label

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Thường huấn Linh mục (đợt I), thứ ba 29-5-2012
Thứ Ba ngày 29-05-2012
 
Bắt đầu ngày mới của ngày thứ hai trong tuần thường huấn là giờ Kinh Sáng sốt sắng; kế đến là 30 phút suy niệm với sự soi sáng từ đoạn Tin Mừng hướng người Linh Mục sống phục vụ như Đức Giêsu đã làm gương rửa chân cho các môn đệ. Tự vấn: Tôi đã sống thế nào trong thiên chức linh mục? Tôi đã phục vụ giáo dân trong tinh thần Giáo Hội là gia đình của Thiên Chúa ra sao?
Đúng 5 giờ sau lời kinh chung dọn mình trước khi dâng lễ: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã thương mời gọi con đến phục vụ Chúa. Giờ đây, con sắp ra trước bàn thánh Chúa. Xin Chúa tẩy rửa con sạch mọi tội lỗi, để con xứng đáng đụng chạm tới Mình Máu Thánh Chúa. Xin ban cho con lòng yêu mến Chúa tha thiết, để con được kết hợp với Chúa. Xin cho con được cùng Chúa tự hiến chính thân mình, làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Xin Chúa chúc lành cho công việc nhỏ bé của con. Amen. Thánh lễ bắt đầu, với những hy vọng và hứa hẹn vui tươi theo lời Chúa hứa qua Tin Mừng: “Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc Âm, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này…” qua lời nhập lễ của Đức Cha Giuse. Những cảm nhận về hạnh phúc đã đón nhận được trong thiên chức linh mục, cũng được nhắc lại trong niềm xác tín nơi bài chia sẻ của Cha Giuse Giang Hòa Việt trong lễ.
 
Sau giờ điểm tâm và thư giãn, đúng 8 giờ tại hội trường lại vang lên những tràng pháo tay của quý linh mục tham dự kỳ thường huấn, và giọng thuyết trình đầy xác tín của Cha Giảng Thuyết Giuse Nguyễn Văn Am về đề tài thứ hai: “Giáo Hội, Gia Đình của Thiên Chúa-Dân Thiên Chúa” với mục tiêu: “Ý thức sự bình đẳng của Đức Tin: Cùng Thông Chia Phẩm Giá và Giao Ước” qua:
- Hiện trạng - Từ con người ‘vấn đề’ sang con người ‘huyền nhiệm’ - Chiều kích cộng đoàn được canh tân - Hướng đến một hòa điệu năng động giữa cá nhân và cộng đoàn – Giáo Hội, gia đình Thiên Chúa giữa thế gian.
Sau phần thuyết trình là những giây phút giải lao và thảo luận riêng theo 9 hạt, và sau 30’ thảo luận cùng về phòng hội đúc kết chung.
 
 
 
 
 
 
 
   
 
-14g chiều quý Linh mục lại tập họp tại phòng hội tham dự học hỏi đề tài 3: “TRONG THÂN MÌNH ĐỨC KITÔ - HIỆP THÔNG TRONG ĐA DẠNG VÀ NGƯỢC LẠI”. Đề tài tuy hơi nặng lý thuyết nhưng khá thuyết phục và càng hấp dẫn hơn trong phần thảo luận.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần



Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Với người công giáo, còn gì gần gũi thân quen cho bằng làm dấu thánh giá trên mình cùng với lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ấy thế mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dường như lại thật xa lạ và trừu tượng. Có chăng những từ ngữ “ngôi vị” và “bản tính”, vốn rất cần thiết để minh định tín điều, lại là bước cản cho sự gặp gỡ Đấng Thiên Chúa sống động? Có chăng những suy tư thần học về Ba Ngôi thật phong phú về tư duy nhưng lại thiếu tiếp cận mục vụ và linh đạo? Từ góc độ thực hành của đời sống đức tin, xin gợi ý về lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” như một cảm nghiệm gặp gỡ Đấng Thiên Chúa duy nhất và là Đấng ở trên, ở với và ở trong con người cũng như lịch sử.
Đấng Thiên Chúa ở trên, ở với và ở trong
Cảm nghiệm đầu tiên của con người về Thiên Chúa: Ngài là Đấng “ở trên”, “Ông Trời”, “Ông Thiên”. Thánh Phaolô tuyên xưng chỉ mình Thiên Chúa là “Đấng trường sinh bất tử, ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1 Tim 6,16). Vì Thiên Chúa vượt lên trên vũ trụ và nhân loại nên “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Mt 16,23). Nếu ai nói rằng mình hiểu được Thiên Chúa thì chắc chắn vị Thiên Chúa ấy không còn là Thiên Chúa đích thực nữa.
Những khám phá khoa học ngày nay không những không làm tiêu hao niềm tin vào Thiên Chúa mà trái lại, càng làm cho chúng ta cảm nhận rõ hơn tính bất khả đạt thấu của Thiên Chúa. Ngân hà mà trái đất chúng ta là một thành phần đã là vĩ đại rồi, nhưng nó chìm nghỉm trong hằng tỉ giải ngân hà của vũ trụ. Chính sự vĩ đại ấy của vũ trụ lại càng làm nổi bật tính vô biên và bất khả đạt thấu nơi Thiên Chúa: “Chúng ta không thể khám phá Thiên Chúa đang điều khiển thế giới cách ngây ngô như trước. Chúng ta không thể làm thế, không phải vì Thiên Chúa đã chết, nhưng vì Ngài là Đấng vĩ đại hơn nhiều, Đấng không thể gọi tên, Đấng bất khả đạt thấu, Đấng là nền tảng mọi sự” (Karl Rahner, Science as a Confession, 389).
Cảm thức về tính bất khả đạt thấu nơi Thiên Chúa giúp các Kitô hữu tránh được nguy cơ rơi vào tình trạng mà một nhà tư tưởng phê phán: “Không phải Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nhưng chính con người đã làm nên Thiên Chúa theo hình ảnh của mình”. Một trong những điều răn đầu tiên Thiên Chúa ban bố là: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Dân Chúa trong thời Cựu Ước lại chẳng rơi vào tình trạng đó sao khi họ lấy vàng đúc thành con bê rồi sụp lạy tung hô: “Đây là vị thần đã đưa chúng ta ra khỏi đất Ai Cập” (Xh 32,7)? Và cơn cám dỗ ấy vẫn không ngừng tái diễn trong lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thiên Chúa là Đấng “ở trên” nhưng đồng thời lại là Đấng “ở với” loài người. Đây là mạc khải trung tâm và độc đáo của Kitô giáo. Kinh Thánh tràn ngập cụm từ “ở với”. Hầu như khi sai bất cứ ai đi thi hành sứ mạng, Thiên Chúa cũng chỉ hứa điều quan trọng nhất là: “Ta ở với ngươi”. Từ Môsê đến Đức Maria đều thế cả (Xh 3,12; Lc 1,28). Cho đến thời của Hội Thánh, lời hứa của Chúa Kitô Phục sinh dành cho các môn đệ vẫn là: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Danh thánh Thiên Chúa mạc khải cho Môsê (Xh 3,14) được dịch nhiều cách: “Ta là Đấng hằng hữu”, “Ta là Đấng hiện hữu”, “Ta là Đấng Ta là”. Nhưng cũng có một cách dịch khác mang tính hiện sinh hơn: “Ta là Đấng hằng ở với anh em” (trong mọi hoàn cảnh, mọi bước đường, mọi biến cố). Lời hứa “ở với” ấy đã vươn đến cao điểm trong Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa-ở-với-chúng ta (Mt 1,23). Thiên Chúa ở với loài người không những bằng sự hiện diện mà còn chia sẻ phận người, kể cả những trạng huống bi thảm nhất, để trong mọi hoàn cảnh, kể cả sự chết, ta có thể cảm nhận được tiếng nói: Cha ở với con.
Ratzinger có trang sách đẹp về trải nghiệm sự chết khởi đi từ hình ảnh đứa bé bị lạc lối trong rừng sâu và màn đêm buông xuống. Cùng với bóng tối vây bủa chung quanh là nỗi hoang mang sợ hãi tràn ngập tâm hồn. Trong giây phút ấy, điều mà cậu bé mong chờ nhất không phải là bài học địa lý về cánh rừng hoặc bài hướng dẫn khoa học tìm tọa độ. Điều mong chờ nhất chỉ là có một bàn tay chạm lấy và tiếng nói bên tai: “Cha đây, nào chúng ta đi”. Không có giây phút nào con người cảm nhận nỗi cô đơn tột cùng cho bằng khi đối diện với sự chết. Kể cả những người thương yêu ta nhất cũng không thể đồng hành. Mọi lý thuyết về thế giới mai sau dường như vô nghĩa. Điều mong đợi duy nhất là sự hiện diện và đồng hành của một ai đó trên con đường tăm tối. Và Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã kinh qua sự chết và đã sống lại, chính là Đấng duy nhất đáp trả nỗi ước mong sâu thẳm về một bàn tay nắm lấy và tiếng nói bên tai “Ta đây, nào chúng ta cùng đi”. Thiên Chúa ở với.
Thiên Chúa không chỉ ở với con người mà còn ở trong họ. Theo quan điểm công giáo, lương tâm là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong lòng họ” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 16).
Tin Mừng Gioan, Tin Mừng của đời sống chiêm niệm, tràn ngập cụm từ “ở trong”: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Ngài” (15,9-10); “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14,16-17).
Có chuyện kể về một guru đánh mất chìa khóa vào nhà và quanh quẩn đi tìm chìa khóa ở bãi cỏ trước nhà. Đám học trò thấy thế bèn hỏi, “Thưa thầy, thầy tìm gì vậy?” “Thầy mất chìa khóa vào nhà rồi”. “Để chúng con tìm giúp”. Thế là ai nấy hăng hái bới từng gốc cây, lật từng ngọn cỏ để tìm. Tìm mãi không thấy, một học trò sốt ruột hỏi: “Thầy có nhớ loáng thoáng là đánh rơi ở đâu không?” “Có chứ, thầy nhớ rõ là mình để quên ở trong phòng rồi sập cửa lại”. Đám học trò la lên: “Trời ơi, sao bây giờ mới nói, mất chìa khóa trong nhà mà lại tìm ở ngoài này, làm sao thấy được!” Ông thầy có dịp cho học trò một bài học để đời: chúng ta đánh mất chìa khóa của ngôi nhà hạnh phúc. Chìa khóa ấy ở trong tâm hồn nhưng chúng ta lại mải tìm ở ngoài. Tìm đủ thứ, chiếm hữu đủ thứ, hưởng thụ đủ thứ… mà hạnh phúc vẫn biệt tăm. Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc, ở thâm sâu lòng người, nhưng chúng ta mải tìm ở thế giới bên ngoài.
Đúng là “Chúa ở trong con sâu hơn chính con” và “Con đi tìm Chúa bên ngoài mà quên mất rằng Chúa ở trong con”. Không chỉ là cảm nghiệm của các nhà thần bí mà còn là trải nghiệm của mỗi người nếu chân thành nhìn lại chính mình.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Hội Thánh có sứ vụ giới thiệu và loan báo cho con người Đấng Thiên Chúa ở trên, ở với và ở trong con người cũng như lịch sử. Nghĩa là phải loan báo Thiên Chúa trong tính toàn thể. Xem ra không dễ dàng giữ được sự quân bình và tính toàn thể ấy. Có khi người Kitô hữu nhấn mạnh đến Thiên Chúa ở trên (chiều kích siêu việt) và ở trong (chiều kích nội tại) mà không quan tâm đến Thiên Chúa ở với phận người, nên bị người ta chê trách là lãng quên những thực tại trần thế. Lại có khi nhấn mạnh đến Thiên Chúa ở với (chiều kích dấn thân xã hội) mà quên Thiên Chúa ở trên và ở trong, nên biến Hội Thánh thành cộng đoàn xã hội thuần túy với chân trời và đường lối hành động không khác gì những tập thể xã hội khác. Làm thế nào để giữ được sự quân bình và tính toàn thể của mầu nhiệm Thiên Chúa, để có thể “ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian” (Ga 17,14-16), để là “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-16). Sẽ mãi là một thách đố, nhưng ít ra ý thức được điều ấy cũng đã là lời nhắc nhở cần thiết cho sứ vụ, lời nhắc nhớ mỗi ngày khi làm dấu thánh giá trên mình và đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
 
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Thiên Chúa luôn ủi an chúng ta giữa các bão tố cuộc đời.

Thiên Chúa luôn ủi an chúng ta
giữa các bão tố cuộc đời


Vatican (Vat. 30/05/2012) - Lời cầu nguyện là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, với một Người sống động cần lắng nghe và đối thoại, với Ðấng canh tân tiếng "có" trung tín không thể sụp đổ của Ngài với từng người trong chúng ta, để trao ban ủi an cho chúng ta giữa các bão táp của cuộc đời.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên với gần 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm 30 tháng 5 năm 2012. Ngoài các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu, cũng có các đoàn hương đến từ Noumea của Nouvelle Calédonie, Mêhicô, Venezuela, Colombia, Argentina, Brasil, Ấn Ðộ, Indonesia và Nhật Bản. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có đoàn hành hương Việt Nam gồm 91 người do Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn làm trường đoàn. Ðoàn đã tới Roma sau khi hành hương Thánh Ðịa. Ðức Thánh Cha đã chào đoàn hành hương Việt Nam như sau:
Tôi xin chào các tín hữu hành hương Việt Nam của tổng giáo phận Sàigòn, do Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn hướng dẫn.
Trước đó trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã tiếp tục khai triển đề tài lời cầu nguyện trong các thư của thánh Phaolô, đặc biệt là trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô, là giáo đoàn đã nhiều lần nghi ngờ sứ mệnh tông đồ của ngài và đã khiến cho thánh nhân đau khổ rất nhiều. Bức thư mở đầu với một trong những lời cầu nguyện chúc tụng cao đẹp nhất của Thánh Kinh Tân Ước như sau: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Người là Cha giầu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết ủi an những ai lâm cảnh gian nan khốn khó" (2 Cr 1,3-4). Ðức Thánh Cha nói như sau:
Như thế thánh Phaolô sống trong nỗi khốn khó lớn lao. Người đã phải trải qua nhiều khó khăn và buồn sầu, nhưng đã không bao giờ nhượng bộ sự chán nản, vì được nâng đỡ bởi ơn thánh và sự gần gũi của Chúa Giêsu Kitô, mà người đã trở thành tông đồ và chứng nhân, bằng cách phó thác toàn cuộc sống trong tay Chúa. Chính vì thế thánh nhân mở đầu thư gửi tín hữu Corintô với lời chúc tụng, vì đã không có lúc nào trong cuộc đời tông đồ mà người lại không cảm nhận được sự trợ giúp của Cha thương xót, Thiên Chúa của mọi ủi an. Trong tất cả mọi hoàn cảnh khốn khó, ở nơi đâu xem ra không có lối thoát, người đã nhận được sự ủi an khích lệ của Thiên Chúa Cha. Ðể loan báo Chúa Kitô người đã chịu cả các bách hại cho tới chỗ bị nhốt tù, nhưng người vẫn cảm thấy hoàn toán tự do trong nội tâm, được linh hoạt bởi sự hiện diện của Chúa Kitô và ước mong loan báo lời hy vọng của Tin Mừng.
Từ trong tù, trong xiềng xích thánh nhân viết thư cho Timôthê, cộng sự viên thân tín của người như sau: "Vì Tin Mừng cha chịu khổ, cha còn phải mang xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích!" (2 Tm 2,9-10). Trong khi bị khổ đau vì Chúa Kitô người sống kinh nghiệm được ủi an: "Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Ðức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi" (2 Cr 1,5).
Trong lời cầu chúc tụng dẫn nhập thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô, bên cạnh đề tài khổ đau còn có đề tài an ủi, được hiểu như là sự khích lệ đừng để cho các khổ đau khốn khó chiến thắng. Ðó là lời mời gọi sống mọi hoàn cảnh kết hiệp với Chúa Kitô, là Ðấng đã gánh lấy tất cả nỗi khổ đau và tội lỗi của thế giới để đem lại ánh sáng, niềm hy vọng và ơn cứu chuộc. Và như thế Ðức Giêsu khiến cho chúng ta có khả năng an ủi những người sống trong mọi nỗi khổ đau khốn khó. Việc kết hiệp sâu xa với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện, việc tin tưởng nơi sự hiện diện của Người dẫn đưa tới chỗ sẵn sàng chia sẻ các khổ đau khốn khó của các anh chị em khác. Nó không phát xuất từ lòng tốt đơn thuần hay từ sự quảng đại nhân loại, nhưng từ sự ủi an, từ sự nâng đỡ không thể sụp đổ của quyền năng phi thường đến từ Thiên Chúa (2 Cr 4,7).
Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, cuộc sống chúng ta thường được ghi dấu bởi nhiều khó khăn, hiểu lẫm, và khổ đau. Tất cả chúng ta đều biết điều đó. Nhưng trong tương quan trung thành với Chúa, trong lời cầu nguyện liên lỉ hàng ngày, chúng ta cũng có thể cảm thấy sự ủi an đến từ Thiên Chúa một cách cụ thể. Ðiều này củng cố đức tin của chúng ta, bởi vì nó làm cho chúng ta kinh nghiệm được một cách cụ thể tiếng "có" của Thiên Chúa đối với con người, đối với chúng ta, đối với tôi, trong Ðức Kitô. Nó làm cho chúng ta cảm thấy sự trung thành của tình yêu Người cho tới chỗ trao ban Con của Người trên thập giá. Thánh Phaolô khẳng định trong thư thứ II gửi tín hữu Côrintô: "Vì Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Ðấng mà chúng tôi, là Silvano, Timôthê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có". Qủa thật nơi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "Amen" để tôn vinh Thiên Chúa" (2 Cr 1,19-20).
Ðức tin không phải là hoạt động của con người, nhưng là ơn lớn lao Thiên Chúa ban, được đâm rễ sâu trong sự trung thành, trong tiếng "có" của Chúa. Nó làm cho chúng ta hiểu phải sống cuộc sống của chúng ta bằng cách yêu thương Thiên Chúa và các anh chị em khác như thế nào.
Toàn lịch sử cứu rỗi là một vén mở từ từ lòng trung thành đó của Thiên Chúa, mặc dù có các bất trung và chối bỏ của chúng ta, trong xác tín rằng Thiên Chúa không thu hồi "ơn thánh và lời kêu gọi" (Rm 11,29). Kiểu hành động của Thiên Chúa khác với kiểu hành động của chúng ta. Người không lấy lại tiếng "có" của Người. Người không bao giờ mệt mỏi đối với chúng ta, không bao giờ mệt mỏi kiên nhẫn với chúng ta, và lòng thương xót vô biên của Người luôn đi trước chúng ta. Vì thế tiếng "có" của Người tuyệt đối đáng tin cậy.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ mhư sau: Chúa Thánh Thần liên tục khiến cho tiếng "có" của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô hiện diện, và tạo ra trong con tim chúng ta ước muốn theo Người để bước vào tình yêu của Người... Không có ai là không được tình yêu trung tín ấy gọi mời, tình yêu ấy của Thiên Chúa có khả năng chờ đợi cả những người tiếp tục trả lời với tiếng "không" của sự khước từ và cứng lòng. Thiên Chúa luôn luôn chờ đợi, tìm kiếm và tiếp nhận chúng ta vào trong sự hiệp thông với Người để ban cho chúng ta tràn đầy sự sống, hy vọng và bình an.
Ðức Thánh Cha giải thích lời đáp trả Amen của Giáo Hội đối với Thiên Chúa như sau:
Tháp vào tiếng "có" của Thiên Chúa là tiếng "Amen" của Giáo Hội, vang lên trong mỗi hoạt động phụng vụ. Amen là câu trả lời của đức tin luôn luôn kết thúc lời cầu nguyên riêng tư hay cộng đồng, và luôn diễn tả tiếng "có" của chúng ta đối với sáng kiến của Thiên Chúa. Thường khi chúng ta trả lời Amen vì thói quen, mà không tiếp nhận ý nghĩa sâu xa của nó. Từ Amen bắt nguồn từ chữ "'aman" tiếng Do thái và tiếng Aramây có nghĩa là "làm cho ổn định" "củng cố", và từ đó là "chắc chắn" "nói sự thật". Trong Thánh Kinh từ Amen kết thúc các Thánh Vịnh chúc tụng và ngợi khen, chẳng như trong thánh vịnh 41: "Chúa nâng đỡ vì con vô tội và đặt con ở trước nhan Ngài. Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel từ muôn thủơ cho đến muôn đời. Amen. Amen" (Tv 41,13-14). Hay tiếng Amen điễn tả sự gằn bó với Thiên Chúa và lề luật của Người, sau khi Israel từ nơi lưu đầy được trở về quê cha đất tổ với niềm vui tràn đầy, như kể trong sách Nơkhêmia (8,5-6).
Như thế, ngay từ đầu tiếng Amen của phụng vụ Do thái đã trở thành tiếng Amen của các cộng đoàn kitô tiên khởi. Và sách Khải Huyền là sách phụng vụ kitô tuyệt vời bắt đầu và kết thúc với từ Amen của Giáo Hội: "Kính dâng Ðấng đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen" (Kh 1,5b-6); "Amen, lậy Chúa Giêsu, xin hãy đến" (Kh 22,20).
Chúng ta được mời gọi nói lên tiếng "có" với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và trả lời với tiếng "Amen" của sự gắn bó, của lòng trung thành với Người. Sự trung thành ấy chúng ta không bao giờ có thể chiếm hữu được với sức lực của riêng mình, nhưng nó là hoa trái dấn thân thường ngày và đến từ Thiên Chúa, dựa trên tiếng "có" của Chúa Kitô, là Ðấng khẳng định rằng của ăn của Người là làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha. Chính trong tiếng "có" ấy chúng ta phải bước vào trong tiếng "có" của Chúa Kitô, gắn bó với ý muốn của Thiên Chúa, để như thánh Phaolô đạt tới chỗ khẳng định không phải chúng ta sống mà là Chúa Kitô sống trong chúng ta. Khi đó tiếng "Amen" của lời cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn sẽ bao trùm và biến đổi toàn cuộc sống chúng ta trở thành một cuộc sống ủi an của Thiên chúa, một cuộc sống chìm ngập trong Tình Yêu vĩnh cửu và không thể sụp đổ.
Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc họ các ngày hành hương sốt sắng và hữu ích. Chào các đoàn hành hương Ba Lan, Ðức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ tại Lednica về đề tài "Tình yêu sẽ tìm ra bạn" biết đào sâu tình yêu ấy qua sứ điệp Chúa Giêsu ban cho thánh nữ Fausta Kovalska, qua lời cầu nguyện, chầu Mình Thánh Chúa, lãnh nhận bí tích Hòa Giải và tham dự bí tích Thánh Thể, để ngọn lửa của Lòng Thương Xót Chúa biến đổi con tim của người trẻ trên toàn thế giới, và ban cho họ tràn đầy bình an, sức mạnh và niềm hy vọng.
Sau cùng Ðức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Phỏng vấn ÐTGM Angelo Becciu Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh về vụ ăn cắp thư từ của Ðức Giáo Hoàng

Phỏng vấn ÐTGM Angelo Becciu
Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh
về vụ ăn cắp thư từ của Ðức Giáo Hoàng

Phỏng vấn Ðức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, về vụ ăn cắp thư từ của Ðức Giáo Hoàng.
Vatican (Osservatore Romano, 30-5-2012) - Cay đắng và đau buồn vì những gì xảy ra trong những ngày qua tại Vatican, nhưng cũng quyết tâm và tin tưởng đương đầu với tình thế thực sự là khó khăn. Ðó là những tâm tình người ta cảm thấy nơi vị Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Ðức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, trong cuộc nói chuyện với giáo sư Giovanni Maria Vian, Tổng giám đốc báo "Quan sát viên Roma" về đề tài thu hút sự chú ý của rất nhiều cơ quan truyền thông trên thế giới, nghĩa là vụ bắt giam ông Paolo Gabriele người giúp việc Ðức Thánh Cha, ngày 23 tháng 5 năm 2012, vì ông giữ nhiều tài liệu kín thuộc về Ðức Giáo Hoàng. Do chức vụ, Ðức Tổng Giám Mục Becciu làm việc hằng ngày, tiếp xúc chặt chẽ với Ðức Giáo Hoàng (Ðức Tổng Giám Mục là nhân vật thứ ba tại Tòa Thánh, sau Ðức Thánh Cha và Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh, và thường được ví như 'bộ trưởng nội vụ' của Tòa thánh). Ðức Tổng nói gì đây về tâm tình của người làm việc tại Tòa Thánh? Ngài đáp:
"Với những người gặp nhau trong những giờ này, chúng tôi nhìn nhau trong mắt và chắc chắn tôi đọc được sự ngỡ ngàng và lo âu, nhưng tôi cũng thấy được quyết tâm tiếp tục phục vụ âm thầm và trung thành với Ðức Giáo Hoàng".
Một thái độ người ta cảm thấy hằng ngày trong đời sống của các văn phòng tại Tòa Thánh và của thế giới Vatican bé nhỏ, nhưng chắc chắn là không trở thành tin tức trong trận hồng thủy truyền thông bùng lên sau những sự kiện trầm trọng và gây kinh hoàng về nhiều khía cạnh trong những ngày nay. Trong bối cảnh có, Ðức Tổng Giám Mục Becciu quan tâm cân nhắc lời nói để nhấn mạnh "kết quả tích cực" của cuộc điều tra, cho dù đó là một kết quả cay đắng. Và rồi, những phản ứng trên thế giới, một đàng có thể biện minh được, đàng khác, chúng gây lo âu và đau buồn về cách thức thông tin, do những sự tưởng tượng, không tương ứng tí nào đối với thực tại"
Hỏi: Thưa Ðức Tổng Giám Mục, người ta có thể phản ứng mau lẹ và đầy đủ hơn về vụ này hay không?
Ðáp: Ðã đang và sẽ có sự tôn trọng nghiêm túc đối với nhân vị và các thủ tục như luật lệ của Vatican trù định. Vừa khi xác nhận được sự kiện, ngày 25 tháng 5, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến tin tức, dù có là một cú "sốc" đối với mọi người, và sự kiện này gây ngỡ ngàng. Vả lại cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.
Hỏi: Ðức Tổng thấy Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 thế nào?
Ðáp: Ngài đau buồn. Vì theo những gì người ta có thể kiểm chứng cho đến nay, kẻ ở gần ngài dường như là thủ phạm của những hành động không thể biện minh được dưới mọi khía cạnh. Dĩ nhiên nơi Ðức Giáo Hoàng, tâm tình cảm thương đối với người liên hệ vẫn trổi hơn. Nhưng vẫn còn sự kiện là hành vi mà ngài phải chịu thực là tàn bạo: Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã thấy các thư bị đánh cắp từ nhà của ngài và xuất bản. Những thư ấy không phải chỉ là thư tư riêng tư, nhưng đúng hơn là những thông tin, suy tư, những bày tỏ lương tâm, và cả những bộc lộ mà ngài nhận được với tư cách duy nhất là do sứ vụ của Ngài. Vì thế, Ðức Giáo Hoàng thực sự đau buồn, cũng vì bạo lực mà tác giả của những thư hoặc bút tích ấy gửi cho ngài phải chịu.
Hỏi: Ðức Tổng có thể đưa ra một phán đoán về những gì xảy ra hay không?
Ðáp: Tôi coi việc xuất bản các thư đánh cắp như thế là một hành vi vô luân trầm trọng chưa từng thấy. Tôi lập lại, nhất là vì đây không phải chỉ là một sự vi phạm - vốn đã rất trầm trọng - sự kín đáo riêng tư mà bất kỳ ai cũng có quyền - nhưng còn là vì đó là một sự xúc phạm hèn nhát đối với một tương quan tín nhiệm giữa Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 và những người ngỏ lời với ngài, cho dù là để bày tỏ những sự phản đối trong lương tâm. Chúng ta hãy lý luận: không phải chỉ có thư tư gửi cho Ðức Thánh Cha bị đánh cắp, nhưng những việc làm ấy còn là một sự chà đạp lương tâm của người ngỏ lời với Ðức Thánh Cha trong tư cách ngài là vị Ðại diện Chúa Kitô và đó là một sự xúc phạm đối với sứ vụ của người Kế Vị Thánh Phêrô. Trong nhiều tài liệu được xuất bản, người ta thấy chúng ở trong bối cảnh vốn đòi phải có sự tín nhiệm hoàn toàn. Khi một tín hữu Công giáo nói với Ðức Giáo Hoàng, họ có nghĩa vụ phải cởi mở như là khi đứng trước Thiên Chúa, cũng vì họ cảm thấy được bảo đảm nhờ sự kín đáo tuyệt đối.
Hỏi: Người ta muốn biện minh cho việc xuất bản các tài liệu đó dựa theo tiêu chuẩn gọi là thanh tẩy, minh bạch, cải tổ Giáo Hội.
Ðáp: Những lối ngụy biện như thế không đi xa lắm. Cha mẹ tôi không những đã dạy tôi đừng trộm cắp, nhưng còn dạy đừng bao giờ nhận những đồ mà người khác ăn cắp. Tôi thấy đó có những nguyên tắc đơn giản, có lẽ quá đơn giản đối với một số người, nhưng chắc chắn là khi một người không nghĩ tới các nguyên tắc ấy, thì dễ bị lầm lạc và đưa người khác đến sự hư hỏng. Không thể có sự canh tân mà lại chà đạp luật luân lý, có lẽ họ theo nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện, nhưng đây là nguyên tắc không hợp với tinh thần Kitô giáo.
Hỏi: Nhưng Ðức Tổng trả lời thế nào cho những người đòi quyền thông tin?
Ðáp: Tôi nghĩ rằng trong những ngày này, về phía các ký giả, cùng với nghĩa vụ phải trình bày những gì đang xảy ra, còn phải có một sự tôn trọng luân lý đạo đức nữa, nghĩa là phải can đảm minh bạch đừng chiều theo sáng kiến của một đồng nghiệp mà tôi không do dự gọi đó là một sáng kiến tội ác. Một chút sự lương thiện trí thức và tôn trọng luân lý nghề nghiệp tối thiếu, chắc chắn là không gây hại cho thế giới truyền thông.
Hỏi: Theo nhiều bình luận, thì những thư từ được xuất bản biểu lộ một thế giới nhơ bẩn bên trong Giáo Hội, đặc biệt là Tòa Thánh
Ðáp: Ðàng sau một vài bài báo, dường như tôi thấy một sự giả hình sâu xa. Một đàng họ lên án tính chất chuyên chế và quân chủ của cơ quan lãnh đạo trung ương của Giáo Hội, nhưng đàng khác, họ lại cảm thấy như một gương mù vì một vài người viết cho Ðức Giáo Hoàng để bày tỏ tư tưởng và cả những lời than phiền về chính cơ quan lãnh đạo ấy. Nhiều tài liệu được xuất bản không biểu lộ cuộc đấu tranh hoặc trả thù, nhưng là biểu lộ sự tự do tư tưởng mà người ta trách Giáo Hội không cho phép. Tóm lại, chúng tôi không phải là những xác ướp, và những quan điểm khác nhau, thậm chí những đánh giá lượng định trái nghịch nhau là điều khá bình thường. Nếu ai cảm thấy không được hiểu và cảm thông, thì có quyền nại đến Ðức Giáo Hoàng. Có gì là gương mù đâu? Vâng phục không có nghĩa là từ bỏ quyền có phán đoán riêng, nhưng biểu lộ một cách chân thành và sâu rộng ý kiến của mình, để rồi tuân hành quyết định của bề trên. Ðó không phải là một sự tính toán, nhưng là một sự gắn bó với Giáo hội được được Chúa Kitô muốn. Ðó là những yếu tố cơ bản của quan điểm Công Giáo.
Hỏi: Những tranh giành, thuốc độc, nghi ngờ: phải chăng Vatican là như thế?
Ðáp: Tôi không nhận thấy điều đó trong môi trường này và rất tiếc vì người ta có một quan niệm lệch lạc như thế về Vatican. Nhưng điều đó phải làm cho chúng ta suy nghĩ, và kích thích tất cả chúng ta dấn thân hết mình để làm nổi bật một cuộc sống thấm đượm Tin Mừng.
Hỏi: Vậy phải nói gì với các tín hữu Công Giáo và những người đang quan tâm nhìn Giáo Hội?
Ðáp: Tôi đã nói về sự đau buồn của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16, nhưng tôi phải nói rằng nơi Ðức Giáo Hoàng không bị suy giảm sự thanh thản giúp ngài cai quản Giáo Hội một cách quyết liệt và sáng suốt. Cuộc gặp gỡ các Gia đình công giáo thế giới sắp khai mạc tại Milano. Ðó là những ngày đại lễ trong đó người ta thở hít niềm vui được làm Giáo Hội. Chúng ta hãy đón nhận dụ ngôn Tin Mừng mà Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 nhắc nhở chúng ta cách đây vài ngày: bão tố dập vùi trên căn nhà, nhưng nhà không bị sập. Chúa nâng đỡ căn nhà sẽ không bão tố nào có thể phá đổ căn nhà ấy".
(Osservatore Romano, 30-5-2012)

G. Trần Ðức Anh OP chuyển ngữ
(Radio Vatican)

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Thường huấn Linh mục (đợt I)
Công tác chuẩn bị cho những ngày thường huấn đã hoàn thành trong những ngày qua, để chào đón 140 Linh mục và phó tế tham dự thường huấn đợt 1. Trước khi bắt đầu, đại diện các lớp đã đến chào thăm Đức Cha Gioan Baotixita, sau đó lúc 9g, mọi người quy tụ tại hội trường (lầu 4) để chào Đức Cha Giáo phận, cha Phêrô Lê Quang Phú, quản lý Đại Chủng viện Thánh Quý và cha giảng thuyết Giuse Nguyễn Văn Am (Don Bosco).
Sau bài chào mừng của một cha đại diện, Đức Cha nói về ý nghĩa của tuần thường huấn năm nay là tìm hiểu và sống mầu nhiệm Giáo Hội. Đức Cha nêu lên 3 mục tiêu chính:
1) Linh mục Long Xuyên phải tìm lại được cảm thức về ơn gọi của mình trong đời sống thánh hiến;
2) Sống tinh thần hiệp thông trong Linh mục đoàn, và
3) Linh mục đoàn cần làm sống lại ý thức về sự hiện diện của mình giữa trần thế, để làm chứng về tình yêu của Đức Kitô.
Đức Cha cũng nhắn nhủ với anh em linh mục ý thức về thái độ của cuộc thường huấn năm nay:
1) Tích cực tiếp nhận những kiến thức về Giáo hội học;
2) Suy tư cho đời sống và sứ vụ Linh mục của mình;
3) Đưa những chất liệu suy tư vào đời sống cầu nguyện với Thiên Chúa; 
4) Đặt ra kế hoạch cho cá nhân và cộng đoàn mình phục vụ, và
5) Chia sẻ cho cộng đoàn để tạo nên sự hiệp thông trong sứ vụ Linh mục.
Cha Phêrô Lê Quang Phú, thay mặt cha Giám đốc Đại chủng viện Thánh Quý nhắn nhủ với anh em linh mục học trò của mình theo lời của Thánh Phaolô là hãy khơi dậy ân sủng của Thiên Chúa trong lòng anh em (thư Timôtê).
Cha giảng thuyết vui mừng chào đón anh em linh mục tham dự và ngài coi chính mình như là người được học hỏi trong dịp này.
Đúng 10g, thánh lễ đồng tế đầu tiên được cử hành do Đức Cha Giuse chủ tế, cha Phêrô Lê Quang Phú chia sẻ Tin mừng.
2g chiều, bài đầu tiên được triển khai: Sự hoán cải của Tin mừng dưới khía cạnh Giáo hội như gia đình của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay.

 
 
 
 
 

Không được như vậy (30.5.2012 – Thứ tư Tuần 8 Thường niên)


Không được như vậy 
Lời Chúa: Mc 10, 32-45
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sự. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”
Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Ðức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Ðức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Ðức Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được.”
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người.”
Suy nim:
Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu
chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài.
Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác,
đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ.
Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.
Khi đang trên đường lên Giêrusalem,
Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba
về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32).
Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan,
vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình.
Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.”
Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ:
“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36).
Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy.
Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó,
nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống
và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).
Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan,
Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội.
Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời,
thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.
“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43).
Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa.
Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu.
Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).
Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng.
Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10).
Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng.
Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ.
Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất.
Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình.
Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 - 53,12)
Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).
Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục.
Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ.
Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi.
Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ ?
Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ,
nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực ?
Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ,
là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyn:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Phát ngôn viên Tòa Thánh bác bỏ các tin "tưởng tượng" của báo chí.

Phát ngôn viên Tòa Thánh bác bỏ
các tin "tưởng tượng" của báo chí


Vatican (Tổng hợp 28-5-2012) - Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ những tin tức "tưởng tượng" của nhiều ký giả báo chí về cuộc điều tra Ông Paolo Gabriele, người giúp việc của Ðức Thánh Cha đang bị điều tra vì bị cáo về tội nắm giữ bất hợp pháp các tài liệu của Tòa Thánh.
Tuyên bố hôm 28 tháng 5 năm 2012 với giới báo chí cạnh Tòa Thánh, Cha Lombardi bác bỏ tin đồn cho rằng hiện có 1 Hồng Y đang bị điều tra vì liên hệ tới vụ này. Cha nói: "Ủy ban Hồng y do Ðức Thánh Cha thiết lập để điều tra về vấn đề thất thoát tài liệu đang tiếp tục làm việc trong thời gian mà vụ này đòi hỏi, và không chịu áp lực của giới truyền thông."
Cha Lombardi cực lực bác bỏ tin báo chí cho rằng có một hồng y hoặc một phụ nữ bị ngờ vực hoặc điều tra. Ngoài ra cha cho biết ông Paolo Gabriele, hiện đang còn bị giam giữ, cam kết sẽ cộng tác rộng rãi vào cuộc điều tra để xác định sự thật. Sau cùng, cha Lombardi nói rằng Ðức Thánh Cha được thông báo mọi sự. Ngài đau buồn nhưng vẫn thanh thản: nơi mọi người có sự quyết tâm tìm cách tái lập sớm hết sức bầu không khí trong sáng, sự thật và sự tín nhiệm".
Cha Lombardi nói: "Tôi bác bỏ tin nói rằng có một nhóm 5 tường trình viên do một phụ nữ điều khiển, tường trình cho Ðức Thánh Cha về diễn tiến các cuộc điều tra về những người bị tình nghi hoặc những khía cạnh khác của cuộc điều tra."
Phòng báo chí Tòa thánh cũng mô tả là "vô căn cứ" tin nói rằng một Ủy ban điều tra vấn đề này đã được thành lập và trình báo trực tiếp cho Ðức Giáo Hoàng. Cha cũng nhấn mạnh rằng không có liên hệ gì giữa vụ ông Gabriele bị bắt và Chủ tịch Viện giáo vụ (IOR, Ngân hàng Vatican) bị bãi chức.
Theo cha Lombardi, có thể là việc giam giữ ông Paolo Gabriele sẽ không kéo dài, vì các luật sư của đương sự đã đệ đơn xin cho ông ta được quản thúc tại gia. Các thẩm phán sẽ cứu xét đơn xin.
Trả lời câu hỏi của các ký giả về giả thuyết có sự tranh giành quyền hành tại Vatican, cha Lombardi lấy làm tiếc về thái độ thái quá của báo chí khi cứu xét sự việc nào đó, gán cho những nhóm người những chủ ý sai trái. Sau cùng, cha phê bình báo chí Italia đưa ra những giả thuyết không căn cứ.
Luật sư Carlo Fusto của ông Gabriele cũng ra một thông cáo than phiền vì có quá nhiều tin vô bằng cớ liên quan đến thân chủ của ông, chẳng hạn: người ta đã tịch thu được trong nhà của ông Gabriele "những thùng tài liệu với số lượng lớn", và cả những máy móc để sao chụp các tài liệu. Luật sư Fusto bày tỏ sự kinh ngạc rất lớn vì thậm chí có những ký giả quả quyết đã biết được các văn bản của vụ này vốn được giữ bí mật, trong khi chính chúng tôi là luật sư bào chữa cũng không biết!
Mặt khác, luật sư Fusto cũng bác bỏ một tin không đúng do báo chí loan đi: Bà Manuela vợ của Ông Gabriele không hề rời gia cư của gia đình trong Vatican và không hề trả lời cuộc phỏng vấn nào, và không có ý định trả lời trong lúc này. Bà tỏ ra tin tưởng nơi hoạt động của quan tòa. (Tổng hợp 28-5-2012)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Viện giáo vụ – Ngân hàng Vatican



Viện giáo vụ – Ngân hàng Vatican
WHĐ  (28.05.2012) – Trong những ngày qua, sự kiện ông Ettore Gotti Tedeschi, giám đốc Viện giáo vụ (Ngân hàng Vatican) bị Hội đồng quản trị bỏ phiếu bất tín nhiệm và bị cách chức, đã trở thành nguồn tin sốt dẻo cho các hãng thông tấn. Báo chí Việt Nam cũng đưa tin với những tựa đề hấp dẫn, chẳng hạn: “Bí ẩn trong ngân hàng Vatican” (Tuổi Trẻ, ngày 26-5-2012). Chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về Viện giáo vụ để đọc giả hiểu rõ bối cảnh của vụ việc.
Viện giáo vụ (Istituto per le Opere di Religione, Institute for the Works of Religion, viết tắt IOR), cũng được gọi là ngân hàng Vatican, được thành lập năm 1887 để giúp Đức giáo hoàng điều hành vấn đề tài chính của Giáo Hội. Khách hàng chủ yếu của ngân hàng này là các nhân viên và văn phòng của Vatican, các dòng tu, các giáo phận, các tổ chức bác ái công giáo và những tổ chức khác của Giáo Hội. Trước đây, nhiều giáo dân người Ý cũng có quan hệ với ngân hàng này, nhưng những cải tổ sau này đã giới hạn việc sử dụng ngân hàng cho các việc bái ái và các nhân viên Vatican mà thôi.
Theo sự cải tổ từ năm 1989, một hội đồng giám sát được thiết lập gồm năm chuyên viên tài chính, có trách nhiệm giám sát hoạt động của ngân hàng và chỉ định giám đốc. Thành viên của hội đồng này được tuyển chọn do tiểu ban gồm năm vị hồng y được chính Đức giáo hoàng chỉ định. Tiểu ban này có trách nhiệm bảo đảm cho ngân hàng hoạt động đúng quy chế. Theo lời giải thích của Đức hồng y Castillo (+2007), tiểu ban các hồng y chỉ giải quyết những vấn đề quan trọng nhất, cụ thể là mối quan hệ với công chúng và với các cơ quan của giáo triều Rôma.
Ngân hàng Vatican cung cấp các dịch vụ ngân hàng như giữ tiền, đổi tiền và chuyển tiền cho các giáo phận, dòng tu, các tổ chức bác ái và tôn giáo khác. Ví dụ, việc gửi tiền tại ngân hàng này giúp cho các tổ chức công giáo không bị tịch thu tài khoản do các chính phủ không có thiện cảm với công giáo. Ngân hàng cũng giúp đỡ nhiều cho các tổ chức tôn giáo hoạt động tại nhiều quốc gia, ví dụ một dòng truyền giáo muốn gửi tiền cho cộng đoàn ở châu Phi, họ có thể giữ tài khoản bằng Mỹ kim tại ngân hàng Vatican và chỉ đổi thành tiền châu Phi khi cần thiết.
Lợi nhuận của ngân hàng được trình lên Đức giáo hoàng và phần lớn được ngài dùng vào việc giúp các Giáo hội có nhu cầu. Đức hồng y Castillo giải thích: “Có nhiều Giáo hội trong thế giới thứ ba và ngày nay tại Đông Âu cần sự giúp đỡ. Đức Thánh Cha cần có tiền để giúp nhiều việc: ở Rwanda, Mozambique và những nơi khác. Tất cả đều là việc bác ái, chỉ dành một phần nhỏ cho việc chi phí của giáo triều Rôma”.
Viện giáo vụ đã từng bị công kích về nhiều chuyện, từ việc giúp các nhà giàu ở Ý trốn thuế đến việc rửa tiền cho Mafia. Vụ việc ồn ào nhất là sự sụp đổ của Banco Ambrosiano năm 1982 mà Viện giáo vụ bị kết án là có dính líu. Người đứng đầu Viện giáo vụ lúc ấy là Tổng giám mục Paul Marcinkus, người Mỹ. Không ai nghĩ rằng ngài đã dùng vị thế cá nhân để kiếm lợi riêng nhưng nhiều người cho rằng ngài hơi ngây thơ khi quá tin tưởng Roberto Calvi là giám đốc ngân hàng Ambrosio lúc đó. Ba mươi ba người đã bị buộc tội trong vụ việc này, Roberto Calvi tự tử ở cầu Blackfriars tại Luân Đôn, riêng Tổng giám mục Marcinkus có quyền miễn trừ về ngoại giao nên chính phủ Ý không thể kết tội.
Nhiều khi, các tổ chức tôn giáo, cách riêng tại Ý, cũng có thể gây khó khăn cho ngân hàng Vatican, chẳng hạn khi họ dùng những tài khoản của mình để giúp các ân nhân tại Ý chuyển tiền ra nước ngoài mà không bị chính quyền Ý kiểm soát. Vì có hằng trăm hội dòng và tổ chức tôn giáo có tài khoản tại ngân hàng nên không dễ để kiểm soát được những lạm dụng này, do đó ngân hàng bị quy gán trách nhiệm là cộng tác với hoạt động rửa tiền.
Đôi khi ngân hàng Vatican cũng được sử dụng để tránh những hạn chế của các quốc gia về việc chuyển tài sản của Giáo Hội. Ví dụ, Tòa Thánh đã chống lại việc cấm vận kinh tế đối với Ba Lan sau khi nước này ban hành thiết quân luật năm 1981, và tiếp tục gửi tiền giúp Giáo Hội Ba Lan qua ngân hàng Vatican. Tương tự như thế, Tòa Thánh chống lại việc cấm vận kinh tế đối với Cuba, do đó những nguồn giúp đỡ từ Hoa Kỳ có thể gửi cho Giáo Hội Cuba qua ngân hàng Vatican, điều mà theo quy định của Hoa Kỳ là trái luật.
Ngoài những sai sót trong việc điều hành, không thể không nói đến sự tấn công từ bên ngoài. Đức hồng y Castillo nhận định: “Tại Ý, ảnh hưởng của Tam điểm rất lớn trong hoạt động ngân hàng và báo chí, và họ tấn công Tòa Thánh cũng như Viện giáo vụ cách dữ dội”.
(Nguồn: Thomas J. Reese, Inside the Vatican, Harvard University Press, 1996)

 
Thiên Triệu

Ủy ban Thánh nhạc: Giải thưởng Thánh ca “Kinh Hòa Bình”






 
UB Thánh nhạc / HĐGMVN

Những quy định về hưởng ân xá trong dịp Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VII



Những quy định về hưởng ân xá trong dịp Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VII
WHĐ (26.05.2012) / VIS Ngày 25-05, Tòa Ân giải tối cao Tòa Thánh đã ban hành một sắc lệnh ban ân xá cho các tín hữu tham dự Đại hội Thế giới các gia đình lần thứ VII, được tổ chức tại Milano, Italia, từ 30 tháng Năm đến 3 tháng Sáu 2012.
Sắc lệnh giải thích, để giúp các tín hữu chuẩn bị sự kiện này về phương diện thiêng liêng, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI ban ân xá để, “một khi thực sự sám hối được đức bác ái thúc đẩy, các tín hữu sẽ tận tâm thánh hóa gia đình, theo mẫu gương Thánh Gia Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse.
Ơn toàn xá được ban theo các điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng) cho các tín hữu, hoàn toàn từ bỏ tội lỗi, sốt sắng tham gia vào một trong các cử hành tại Đại hội Thế giới các gia đình, trong lễ bế mạc trọng thể.
Tuy nhiên tín hữu nào không thể tham dự Đại hội vẫn có thể được ơn toàn xá với cùng điều kiện nếu, “hiệp thông về mặt thiêng liêng với các tín hữu quy tụ Milano bằng cách đọc kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính và các kinh nguyện đạo đức khác, kêu xin Lòng Chúa Thương Xót ban cho những ơn nói trên, nhất là khi Đức Thánh Cha ngỏ lời - được truyền đi qua truyền thanh và truyền hình.
Ơn tiểu được ban cho tín hữu nào “trong thời gian này, lấy lòng thống hối mà cầu nguyện cho thiện ích của các gia đình, vào bất cứ lúc nào.
Sắc lệnh, do Đức hồng y Manuel Monteiro de Castro - Chánh án Tòa Ân giải tối cao Đức giám mục Gianfranco Girotti, OFM. Conv - chánh lục sự - ký tên, ​​cũng đ cập đến chủ đề của Đại hội Gia Đình: công việc ngày lễ cho biết Đại hội sẽ xem xét cách thức dung hòa các nhu cầu của gia đình với nhu cầu làm việc và nghỉ ngơi, nhất vào ngày Chúa nhật, ngày của Chúa và ngày của con người, ngày của gia đình của cộng đoàn”.
(VIS, 25-05-2012)
 
Minh Đức

Chúa Thánh Thần tạo dựng hiệp nhất và hiệp thông giữa mọi dân nước.

Chúa Thánh Thần tạo dựng hiệp nhất
và hiệp thông giữa mọi dân nước


Vatican (Vat. 27/05/2012) - Lễ Ngũ Tuần là lễ của sự hiệp nhất, hiểu biết và hiệp thông nhân loại. Thần Khí của Thiên Chúa, là Ðấng ban cho chúng ta một con tim mới, một tiếng nói mới và một khả năng truyền thông mới, làm cho chúng ta rộng mở cho tha nhân và cho thế giới.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ kính Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 27 tháng 5 năm 2012.
Thánh lễ đã bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi sáng. Cùng đồng tế với Ðức Thánh Cha có 40 Hồng Y, và 50 Tổng Giám Mục và Giám Mục. Tham dự tánh lễ hàng trăm linh mục tu sĩ nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh và 10.000 giáo dân. Ðảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 150 thánh viên ca đoàn và ban nhạc trẻ của Hàn lâm viện Thánh Cecilia, và ca đoàn hướng dẫn tín hữu gồm 60 ca viên.
Giảng trong thánh lễ Ðức Thánh Cha đã quảng diễn các bài đọc vá nói về ý nghĩa lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Hiện Xuống là mầu nhiệm làm thành phép rửa của Giáo Hội, là biến cố đã trao ban hình thể ban đầu và thúc đẩy sứ mệnh của Giáo Hội. Hình thể và sự thúc đậy đó luôn luôn thời sự và được canh tân cách đăc biệt trong các hành động phụng vụ. Ðức Thánh Cha định nghĩa lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như sau:
Lễ Ngũ Tuần là lễ của sự hiệp nhất, hiểu biết và hiệp thông nhân loại. Tất cả chúng ta đều có thể nhận thấy trong thế giới sự hiểu biết và hiệp thông giữa con người với nhau thường hời hợt và khó khăn thế nào, cả khi chúng ta luôn luôn ở gần nhau với sự phát triển của các phương tiện truyền thông và các khoảng cách địa lý xem ra biến mất. Nhưng các mất quân bình vẫn còn đó và thường khi dẫn đưa tới các xung đột. Việc đối thoại giữa các thế hệ trở thành vất vả và nhiều khi thái độ chống đối thắng thế. Hàng ngày chúng ta chứng kiến các sự kiện cho thấy xem ra con người đang trở thành hiếu chiến và hay gây sự hơn. Hiểu nhau xem ra qúa đòi hỏi dấn, thân và người ta thích ở trong cái "tôi" và các lợi lộc của mình. Trong tình trạng này chúng ta có thể tìm ra và sống sư hiệp nhất mà chúng ta cần đến biết bao hay không?
Trình thuật lễ Ngũ Tuần trong sách Công Vụ chứa đựng trong hậu cảnh câu chuyệm cổ xây tháp Babel (St 11,1-9). Tháp Babel miêu tả một vương quốc trong đó con người đã tập trung biết nhiêu quyền bính, đến độ nó nghĩ rằng không cần phải quy chiếu về một vì Thiên Chúa xa xôi nữa, và nó tin mình mạnh mẽ tới độ có thể tự mình xậy dựng một con đường lên tới trời để mở cửa trời ra, và nó tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa. Nhưng chính trong lúc con người cùng nhau làm việc để xây tháp, thì bất chợt họ nhận ra rằng họ đang xây dựng chống lại nhau. Trong khi tìm trở thành giống như Thiên Chúa họ gặp nguy hiểm cũng không còn là người nữa, bởi vì họ đã đánh mất đi một yếu tố nền tảng của các bản vị con người: đó là khả năng đồng ý với nhau, hiểu nhau và cùng hoạt động với nhau.
Trình thuật kinh thánh này chứa đựng một sự thật trường tồn mà chúng ta có thể trông thấy trong lịch sử và trên thế giới. Với tiến bộ của khoa học và kỹ thuật chúng ta đã đi tới quyền lực thống trị các sức mạnh của thiên nhiên, lèo lái các yếu tố, chế tạo ra sinh vật và hầu như cả con người. Trong tình trạng này khẩn cầu Thiên Chúa xem ra là điều lỗi thời, vô ích, bởi vì chính chúng ta có thể xây dựng và thực hiện tất cả những gì chúng ta muốn. Nhưng chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống cùng kinh nghiệm cái tháp Babel. Thật thế, chúng ta đã gia tăng các khả năng truyền thông, thu thập và truyền bá tin tức, nhưng chúng ta có thể nói rằng khả năng hiểu biết nhau có gia tăng, hay có lẽ, một cách mâu thuẫn, chúng ta lại ngày càng ít hiểu nhau hơn? Giữa con người với nhau lại không luồn lách một ý thức bất tín nhiệm, nghi ngờ và sợ hãi nhau cho tới trở thành nguy nhiểm đối với nhau hay sao? Vậy thì có thể có sự hiệp nhất và đồng tâm thực sự hay không?
Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Thánh Kinh: sự hiệp nhất chỉ có với ơn Thần Khí của Thiên Chúa, là Ðấng sẽ ban cho chúng ta một con tim mới và một tiếng nói mới, một khả năng truyền thông mới. Ðó là điều đã xảy ra buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần, năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua, khi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần xuống trên các môn đệ, đậu trên từng người và đốt lên nơi họ ngọn lửa thiên linh, một ngọn lửa tình yêu có khả năng biến đổi. Sự sợ hãi biến mất, con tim cảm thấy một sức mạnh mới, các miệng lưỡi mở ra và bắt đầu nói với sự thẳng thằn, đến độ mọi người đều có thể hiểu việc loan báo Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại. Vào lễ Ngũ Tuần nơi có sự chia rẽ và xa lạ lại nảy sinh ra sự hiệp nhất và hiểu biết.
Ðề cập tới lời Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm: "Khi Người tới, Thần chân lý sẽ hướng dẫn các con tới sự thật toàn vẹn" (Ga 16,13) Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài giảng:
Ở đây khi nói về Thánh Thần, Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta biết Giáo Hội là gì, và Giáo Hội phải sống thế nào để là chính mình, để là nơi của sự hiệp nhất và hiệp thông trong Chân Lý. Người nói với chúng ta rằng hành động như kitô hữu có nghĩa là không đóng kín trong cái "tôi" của mình, mà hướng về cái tất cả; có nghĩa là tiếp nhận trong chính mình toàn thể Giáo Hội, hay đúng hơn để cho Giáo Hội tiếp nhận chúng ta trong nội tâm... Chúa Thánh Thần, Thần Khí của sự hiệp nhất và chân lý có thể tiếp tục vang lên trong tâm trí con người và thúc đẩy họ gặp gỡ nhau và tiếp nhận nhau... Chúng ta không lớn lên khi khép kín trong cái "tôi" của chúng ta, nhưng lớn lên mà khi có khả năng lắng nghe và chia sẻ, chỉ trong cái "chúng ta" của Giáo Hội, với một thái độ khiêm tốn sâu xa trong nội tâm... Nơi đâu con người muốn làm Thiên Chúa, thì họ chỉ có thể chống đối nhau. Trái lại nơi đâu họ đặt để mình trong chân lý của Chúa, thì họ rộng mở cho hành động của Thần Khí nâng đỡ và hiệp nhất họ với nhau.
Khi dặn tín hữu "Anh em hãy bước đi theo Thần Khí và sẽ không bị dẫn tới sự thỏa mãn của xác thịt" (Gl 5,16) thánh Phaolô giải thích rằng đời sống cá nhân của chúng ta bị ghi dấu bởi một cuộc xung khăc nội tâm, bởi một sự chia rẽ giữa các thúc đẩy đến từ xác thịt và các thúc đẩy đến từ Thần Khí, và chúng ta không thể theo cả hai. Thật vậy, chúng ta không thể vừa ích kỷ vừa qủang đại, vừa theo khuynh hướng thống trị người khác vừa cảm thấy niềm vui phục vụ vô vị lợi. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn với sự trợ giúp của Thần Khí Chúa Kitô. Vì các công việc của xác thịt là các tội ích kỷ , bạo lực, thù nghịch, bất hòa, ghen tương, chia rẽ. Ðó là càc tư tưởng và hành động không giúp sống là người và là kitô hữu thực sự trong tình yêu. Ðó là hướng đi dẫn chúng ta tới sụ hư mất cuộc sống. Trái lại, Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tới các đỉnh cao của Thiên Chúa, để ngay trên trái đất này chúng ta sống mầm giống cuộc sống thiên linh của tình yêu, niềm vui và hòa bình (Gl 5,22). Như thế sự hiệp nhất của lễ Ngũ Tuần đối chọi lại sự phân tán của tháp Babel.
Chúng ta phải cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng ta lựa chọn chân lý của Chúa Kitô được thông truyền trong Giáo Hội.
Trong phần dâng của lễ một gia đình Ấn Ðộ gồm cha mẹ và hai con nhỏ, hai nữ tu và hai nam giáo dân đã dâng lễ vật lên Ðức Thánh Cha. Trong phần rước lễ 150 Linh Mục đã giúp Ðức Thánh Cha phân phát Mình Thánh Chúa cho tín hữu.
Lúc 12 giờ trưa Ðức Thánh Cha đã ra cửa sổ phòng làm việc của ngài để đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Ðàng với gần 50,000 tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn Ðức Thánh Cha nói lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống nhắc nhớ và làm sống lại việc đổ tràn đầy Thánh Thần trên các Tông Ðồ và các môn đệ khác tụ tập nhau cầu nguyện với Mẹ Maria. Chúa Giêsu phục sinh và lên trời gửi Thần Khí của Người cho Giáo Hôi để mỗi kitô hữu có thể chia sẻ vào chính cuộc sống của Thiên Chúa và trở thành chứng nhân giá trị của Người trong thế giới. Ðức Thánh Cha nói tiếp
Thần Khí đã nói qua các ngÔn sứ với cac ơn khôn ngoan và hiểu biết, tiếp tục linh hứng cho các người nam nữ dấn thân kiếm tìm chân lý, bằng cách đề nghị các con đường độc đáo của sự hiểu biết và đào sâu mầu nhiệm của Thiên Chúa cũng như của con người và của thế giới.
Trong bối cảnh đó Ðức Thánh Cha thông báo cho tín hữu biết ngày 7 tháng 10 năm 2012, nhân dịp khai mở Thượng Hội Ðồng Giám Mục, ngài sẽ tuyên bố thánh Gioan thành Avila và thánh nữ Hildegard thành Bingen là Tiến Sĩ Giáo Hội hoàn vũ. Hai vị là các chứng nhân lớn sống trong các thời đại lich sử, môi trường và văn hóa khác nhau. Thánh nữ Hilgegard là nữ tu biển đức sống vào thời Trung Cổ, bên Ðức, là bậc thầy thần học và là người hiểu biết sâu rộng về khoa học thiên nhiên và âm nhạc. Còn thánh Gioan thành Avila là linh mục giáo phận, sống vào thời Phục Hưng bên Tây Ban Nha, tham dự vào các khó nhọc của việc canh tân văn hóa và tôn giáo của Giáo Hội và xã hội vào lúc khởi đầu thời đại tân tiến. Nhưng cuộc sống thánh thiện và giáo thuyết sâu xa khiến cho các vị thời sự một cách trường cửu. Ơn Thánh Thần dự phóng các vị vào trong kinh nghiệm hiểu biết sâu xa mạc khải của Thiên Chúa và cuộc đối thoại thông minh với thế giới, là chân trời thường hằng cuộc sống và hoạt động của Giáo Hôi.
Dưới ánh sáng của chương trình tái truyền giảng Tin Mừng là đề tài của Thưởng Hội Ðồng Giám Mục thế giới, và trước thềm năm Ðức Tin Ðức Thánh Cha cầu mong qua giáo huấn của hai Thánh Tiến Sĩ, Thần Khí Chúa tiếp tục làm vang lên tiếng nói và soi sáng con đường dẫn tới Chân Lý duy nhất, có thể khiến cho chúng ta được tự do và trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống chúng ta.
Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng và ban phép lành tòa thánh cho mọi người và chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)