Ân sủng rẻ tiền và ân sủng đắt giá
Một vị giám mục
cao tuổi nhận được thiệp mời dự lễ Trao tác vụ linh mục. Ngài hỏi tôi: gọi
là trao tác vụ linh mục có đúng không, hay phải gọi là truyền chức
linh mục? Ngài có lý, vì cách nói trao tác vụ linh mục hay tác vụ
phó tế có thể gây hiểu nhầm rằng linh mục hay phó tế chỉ là một nhiệm vụ, một
công việc, dù là công việc thánh. Đang khi đó, chức linh mục, chức phó tế không
chỉ là một nhiệm vụ mà là điều gì đó sâu xa hơn nhiều. Trước hết và trên hết, đó
là một ân sủng, “hồng ân Thánh Thần, cho phép thực thi một quyền thánh chức,
quyền này chỉ có thể phát xuất từ chính Đức Kitô, qua Hội Thánh của Người”
(GLHTCG số 1537). Chỉ trên nền tảng đó mới có thể nói đến tác vụ linh mục hay
phó tế. Hiện hữu đi trước hành động. Chức linh mục thừa tác đi trước và làm nền
cho thừa tác vụ linh mục. Dù khi già yếu bệnh tật hoặc trong hoàn cảnh không thể
thi hành nhiệm vụ, linh mục vẫn là linh mục. Và chức linh mục hay phó tế ấy trước
hết là một ân sủng: “Không ai tự gán cho mình vinh dự là thượng tế nhưng phải được
Thiên Chúa kêu gọi, như ông Aharon đã được gọi” (Dt 5,4).
Vì là ân sủng được
trao ban cho nên người lãnh nhận không có lý do gì để tự kiêu tự đắc cả, mà đúng
hơn, phải biết đón nhận với lòng biết ơn và khiêm tốn. Sự khiêm tốn ấy vừa phát
sinh từ ý thức về sự cao cả của hồng ân mình lãnh nhận, vừa phát xuất từ ý thức
về sự mỏng dòn yếu đuối của bản thân.
Cách cụ thể,
trong nghi thức phong chức hôm nay, vị giám mục chủ phong trao sách Phúc Âm cho
từng tân chức với lời căn dặn: “Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở
thành người rao giảng, và con phải biết là hãy tin điều con đọc, dạy điều con
tin và thi hành điều con dạy”. Vậy có ai trong anh em dám tự hào rằng, bằng sức
riêng của mình, tôi sẽ sống cách hoàn hảo Lời mà tôi rao giảng? Bằng sức riêng
của mình, tôi sẽ làm cho mọi người tin vào Chúa Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống?
Cũng trong nghi
thức hôm nay, các tân chức thề hứa vâng phục Đấng bản quyền và sống độc thân trọn
đời. Có ai trong anh em dám tự hào rằng, bằng sức riêng của mình, tôi sẽ trung
thành trọn đời và trọn vẹn lời thề hứa đó, nghĩa là từ trong tâm hồn chứ không
chỉ là tránh những vi phạm bên ngoài?
Tự đặt cho mình
những câu hỏi như thế để khám phá sự mỏng dòn và yếu đuối của mình, nhờ đó sống
khiêm tốn hơn. Chính sự khiêm tốn ấy thúc đẩy chúng ta cậy trông vào Chúa, và cầu
nguyện là sự diễn tả niềm cậy trông ấy. Tôi nhớ lại hình ảnh Đức hồng y John
Henry Newman. Là một linh mục Anh giáo và nhà tư tưởng nổi tiếng ở Oxford lúc ấy,
nhưng khi nghiên cứu, ngài khám phá ra chỉ có Hội Thánh công giáo mới là Hội
Thánh đích thực của Chúa Kitô. Thế nhưng quả là sự giằng co xâu xé khi phải giã
từ Anh giáo cùng với biết bao đau khổ gây ra cho những người thân yêu, tin tưởng
nơi ngài. Với tâm trạng ấy, trên chuyến tầu giữa biển cả mênh mông và sương mù
giăng kín, ngài đã viết nên lời cầu nguyện nổi tiếng Lead, kindly Light:
“Ánh sáng dịu êm,
xin dẫn con.
Dẫn con đi tới
giữa đêm mịt mùng…
Dẫn con vững bước
trên đường
Con không cầu
thấy chân trời xa xôi.
Dẫn con, dẫn
con từng bước,
Từng bước một
thôi”.
Hãy mang lấy những
tâm tình cầu nguyện ấy, lời cầu nguyện của những tâm hồn khiêm tốn và đầy ắp niềm
trông cậy. Đồng thời, khi nói đến ân sủng, đừng nghĩ rằng ân sủng miễn trừ mọi
nỗ lực và cố gắng của con người. Bởi lẽ, nói theo ngôn ngữ của Dietrich
Bonhoeffer, ân sủng mà chúng ta lãnh nhận là ân sủng đắt giá chứ không phải thứ
ân sủng rẻ tiền. Là một mục sư Tin Lành Lutheran, Bonhoeffer bị Đức quốc xã bắt
giam và bị treo cổ. Chính trong những ngày bị nhốt trong tù, ông đã viết ra những
dòng này:
“Ân sủng rẻ tiền
là lời rao giảng ơn tha thứ mà không đòi hỏi hoán cải, chịu Phép Rửa mà không cần
sống theo giáo huấn của Giáo Hội, rước lễ mà không cần xưng tội, nhận ơn xá giải
mà không cần thống hối. Ân sủng rẻ tiền là thứ ân sủng không đòi hỏi phải sống đời
sống người môn đệ, thứ ân sủng không có thập giá, thứ ân sủng không có Đức
Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và nhập thể làm người. Còn ân sủng đắt giá là kho
tàng chôn giấu trong ruộng sâu, và vì kho tàng đó mà một người vui mừng bán đi
tất cả những gì mình có để mua cho bằng được. Đó là viên ngọc vô giá mà người
lái buôn sẵn sàng bán đi tất cả của cải để mua lấy. Đó là lề luật vương giả của
Chúa Kitô có thể khiến cho một người dám móc mắt mà quăng đi nếu nó gây trở ngại.
Đó là lời mời gọi của Chúa Kitô khiến cho các môn đệ bỏ cả thuyền và lưới mà đi
theo Người. Ân sủng đắt giá là Tin Mừng phải được tìm đi tìm lại, là ơn ban ta
phải khấn xin, là cánh cửa ta phải gõ vào… Ân sủng đó đắt giá vì Thiên Chúa đã
phải trả giá bằng chính sự sống của Con Một Ngài, và cái khiến Thiên Chúa phải
trả giá đắt dứt khoát không thể nào là rẻ tiền đối với chúng ta”.
Vâng, ân sủng
mà hôm nay chúng ta lãnh nhận là ân sủng đắt giá. Và vì đắt giá nên chúng ta phải
trả bằng cả con người và cuộc đời mình, một cuộc đời dám sống cho Chúa và phần
rỗi các linh hồn. Xin anh chị em cầu nguyện cho các tân chức và cho tất cả
chúng tôi, các giám mục và linh mục có mặt ở đây, sống được như thế.
Ngày
26-05-2012
Lễ
phong chức phó tế cho các đại chủng sinh Sài Gòn
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét