label

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Ðức Thánh Cha viếng thăm Ðại Học y khoa Gemelli.

Ðức Thánh Cha viếng thăm
Ðại Học y khoa Gemelli


Roma (SD 3-5-2012) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cảnh giác chống lại nền văn hóa duy thực nghiệm, loại bỏ vấn nạn về Thiên Chúa ra khỏi các cuộc thảo luận khoa học và ngài chống lại quan niệm hễ những gì có thể thực hiện được về phương diện khoa học thì đều hợp luân lý.
Ðức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc viếng thăm sáng thứ năm 3 tháng 5 năm 2012, tại Nhà thương Gemelli, thuộc Ðại học Công Giáo Thánh Tâm ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 50 năm trường y khoa và giải phẫu thuộc này.
Bệnh viện đa khoa mang tên vị sáng lập là Cha Agostino Gemelli (1878-1959), một Linh Mục bác sĩ dòng Phanxicô, và tọa lạc ở phía bắc Roma. Bệnh viện này nổi tiếng vì đã cứu cấp và chữa trị nhiều lần cho Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2. Cơ sở giáo dục cao đẳng này có hơn 700 nhà nghiên cứu dấn thân hoạt động tại 35 học viện, và mỗi năm có hơn 1,500 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng nhất. Có 46 nhà nghiên cứu của Ðại học Công Giáo này được xếp vào số 300 nghiên cứu gia nổi nhất của Italia". Toàn đại học có 5 ngàn sinh viên.
Hôm 3 tháng 5 năm 2012 là lần thứ 5 Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đến bệnh viện đại học Gemelli. Ðến nơi vào lúc 11 giờ 15, Ðức Thánh Cha được Ðức Hồng Y Angelo Scola, Thượng Phụ thành Venezia, Chủ tịch Học viện chân phước Giuseppe Toniolo, cùng với giáo sư quyền viện trưởng, Chủ tịch Hạ nghị viện Italia, Ông Gianfranco Fini, và nhiều quan chức chính quyền và đại học liên hệ tiếp đón.
Tại sân trước trường y khoa, Ðức Thánh Cha đã gặp gỡ lối 1 ngàn người gồm hàng chục Hồng Y, Giám Mục, các chức sắc, giáo sư, các nhân viên y tế, nữ tu và các sinh viên.
Lên tiếng trong dịp này, sau lời chào mừng của Ðức Hồng Y Scola và Giáo sư quyền viện trưởng, Ðức Thánh Cha nhắc đến những khám phá ngày càng nhiều và tối tân trong lãnh vực khoa học, nhưng con người ngày nay, tuy giầu về phương tiện, nhưng lại không giầu về mục tiêu như vậy; họ thường chịu ảnh hưởng của chủ trương thu hẹp và tương đối hóa, dẫn tới sự đánh mất ý nghĩa của sự vật, hầu như bị chóa mắt vì hiệu năng của kỹ thuật, mà quên đi chân trời cơ bản là câu hỏi về ý nghĩa, để rồi gạt bỏ chiều kích siêu việt. Trong bối cảnh đó, tư tưởng trở nên yếu đuối và lãnh vực luân lý đạo đức trở nên nghèo nàn hơn, che phủ sự tham chiếu các qui luật về giá trị. Căn cội phong phú của nền văn hóa và sự tiến bộ của Âu Châu dường như bị quên lãng, trong đó có sự tìm kiếm tuyệt đối, tìm kiếm Thiên Chúa.
Ðứng trước tình trạng trên đây Ðức Thánh Cha khẳng định rằng "Ðiều quan trọng là nền văn hóa tái khám phá sức mạnh của ý nghĩa và năng động của siêu việt, nói tắt một lời là quyết liệt cởi mở đối với chân trời của sự tìm kiếm Thiên Chúa, quaerere Deum.
Trong chiều hướng đó, Ðức Thánh Cha ca ngợi Ðại học Công Giáo Thánh Tâm dấn thân mạnh mẽ trong lãnh việc nghiên cứu. Ngài nói: "Sự tìm kiếm Thiên Chúa trở nên phong phú đối với trí tuệ, là men của văn hóa, là động cơ thăng tiến một nền nhân bản đích thực, sự nghiên cứu không dựng lại ở bề mặt. Các bạn thân mến, các bạn hãy luôn để cho mình được hướng dẫn nhờ sự khôn ngoan đến từ trên cao, từ một kiến thức được đức tin soi sáng, và nhờ rằng sự khôn ngoan đòi phải có sự hăng say và những vất vả trong việc nghiên cứu..."
Ðức Thánh Cha nêu nhận xét: "Không có tiến bộ nào, nhất là về mặt văn hóa, được nuôi dưỡng bằng sự lập lại xuông, nhưng đòi phải có một sự bắt đầu luôn luôn mới mẻ. Ngoài ra, nó cũng đòi phải có thái độ sẵn sàng đối với sự đối chiếu và đối thoại, mở rộng trí tuệ và làm chứng về sự phong phú của gia sản đức tin.. Ðại học Công Giáo ở Roma ngày nay được kêu gọi trở thành một tổ chức gương mẫu không thu hẹp việc học hỏi vào sự tìm kiếm thành công về kinh tế, nhưng mở rộng nhãn giới về một dự phóng, trong đó ơn trí tuệ tìm hiểu và phát triển các hồng ân của thế giới được tạo dựng, vượt lên trên một quan niệm duy sản xuất, duy lợi ích về cuộc sống".
Trong phần chót của bài diễn văn, Ðức Thánh Cha đã ngỏ lời chào thăm các bệnh nhân đang được điều trị tại Nhà thương Gemelli. Ngài bày tỏ lòng quí mến và cầu nguyện cho họ, đồng thời nói với họ rằng tại đây, họ sẽ luôn được yêu thương chăm sóc, vì nơi khuôn mặt của họ có phản ánh tôn nhan của Chúa Kitô chịu đóng đanh".
Cuối bài diễn văn, Ðức Thánh Cha còn đích thân chào thăm 30 nhân vật của Ðại học, gồm ban lãnh đạo, các đại diện Giáo sư và sinh viên, trước khi đáp trực thăng trở về Vatican. (SD 3-5-2012)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét