Thinh lặng
để truyền thông
Một cách đọc Sứ điệp
Truyền Thông 2012 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Đức Bênêđictô XVI xem ra đang lội
ngược dòng thời đại. Quy tụ cả triệu bạn trẻ trong các Đại hội Giới trẻ thế
giới ở Đức, Úc, Tây Ban Nha, ngài mời gọi người trẻ sống tĩnh lặng trước Thánh
Thể. Nói đến người trẻ là phải nói đến ồn ào, nhộn nhịp, hát ca múa nhảy… chứ tại
sao lại thinh lặng? Trong sứ điệp cho Ngày Truyền thông thế giới năm nay cũng
thế, ngài lại chọn chủ đề Thinh lặng và Lời nói: Nẻo đường Phúc âm hóa.
Truyền thông ngày nay đang được đồng hóa với nói và nói, nói càng nhiều càng to
thì càng tốt càng thành công, làm sao thinh lặng mà lại truyền thông được? Đúng
là ngược đời.
Thực ra, lội ngược dòng chỉ là mời
gọi trở về với cái vốn nằm trong bản chất của sự việc nhưng đã bị lãng quên,
thậm chí coi thường, nên cần ý thức lại. Bài viết này là một cách lắng nghe và
tiếp cận lời mời gọi ấy để tìm lại ý nghĩa phong phú của thinh lặng trong
truyền thông: (1) khởi đi từ một vài nhận định về hiện trạng của truyền thông,
đến (2) khám phá lại giá trị của thinh lặng, và (3) hướng tới việc loan báo Tin
Mừng.
1. Một vài nhận định về hiện trạng truyền thông
Tháng 3 năm 2012, Encyclopaedia
Britannica tuyên bố chấm dứt việc xuất bản bộ bách khoa toàn thư nổi tiếng
này. Thay vào đó sẽ là bộ bách khoa online. Một bộ bách khoa có lịch sử lâu đời
(ấn bản đầu tiên vào năm 1770, cách nay gần 250 năm), nổi tiếng về học thuật,
niềm tự hào của những người yêu sách, nay phải đình bản để nhường chỗ cho ấn
bản online.
Vào Wikipedia, người đọc sẽ
thấy trong tiếng Anh có gần 4 triệu bài viết về đủ mọi vấn đề, ngay cả tiếng
Trung quốc bây giờ cũng có gần 800.000 mục từ.
Tất cả đều nói lên ưu thế của
internet trong truyền thông ngày nay: “Đối với nhiều người, muốn tìm lời
khuyên, ý tưởng, thông tin và các câu trả lời, thì việc đầu tiên là lên mạng
hay vào mạng xã hội. Trong thời đại chúng ta, internet ngày càng trở thành nơi
để hỏi và tìm câu trả lời” (Sứ điệp Truyền Thông 2012). Đúng thế, bà nội
trợ muốn làm món ăn ngon? Lên mạng. Cô thiếu nữ muốn sắm bộ cánh mới? Lên mạng.
Bạn thanh niên tìm kiếm thông tin mới nhất về bóng đá? Lên mạng. Thần tượng ca
nhạc mới nổi mặt mũi ra sao? Lên mạng. Ngay cả các linh mục muốn tìm thông tin
về thần học, cũng có thể lên mạng.
Internet đúng là quà tặng tuyệt vời
của Đấng Tạo Hóa và trí sáng tạo của con người. Thế nhưng cái gì cũng có mặt
trái của nó. Với tốc độ hết sức nhanh và với lượng thông tin khổng lồ như thế,
internet có thể làm cho con người trở nên hời hợt, phân tán và lệ thuộc.
Hời hợt. Một chuyên viên phần mềm
Macromedia cho biết những người lướt web trung bình chỉ có 7 giây để nhìn vào
một giao diện, rồi chuyển sang giao diện khác. Ông nói với các công ty như thế
để họ biết phải làm thế nào thu hút người xem. 7 giây! Chỉ bằng một hơi thở sâu
và còn thua thời lượng cho việc xỉa răng! Một giám mục kêu lên: Làm thế nào để
giới thiệu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô trong 7 giây? Làm thế nào để có thể trình
bày đức tin công giáo trong 7 giây? Và vì người ta chuyển liên tục từ kênh này
sang kênh khác, từ hình ảnh này đến hình ảnh khác, làm sao có được sự sâu sắc?
Hời hợt là chuyện dễ hiểu.
Phân tán. Với khối lượng thông tin khổng lồ –Đức
Bênêđictô XVI dùng từ “bị dội bom” (bombarded)– tâm trí con người bị phân tán
thành nhiều mảnh: “Con người ngày nay thường xuyên bị dội bom vì những câu trả
lời cho những câu hỏi mà họ không bao giờ đặt ra và những nhu cầu họ không biết
đến” (Sứ điệp Truyền Thông 2012). Bị phân tán vì những thông tin không
cần thiết, người ta cũng dần đánh mất sự tập trung vào những câu hỏi thiết yếu
nhất trong hành trình làm người, những câu hỏi về cội nguồn, ý nghĩa và cùng
đích đời sống.
Lệ thuộc. Bị dội bom liên tục và thường
xuyên như thế, con người cũng dễ đánh mất khả năng suy tư độc lập và nhận định
khách quan, hoàn toàn lệ thuộc vào những thông tin các trang mạng cung cấp.
Mạng nói thế là đúng rồi, mạng viết thế là chính xác rồi! Cho nên cuộc chiến
quyết liệt ngày nay là chiến tranh thông tin. Nhắc lại ở đây chuyện ngụ ngôn
hiện đại về chú rùa chắc cũng không thừa. Chú rùa có cái mai cứng, tuy nặng nề
nhưng bảo vệ mạng sống an toàn. Con cáo nhiều lần dụ chú rùa bán mai cho nó,
lấy tiền đi du lịch cho sướng. Dĩ nhiên rùa không tin. Thế rồi một hôm, nhân
cáo đi vắng, rùa thò đầu ra xem, thấy màn hình TV thông tin cáo đã “ăn năn sám
hối”, không ăn thịt nữa mà chuyển sang ăn chay. Lại thêm màn quảng cáo đi du
lịch bằng máy bay. Rùa bán tín bán nghi. Hôm sau thò đầu ra lại cũng nghe thấy
thế. Nhiều lần lặp đi lặp lại, bèn tin. Rùa ngỏ ý bán mai cho cáo. Nhưng ngày
rùa bán mai cũng là ngày kết thúc đời rùa! Tội nghiệp chú rùa chết vì thông
tin. Thông tin làm chao đảo tâm hồn, làm mờ xác tín, cuối cùng giết chết niềm
tin.
Thế giới thông tin có những mặt trái
như thế nhưng chúng ta không thể chạy trốn thế giới đó. Điều may mắn và cũng là
điều làm cho con người thành vĩ đại, ấy là mỗi con người vẫn là một chủ thể tự
do và có khả năng suy nghĩ độc lập. Ở tự nó, tốc độ nhanh nhạy của internet và
lượng thông tin khổng lồ nó cung cấp không thể giết chết ai, trái lại còn làm
cho con người thêm phong phú nếu biết sử dụng đúng cách. Một trong những đòi
hỏi căn bản là kiến tạo sự thinh lặng nội tâm. Để mình thật là mình. Để tạo
khoảng cách với cuộc đời. Để thấy chiều sâu những sự kiện. Để đón nhận những gì
thực sự mang ích lợi cho bản thân và xã hội.
“Giữa những phức tạp và đa dạng
trong thế giới truyền thông, nhiều người vẫn thấy mình phải chạm trán với những
câu hỏi tối hậu về hiện hữu nhân sinh: Tôi là ai? Tôi có thể biết được gì? Tôi
phải làm gì? Tôi nên hi vọng gì? Điều quan trọng là phải nâng đỡ những ai đặt
câu hỏi này và mở ra cuộc đối thoại sâu sắc về những vấn đề đó. Cuộc đối thoại
ấy được tiến hành bằng lời nói, sự trao đổi, nhưng cũng bằng suy tư tĩnh lặng,
vốn là điều gì đó ‘hùng biện’ hơn câu trả lời vội vã. Suy tư tĩnh lặng cũng
giúp cho người tìm kiếm đạt tới chiều sâu của hiện hữu và mở lòng ra với nẻo
đường mà Thiên Chúa ghi khắc trong trái tim nhân loại” (Sứ điệp Truyền Thông
2012). Vậy thì cần phải ý thức lại giá trị của thinh lặng như thành tố
thiết yếu trong hoạt động truyền thông.
2. Tìm lại giá trị của thinh lặng
Thinh lặng để lắng nghe
Hãy thử đặt câu hỏi: trong hoạt động
truyền thông, giao tiếp giữa người với người, người nói tác động trên người
nghe thế nào? Theo phân tích của các nhà chuyên môn, tác động của lời nói chỉ
chiếm 10%, 30% là do âm điệu, còn 60% do ngôn ngữ cơ thể. Đức Bênêđictô XVI
hiểu rõ điều này nên ngài viết: “Truyền thông đúng nghĩa nhất diễn ra giữa
những người đang yêu: những cử chỉ, những diễn tả trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ
thể là những dấu hiệu qua đó họ ‘nói với nhau’, tỏ mình cho nhau. Niềm vui, nỗi
âu lo, đau khổ, tất cả có thể được truyền thông trong thinh lặng. Thinh lặng
cung cấp hình thức diễn tả mạnh mẽ cách đặc biệt” (Sứ điệp Truyền Thông 2012).
Nếu tác động của lời nói chỉ chiếm
10% còn tác động của ngôn ngữ cơ thể chiếm 60%, hóa ra người ta nghe không phải
bằng tai mà bằng mắt! Sự thật là thế, video hấp dẫn hơn audio nhiều. Nhưng sâu
xa hơn nữa là chính trái tim con người. Mắt chỉ nhìn thấy cái bên ngoài, còn
trái tim mới thấy cái bên trong. Nếu người ta nghe bằng mắt hơn bằng tai, ấy là
vì cặp mắt là cửa sổ của linh hồn. Cho nên thay vì nói “nghe bằng mắt” thì có
thể nói “nghe bằng linh hồn, nghe bằng con tim”.
Để nghe bằng con tim, điều tiên
quyết là phải thinh lặng. Thinh lặng tạo không gian tự do cho người khác lên
tiếng. Thinh lặng tạo khoảng trống để có thể đón nhận người khác. Thinh lặng
làm nên sự chăm chú trước những gì người khác muốn truyền đạt, không những qua
lời đang nói mà còn qua ngữ điệu và cử điệu, qua khuôn mặt và những phản ứng
của cơ thể. Người ta nghe mà không hiểu nhau, chủ yếu là vì thiếu thinh lặng.
Thiếu thinh lặng nên chỉ nghe những gì mình muốn nghe. Thiếu thinh lặng nên chỉ
đón nhận người khác cách hời hợt, đón nhận họ như mình muốn chứ không như họ
là.
Thinh lặng để có thể nói
Cách đây 30 năm, William Shannon đưa
ra nhận xét: “Chúng ta đang sống trong thời đại của ngôn từ. Chúng ta bị ngạt
thở, bị chôn vùi, bị tràn ngập vì ngôn từ từ mọi phía. Và những ngôn từ ấy
thường ít gây ấn tượng nơi ta vì nhiều quá và hời hợt. Nó không phát sinh từ
thinh lặng nhưng từ sự bận rộn”. Nhận xét ấy vẫn đúng và càng đúng hơn nữa cho
thời đại ngày nay, thời của computer và internet. Tràn ngập thông tin và rất
nhiều thông tin ở bề mặt, hời hợt, phiếm diện, thiếu chiều sâu.
Để lời nói có giá trị, cần thinh
lặng, vì “Trong thinh lặng, tư tưởng phát sinh và có được chiều sâu. Trong
thinh lặng, chúng ta hiểu rõ hơn điều mình muốn nói và muốn người khác đón
nhận. Trong thinh lặng, chúng ta tìm cách diễn tả chính mình tốt hơn” (Sứ
điệp Truyền thông 2012). Chắc chắn đây là kinh nghiệm cụ thể và sống động
của tất cả những ai hoạt động trong mọi lãnh vực tư duy, từ khoa học tự nhiên
đến triết học siêu hình, từ khoa học xã hội đến sáng tạo nghệ thuật. Thinh lặng
là miền đất phì nhiêu cho hạt lúa đơm bông. Thinh lặng là cung lòng người mẹ
cho tư tưởng mang lấy hình hài.
Không trân quý thinh lặng, ngôn từ
sẽ thiếu chiều sâu và lời nói thành vô nghĩa. Như Thomas Merton diễn tả, “Nếu
đời ta cứ tuôn ra toàn những lời vô ích, sẽ chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ
cái gì, sẽ chẳng bao giờ ta trở thành bất cứ cái gì, và cuối cùng, vì ta toàn
nói trước khi có cái gì để nói, ta sẽ trở thành người không biết nói”.
Thinh lặng làm nên truyền thông
Vì thinh lặng là đòi hỏi cần thiết
không những để nghe mà còn để nói, nên thinh lặng làm nên sự giao tiếp đích
thực trong truyền thông. Trong thinh lặng, chúng ta phân biệt được những gì là
thiết yếu và những gì là phụ thuộc. Trong thinh lặng, chúng ta khám phá mối
liên hệ giữa những biến cố và sự kiện mà thoạt nhìn, tưởng như là những sự kiện
rời rạc. Trong thinh lặng, chúng ta phân tích và đánh giá những thông tin, nhờ
đó có cái nhìn đúng đắn và sâu sắc, những ý kiến đáng giá và ích lợi.
Trong Sứ điệp Truyền Thông 2011,
Đức Bênêđictô XVI đã nói đến bốn yếu tố của truyền thông chân chính: trung
thực, cởi mở, tôn trọng người khác, có tinh thần trách nhiệm. Cả bốn yếu tố này
đều chỉ có được nhờ thinh lặng. Nhờ thinh lặng, tôi biết mình rõ hơn và thật
với chính mình hơn. Nhờ thinh lặng, tôi hiểu người khác rõ hơn và có thể đón
nhận họ. Nhờ thinh lặng, tôi nhìn người khác như họ là chứ không như tôi muốn
hay tôi nghĩ họ là như thế. Cũng nhờ thinh lặng, tôi ý thức hơn về trách nhiệm
của mình khi phát biểu. Thật vậy, “Thinh lặng và lời nói là hai mặt của hoạt
động truyền thông. Hai mặt ấy cần được giữ ở thế quân bình, tác động lên nhau
và hòa quyện với nhau để làm nên cuộc đối thoại đúng đắn và sự gần gũi sâu xa
giữa con người với nhau. Khi thinh lặng và lời nói loại trừ nhau thì truyền
thông bị bẻ gẫy, vì nó dẫn đến sự mơ hồ hoặc sự lạnh lùng; ngược lại, khi bổ
túc cho nhau thì hoạt động truyền thông đạt được ý nghĩa và giá trị” (Sứ
điệp Truyền Thông 2012).
3. Để truyền thông Tin Mừng
Những phân tích trên về mối tương
quan giữa thinh lặng và lời nói không nhằm mục đích nghiên cứu tâm lý, nhưng là
nền tảng cho suy nghĩ về sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Không phải vô tình mà Hội
Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Ngày lễ Thăng Thiên
gắn liền với mệnh lệnh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi
điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19). Vì thế Ngày Thế Giới Truyền Thông
gắn liền với sứ mệnh loan báo Tin Mừng, và trong thế giới hiện đại, Hội Thánh
khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất
để thi hành sứ mệnh.
Tuy nhiên thực tế là dù có trong tay
những phương tiện truyền thông hiện đại đến đâu chăng nữa thì phương tiện vẫn
chỉ là phương tiện. Chính con người –ở đây là các Kitô hữu– mới là chủ thể. Nếu
các Kitô hữu không ý thức và tha thiết với sứ mệnh loan báo Tin Mừng thì những
phương tiện truyền thông hiện đại cũng không thể giúp gì được, có khi còn gây
tác dụng ngược. Vì thế, trong tư cách là người làm công tác truyền thông, bản
thân Kitô hữu phải được ‘phúc âm hóa’ để có thể ‘phúc âm hóa’ người khác cũng
như những thực tại xã hội.
Nếu thinh lặng là thành tố thiết yếu
trong hoạt động truyền thông và giao tiếp giữa con người với nhau, thì thinh
lặng lại càng cần thiết hơn nữa trong tiến trình phúc âm hóa.
Phải thinh lặng để có thể lắng nghe
Đấng không chỉ tỏ mình bằng lời nói nhưng còn qua thinh lặng. Tông huấn Verbum
Domini số 21 diễn tả chân lý này hết sức sâu sắc: “Như thập giá Đức Kitô
cho thấy, Thiên Chúa cũng nói qua sự thinh lặng của Ngài. Sự thinh lặng của
Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách với Đấng toàn năng và là Cha, là một
chặng quyết định trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập
thể. Khi bị treo trên thập giá, Người đã diễn tả nỗi đau khổ do sự thinh lặng
(của Thiên Chúa) gây ra: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ
rơi con” (Mc 15,34; Mt 27,46). Từ đó, tông huấn nói đến kinh nghiệm của các
thánh, các nhà thần bí cũng như của chính chúng ta về sự thinh lặng của Thiên
Chúa. Nếu Thiên Chúa là Đấng ngỏ lời trong thinh lặng thì làm sao có thể nghe
được tiếng Ngài và đón nhận Lời Ngài khi ta không chấp nhận trở về trong thinh
lặng?
Hơn thế nữa, phải trở về trong thinh
lặng để có thể nói với Đấng của cõi lặng. Khi đó, thinh lặng trở thành cầu
nguyện trong chiêm niệm. Chiêm ngắm công trình tạo dựng kỳ vĩ và tuyệt hảo của
Thiên Chúa. Chiêm ngắm hành động cứu độ qua những đường lối lạ kỳ của Ngài.
Chiêm ngắm sự hiện diện vô hình mà sống động của Chúa trong những biến cố của
Hội Thánh và thế giới: “Trong thinh lặng của chiêm niệm, Lời hằng hữu hiện diện
cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và chúng ta khám phá ra kế hoạch cứu độ mà Thiên
Chúa thực hiện trong suốt lịch sử bằng lời nói cũng như hành động” (Sứ điệp
Truyền Thông 2012).
Chỉ khi ấy, chỉ khi bản thân Kitô
hữu, nhờ thinh lặng, lắng nghe được tiếng Chúa và đi vào cuộc giao tiếp với
Ngài, chúng ta mới có thể truyền thông Lời Chúa như là Lời Chúa thực sự chứ
không chỉ là vỏ bọc cho những suy nghĩ của con người ích kỷ và chật hẹp vốn có
nơi mỗi chúng ta. Chính vì thế Đức Bênêđictô XVI khuyến khích những ai làm công
tác truyền thông hãy xây dựng những trang web và mạng xã hội “có thể giúp con
người ngày nay tìm được thời giờ suy tư và tìm hiểu những vấn đề thiết yếu,
cũng như tạo khoảng trống cho thinh lặng và cơ hội cầu nguyện, suy niệm, chia
sẻ Lời Chúa”.
Mẹ Têrêxa Calcutta đã diễn tả vẻ
đẹp, chiều sâu và sự cần thiết của thinh lặng qua lời cầu nguyện thật thâm
thúy:
“Lạy Thiên Chúa, Đấng yêu thích sự
thinh lặng,
xin dạy chúng con thinh lặng
để ở một mình với Ngài,
trò chuyện, lắng nghe,
và thấm nhuần Lời hằng sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con
mắt,
biết nhắm lại trước những vấp váp
của tha nhân,
biết quay đi trước những dịp tội gây
xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi
tai,
để nghe được tiếng kêu của người
nghèo,
để khép lại trước những mời mọc của
ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi
miệng lưỡi
để biết ca tụng Chúa
và đem lại an vui cho muôn người.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí
khôn,
để mở ra trước sự thật và khép lại
trước dối trá.
Cuối cùng, xin dạy chúng con thinh
lặng nơi quả tim,
để tránh mọi ích kỷ, thù hằn, ghen
ghét,
để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên
hết mọi sự. Amen.
Kết luận
Trong số những từ ngữ đẹp đẽ dành
cho Đức Maria, tôi yêu một tên gọi mà Jean Guitton dành cho Mẹ. Ông gọi Mẹ là
“Trinh nữ suy tư”. Người trinh nữ ấy “ghi nhớ mọi sự và suy đi nghĩ lại trong
lòng” (Lc 2,19). Mẹ không vội vã phản ứng và phát biểu nhưng “ghi nhớ” và “suy
đi nghĩ lại trong lòng”. Dĩ nhiên trong thinh lặng của tâm hồn. Trong thinh
lặng, Mẹ khám phá ý nghĩa các sự kiện và biến cố. Trong thinh lặng, Mẹ đi vào
cuộc giao tiếp thâm sâu với Lời Thiên Chúa và để Lời ấy nên hình hài trong lòng
Mẹ. Và trong thinh lặng, Mẹ “truyền thông” Lời Thiên Chúa cho nhân loại. Mẹ
đúng là mẫu gương tuyệt vời của truyền thông.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con
biết yêu mến sự thinh lặng như Mẹ, để chúng con được trở nên những người truyền
thông Lời Chúa như Mẹ đã ban tặng Đức Giêsu cho chúng con.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc HĐGMVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét