các thực tại của đau khổ và của sự chết, những thực tại
nằm trong sự hiện hữu của mình, thì họ nhận ra một
khả thể chính thực đạt tới sự thiện và sự sống. Trong Thập Giá, người ta
nhận ra đó là Cây của sự sống, đó là mặc khải của tình yêu say mê của Thiên
Chúa đối với con người. Vì vậy việc chăm sóc những người đau khổ chính là cuộc
gặp gỡ hằng ngày với Dung Nhan của Đức Kitô, trở nên dấu hiệu của lòng thương
xót của Thiên Chúa, và việc cống hiến trí khôn và con tim để phục vụ Thiên Chúa
và của chiến thắng của Ngài trên sự chết.
Thực hiện trong sự toàn vẹn của mình, việc tìm kiếm
khoa học được soi sáng bởi chính khoa học và bởi đức tin, và với hai “đôi cánh này”, phát sinh một đòn bẩy và
một đà tiến, mà không bao giờ đánh mất thái độ khiêm nhường đúng nghĩa, đánh
mất đi ý thức về giới hạn riêng của mình. Trong cách thế đó, việc tìm kiếm
Thiên Chúa trở nên phong phú nhờ lý trí, như chất men cho văn hóa, như sức mạnh
cổ vũ cho khoa nhân chủng học chân thực, và như vậy việc tìm kiếm không ngừng
lại ở bề mặt bên ngoài.
Các Bạn thân mến, các Bạn hãy luôn để cho mình được
hướng dẫn bởi sự khôn ngoan đến từ trời cao, bởi một sự hiểu biết được soi sáng
bởi đức tin, khi nhớ lại rằng sự khôn ngoan đòi hỏi phải có đam mê và vất vả
cực nhọc trong công cuộc tìm kiếm.
Ở đây người ta ghi thêm vào một trách vụ khác của Đại học
Công giáo, không thể nào thay thế được, vì tại Đại học mối liên hệ giáo dục
được đặt ra để phục vụ con người trong việc xây dựng một khả năng chuyên môn có
chất lượng về phạm vi khoa học, ăn rễ sâu trong một gia sản các hiểu biết mà
các thế hệ đã đóng góp, đã luyện lọc thành sự khôn ngoan của sự sống; trong Đại
học việc chữa trị không chỉ nằm trong phạm vi nghề nghiệp, nhưng là một sứ
mệnh; tại đó đức bác ái của người Samaritano nhân hậu là Ghế Giáo Sư giảng dạy
thứ nhất và bộ mặt của con người đau khổ là chính Dung Nhan của Đức Kitô: “đó chính là các con làm cho Ta” (Mt 25, 40).
Đại học Công giáo
Thánh Tâm (Rôma),
trong sinh hoạt hằng ngày liên hệ tới công tác nghiên cứu tìm tòi, giảng dạy và
học hành, đang sống trong truyền thống này,
nó nói lên khả thể riêng của mình về một sự canh tân: không một tiến bộ nào,
cho dù nằm trong phạm vi văn hóa, chỉ là việc lặp lại, nhưng luôn đòi hỏi một
sự khởi đầu mới. Ngoài ra nó còn đòi hỏi sự sẵn sàng để đối đầu và đối thoại,
khi biết mở ra cho sự hiểu biết và chứng tá phong phú về di sản đức tin. Như
vậy người ta tạo ra một mẫu hình cho một cơ cấu hướng về nhân vị, tại đó căn
tính Kitô thấm nhập vào trong cuộc sống hằng ngày
và diễn tả ra từ bên trong một chuyên môn nghề nghiệp trổi vượt.
Đại học Công giáo, đối với Tòa Thánh Phêrô có một mối
tương quan đặc biệt, vì ngày nay, Đại học Công giáo được kêu gọi để là một cơ
chế gương mẫu không chỉ giới hạn vào việc học tập mang lại một kết quả kinh tế,
nhưng biết làm phồng lên hơi thở hướng tới dự án trong đó có ơn huệ của lý trí
đầu tư và khai triển những ơn huệ của thế giới tạo thành, trong khi vượt qua một
cái nhìn chỉ nhằm sản xuất và thực dụng cho đời sống, bởi vì “con người được tạo dựng nên cho ơn huệ, mà
nó diễn tả ra và thực hiện chiều kích của siêu việt” (Thông điệp Caritas in veritate, 34). Chính sự nối
kết việc tìm kiếm khoa học và việc phục vụ vô điều kiện này đối với sự sống,
phác họa khuôn mặt công giáo của Phân khoa ngành Y và Giải phẫu, mang tên “Agostino Gemelli”, bởi vì viễn tượng đức
tin thuộc về nội tâm bên trong – cho dù không chồng chất lên nhau –, cũng không
đặt bên cạnh nhau – viễn tượng này nằm trong việc tìm kiếm tận lực và bền bỉ
cái biết.
Một Phân hhoa Công giáo về ngành Y là nơi mà nhân
chủng học siêu việt không chỉ là một khẩu
hiệu (slogan) mang tính từ chương, nhưng điều hành cuộc sống qua việc hiến
thân hằng ngày. Khi mơ ước có một Phân khoa ngành Y và Giải phẫu đúng nghĩa
Công giáo, cha Gemelli – và cùng với ngài biết bao nhiêu người khác, như giáo
sư Brasca – đặt trọng tâm của chú ý vào chính nhân phẩm con người trong cái
mỏng dòn của họ và trong cái cao cả của họ, nhưng luôn luôn dựa theo nguồn tài
năng mới của việc tìm kiếm đầy mãnh lực và trong ý thức không kém quan trọng về
giới hạn và về mầu nhiệm của sự sống. Vì thế quý vị đã muốn thành lập một Trung
tâm mới trong Đại học về sự sống, nâng đỡ các cơ cấu khác đã có sẵn, như, thí
dụ, Học viện Khoa học Quốc tế Phaolô VI. Vì thế tôi cổ võ khuyến khích sự chú ý
tới sự sống trong tất cả mọi giai đoạn tiến triển của nó.
Bây giờ tôi muốn ngỏ lời cách đặc biệt với tất cả các
bệnh nhân hiện diện ở đây trong bệnh Viện
“Gemelli” này, Tôi muốn bảo đảm với họ lời cầu nguyện của tôi và tâm tình
của tôi với họ và nói với họ rằng họ sẽ luôn luôn được theo dõi với tình yêu,
bởi vì trong khuôn mặt của họ chiếu dọi lại chính Dung Nhan của Đức Kitô đau
khổ.
Chính tình yêu của Thiên Chúa, sáng ngời nơi Đức Kitô,
làm cho cái nhìn thật sâu sắc và thấm nhập của việc nghiên cứu và tiếp nhận
điều mà không cuộc thăm dò nào có thể đón nhận được. Chân phước Giuse Toniolo
đã nhìn thấy điều này, mà ngài quả quyết điều này là từ bản tính của con người,
họ có khả năng nhận ra được nơi người khác hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu và
nhận ra nơi tạo vật dấu ấn của Ngài. Nếu không
có tình yêu, thì ngay cả khoa học cũng mất đi vẻ cao đẹp tao nhã của mình. Chỉ
Tình Yêu mới bảo đảm việc tìm kiếm cho nhân loại.
Xin cám ơn Quý Vị đã chú ý lắng nghe.
(Lm. Phanxicô
Borgia Trần Văn Khả
dịch từ nguyên bản tiếng Ý
do Phòng Báo chí Tòa Thánh phổ biến
Ngày 6-5-2012)
ĐGH Bênêđictô XVI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét