Mỗi con người là một phép lạ của Thiên Chúa
WHĐ
(24.05.2012) / VIS – “Thiên Chúa là Cha chúng ta bởi vì Người là Đấng dựng nên chúng ta. Mỗi người trong chúng ta, nam hay nữ, đều là một phép lạ của Thiên Chúa, được Người mong muốn và biết đến cách riêng.... Đối với Người, chúng
ta không phải là những kẻ vô danh và không có bản vị,
chúng ta có một cái tên. Chúa Thánh Thần là Đấng kêu lên ‘Abba! Lạy Cha!’ trong lòng chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến chân lý này và thông truyền chân lý này vào cõi thâm sâu nhất của con người chúng ta và đổ tràn đầy bình an và niềm vui cho
lời cầu xin của chúng ta”. Đức Thánh Cha đã ngỏ lời như trên
với hơn 20.000 tín hữu quy tụ
tại quảng trường thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần, ngày 23
tháng Năm vừa qua.
Bài giáo lý của
Đức Thánh Cha dựa trên hai đoạn thư của Thánh tông đồ
Phaolô nói về quyền năng của Chúa Thánh Thần cho chúng ta được
gọi Thiên Chúa là “Abba”, Lạy Cha
chúng con. Đức Thánh Cha
giải thích rằng “vị tôn sư về
cầu nguyện là Chúa Thánh Thần dạy
chúng ta thân thưa cùng Thiên
Chúa bằng ngôn từ âu yếm của con
cái, gọi Chúa là ‘Abba, Cha ơi’. Đây là điều Chúa Giêsu đã làm, ngay vào lúc bi thương nhất trong cuộc sống trần thế của Ngài. Ngài chẳng hề mất niềm tin nơi Chúa Cha và luôn kêu cầu Chúa Cha bằng mối tình
mật thiết của người Con yêu dấu”.
“Chúa Thánh Thần, quà tặng của Chúa Kitô phục sinh,
đã đặt chúng ta vào trong mối tương quan con thảo với Thiên Chúa, một mối tương quan tin tưởng sâu xa,
như của con cái; một mối tương
quan con thảo tương tự như tương quan của Chúa Giêsu (với Chúa Cha) mặc dù khác nhau về nguồn gốc và tầm quan trọng. Chúa Giêsu là người Con muôn thuở của Thiên Chúa, đã trở nên xác phàm, còn chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa với
thời gian qua đức tin trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có lẽ nhân loại ngày nay không cảm nhận được vẻ
đẹp, sự cao cả và ý nghĩa sâu
xa của từ “Cha” mà chúng ta có thể thân thưa với Chúa khi cầu nguyện, vì trong cuộc sống hằng ngày khuôn mặt của người cha thường mờ nhạt hoặc thiếu tích cực”. Tuy nhiên, ĐTC giải thích, “tình yêu của Chúa Giêsu, người Con duy nhất đã hiến mình trên thập giá, đã vén mở bản chất đích thực của Chúa Cha: chính Người là Tình Yêu”.
Trong Thư gửi tín hữu Galata, Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng Chúa Thánh
Thần kêu lên trong chúng ta ‘Abba! Lạy Cha!’, còn trong Thư gửi tín hữu Rôma, ngài viết rằng chính chúng ta kêu lên như thế trong Thánh Thần. ĐTC giải thích, Thánh Tông đồ “muốn chúng ta hiểu
rằng lời cầu nguyện của Kitô
hữu không bao giờ là một chiều từ chúng ta đến Thiên Chúa...
nhưng nó diễn tả mối tương
quan hai chiều, trong đó Thiên Chúa luôn đi bước trước. Chính Thánh Thần kêu lên trong chúng ta, và chúng ta cũng có thể kêu lên vì được Chúa Thánh Thần thúc đẩy....
Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần làm
cho lời cầu nguyện và cuộc sống của
chúng ta được mở ra với chân
trời của Thiên Chúa Ba Ngôi và Giáo Hội”.
“Khi chúng ta thân thưa với Chúa Cha
trong lòng mình, trong thinh
lặng và suy niệm, chúng ta không bao giờ cô đơn.... Chúng ta ở trong lời cầu nguyện lớn lao của Giáo Hội, chúng ta là
thành phần của bản giao hưởng
vĩ đại mà các cộng đoàn Kitô hữu ở mọi nơi và mọi thời
dâng lên Chúa… Lời cầu nguyện được Chúa Thánh
Thần hướng dẫn làm cho chúng ta có thể kêu lên “Abba!
Lạy Cha!’ với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Nó làm cho chúng ta trở
nên thành phần của bức tranh vĩ
đại của gia đình của Thiên Chúa,
trong đó mọi người đều có một vị trí và vai trò quan trọng, hợp nhất sâu xa với muôn loài”.
Kết thúc bài
giáo lý, ĐTC khích lệ các tín hữu: “Khi cầu
nguyện, chúng ta hãy học cách ca ngợi vẻ đẹp của việc
được làm bạn, hay đúng hơn là được
làm con Thiên Chúa, hãy cầu
xin Người với lòng tin tưởng và phó thác của đứa con nói với cha mẹ là người yêu thương mình. Hãy mở rộng lời cầu nguyện của chúng ta để Chúa Thánh Thần hành động, để Người có thể kêu lên trong tâm hồn chúng ta: ‘Abba, Lạy Cha!’”
(VIS, 23-05-2012)
Minh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét