Đối thoại và giữ vững nguyên tắc
Bài phỏng vấn Đức hồng y Gioan Thang Hán của Gianni Valente
về Giáo Hội tại Trung Quốc
WHĐ (07.05.2012) – Đức hồng y Gioan Thang Hán tự nhận mình là một người giản dị, vui vẻ. Ngài
thích sống lặng lẽ, kín đáo. Trong số các vị hồng y được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI vinh thăng trong Mật
nghị hồng y ngày 18 tháng Hai 2012, ngài
được đặc biệt chú ý vì nhiều lẽ: là một cầu thủ bóng rổ, một
chuyên gia về tư tưởng Khổng – Lão, một Kitô hữu “thế hệ thứ hai”. Nhưng trước hết, đối với mọi người, vị giám mục Hong Kong hiện nay là hồng y thứ bảy trong lịch sử của Giáo
Hội Trung Quốc. Được trao thêm trách nhiệm và
thẩm quyền, nên ngài được kỳ vọng đưa ra lời khuyên và những nhận
định quân bình về mối quan hệ giữa Tòa Thánh, Giáo Hội Trung Quốc và chính quyền Trung Quốc.
– Giờ thì ngài là một giám mục
và hồng y. Nhưng nếu nhìn vào tiểu sử của ngài, có thể thấy rằng cha mẹ của ngài không thuộc gia đình Kitô hữu. Chẳng có ai trong số ông bà của ngài đã được rửa tội.
– ĐHY Thang Hán: Đúng
vậy. Mẹ tôi là
người đầu tiên có dịp tiếp xúc với đức tin Công giáo. Khi còn con gái, bà
theo học ở một trường trung học của
các nữ tu
Canossian, ở đây có nhiều
nữ tu người Ý. Một ngày nọ có vị sứ thần tại Trung
Quốc đến thăm trường: các nữ tu đã chọn bà để dâng hoa cho
vị đại diện Đức giáo hoàng và bà rất hãnh diện về điều này. Bà bắt đầu học giáo lý, nhưng không rửa tội ngay, vì trong gia đình chưa bao giờ có người Công giáo. Bà
quyết định xin rửa tội khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lúc ấy tôi đã được sáu tuổi.
– Những năm tháng
thơ ấu của ngài thật là khủng khiếp...
– Khi Nhật chiếm Hong Kong, chúng tôi đã trốn sang Macao. Sau đó, tôi được gửi cho bà nội đang sống trong một ngôi làng ở Quảng Đông.
Mãi đến khi chiến tranh kết thúc, tôi mới được đoàn tụ với cha mẹ ở Quảng Đông. Đó là những năm nội chiến. Những
người Cộng sản và
người quốc gia đã đánh
nhau ở phía bắc.
Trong khi những người tị nạn và các binh sĩ bị thương đi xuống các tỉnh phía Nam. Các nhà truyền giáo người Mỹ ở Quảng Đông đã giang rộng cánh tay đón tiếp và giúp đỡ bất cứ
ai gặp khó khăn, bất kể họ thuộc phe nào. Mẹ tôi và tôi cũng đã giúp
họ phân phối viện trợ cho những người sống sót và người tị
nạn. Khi nhìn chứng từ của cha
sở Bernard Meyer
và các anh em thừa sai Maryknoll của ngài, tôi nghĩ rằng khi lớn lên, tôi cũng sẽ có thể trở thành một linh mục.
– Ngài đã học ở Roma đúng vào những năm diễn ra Công đồng Vatican II.
– Công đồng đã giúp tôi mở rộng và đào sâu tầm nhìn. Công đồng đã bế mạc vài tuần trước đó và tôi được Đức giáo hoàng Phaolô VI truyền chức linh mục ngày 06-01-1966, cùng với 61 phó tế của 23 quốc gia truyền giáo, tất cả đều học ở
Trường truyền giáo Propaganda Fide.
– Gần nửa thế kỷ sau, tại Mật nghị hồng y vừa rồi, chính ngài đã phát biểu trước Mật nghị này về tình hình Giáo Hội Công giáo tại Trung Quốc. Ngài đã nói gì với các hồng y?
– Để mô tả tình hình ở Trung Quốc, tôi đã sử dụng ba từ. Đầu tiên là tuyệt vời. Thật tuyệt vời là trong những thập kỷ gần đây, Giáo Hội
tại Trung Quốc đã phát triển và vẫn luôn phát triển, dù phải chịu nhiều áp lực và hạn chế. Đây là một thực tế khách quan, có thể kiểm chứng được bằng các con số. Năm 1949 số người Công giáo tại Trung Quốc chỉ có 3 triệu, bây giờ ít nhất cũng là 12 triệu. Năm 1980, sau khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh mở cửa trở lại, đã có 1.300 linh mục. Hiện nay có
khoảng 3.500 linh mục. Và cũng có khoảng 5.000 nữ tu, trong đó 2 phần 3 số này thuộc về cộng đồng Giáo Hội công khai có đăng ký với chính phủ. Và
1.400 chủng sinh, trong đó có 1.000 chủng sinh
đang được đào tạo
tại các chủng viện được chính
phủ tài trợ. Có
10 đại chủng viện được chính phủ công nhận và sáu trung tâm tương tự của cộng đồng hầm
trú. Từ năm 1980,
đã có thêm 3.000 linh mục mới và khoảng
4.500 nữ tu trẻ tuyên khấn. Chín mươi phần trăm linh mục
trong độ tuổi từ 25 đến
50.
– Vậy là mọi
chuyện đều tốt
đẹp?
– Từ thứ hai tôi dùng để mô tả tình hình của Giáo Hội
tại Trung Quốc là khó khăn. Và thử thách khó khăn nhất mà Giáo Hội đang phải đối mặt là chính phủ kiểm soát đời sống Giáo hội qua Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc. Một giám mục rất uy tín tại
Trung Quốc đại
lục đã viết thư cho tôi như sau: “Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, chính phủ đều cố tìm cách sử dụng một số người mang danh Kitô hữu để lập ra các tổ chức khác ngoài cơ cấu Giáo Hội hòng kiểm soát Giáo Hội”. Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc là một ví dụ về chính sách ấy. Và trong lá thư của Đức giáo hoàng gửi người Công giáo Trung Quốc hồi tháng Sáu 2007, ngài
nói rằng những tổ chức này không phù hợp với giáo lý Công giáo. Một
lần nữa người ta lại thấy điều ấy trong các
vụ phong chức
giám mục bất hợp pháp hồi năm 2010 và 2011.
– Nhưng tại sao nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn cảm thấy cần phải kiểm soát
chặt chẽ đời sống Giáo Hội như vậy?
– Theo phân tích của Leo Goodstadt –một học giả nổi tiếng ở Hong Kong và cũng là cố vấn của viên thống đốc người Anh cuối cùng, Chris Patten–
có nhiều lý do.
Các chế độ cộng sản lo sợ sự cạnh tranh của tôn giáo sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của người dân, tư tưởng của họ, và cuối cùng là hành động của họ. Càng ngày chế độ càng nhận ra rằng tôn giáo rất quan trọng đối với đời sống của dân chúng và sẽ không biến mất khỏi xã hội
loài người, mà trái lại số tín đồ các tôn giáo đang gia tăng khiến họ lo sợ. Và sau biến cố 11 tháng Chín, sự lo lắng càng tăng thêm, vì một lần nữa người ta thấy rằng tư tưởng tôn giáo cũng có thể đưa người ta đến chiến tranh. Cuối cùng, các nhà
lãnh đạo mới đang chuẩn bị cầm quyền vào năm 2012 lúc này phải chứng tỏ mình là người cộng sản trung thành.
– Như Đức Thánh Cha đã viết rõ trong thư gửi người Công giáo Trung Quốc: “Giáo Hội Công giáo tại Trung Quốc không có sứ mệnh thay đổi cấu trúc hoặc sự quản trị của Nhà nước, nhưng sứ mệnh của Giáo Hội là rao giảng Chúa Kitô cho mọi người”. Làm sao chính phủ của một cường quốc như Trung Quốc lại sợ sự can thiệp chính trị của
Vatican?
– Chúng ta đang sống trong xã hội và cuộc sống thực tế của chúng ta nhất thiết phải mang chiều kích chính trị và có liên quan đến chính trị. Nhưng chắc chắn Giáo Hội không phải là một thực thể
chính trị. Vấn đề hoặc mục tiêu của chúng ta thực sự không phải là thay đổi hệ thống chính trị. Và hơn
nữa, trong trường hợp của chúng tôi, hoàn toàn không thể làm như vậy.
– Xin trở lại bài phát biểu tại Mật nghị hồng y. Từ thứ ba là gì?
– Từ thứ ba tôi dùng để mô tả tình trạng của Giáo Hội
tại Trung Quốc là từ có thể. Để hiểu
được lý do đằng sau sự lựa chọn này, tôi xin đọc một đoạn khác trong bức thư của vị giám mục mà tôi đã nói ở trên. Ngài cho biết ngài rất thanh thản, bình an và tự tin đối với hiện tại, vì
khi nhìn những vấn đề của ngày hôm nay ngài nhớ lại những kinh nghiệm đã trải qua trong
cuộc khủng hoảng của những thập kỷ chịu đàn áp, từ năm 1951 đến năm 1979. Trong những thử thách của quá khứ mà ngài đã nếm trải, ngài đã kinh
nghiệm rằng mọi sự đều ở trong tay Chúa và Chúa an bài mọi sự để những khó khăn cuối cùng lại sinh ích lợi cho Giáo Hội. Vì vậy chúng ta thấy rằng không
phải bản thân việc gia tăng hoạt động kiểm soát của chính phủ có thể dập tắt được đức tin. Thật vậy, hậu quả của
việc này lại có thể là làm gia tăng sự hiệp nhất và ý thức trong Giáo Hội. Như vậy, tương
lai cũng có thể tươi sáng. Và chúng tôi có thể âm
thầm tin tưởng chờ
đợi ơn Chúa. Có lẽ giải pháp của vấn đề không đến ngay ngày mai, nhưng cũng sẽ chẳng cần đợi quá lâu.
– Có người nói rằng để giải quyết vấn đề này phải chọn một trong hai: hoặc đối thoại, hoặc bảo vệ các nguyên tắc. Đức hồng y có nghĩ rằng cả hai cách này đều thực sự không phù hợp?
– Tôi nghiêng về thái độ ôn hòa. Tốt hơn cần kiên nhẫn và cởi mở để đối thoại với
mọi người, kể cả người cộng sản. Tôi tin rằng nếu không đối thoại thì thực sự chẳng giải quyết được gì. Nhưng trong khi cởi mở để đối thoại với mọi người, chúng ta cũng
phải giữ vững
nguyên tắc của mình, không hy sinh những nguyên tắc ấy. Điều này có nghĩa là, chẳng hạn, một giám mục mới chỉ có thể được tấn phong khi được Đức giáo hoàng chấp thuận. Chúng ta không thể từ bỏ những nguyên tắc này. Điều
đó ở trong Kinh
Tin Kính của chúng ta, trong đó chúng ta tuyên xưng Giáo
Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Và rồi còn phải bảo vệ giá trị của sự sống, những quyền bất khả xâm phạm của con người, tính bất khả phân ly của hôn nhân... Chúng ta không được từ bỏ các chân lý đức tin và luân lý như
đã được ghi trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
– Có khi người ta có ấn tượng rằng một vài nhóm Công giáo ở Hong Kong
là “thước đo” mức độ công giáo của Giáo Hội
Trung Quốc. Đó có phải là sứ
mệnh của Giáo Hội tại Hong Kong không?
– Đức tin không phải do chúng ta. Đức tin bao giờ cũng là của Chúa Giêsu ban cho. Và chúng tôi không phải là người kiểm
soát hay phán đoán đức tin của anh em chúng tôi. Chúng tôi chỉ đơn giản là một giáo phận chị
em trong tương quan với
các giáo phận ở đại lục. Vì vậy, nếu họ muốn, chúng tôi rất vui sướng chia sẻ kinh nghiệm và công việc mục vụ của chúng tôi với họ. Và nếu họ gặp khó khăn, trong khi chúng tôi được tự do hơn, mục tiêu của chúng tôi chỉ là cố gắng giúp đỡ họ. Cầu xin cho mọi người giữ vững đức tin, ngay cả khi phải
chịu áp lực.
– Theo một số ý kiến, một khu vực rộng lớn của Giáo Hội tại Trung Quốc luôn được mô tả
như là không còn trung thành với Giáo Hội. Đồng thời, người Công giáo
Trung Quốc cũng được biết là rất sùng đạo. Làm sao hai việc này đi đôi với nhau được?
– Dường như nói về Trung Quốc không hề hợp với tôi. Quốc gia này quá
rộng lớn, xét cả về cục bộ cũng như toàn cầu. Tôi không tin vào những quả quyết rằng
“đức tin ở Trung
Quốc rất mạnh mẽ”, và cũng không tin những quả quyết ngược lại. Tất cả đều tùy thuộc vào con người. Có rất nhiều nhân chứng
đức tin, những người hiến
dâng mạng sống cùng với những đau khổ cho Chúa
Giêsu, và cũng có những người, do áp lực của môi trường sống, đã hy sinh các nguyên tắc của mình. Những người này chỉ là số
ít. Chẳng hạn,
những linh mục đã đồng ý được thụ phong giám mục mà
không có sự chấp thuận của Đức giáo hoàng. Điều ấy không đúng, và
chúng ta phải nói như vậy.
– Đúng là các giám mục trẻ rất được để ý. Theo một số người thì các giám mục này bị coi là nhu nhược, và trong hàng ngũ giám mục có một số vị theo cơ hội chủ nghĩa. Phải làm gì với họ? Cô lập họ? Lên án họ? Cứ bào chữa cho họ bất kể trường
hợp nào?
– Không, không, không được cô lập. Trước hết, chúng ta
hãy cầu nguyện cho họ. Cả với những người đã phạm lỗi rõ
ràng. Và nếu có ai đến với họ được, và là bạn bè của họ, thì hãy thúc giục họ nhận ra rằng lựa chọn của họ là không đúng. Và cũng có thể gửi thư cho
các cơ quan có thẩm quyền để giải thích sự
việc và có thể
xin tha thứ. Đơn giản đây chỉ là hình thức sửa lỗi huynh đệ, chữa lành, chứ không phải trừng phạt.
– Liệu sự phân chia hai nhóm người Công giáo gọi
là“công
khai” và “hầm trú” có phải chỉ vì do chính quyền gây áp lực và buộc phải tùng phục hay không?
– Tiếc là không phải thế, còn có nhiều yếu tố và lý do
khác nữa.
– Cả ở Trung Quốc cũng có hiện tượng ngày càng nhiều trang web tấn công người Công giáo về giáo lý và luân lý –bắt đầu với các giám mục–cáo buộc các ngài đã phản bội đức tin và Giáo
Hội vì chủ nghĩa cơ hội
hoặc hèn nhát, nhượng bộ những đòi hỏi bất hợp pháp của chế độ. Đức hồng y nghĩ gì về điều này?
– Tôi nghĩ rằng việc sửa lỗi
huynh đệ mà tôi
đã nói trên đây cần thực hiện thông qua đối thoại, chứ
không phải qua các cuộc tấn công trên mạng.
– Những khó khăn mà Giáo Hội tại Trung Quốc nếm trải có liên
quan đến mối dây hiệp thông với Giám mục Rôma. ĐHY có nhận thấy nguy cơ rồi đây các giáo sĩ và tín hữu sẽ ít quan tâm đến mối dây này?
– Tôi vẫn ghi nhận rằng ở Trung Quốc có lòng mộ mến Đức giáo hoàng. Họ yêu mến Đức Thánh Cha, đó là điều chắc chắn. Vì thế nên họ bị chèn ép. Họ bị cản trở khi muốn được liên lạc
một cách bình
thường với người Kế vị Thánh Phêrô. Cũng vì thế mà họ
càng mong muốn hơn. Tôi phải nói rằng đó là điều bình thường.
– Xin được hỏi ĐHY về một sự kiện xảy ra rất lâu rồi. Thưa ĐHY, có đúng là ĐHY đã hiện diện trong lễ phong chức
giám mục của Đức cha Aloysius Kim Lỗ Hiền 27 năm trước đây?
– Vâng, tôi đã có mặt trong thánh lễ ấy. Đó là năm 1985. Lúc ấy tôi là một linh mục của giáo phận Hong Kong và từ năm 1980 tôi đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu
“Chúa Thánh Thần” [trung tâm rất uy tín, chuyên nghiên cứu đời sống Giáo Hội
tại Trung Quốc]. Đức cha Kim đã mời tôi dự lễ. Lúc ấy ngài xin tôi ủng hộ ngài. Ngài nói với tôi rằng ngài đã bị tù, ngài
muốn giữ đức tin
và hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, và ngài sẽ gửi thư đến Roma để xác nhận rằng ngài tùng phục Tòa Thánh và quyền tối thượng của Đức giáo hoàng. Đức
cha Kim cho biết lương tâm ngài đã cân nhắc mọi chuyện, và vào thời điểm lịch sử đó, dường
như phải chấp nhận việc truyền chức giám mục, không có cách nào khác. Xét theo hoàn
cảnh, dường như ngài buộc phải chọn giúp giáo phận Thượng Hải để cứu nhà thờ và chủng viện ở đó. Cách nay bảy năm, Tòa Thánh đã chấp nhận lời thỉnh cầu của ngài và công nhận ngài
là giám mục hợp
pháp của Thượng Hải. Nhưng đây là những gì
thuộc về quá khứ.
Bây giờ chúng ta phải hướng về tương lai ...
– Nhìn thẳng vào hiện tại và tương lai, ĐHY đã học được những gì từ kinh nghiệm của những lần đó?
– Tôi đã học được rằng thời gian sẽ nói lên,
minh chứng và phán xét mọi sự. Đôi khi phải sau một thời gian dài, bạn mới có thể thấy rõ điều gì đó đúng hay sai, một lựa chọn có phải vì lý do tốt hay không. Ngay khi sự việc đang xảy ra, khó lòng đưa ra phán đoán
tình hình một cách xác đáng, nhưng về lâu dài mới thực sự biết có thiện ý hay
không mà thôi. Ở Trung Quốc đôi khi hoàn cảnh rất phức tạp. Một khi
bị áp lực, bạn không
gặp được ai để trao
đổi. Nhưng nếu trong thâm tâm bạn chọn yêu mến Chúa Giêsu và Giáo Hội, thì về lâu dài rốt cuộc mọi người sẽ nhận ra thiện ý của
bạn.
– Và về các sự kiện đang gây tranh cãi có liên quan đến Giáo Hội công giáo Trung
Quốc, điều này hàm ý gì?
– Chúng ta không thể chỉ dựa vào một thời điểm, không thể xét lại mọi quyết định, để đòi hỏi mỗi hành động và quyết định của các thành viên của Giáo Hội tại Trung Quốc phải
luôn hoàn hảo
trong mọi lúc và mọi tình huống. Chúng ta là con người! Tất cả chúng ta
đều phạm sai lầm và vấp ngã nhiều lần trên đường. Nhưng
sau đó bạn có thể xin tha thứ. Nhưng nếu mỗi lầm lỗi lại bị cô lập và trở thành lý do để lên án mà không được kêu xin, thì
ai có thể được cứu vớt? Phải sau một thời gian dài bạn mới thấy được liệu một linh mục hay giám mục có thiện ý hay không. Bạn mới
thấy được liệu những
gì họ làm có phải là vì yêu mến
Chúa, yêu mến Giáo Hội và dân Chúa hay không, cả khi họ phạm lỗi. Đây là điều quan trọng: khám phá được con người vẫn tín trung vì họ được tình yêu Chúa Giêsu thúc đẩy, ngay trong hoàn cảnh khó khăn. Cuối cùng, về lâu dài, mọi người sẽ nhìn thấy điều ấy. Và chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhìn thấy vì Ngài là Đấng thấu
suốt con tim mọi người chúng ta.
(Nguồn: 30giorni.it)
Huy Hoàng chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét