label

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Lời cầu nguyện kết hiệp tín hữu với Thiên Chúa, giúp thắng vượt mọi sợ hãi nô lệ và rộng mở cho mọi thụ tạo.

Lời cầu nguyện
kết hiệp tín hữu với Thiên Chúa
giúp thắng vượt mọi sợ hãi nô lệ
và rộng mở cho mọi thụ tạo


Roma (Vat. 16/05/2012) - Lời cầu nguyện được Chúa Thánh Thần linh hứng giúp tín hữu sống sự tự do là con cái Thiên Chúa, thắng vượt mọi sợ hãi nô lệ, sống kết hiệp sâu xa với Chúa và rộng mở cho mọi thụ tạo.
Ðức Thánh Cha đã khẳng định như trên với gần 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung với Ðức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 16 tháng 5 năm 2012.
Ngoài các đoàn hành hương Âu châu và Bắc Mỹ cũng có các đoàn hành hương đến từ Á châu như Ấn Ðộ, Indonesia, Nhật Bản và Philippines. Ðến từ xa nhất là đoàn hành hương Australia. Trong khi từ châu Mỹ Latinh có các đoàn hành hương Mehicô, Costa Rica, Guatemala, Argentina và Brasil.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã trình bầy đề tài "lời cầu nguyện trong các thư của Thánh Phaolô, Tông Ðồ dân ngoại". Các thư của thánh nhân luôn luôn đựơc mở đầu và kết thúc với các kiểu diễn tả lời cầu nguyện: mở đầu với lời nguyện tạ ơn, chúc tụng, và kết thúc với lời cầu chúc ơn thánh Chúa hướng dẫn con đường của cộng đoàn tín hữu. Giữa công thức mở đầu: "Tôi tạ ơn Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô" (Rm 1,8) và lời cầu chúc kết thúc "Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh em" (1 Cr 16,23) là nội dung của các thư. Ðức Thánh Cha định nghĩa lời cầu nguyện trong các thư của thánh Phaolô như sau:
Lời cầu nguyện của thánh Phaolô là một lời cầu nguyện biểu lộ các hình thái rất phong phú, từ lời cảm tạ tới lời chúc lành, từ lời ca ngợi tới lời xin ơn và bầu cử, từ thánh thi tới lời khẩn nài: một thay đổi các kiểu diễn tả chứng minh cho thấy lời cầu nguyện lôi cuốn và thấm nhập tất cả mọi tình trạng sống cá nhân cũng như cộng đoàn mà thánh nhân hướng tới.
Tiếp tục bài huấn du Ðức Thánh Cha nói: một yếu tố đầu tiên mà thánh Tông Ðồ muốn làm cho chúng ta hiểu đó là không được coi lời cầu nguyện đơn thuần như là một hành động, một công việc làm tốt, mà chúng ta chu toàn đối với Thiên Chúa. Nhưng trước hết nó là một ơn, hoa trái của sự hiện diện sinh động, trao ban sức sống của Thiên Chúa Cha và của Ðức Giêsu Kitô trong chúng ta. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Roma: "Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả" (Rm 8,26). Thật thế, chúng ta muốn cầu nguyện nhưng Thiên Chúa ở xa, chúng ta không có các lời và từ ngữ kể cả tư tưởng để nói với Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể rộng mở chính mình, dành thời giờ cho Thiên Chúa, chờ đợi Người giúp chúng ta bước vào trong cuộc đối thoại đích thật với Người. Nhưng thánh nhân nói cho chúng ta biết rằng chính sự vắng bóng lời nói, ước mong tiếp xúc với Thiên Chúa là lời cầu nguyện, mà Chúa Thánh Thần không chỉ hiểu, nhưng còn giải thích bên Thiên Chúa nữa. Chính sự yếu đuối đó, qua Chúa Thánh Thần, trở thành lời cầu nguyện, sự tiếp xúc đích thật với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần như thể là thông dịch viên làm cho chính chúng ta và Thiên Chúa hiểu điều chúng ta muốn nói.
Hơn là trong tất cả mọi chiều kích khác trong cuộc sống, trong lời cầu nguyện chúng ta kinh nghiệm được sự yếu hèn, sự nghèo nàn, thân phận là thụ tạo của chúng ta, bởi vì chúng ta được đặt đứng trước sự toàn năng và siêu việt của Thiên Chúa. Càng tiến xa trong việc lắng nghe và đối thoại với Thiên Chúa bao nhiêu - bởi vì lời cầu ngyện trở thành hơi thở thường ngày của linh hồn chúng ta - thì chúng ta càng nhận ra ý nghĩa sự hạn hẹp của chúng ta bấy nhiêu, không phải chỉ trước các hoàn cảnh cụ thể mỗi ngày, mà cả trong tương quan với Thiên Chúa nữa. Và khi đó lớn lên trong chúng ta sự cần thiết ngày càng phó thác cho Người... Và chính Chúa Thánh Thần trợ giúp sự bất lực này của chúng ta, Người soi sáng tâm trí và suởi ấm con tim chúng ta, bằng cách hướng chúng ta về Thiên Chúa. Ðối với thánh Phaolô lời cầu nguyện trước hết là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong bản tính nhân loại của chúng ta, để mang lấy sự yếu hèn của chúng ta và biến đổi chúng ta từ những con người bị ràng buộc vào các thực tại vật chất trở thành các con người tinh thần. Thánh Phaolô viết trong thứ thứ I gửi tín hữu Côrintô: "Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Ðể nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng những lời lẽ Thần Khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí" (1 Cr 2,12-13).
Với sự hiện diện này của Chúa Thánh Thần, sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô được thực hiện, bởi vì đây là Thần Khí của Con Thiên Chúa, nơi Người chúng ta được trở thành con. Thánh Phaolô nói về Thần Khí của Chúa Kitô (Rm 8,9) chứ không phải chỉ là Thần Khí của Thiên Chúa. Và đương nhiên, nếu Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, thì thần trí của Người cũng là thần trí của Thiên Chúa, và như thế nếu thần trí của Thiên Chúa và thần trí của Chúa Kitô đã trở thành rất gần gũi chúng ta trong Con Thiên Chúa, thì Thần Khí của Thiên Chúa cũng trở thành Thần Khí con người và đụng tới chúng ta. Chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông với Thần Khí. Giống như thể nói rằng không chỉ có Thiên Chúa Cha đã trở thành hữu hình trong sự Nhập Thể của Chúa Con, mà cả Thần Khí của Thiên Chúa cũng tự biểu lộ ra trong cuộc sống và hành động của Ðức Giêsu Kitô, là Ðấng đã sống, đã bị đóng đinh, chết và sống lại. Thánh Tông Ðồ nhắc lại rằng "không ai có thể nói "Ðức Giêsu là Chúa", nếu không do tác động của Chúa Thánh Thần" (1 Cr 12,3). Như vậy Thần Khí hướng con tim chúng ta về Chúa Giêsu Kitô, đến độ "không phải chúng ta sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong chúng ta" (Gl 2,20).
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nêu bật các hiệu qủa hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Ngài nói:
Trước hết với lời cầu nguyện, được Thần Khí linh hứng, chúng ta được đặt để trong điều kiện từ bỏ và thắng vượt mọi hình thức sợ hãi và nô lệ, bằng cách sống sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Không có lời cầu nguyện nuôi dưỡng việc ở trong Chúa Kitô mỗi ngày trong sự thân tình lớn lên từ từ, thì chúng ta rơi vào hoàn cảnh ,mà thánh Phaolô tả trong thư gửi giáo đoàn Roma: chúng ta không làm điều thiện chúng ta muốn, nhưng làm điều ác mà chúng ta không muốn (Rm 7,19). Ðó là kiểu diển tả sự tha hóa, sự hủy hoại tự do của cuộc sống chúng ta, bởi tội tổ tông... "Nơi đâu có Thần Khí của Chúa, thì nơi đó có sự tự do" (2 Cr 3,17). Với lời cầu nguyện chúng ta sống kinh nghiệm sự tự do do Thần Khí ban cho: một sự tự do đích thật khỏi tội lỗi và sự dữ, tự do cho sự thiện, cho sự sống và cho Thiên Chúa.
Sự tự do ấy không đồng hóa với lối sống buông thả, hay khả năng lựa chọn sự dữ, mà là "hoa trái của Thần Khí, là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ" (Gl 5,22). Ðó chính là sự tự do đích thực.
Hiệu qủa thứ hai khi chúng ta để cho Thần Khí Chúa Kitô hoạt động trong chúng ta: đó là tương quan của chúng ta với Thiên Chúa trở thành sâu đậm đến độ không có thực tại hay trạng huống nào có thể gây thiệt hại cho chúng ta. Khi đó chúng ta hiểu rằng với lời cầu nguyện chúng ta không được giải thoát khỏi các thử thách hay các khổ đau, nhưng chúng ta có thể sống chúng trong sự kết hiệp với Chúa Kitô, với các khổ đau của Người, trong viễn tượng cũng chia sẻ vinh quang của Người (Rm 8,17). Rất nhiều lần trong lời cầu nguyện chúng ta xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự dữ vật lý và tinh thần, vá chúng ta làm điều đó với lòng tin tưởng. Nhưng thường khi chúng ta có cảm tưởng không được nhận lời, và khi đó chúng ta chán nản ngã lòng và không kiên trì nữa. Thật ra, không có tiếng kêu than nào của con người mà không được Thiên Chúa lắng nghe; và chính trong lời cầu nguyện liên lỉ và trung thành chúng ta hiểu với thánh Phaolô rằng: "những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta" (Rm 8,18). Lời cầu nguyện không miễn trừ cho chúng ta khỏi thử thách và khổ đau, nhưng cho phép chúng ta sống và đương đầu với các khổ đau đó với một sức mạnh mới, với chính lòng tin tưởng của Chúa Giêsu...
Câu trả lời của Thiên Chúa cho các tiếng kêu khóc và nước mắt của Chúa Giêsu đã không phải là sự giải thoát lập tức khỏi các khổ đau, thập giá và cái chết, nhưng đã là một sự chấp nhận vĩ đại hơn nhiều, một câu trả lời sâu đậm hơn nhiều. Thiên Chúa đã trả lời với sự phục sinh của Con Ngài, với cuộc sống mới.
Hiệu qủa thứ ba đó là lời cầu của tín hữu rộng mở cho các chiều kích của toàn nhân loại và mọi thụ tạo, nhận lấy sự chờ mong ngong ngóng ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái người (Rm 8,19). Lời cầu nguyện được nâng đỡ bới Thần Khi của Chúa Kitô không đóng kín trong chính nó, cũng không chỉ là lời cầu nguyện cho tôi, mà rông mở cho sự chia sẻ với các nỗi khổ đau của người khác trong thời đại chúng ta. Nó trở thành lời bầu cử cho người khác, và như thế là trở thành sự giải thoát từ tôi, là con kênh hy vọng cho mọi thụ tạo, diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, mà Thần Khí đổ tràn đầy tâm hồn chúng ta (Rm 5,5).
Nhắc tới ngày 15-5 vừa qua là Ngày Quốc Tế Gia Ðình, Ðức Thánh Cha kêu gọi phải tổ chức công ăn việc làm thế nào để nó không cản trở cuộc sống gia đình nhưng giúp gia đình hiệp nhất. Ngài cầu mong ngày Chúa Nhật ngày của Chúa và là lễ Phục Sinh trong tuần là ngày nghỉ ngơi và là cơ hội củng cố các quan hệ trong gia đình.
Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và cầu chúc tất cả những ngày hành hương sốt sắng bổ ích Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét