Kỷ niệm 100
năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử:
Giới thiệu Bộ Sưu tập Thơ Công giáo “Có một Vườn
thơ Đạo”
Ngày 22-9-2012
tới đây sẽ là kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Đây là một niềm vui
cho giới Công giáo vì nhà thơ được công chúng biết đến rộng rãi nhất và được
thương mến nhiều nhất này là một tín hữu Công giáo trẻ, chết lúc mới 28 tuổi.
Sự kiện này đồng thời cũng khiến chúng ta nhớ đến những khó khăn rất lớn mà
Giáo hội Công giáo Việt Nam
đang gặp phải trên lãnh vực văn hóa.
Những
trì trệ và khó khăn lớn Giáo hội Công giáo Việt Nam đang gặp phải trên lãnh vực văn
hóa:
– Chữ Quốc ngữ do các thừa sai Công giáo sáng tạo hơn 400 năm qua và
giờ đây đã trở nên công cụ cho mọi sinh hoạt thường ngày của dân Việt, thế
nhưng trên diễn đàn văn học chỉ có duy nhất một tác giả Công giáo được công
chúng biết đến là nhà thơ Hàn Mạc Tử;
– Giới Công giáo bị coi như vắng
mặt trên văn đàn vừa do những hoàn cảnh cụ thể bên ngoài, vừa do Giáo hội Việt Nam chưa quan
tâm đào tạo;
– Không có các nhà văn, nhà thơ thì cũng không có những người viết
kịch bản và làm phim để chuyển tải Tin mừng qua nghệ thuật;
– Những người được ơn cầm bút đã quá ít, rời rạc, lại không được
khích lệ cho nên không quan tâm phát triển tài năng;
– “Tiếng Việt là gia tài cha ông để lại cho con cháu luyện tập để
chuyển tải Tin Mừng cứu độ cho thiên hạ lại
bị bỏ quên hoặc coi thường, trong khi thiên hạ biết tôi luyện và tận dụng
tiếng Việt để chuyển đạt các tư tưởng chống Chúa, chống Giáo hội” (ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, lời tựa bộ sưu
tập thơ Có Một Vườn Thơ Đạo);
– “Tình trạng viết văn tiếng Việt của các bạn trẻ ngày nay thật đáng
suy nghĩ! Mấy chục năm thời chiến, vừa học vừa nấp bom tránh đạn, thì thước đo
trí thức lấy cộng trừ nhân chia làm chính. Hòa bình lập lại, cả thầy lẫn trò bị
hút vào vi tính và ngoại ngữ, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ bị bỏ quên, chẳng còn
mấy ai chuyên chăm luyện văn, tập viết” (ĐGM
Micae Hoàng Đức Oanh, sđd). Khả năng viết tiếng Việt của sinh viên học sinh
trong nước xuống thấp không tưởng tượng nổi, trở ngại rất lớn cho việc đào tạo
các ơn gọi trẻ trong Hội Thánh – nơi tất cả các Giáo phận và các Dòng tu quốc
nội. “Trên thương trường và các mặt khác của xã hội, tình trạng yếu kém tiếng
Việt chẳng trở ngại gì lắm, nhưng trên cánh đồng của Chúa mà cứ thế, thì người
của Chúa lấy đâu văn chương chữ nghĩa mà rao giảng Tin Mừng?” (ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh, sđd).
Bộ
sưu tập thơ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử
Để khơi dậy
sinh hoạt sáng tác văn thơ nơi giới Công giáo, từ hơn 20 năm qua, một vài anh
em chúng tôi (linh mục và giáo dân) đã tìm liên lạc, gặp gỡ và nối kết những
người cầm bút. Chúng tôi đã thực hiện những sưu tập (1) để gom góp
những tác phẩm sẵn có và những cuộc thi sáng tác (2) để phát hiện và
vun trồng những tài năng mới. Dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử, là một
cột mốc để chúng tôi đúc kết một giai đoạn làm việc với bộ sưu tập thơ Công
giáo mang tên CÓ MỘT VƯỜN THƠ ĐẠO, gồm 4 quyển:
+ Quyển 1: nói
riêng về Hàn Mạc Tử, tập trung vào mảng thơ đạo của nhà thơ
+ Quyển 2: 45 tác giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1912 đến 1940
+ Quyển 3: 51 tác giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1941 đến 1955
+ Quyển 4: 44 tác
giả thơ Công giáo, có năm sinh từ 1956 đến 1990
Hiện nay giới
văn học vẫn còn ngộ nhận trầm trọng về thơ đạo của Hàn Mạc Tử. Với những bài
viết của một số tác giả Công giáo sắp xếp có hệ thống, quyển 1 của bộ sách mong
sẽ giúp độc giả có được cái nhìn chính xác và sâu xa hơn, tiếp cận với tinh
thần đạo hạnh và cả kinh nghiệm tâm linh sâu thẳm đáng kinh ngạc của nhà thơ
trẻ tuổi.
140 tác giả ở
ba quyển sau gồm 03 giám mục, 32 linh mục, 05 tu sĩ, 03 chủng sinh, 59 giáo dân
nam, 01 nam cảm tình viên, 25 giáo dân nữ và 12 nữ tu.
Thế nhưng bài
toán cộng rất đáng suy nghĩ. 1 + 140 mà kết quả hình như vẫn chỉ mới là = 1. Sau hơn 400 năm cống hiến chữ Quốc ngữ cho
Dân tộc, giới Công giáo chỉ mới có được một ngôi sao duy nhất trên nền trời văn
học. Ước mong của nhóm biên tập là bộ sưu tập sẽ tạo điều kiện để sớm xuất
hiện những tác giả văn thơ Công giáo sáng giá có chỗ đứng trên diễn đàn văn học
nước nhà.
Ghi chú:
(1) Cụ thể là: quyển GÓP NHẶT THƠ CÔNG
GIÁO VIỆT NAM với 40 tác giả (Nxb Thuận Hóa 1998), quyển KINH TRONG SƯƠNG với
15 tác giả (Nxb Phương Đong, 2007) và bộ sách Ở THƯỢNG NGUỒN THI CA CÔNG GIÁO
(6 quyển, Nxb Tôn giáo, 2009)
(2) Ngoài hai cuộc thi chung SEN GIỮA
LẦY (2010) và NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI (2011), còn có những cuộc thi ở cấp giáo phận
tại Qui Nhơn, Phan Thiết và Xuân Lộc
Lm Trăng Thập Tự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét