Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Với người công
giáo, còn gì gần gũi thân quen cho bằng làm dấu thánh giá trên mình cùng với lời
đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ấy thế mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi dường như lại thật xa lạ và trừu tượng. Có chăng những từ ngữ “ngôi vị” và
“bản tính”, vốn rất cần thiết để minh định tín điều, lại là bước cản cho sự gặp
gỡ Đấng Thiên Chúa sống động? Có chăng những suy tư thần học về Ba Ngôi thật
phong phú về tư duy nhưng lại thiếu tiếp cận mục vụ và linh đạo? Từ góc độ thực
hành của đời sống đức tin, xin gợi ý về lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh
Thần” như một cảm nghiệm gặp gỡ Đấng Thiên Chúa duy nhất và là Đấng ở trên, ở với
và ở trong con người cũng như lịch sử.
Đấng Thiên
Chúa ở trên, ở với và ở trong
Cảm nghiệm đầu
tiên của con người về Thiên Chúa: Ngài là Đấng “ở trên”, “Ông Trời”, “Ông
Thiên”. Thánh Phaolô tuyên xưng chỉ mình Thiên Chúa là “Đấng trường sinh bất tử,
ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể
thấy” (1 Tim 6,16). Vì Thiên Chúa vượt lên trên vũ trụ và nhân loại nên “Tư tưởng
của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường
lối của các ngươi” (Mt 16,23). Nếu ai nói rằng mình hiểu được Thiên Chúa thì chắc
chắn vị Thiên Chúa ấy không còn là Thiên Chúa đích thực nữa.
Những khám phá
khoa học ngày nay không những không làm tiêu hao niềm tin vào Thiên Chúa mà
trái lại, càng làm cho chúng ta cảm nhận rõ hơn tính bất khả đạt thấu của Thiên
Chúa. Ngân hà mà trái đất chúng ta là một thành phần đã là vĩ đại rồi, nhưng nó
chìm nghỉm trong hằng tỉ giải ngân hà của vũ trụ. Chính sự vĩ đại ấy của vũ trụ
lại càng làm nổi bật tính vô biên và bất khả đạt thấu nơi Thiên Chúa: “Chúng ta
không thể khám phá Thiên Chúa đang điều khiển thế giới cách ngây ngô như trước.
Chúng ta không thể làm thế, không phải vì Thiên Chúa đã chết, nhưng vì Ngài là Đấng
vĩ đại hơn nhiều, Đấng không thể gọi tên, Đấng bất khả đạt thấu, Đấng là nền tảng
mọi sự” (Karl Rahner, Science as a Confession, 389).
Cảm thức về
tính bất khả đạt thấu nơi Thiên Chúa giúp các Kitô hữu tránh được nguy cơ rơi
vào tình trạng mà một nhà tư tưởng phê phán: “Không phải Thiên Chúa đã tạo dựng
con người theo hình ảnh Ngài, nhưng chính con người đã làm nên Thiên Chúa theo
hình ảnh của mình”. Một trong những điều răn đầu tiên Thiên Chúa ban bố là: “Ngươi
không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất
thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Dân Chúa trong
thời Cựu Ước lại chẳng rơi vào tình trạng đó sao khi họ lấy vàng đúc thành con
bê rồi sụp lạy tung hô: “Đây là vị thần đã đưa chúng ta ra khỏi đất Ai Cập” (Xh
32,7)? Và cơn cám dỗ ấy vẫn không ngừng tái diễn trong lịch sử dưới nhiều hình
thức khác nhau.
Thiên Chúa là Đấng
“ở trên” nhưng đồng thời lại là Đấng “ở với” loài người. Đây là mạc khải
trung tâm và độc đáo của Kitô giáo. Kinh Thánh tràn ngập cụm từ “ở với”. Hầu như
khi sai bất cứ ai đi thi hành sứ mạng, Thiên Chúa cũng chỉ hứa điều quan trọng
nhất là: “Ta ở với ngươi”. Từ Môsê đến Đức Maria đều thế cả (Xh 3,12; Lc 1,28).
Cho đến thời của Hội Thánh, lời hứa của Chúa Kitô Phục sinh dành cho các môn đệ
vẫn là: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Danh thánh
Thiên Chúa mạc khải cho Môsê (Xh 3,14) được dịch nhiều cách: “Ta là Đấng hằng hữu”,
“Ta là Đấng hiện hữu”, “Ta là Đấng Ta là”. Nhưng cũng có một cách dịch khác
mang tính hiện sinh hơn: “Ta là Đấng hằng ở với anh em” (trong mọi hoàn cảnh, mọi
bước đường, mọi biến cố). Lời hứa “ở với” ấy đã vươn đến cao điểm trong Đức
Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa-ở-với-chúng ta (Mt 1,23).
Thiên Chúa ở với loài người không những bằng sự hiện diện mà còn chia sẻ phận
người, kể cả những trạng huống bi thảm nhất, để trong mọi hoàn cảnh, kể cả sự
chết, ta có thể cảm nhận được tiếng nói: Cha ở với con.
Ratzinger có
trang sách đẹp về trải nghiệm sự chết khởi đi từ hình ảnh đứa bé bị lạc lối
trong rừng sâu và màn đêm buông xuống. Cùng với bóng tối vây bủa chung quanh là
nỗi hoang mang sợ hãi tràn ngập tâm hồn. Trong giây phút ấy, điều mà cậu bé
mong chờ nhất không phải là bài học địa lý về cánh rừng hoặc bài hướng dẫn khoa
học tìm tọa độ. Điều mong chờ nhất chỉ là có một bàn tay chạm lấy và tiếng nói
bên tai: “Cha đây, nào chúng ta đi”. Không có giây phút nào con người cảm nhận
nỗi cô đơn tột cùng cho bằng khi đối diện với sự chết. Kể cả những người thương
yêu ta nhất cũng không thể đồng hành. Mọi lý thuyết về thế giới mai sau dường
như vô nghĩa. Điều mong đợi duy nhất là sự hiện diện và đồng hành của một ai đó
trên con đường tăm tối. Và Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã kinh qua sự
chết và đã sống lại, chính là Đấng duy nhất đáp trả nỗi ước mong sâu thẳm về một
bàn tay nắm lấy và tiếng nói bên tai “Ta đây, nào chúng ta cùng đi”. Thiên Chúa
ở với.
Thiên Chúa
không chỉ ở với con người mà còn ở trong họ. Theo quan điểm công giáo, lương
tâm là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người
chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong lòng
họ” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 16).
Tin Mừng Gioan,
Tin Mừng của đời sống chiêm niệm, tràn ngập cụm từ “ở trong”: “Anh em hãy ở lại
trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại
trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại
trong tình yêu của Ngài” (15,9-10); “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho
anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật,
Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết
Ngài. Còn anh em biết Ngài vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”
(14,16-17).
Có chuyện kể về
một guru đánh mất chìa khóa vào nhà và quanh quẩn đi tìm chìa khóa ở bãi cỏ trước
nhà. Đám học trò thấy thế bèn hỏi, “Thưa thầy, thầy tìm gì vậy?” “Thầy mất chìa
khóa vào nhà rồi”. “Để chúng con tìm giúp”. Thế là ai nấy hăng hái bới từng gốc
cây, lật từng ngọn cỏ để tìm. Tìm mãi không thấy, một học trò sốt ruột hỏi: “Thầy
có nhớ loáng thoáng là đánh rơi ở đâu không?” “Có chứ, thầy nhớ rõ là mình để
quên ở trong phòng rồi sập cửa lại”. Đám học trò la lên: “Trời ơi, sao bây giờ
mới nói, mất chìa khóa trong nhà mà lại tìm ở ngoài này, làm sao thấy được!” Ông
thầy có dịp cho học trò một bài học để đời: chúng ta đánh mất chìa khóa của ngôi
nhà hạnh phúc. Chìa khóa ấy ở trong tâm hồn nhưng chúng ta lại mải tìm ở ngoài.
Tìm đủ thứ, chiếm hữu đủ thứ, hưởng thụ đủ thứ… mà hạnh phúc vẫn biệt tăm.
Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc, ở thâm sâu lòng người, nhưng chúng ta mải tìm ở thế
giới bên ngoài.
Đúng là “Chúa ở
trong con sâu hơn chính con” và “Con đi tìm Chúa bên ngoài mà quên mất rằng
Chúa ở trong con”. Không chỉ là cảm nghiệm của các nhà thần bí mà còn là trải
nghiệm của mỗi người nếu chân thành nhìn lại chính mình.
Nhân danh
Cha và Con và Thánh Thần
Hội Thánh có sứ
vụ giới thiệu và loan báo cho con người Đấng Thiên Chúa ở trên, ở với và ở
trong con người cũng như lịch sử. Nghĩa là phải loan báo Thiên Chúa trong tính
toàn thể. Xem ra không dễ dàng giữ được sự quân bình và tính toàn thể ấy. Có
khi người Kitô hữu nhấn mạnh đến Thiên Chúa ở trên (chiều kích siêu việt) và ở
trong (chiều kích nội tại) mà không quan tâm đến Thiên Chúa ở với phận người,
nên bị người ta chê trách là lãng quên những thực tại trần thế. Lại có khi nhấn
mạnh đến Thiên Chúa ở với (chiều kích dấn thân xã hội) mà quên Thiên Chúa ở
trên và ở trong, nên biến Hội Thánh thành cộng đoàn xã hội thuần túy với chân
trời và đường lối hành động không khác gì những tập thể xã hội khác. Làm thế
nào để giữ được sự quân bình và tính toàn thể của mầu nhiệm Thiên Chúa, để có
thể “ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian” (Ga 17,14-16), để là “muối
cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-16). Sẽ mãi là một thách đố, nhưng
ít ra ý thức được điều ấy cũng đã là lời nhắc nhở cần thiết cho sứ vụ, lời nhắc
nhớ mỗi ngày khi làm dấu thánh giá trên mình và đọc “Nhân danh Cha và Con và
Thánh Thần”.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét